Miền cô đơn!

Hành trình tương đối dài khiến nàng cảm thấy mệt mỏi. Bước vào phòng, chẳng buồn xếp quần áo, đồ đạc, ném tất cả lên giường, nàng chỉ muốn nằm kềnh trên giường đệm nghỉ ngơi cho đã… Điệu nhạc thân quen phát ra từ chiếc di động Nokia mà nàng vừa vứt trên giường ngủ, định cầm nghe nhưng khi thấy hiện số của chồng, lại thôi…! Nhạc điệu lại đổ liên hồi, nghe có phần giục giã… Vẫn số của chồng. Bực quá thể, nàng tắt luôn máy !…

Chẳng còn bị phiền phức, nàng nằm nghỉ một tí, rồi đi tắm.

6 giờ chiều, trời Đà Lạt vẫn sáng. Hôm nay có nhiều chuyện rắc rối ngoài ý muốn xảy đến, khiến nàng không vui, cho đến giờ vẫn chưa hết bực mình. Chiếc điện thoại vẫn nằm yên trên giường. Chết chưa…, quên bẽnh nó mất! Nàng mở máy lại, đút vào túi quần, ra gara lấy xe con chạy vòng bờ hồ Xuân Hương… Khí trời mát mẻ như mùa thu Hà Nội. Người ta bảo, bốn mùa trong năm dồn tất vào một ngày ở thành phố du lịch nổi tiếng này: Sáng-Xuân, Trưa-Hạ, Chiều-Thu, Đêm-Đông… Nàng tắt máy điều hoà, hạ tấm kính xe, làn gió ùa vào, hít một hơi thật sâu không khí thiên đường cao nguyên, nàng tận hưởng sảng khoái… Điệu nhạc môbai lại trỗi dậy… Nàng lấy xem, vẫn số của chồng. Cục bực nguyên buổi chiều lại trở về. Nàng định không nghe nhưng không hiểu sao lại bật nắp điện thoại, đưa lên tai.

– Em đang ở đâu đấy? Làm gì mà cúp máy, khoá máy hoài vậy?!… Giọng chồng bực tức nghe đầy hình sự.

Tôi ở đâu hả, ông làm như người hành tinh mới rớt xuống trái đất. Làm gì kệ thây tôi, điều tra tôi kỹ vậy! Ông dư biết tôi đang lo chuyện làm ăn cho bố, trên Đà Lạt… Nàng định nói thế, không hiểu sao lại nói khác: “Có chuyện gì nói nhanh đi, phiền quá!” – nàng đốp chát không kém phần bực bội.

Hình như biết nàng giận, đầu dây bên kia có vẻ xuống nước, dịu giọng: – Em về ngay, có chuyện lớn xảy ra, con Nhi chết rồi!

– Ai chết?

– Còn ai trồng khoai đất này. Con Nhi nhà chú Chánh!

– Nhi, sao chết?

– Nó tự tử. Trưa phát hiện, đưa đi bệnh viện, quá muộn!

Nàng đưa chân đạp thắng, “kít…” chiếc xe con đột ngột dừng lại. Đôi trai gái phía sau đi trên chiếc Wave suýt chút nữa đụng phải. Chàng trai còn quay lại nhìn, chửi một câu rõ to: “ĐM, người đẹp thế mà chạy ẩu!” khi vụt qua nàng.

Hung tin Nhi tự tử đến quá đột ngột. Mới thứ bảy trước qua nhà chú Chánh còn gặp nó mà…

Nàng phải thu xếp về Sài Gòn, ngay trong đêm.

@@@

Nhi nằm đấy, trên chiếc giường đơn đẹp, tấm vải lụa trắng tinh đắp toàn thân, chung quanh chải đầy hoa tươi, trên người cũng rải nhiều dây hoa. Nhi nằm đấy, mặt đã được đánh phấn trắng hồng, xinh đẹp khả ái, bất động trong giấc ngủ ngàn thu. Nàng rút nhang- đúng 3 cây nhang- châm đốt rồi bái một bái như lời chào báo biết nàng đã đến.

