Vì yêu thương nên Thiên Chúa đã chuẩn bị cho con người đón nhận lời hứa cứu độ của Ngài qua các tiên tri, mà vị chuẩn bị gần nhất cho sự xuất hiện của Đấng Cứu Độ chính là Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên còn có những người không đón nhận ông Gioan Tẩy Giả, cũng chẳng đón nhận Chúa Giêsu. Cho nên chính sự cứng lòng làm cản trở con người đón nhận ơn cứu độ.
Chúa Giêsu đã chỉ ra hai việc phải làm để chiếm hữu sự sống vĩnh cửu: “Sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Đức Giêsu Kitô” (Ga 17, 3). Niềm hy vọng Kitô giáo đặt nền tảng trên đức tin. Có tin người ta mới chờ. Có chắc chắn người ta mới đợi. Không ai chờ một điều tuyệt vọng. Không ai đợi một sự mông lung.
Người Do thái đương thời với Chúa Giêsu (và cho đến nay) chỉ làm việc thứ nhất: nhận biết Cha, còn việc thứ hai, họ không tin và thậm chí còn công kích, loại trừ Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã ví những con người đó như một lũ trẻ, cứng đầu cứng cổ, luôn luôn bắt người khác chiều chuộng mình. .
Người Do Thái yêu cầu Chúa phải hành xử theo ý họ giống như hai nhóm trẻ chơi với nhau, nhóm này thổi sáo thì bắt nhóm kia phải múa nhảy để thành trò chơi đám cưới; hay nhóm này thổi kèm bắt nhóm kia phải khóc lóc cho ra trò chơi đám ma. Một khi nó không được điều gì như nó mong đợi thì dù cho có ai tác động, khuyên lơn như thế nào nó cũng không nghe: “Tụi tôi thổi sao cho các anh, mà các anh không nhảy múa” (Mt 11, 17).
Sự cứng lòng còn được thể hiện qua việc không chấp nhận người khác, mà bắt người khác phải như mình suy nghĩ, mong muốn: “Ông Gioan đến, không ăn, không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám’. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt 11, 19a).
Gioan Tẩy Giả đến sống khắc khổ, mời gọi ăn năn sám hối, thì họ lại lên án Gioan là người bị quỷ ám. Ngược lại, Chúa Giêsu đến, cùng đồng bàn, cùng ăn, cùng uống trong nhịp đời của họ, thì họ lại ta thán, chỉ trích Ngài là kẻ mê ăn mê uống, bạn bè với những người thu thuế và tội lỗi. Ngài ví thế hệ chai lì ấy như cái lũ trẻ con chơi trò múa hát giữa phố chợ. Nhóm này thổi sáo, nhưng nhóm kia không thèm nhảy múa; nhóm này than vãn, nhóm khác tỉnh queo, không than không khóc. Đề nghị thế nào, họ cũng chẳng làm theo, bởi cái “cứng lòng” đã chi phối hết tất cả. Họ đã không tin Ngài.
Khi thánh Gioan Tẩy Giả đến rao giảng ơn cứu độ, người không ăn uống thì được gán cho nhãn hiệu là bị quỉ ám. Ðức Kitô đến, Người ăn uống như bình thường thì bị kết án là người mê ăn uống, là bạn của quân thu thuế và tội lỗi. Họ chỉ hiểu ơn cứu độ theo quan điểm riêng của mình, chỉ nhìn Ðấng Messia theo cái nhìn phiến diện nên người Do Thái đã khép chặt cửa lòng trước lời mời gọi của ơn cứu rỗi.
Với cái nhìn phiến diện đã nảy sinh những phe phái chủ quan chẳng khác gì bọn trẻ nít ngồi nơi phố chợ: “Chúng tôi thổi sáo sao các bạn không nhảy múa. Chúng tôi than vãn sao các bạn không than khóc?” Chính vì thế mà ơn cứu độ đến và qua đi mà người Do Thái chẳng nhận ra: “Ngài đã đến trong nhà Ngài nhưng người nhà đã không nhận ra Ngài, không đón tiếp Ngài”.
Chúa Giêsu đến, Ngài đem lời của Tin Mừng cứu độ và ngỏ với con người. Chỉ những ai khôn ngoan thật mới nhận ra Ngài, mới nghe được tiếng Ngài. Ngài đã đồng kiếp người, trong những cái nhỏ nhoi nhất để chia san, để cùng sống với những cung bậc của nhịp đời con người đang sống với.
Giữa những sai lầm của con người, Thiên Chúa lên tiếng, chỉ dạy, kêu gọi con người sám hối, trở về, tin vào Ngài để đón nhận ơn cứu rỗi. Ngài hướng dẫn, chỉ ra con đường của sự thật, con đường đi đến hạnh phúc trường sinh. Kẻ khôn ngoan thực phải là người rất tinh tế để nhận ra Ngài, Thiên Chúa của lòng mình. Sự khôn ngoan ấy sẽ giúp con người có được lòng khiêm tốn, mở ra để đón nhận chân lý và trở về với Thiên Chúa.
Lời Chúa mời gọi ta hãy hoán cải, nghĩa là biết đặt đúng mục tiêu của cuộc đời mình là được hạnh phúc viên mãn. Chính vì vậy phải biết từ bỏ những thứ là hư vô, ảo huyền; chính là những sai trái, méo mó, lệch lạc; những niềm vui chóng qua ở trần gian này.
Ngày nay nhiều người cũng mắc phải căn bệnh của người Do Thái. Ðức Kitô được trình bày trọn vẹn trong Kinh Thánh, qua Phụng Vụ và qua Giáo Hội, thế mà người ta lại giới hạn Ðức Kitô trong cái nhìn của họ. Họ cũng giới thiệu Ðức Kitô cho người khác nhưng đây chỉ là một Ðức Kitô bị bóp méo cho hợp với chủ trương của họ, có lợi cho họ. Và nếu có một ai giới thiệu Ðức Kitô khác với chủ trương và đi ngược lại với quyền lợi thì họ sẵn sàng kết án hoặc bôi nhọ làm sao để đừng mất đi quyền lợi của mình.
Nhiều lần nhiều lúc trong cuộc đời, ta đã hành động như người Do Thái, nhìn Chúa bằng một cái nhìn phiến diện. Chỉ đón nhận Thiên Chúa hợp với sở thích, quyền lợi, giới thiệu cho người khác hoặc Thiên Chúa bị uốn nắn theo những điều con nghĩ tưởng, và nếu có điều nào khác quyền lợi của ta, ta sẽ sẵn sàng kết án dù cho đó là chân lý, là sự thật.
Khi tự biến mình thành tiêu chuẩn, thước đo của chân lý và các giá trị đạo đức, con người sẽ trở nên nô lệ của chính mình (ý riêng, tập tục…), và sẽ mù loà, điếc lác đối với những lời mời gọi tương lai, với những chân trời mới, với niềm hy vọng mới.
Xin Chúa biến đổi ta để ta biết nhận ra Chúa đang hiện diện trong mọi biến cố của cuộc đời và trong mỗi anh chị em con, và biết sử dụng thật tốt những ơn lành Chúa ban.
Huệ Minh