‘Mọi công dân bình đẳng’, chỉ là cái bánh vẽ?!

1. Nghe nói Chị vào xã quyền làm um sùm… về chuyện bắt con trai Chị đưa đi nghĩa vụ quân sự.

Chị bất mãn, bởi bao nhiêu thanh niên trang lứa như con Chị, khỏe mạnh ‘da thịt’ hơn con Chị sao không bắt đi nghĩa vụ quân sự, lại chọn con Chị…

Chị nêu tên cụ thể… (ghê chưa!)

Cán bộ ra khuyên Chị về, không chấp !… Dường như ‘cảm thông’ với nỗi bất mãn của Chị, với gia cảnh thuộc diện nghèo trên địa bàn.

Đúng, gia cảnh Chị nghèo khổ !…

Hàng tháng Ban Bác ái xã hội (Caritas) của Giáo phận vẫn gởi hỗ trợ phần quà cho những gia đình nghèo, bất kể lương giáo. Nhiều năm nay Chị vẫn nằm trong danh sách ưu tiên; ngay cả khi có hội đoàn có qùa tương trợ người nghèo, tớ cũng không quên Gia đình Chị.

Thằng con trai lớn thuộc dòng đích tôn nhà Chị, sau bao nhiêu cố gắng lo toan cho con học xong Tú Tài, rồi may mắn được người ta giúp, xin được chỗ ổn định trong công ty…

(Nói ‘may mắn’ được nhận làm công ty, vì theo nhãn quan của tớ- con Chị xem ra ‘thiếu sức khỏe’, người cao nhỏng, gầy còm…)

Gánh nặng gia đình nghèo với ba đứa em nhỏ tuổi còn đi học, người chồng đã có tuổi, công ăn việc làm không ổn định… nhờ lương con hàng tháng cũng giảm bớt gánh nặng đáng kể cho Chị.

Đùng một cái, con Chị trúng đi nghĩa vụ quân sự !

2. Anh vào Nhà xứ, thăm Cha xứ, cà phê… và bộc phát

– Năm nay con quyết định cho thằng con đi nghĩa vụ quân sự. Năm nào cũng phải chạy tiền, đến 25 tuổi mới hết thì tiền đâu lo cho xuể[1].

– Là sao… bác nói gì em không hiểu ?

Một vài người khác đang cafe giải thích:

– Cha muốn mình không có trong danh sách trúng tuyển thì phải chủ động biết điều ‘xì tiền’ để người ta loại tên con mình; nếu không ‘biết điều’ danh sách chốt rồi gởi lên trên, tốn kém hơn (cỡ vài chục triệu) mới rút tên được…

Tớ bất ngờ trước thông tin ‘ăn bẩn’ này…

Dẫu vậy tớ trấn an:

– Thời này đâu có chiến tranh đâu mà sợ. Cho đi nghĩa vụ quân sự cũng rất tốt, có môi trường rèn luyện nghị lực ý chí; với lại đi chừng 2 năm đã về (tớ minh họa cụ thể 2 thằng con ông anh mình)…

Tớ nói thật lòng, tớ cũng thích đi nghĩa vụ quân sự lắm nhưng không được gọi.

Nhớ lại ngày trước. khi có giấy mời đi khám sức khỏe để thực thi nghĩa vụ quân sự, tớ sốt sáng đi ngay. Bác sĩ khám thấy tay thuận tớ, ngón bóp còi mất một đốt (tớ nghĩ vẫn… bóp còi tốt; chẳng hạn lúc học quân sự thời đại học tớ vẫn hoàn thành tốt việc bắn súng, ném lựu đạn); rồi lại thấy vết thương mổ dài phía đùi (hồi bé tớ bị đụng xe, gẫy xương phải mổ nẹp); có lẽ lý do chính tớ ‘trúng tuyển đại học’, để cho học. Học xong trong thời gian chờ gọi nghĩa vụ quân sự, tớ viết báo… Rồi họ quên gọi tớ !

Bây giờ ước mơ ấy đành gác bỏ vì quá quá độ tuổi; lại cận thị đến hơn 2 điop… Tuy nhiên nếu muốn tuyển Linh mục Tuyên Úy thì tớ sẵn sàng…)

Rồi tớ kết lại câu tuyên truyền:

– Thi hành nghĩa vụ là vinh quanh.

Bất ngờ có tiếng…bắt bẻ.

– Có thật là vinh quang không ? Nếu thực thi nghĩa vụ quân sự là vinh quang sao con cán bộ không muốn nhận ?

Phản bác đúng quá với thực tế sinh động như thế thì tớ chỉ biết… bí và nhột.

3. Tớ ‘bí’ và ‘nhột’ vì lời ‘nếu nghĩa vụ quân sự là vinh quang sao con cán bộ không muôn nhận’, người ‘bắt bẻ’ chẳng qua lặp lại ý tưởng của một quan lớn cật vấn trên nghị trường.

Tớ nhớ rõ, trên nghị trường khi dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt thẳng vấn đề: ‘Tại sao vinh quang này con em cán bộ đảng viên, con nhà giầu người ta không nhận ?’

Rồi vị đại biểu ‘tự thú’ nghe đến xót lòng: ‘Vinh quang có lẽ chỉ thuộc về con em nông dân’[2]

Hiến pháp quy định rõ ràng: ‘Mọi người đều bình đẳng trước pháp luất; không ai bị phân biệt đối xử trong cuộc sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội’ (Điều 16)

Nhưng thực tế, cứ căn cứ trên lời quan đại biểu, thực tế mọi công dân không bình đẳng, có sự phân biệt ít nhất ở ba cấp:

1. Cán bộ đảng viên

2. Nhà giầu

3. Nông dân (hay còn gọi là Dân đen, người không có quền và không có tiền)

Nhẽ nào ‘mọi người bình đẳng trước pháp luật’ thực ra chỉ là cái bánh vẽ ?

Quyền con người cứ mãi là bánh vẽ thì sao là ‘của Dân- Do Dân- Vì Dân’ được ? Làm sao đất nước sánh bước với nền văn minh Dân chủ được?

Quyền con người cứ mãi là bánh vẽ phải chăng đó chính là ‘đỉnh cao trí tuệ’- là thời rực rỡ nhất- Dân chủ đến thế cùng ?

Lm. Đaminh Hương Quất

[1] Theo quy định Luật Nghãi vụ quân sự‘Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ. Độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi’

[2]X. giaoduc.net.vn

Exit mobile version