Phía ngoài, thân quyến, bạn bè vẫn đang sầm xì vế cái chết khó hiểu… Tại sao Nhi tự tử? Tại sao?…

– Nó chết không một lời trăn trối, không một dòng thư tuyệt mệnh để lại … Kiểm tra kỹ, bút tích cuối cùng của nó chỉ ghi trên lịch bàn “chán – chết!”… Nhà nó nói thế!

– Nhi mà cũng biết chán ư ? Làm gì có chuyện đó. Cuộc sống của Nhi là thiên đường, có tất cả mọi thứ. Cô nàng mà chán, có lẽ trên đời chẳng còn thú vị nào đáng sống, có lẽ thế giới sắp chết mất thôi… Chắc chắn còn có động cơ nào đó, chứkhông phải chán đâu!

Nàng vẫn ngồi đấy, yên lặng như người ngoài cuộc. Người ta tha hồ bình phẩm, xít xoa tiếc dùm cuộc đời quá tuyệt và quá ngắn ngủi của Nhi. Cuộc đời của “con bé” quá hoàn hảo, là mơ ước và đích nhắm đạt tới của bất cứ người con gái- phụ nữ nào sống trên hành tinh này. Đây nhé, Nhi vừa xinh đẹp vừa con nhà một đại gia giầu sang, có vị thế trong xã hội; bước ra khỏi cửa cần là có xe con đưa rước, đến đâu cũng được mọi người chào đón, nuông chiều… Tuyệt nhất là sắp về làm dâu gia đình một “đại quan”- to lớn nhất nhì miền này.

– Phải đấy, nghe nói bố mẹ hai bên đã nói chuyện và ấn định ngày lành tháng tốt tổ chức đám cưới… Ơ, biết đâu con nhỏ chết vì chuyện duyên tình. Chẳng hạn gia đình bắt lấy người mình không yêu thương..

– Không phải đâu, một người khác xen ngang. Nói thế thì oan cho bố mẹ nó quá. Tao biết rõ ông bà Chánh không phải loại người cổ hủ ép duyên ép tình con cái đâu. Giả như con Nhi chọn thằng què, thẳng hủi nào đó làm chồng, tao nghĩ bố mẹ nó vẫn trân trọng quyết định của con…

Câu chuyện những tưởng có lời giải thích đáng lại rơi vào bế tắc. Người ta lại quay trở về điểm khởi đầu, luẩn quẩn…

Thật là lắm chuyện, suy diễn lung tung! “Chán-chết!”, Nhi đã chẳng trả lời rõ ràng thế còn gì! Bộ các người cứ tưởng giầu là sướng lắm hả, đẹp- nổi tiếng là hạnh phúc lắm hả!… “Em thấy cuộc đời bế tắc, nhạt nhẽo, chán quá hà!”, hơn một lần chỗ chị em gái chung cảnh Nhi đã nói với nàng như thế. Nói đâu xa, mới thứ bảy tuần trước gặp nàng, Nhi còn khoe: “Em tìm được lối giải thoát khỏi bế tắc rồi!”… Nàng đã mường tượng đến điều không hay nhưng không ngờ Nhi lại liều thế. “Nói liều”, vì nàng cũng từng trong tâm cảm như Nhi, từng nghĩ đến cái chết nhưng nàng lại không dám ra tay tự quyết, không dám liều như Nhi.

Có tiếng xôn xao trong nhà, rồi tiếp nhịp chân chạy…

– Ối Nhi ơi, Nhi ôi! Sao con lại dại dột chết bỏ mẹ bỏ cha, Nhi ơi!… – Tiếng của thím Chánh. Nàng vẫn ngồi nguyên. Nghe nói, thím đã ngất xỉu mấy bận, cứ tỉnh lại gào khóc. Từ lúc vào, nàng không thấy bóng thím, có lẽ người nhà đưa lên phòng nghỉ, giờ tỉnh lại ra than khóc. “Bố mẹ có để con thiếu thốn gì đâu, con muốn gì cũng có mà… hư… hư… hư!.. Sao con lại dại dột đi sớm vậy con ơi, hư… hư?!…” – tiếng thím khóc, kể than nghe thảm quá!

