Từ mảnh đất cao nguyên, các nữ tu Mến Thánh Giá Ðà Lạt mang lòng say mến Chúa và tình yêu phục vụ đến nhiều vùng miền trên dải đất Việt Nam.
“Tốt nghiệp” giáo lý đã hơn 10 năm, một dịp tình cờ, nhóm chúng tôi được gặp lại nhau. Cả bọn “tám” đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, chợt một cô bạn nói rằng rất nhớ sơ Dung, một nữ tu Mến Thánh Giá Đà Lạt – chủ nhiệm lớp giáo lý nhiều năm trước. Những kỷ niệm ngày còn học với sơ gắn liền với quãng thời gian vô tư lự của đám con nít ở cái tuổi nghịch ngợm, phá phách suốt ngày. Tôi vẫn nhớ về một dịp Trung Thu, khi lớp đăng ký biểu diễn bài “Năm ông mù xem voi” trong buổi văn nghệ giáo xứ. Đám con trai ngại không chịu múa nên đám con gái xung phong trổ tài. Phải hóa trang thành hình tượng nhân vật với đôi mắt hơi xếch kèm chòm râu mà lúc ấy thì chẳng có mỹ phẩm nên mọi người bảo nhau lấy nhọ nồi vẽ lên mặt. Vẽ xong, ai nấy nhìn nhau cười ngặt nghẽo. Phần thưởng cho sự “anh dũng” của cả nhóm là một chầu sữa chua các sơ làm. Đơn giản mà vui!
Câu chuyện nhỏ này chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện của các nữ tu MTG Đà Lạt với giáo dân ở những nơi họ hiện diện và phục vụ. Ở nhiều xứ đạo, các chị là phụ tá đắc lực của cha sở trong hoạt động mục vụ nhất là trong việc giảng dạy giáo lý cho thiếu nhi. Tại giáo xứ Thanh Hóa, giáo phận Xuân Lộc – nơi có cộng đoàn dòng hiện diện, trong ký ức của nhiều người vẫn còn in rõ những buổi học, giờ sinh hoạt, vui chơi dưới sự hướng dẫn của các nữ tu ngày còn nhỏ. “Hơn 20 năm trước làm gì có internet, máy tính, điện thoại như bây giờ, nên giờ sinh hoạt vòng tròn sau buổi học giáo lý là lúc vui nhất của lũ trẻ. Theo nội dung bài học từng hôm, các sơ dạy hát, múa, chơi các trò chơi tập thể giản đơn mà bạn nào cũng hào hứng. Nhờ vậy mà đến giờ tôi vẫn nhớ những điều đã được học”, chị Mỹ Duyên hồi tưởng. Để làm được điều đó, các nữ tu phải học, rèn luyện, dành thời gian soạn bài rất kỹ lưỡng. “Chúng tôi cử chị em du học về sư phạm giáo lý tại Ý, Philippines; tham gia các đợt thường huấn về phương pháp giảng dạy, các khóa huấn luyện huynh trưởng của giáo phận… để trau dồi kiến thức rồi về truyền đạt cho chị em trong dòng. Từ đó mỗi người đem những gì mình có để góp phần vào việc giáo dục thiếu nhi ở các xứ đạo”, chị Tổng phụ trách Têrêsa Trần Thị Kim cho biết. Trong những việc như dọn bàn thánh, cắm hoa, huấn luyện lễ sinh, tập hát cho ca đoàn… cũng vậy, họ tìm tòi, trao đổi với nhau, không ngừng học hỏi để có thể hoàn thành việc được giao cách tốt nhất, vì “phục vụ không chỉ là làm cho xong mà là phải làm hết sức mình”.
Ghé thăm khu nhà hưu dưỡng, khách được gặp lại sơ Mùi, sơ Mỹ, sơ Nhường, sơ Sen – những người đã từng giúp việc ở giáo xứ của mình ngày trước. Cách xa nhiều năm, chỉ kịp chào hỏi nhau đôi câu mà cả sơ lẫn con đều thấy vui mừng và ấm lòng đến lạ. Chia tay, sơ cho chút bánh mang về như ngày con còn nhỏ. Người ở lại tiếp tục miệt mài trên con đường dấn thân phục vụ tha nhân từ những việc nhỏ nhặt hằng ngày, dẫu tuổi cao sức yếu mà vẫn “còn làm được gì thì cứ làm”. Người đi lưu luyến hoài và mong dịp quay lại vào một ngày tương lai…
Chung một đấng sáng lập với các hội dòng Mến Thánh Giá khác là Ðức cha Pierre Lambert de la Motte (1624 – 1679), dòng được tách ra từ dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm năm 1932, lấy tên là Mến Thánh Giá Thanh Hóa. Di cư vào Nam trong thập niên 1950, chị em đến Ðà Lạt và quyết định thành lập trụ sở tại miền đất mới. Năm 2002, dòng chính thức mang tên hội dòng Mến Thánh Giá Ðà Lạt. Ðến nay, số tu sĩ của dòng là 508, trong đó có 418 chị khấn trọn đang hoạt động trong hơn 40 cộng đoàn ở Việt Nam, Mỹ, Úc và Ðài Loan.
MAI LAN