Cái chết của Nhi cũng là vấn đề mà ngay cả bố mẹ cũng không hiểu được. Người ta cố tình không hiểu, hay không thể hiểu được mặc dù bút tích Nhi đã nói rõ, đơn giản và chính xác: “Chán-chết!” (?!) Không ai hiểu Nhi bằng nàng, không ai biết được cái chết của Nhi bằng nàng. Nàng đã từng lạc lõng, thấy cuộc đời đơn điệu, bế tắc. Sống trong nhung lụa nàng thấy mình không khác chú chim trong lồng son, được chu cấp đủ cao luơng mỹ vị nhưng thiếu bầu trời rộng để thỏa sức tung cánh tự do… À không, bố mẹ có ngăn cản gì đâu, cho nàng thoải mãi vui chơi với chúng bạn, sống theo sở thích đấy chứ! Sau những cuộc vui chơi rất- rất “đặc thù con nhà giầu”, quay cuồng… nhưng khi tỉnh lại, những khi đối diện với chính mình nàng càng cảm thấy trỗng rỗng đến rợn người, cô đơn đến tuyệt vọng. Mà cuộc đời thời gian mình sống với mình bao giờ cũng chiếm phần lớn hơn… Nhiều lúc nàng cố tình ăn chơi thâu đêm, gần sáng mới mò về nhà chỉ mong bố mẹ gặt hỏi, chỉ mong bố mẹ bắt nằm xuống nền nhà cầm roi quật cho vài cái như hồi còn bé… Nhưng không! “Con lớn rồi, bố mẹ có công việc của bố mẹ, con phải tự lo. Bố mẹ hết sức không để con thua thiệt với chúng bạn, con có quyền sống theo sở thích của mình, chịu trách nhiệm hành động của mình”- Bố nàng đã nói như thế…

Mẹ vào phòng, nàng chưa chịu xuống giường. Đưa tay sờ trán mẹ hỏi: “Con gái ốm à, có khó chịu trong người gì không?”. Một cảm giác hạnh phúc chạy toả khắp người. Đã lâu rồi, nàng mới được mẹ sờ chán hỏi sức khoẻ. Nàng vờ như người ốm thật, không trả lời, vẫn cứ nằm lì trên gường.

Mẹ ngồi mép giường: – Mẹ có chuyện quan trọng cần hỏi ý kiến con, con cứ nằm yên trên gường cũng được… Bất chợt mẹ hỏi- Con có định lấy chồng không?

Lấy chồng ư ? Nàng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đó. Đám bọn con trai theo nàng lớp lớp, nhiều thằng thề thốt yêu đương, thậm chí quỳ xuống nài nỉ xin cưới nhưng nàng cứ dửng dưng, mặc nhiên. Những lúc buồn chán, nàng cũng rất muốn có một người tri kỷ tâm sự… Chẳng có ai! Tất cả đều giả dối, trục lợi. Đàng sau bộ mặt niềm nở, tỏ vẻ yêu thương trọng kính là cả một hầm tối những quỷ kế, nếu không hòng chiếm đoạt thân xác thì cũng nhắm đến cái gia tài đồ sộ của nàng. Đám bạn thân thiết bảo khoái chơi chung với nàng, tốt lành gì đâu, chẳng qua nàng sòng phẳng và thường là người đứng ra trả tiền cuộc ăn chơi… Thế đấy, chẳng ai yêu nàng chân thật cả, ngoại trừ bố mẹ, nhưng bố mẹ ngút đầu với bao hợp đồng làm ăn, thời gian nghỉ ngơi nhiều khi còn chưa đủ nữa là…, làm chi có thời gian để ngồi nghe nàng tâm sự. Giả như có, liệu sau những trải lòng rất thật của nàng cha mẹ có cảm thông không hay lại chợn mang phùng má, đập bàn đá nghế hoặc dửng dưng vẫn câu điệp khúc: “Con đã khôn lớn, trưởng thành rồi, con tự quyết và tự chịu trách nhiệm”. Chán chết đi được!… Thấy nàng im lặng, mẹ nói tiếp:

– Chuyện đại sự của con, do con quyết định, bố mẹ chỉ hỏi ý kiến con xem sao. Tuy nhiên, nếu con muốn, bố mẹ đã nhắm mấy chỗ xứng đáng cho con gởi thân.

Nàng đồng ý, thử xem đời sống mới có gì thú vị không. Có giúp được nàng thoát khỏi cuộc sống đơn điệu nhàm chán không. Dẫu sao nàng cũng đang cần người bạn tri kỷ…

Đám cưới nhanh chóng được tổ chức. Nàng có yêu đâu mà cần thời gian tìm hiểu… Bước vào đời sống mới, nàng vẫn thế, vẫn tâm trạng như xưa, thậm chí có thêm cảm giác đi sâu hơn trong cõi cô đơn. Chồng nàng cũng cao to, đẹp trai đấy, cũng trí thức có học đấy, cũng chăm sóc chiều chuộng nàng tới bến đấy… nhưng chẳng khác mấy những đứa con trai đeo nàng, vẫn mang dáng dấp nịnh đầm, giả dối sao sao ấy! Đời sống vợ chồng giống như bản hợp đồng kinh tế, có khác chăng là không có thời điểm, giới hạn rõ ràng để kết thúc.

Hơn một năm sau ngày cưới, bố mẹ vợ giao hẳn một xưởng sản xuất cho vợ chồng nàng quản lý, bên chồng đổ thêm vốn để khuất trương thị trường.

@@@

Nàng chần chừ, ra vô có đến ba lần rồi, cứ định gõ cửa lại thôi.

Có nên vào gặp ngài không? Nên không?…

Từ ngày Nhi mất, nàng trầm hẳn, ít nói hẳn, thích sống một mình cõi riêng tư hơn. Tối kia xem truyền hình, bộ phim Ý có chiếu cảnh thôn quê đầm ấm, có Nhà thờ, có ông cha tốt bụng… nàng mới sực nhớ mình cũng có Đạo, đã được Rước lễ đầu đời. Hồi bé ở làng học giáo lý, còn nhớ ông Quản giáo dạy khi xưng tội cứ thực thà, thẳng thắn thú mọi tội và hoàn toàn yên tâm. Ấn tòa giải tội không cho phép Linh mục kể tội của thụ nhân cho bất cứ ai, ngay cả hiểm nguy đến tính mạng; nếu ngài có ý nói cho ai biết tội của người xưng thì phạm một trọng tội, bị vạ tuyệt thông, bị Đức Giám mục treo chén, đuổi về vườn…

Nàng do dự hoài!.. Con chiên lạc đạo nhiều chục năm liệu ngài có vui tiếp chuyện?… Kể từ khi bố về đem tất cả vợ con lên thành phố sống, cuộc sống bươm chải, quay cuồng trong làm ăn, chẳng ai quan tâm đến việc giữ Đạo. Hồi ấy lên thành phố mẹ có mang theo một bức ảnh Gia đình Thánh Gia, treo trong phòng ngủ, khi phát hiện bố bảo bỏ đi ngay, không có Đạo nghĩa gì hết, đó là thứu mê của kẻ hèn; với lại xã hội đang rất nhạy cảm với tôn giáo, có Đạo khó làm ăn, thăng tiến trong cuộc sống lắm. Từ ấy trong lý lịch trình khai, phần tôn giáo nhà làng đều ghi tất “không có”… Rồi cả một thời tuổi trẻ ăn chơi, tội lỗi ngút đầu liệu ngài có nhân từ cảm thông như “ông cha” trên tivi không?…

Đã cất công đến chẳng nhẽ đi về! Tất cả đều trong lo tưởng, thật hư thế nào còn chưa biết mà!? Cứ vào đi, tuỳ cơ ứng biến!… Nàng lại đứng dậy đến cánh cửa khép hờ. Hít thở một hơi thật sâu, dùng hết can đảm giơ tay, nhắm mắt gõ cửa… Cộc! Cộc! Cộc!… Có bước chân người đi ra, nàng run quá!

Bây giờ thì nàng đã bình tĩnh. Cha cố có mái tóc phần nhiều bạc trắng, khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu rất giống ông nội khi xưa của nàng, nhất là ngài có đôi mắt hiền từ, biết nói chuyện. Chỉ vài câu mở đầu nàng đã lấy được sự bình tĩnh, thấy trong người thoải mãi, tự tin hơn hơn.

….

Bữa đại tiệc của bố mẹ mừng 30 năm ngày thành hôn được tổ chức long trọng, khách mời toàn những vị tai to mặt lớn, những đại gia máu mặt trên thương trường, chính trường. Xe con đủ loại, đủ kiểu sang trọng đậu ngịt ngôi biệt thự có khoảng sân thoáng rộng. Ai cũng hả hê, dùng mọi mỹ từ chúc mừng, tâng bốc nhau… Nhiều chai rượu tây khui ra liên tục, nổ đôm đốp, sủi bọt tràn chai, tràn ly… Nàng thấy ngột ngạt quá, lui ra ngoài, dạo phố…

Ở một góc đường, có ánh đèn đường soi sáng, bà mẹ ăn xin đang vặt vú cho con bú. Thằng bé bú say sưa, một tay sờ vú bên kia, lúc sau bé ngủ ngon – như một thiên thần – trên đôi tay gầy guộc của người mẹ nghèo khổ…. Thiên chức làm mẹ bỗng trỗi dậy cuồn cuộn trong nàng. Nàng thèm khát làm mẹ, thèm khát một đứa con, thèm được ở vị trí như người đàn bà ăn xin kia quá! 5 năm làm vợ rồi nhưng nàng vẫn chưa được làm mẹ, địa vị làm mẹ vẫn cứ xa hoài tầm với của nàng, xa mãi. Bác sĩ bảo nàng khó có con lắm! Phải chăng đây là quả báo cho một thời ăn chơi thác loạn, hai lần nàng kín đáo đi phá thai, chối bỏ giọt máu?!…

Cha cố ngồi nghe nhiều hơn nói, kiên nhẫn để nàng trải lòng, nhưng khi cha cần nói vừa nhân từ khích lệ, vừa thẳng thắn bày tỏ chính kiến của mình, chỉnh ngay những suy nghĩ sai trái, tiêu cực của nàng…. Thế mới chính đáng một cuộc nói chuyện – trao đổi! Trong công ty, trong gia đình ý nàng là số 1, là tuyệt hảo, chỉ thấy người khác tán thành, khen hay chứít nghe được những ý kiến có lập trường, cá tính; ý kiến đối lập càng không có… Cha cố nghe nhiều hơn nói, đôi mắt nhân từ, cảm thông, biết khích lệ. Lòng nàng như dòng suối, cứ thế trào tuôn, mọi nguồn nước ngầm vốn rày vò nàng bấy lâu như được khơi trúng mạch, vọt tuôn…

– Con nhiều tội quá, có khi nào Chúa phạt con không! Nàng cúi đầu như một tội nhân.

– Không, Chúa là Tình yêu, Ngài không phạt ai cả. Hãy tin vào tình Chúa, dù có nhiều tội lỗi thế nào cũng không cao lớn bằng tình yêu của Ngài. Thực lòng thống hối, quyết tâm sống đời sống mới, Chúa sẵn sàng tha thứ hết thảy… Đừng để tội đã được tha rày vò, ám ảnh mình….

– Nhiều lúc con thấy cuộc đời nhàm chán, mất hết thú vị chỉ muốn giải thoát như đứa em họ con. Thưa cha, con phải làm gì bây giờ?

– Con giầu về kinh tế, nhưng chỉ một phía. Con cần làm giầu trái tim, đó với là điều quan trọng. Lúc đó con sẽ thấy cuộc đời đẹp và đáng sống biết bao.

– Cha không biết đấy chứ, nhiều năm nay công ty con luôn đứng đầu trong công tác từ thiện xã hội.

– Tốt, đấy là chuyện làm ăn. Con cần phải nhập thế, phục vụ vô tư không đòi hỏi đền đáp, khi ấy trái tim mình mới thực sự lớn lên, con ạ!

Nàng thấy người mình nhẹ nhõm, lạc quan yêu đời hơn. Con đường hầm tưởng chừng bế tắc giờ hiện ra lối mòn, tràn ngập ánh mặt trời. Nàng ghi khắc lời dạy của cha cố: “Làm giầu trái tim, vô tư, phải nhập thế”

@@@

Mấy lần “nhập thế” vào làng Hoà Bình 2 (*), nhiều lần lăn xả đến những vùng lũ lụt, thiên tai… nàng mới thực sự cảm nhận được những nỗi đau của trẻ thơ, của người dân nghèo. Sự hiện diện của nàng, nhiệt tình, thân thiện và vô tư đã nhóm thêm lên những tia lửa tình người, sưởi ấm những cảnh đời bất hạnh. Những ứng xử chân chất, thật thà đến ngây ngô của người vùng quê, nhất là những đôi mắt trong sáng, vô tư đến xót lòng của các trẻ sẽ còn mãi bất hạnh bởi độc chất da cam… càng làm nàng gắn bó nhưng chuyến đi “nhập thế”. Hội chữ Thập đỏ cơ sở phường đã trở thành chỗ thân quen với nàng. Nàng đã từng đồng hành với hội chuyển quà cứu trợ cho các tỉnh miền trung, miền nam bị thiên tai, lũ lụt; hoặc theo mỗi quý hội đều tổ chức đến các vùng sâu vùng xa nhổ răng, khám bệnh, phát thuốc… miễn phí cho người nghèo. Mỗi chuyến đi là mỗi kỉ niệm đẹp, đầy hương vị. Nàng cảm nhận trọn vẹn niềm vui “phục vụ là cho không”.

Trong một chuyến đi cứu trợ Miền Trung, nàng xúc động trào nước mắt khi nghe chuyện một người mẹ anh dũng, quên mình lao xuống dòng thác lũ khi phát hiện chiếc xuồng lật úp, kịp cứu sống được nhiều người, còn bà đuối sức bị dòng nước cuốn trôi, bỏ lại hai đứa con bơ vơ. Nàng đã đến tận nhà người mẹ tuyệt vời này, chứng kiến cảnh thương tâm của 2 đứa con nhỏ côi cút ngóng mãi mẹ không về! Tội các em quá, sớm mồ côi cha giờ lại thêm mồ côi mẹ! Nàng đã ra mộ bà thắp nhang và “xin” thay mặt bà để làm mẹ nuôi hai đứa con côi cút. Nàng tin ở cõi vĩnh hằng người mẹ sẽ phù hộ cho hai đứa con bà ngoan và học giỏi!

Chuông điện thoại reo, nàng nhấc ống lên nghe. Bên kia đầu dây tiếng thím Chanh nói:- Minh Tuyết hả! Mai là ngày giỗ mãn tang của em, vợ chồng con nhớ qua nhé!

Nhi! Nhanh thật, mới đó đã 3 năm, mới đó đã mãn tang. Nàng thấy tiếc và thương đứa em họ mình quá! Giá mà!!!…

Trương Ái Nhiệm

(*) viện Từ Dũ- TP.HCM, nơi nuôi trẻ khuyết tật.

Exit mobile version