Tóm lại, đó là một nơi khá là tàn bạo. Vậy mà sáng ngày 11 tháng 11 năm 1858, người dân Leavenworth đã chứng kiến điều chưa từng thấy. Đó là một nhóm nhỏ vài phụ nữ mặc váy áo dài màu đen, đầu đội mũ, bước ra khỏi thuyền lên bờ. Họ là những nữ tu Công giáo đầu tiên mà hầu hết người dân thành phố chưa từng nhìn thấy bao giờ. Đó là các nữ tu Bác ái, họ đến với tiểu bang Kansas đang đổ máu vì chiến tranh. Khi đến Kansas, các nữ tu này hầu như không mang theo tài sản gì. Nhưng từ từ với thời gian, các sơ đã xây dựng một mạng lưới các trường học, bệnh viện và cô nhi viện, trải rộng khắp miền Tây, từ New Mexicô đến Montana. Đứng đầu cộng đoàn các nữ tu là Mẹ Xavier Ross, một phụ nữ bé nhỏ, chỉ cao khoảng 1,5m và bị nặng tai, nhưng lại là một nhân vật tuyệt vời, “sở hữu ý chí của một người chiến thắng”, như một người cùng thời với Mẹ nhận xét. Mẹ Xavier Ross, tên khai sinh là Ann Ross, sinh tại Cincinnati, là con gái của một nhà giảng thuyết Tin lành Methodist và rất được người cha yêu thương. Tuy thế, cha của Ross lại rất không hài lòng với đứa con gái tuổi teen khi cô gái tỏ ra quan tâm đến Công giáo, là thứ mà ông khinh bỉ nhất. Mọi việc bắt đầu khi Ross cùng với một người bạn đến viếng một nhà thờ Công giáo ở địa phương. Sau khi đọc mọi thứ nói về đạo Công giáo mà mình có thể tìm thấy được, Ross thưa với cha rằng cô muốn theo đạo Công giáo “để làm điều gì đó cho Chúa và cho các linh hồn.” Cha của Ross nhạo báng cô: “Một phụ nữ thì có thể làm được điều gi?” Cuộc đời tu trì và di sản Mẹ Xaviê để lại đã trả lời cho câu hỏi này, Ann Ross đã trở lại Công giáo và khi được 19 tuổi, cô đã gia nhập dòng Nữ tu Bác ái Nazareth, một dòng tu ở Kentucky. Khi những ứng sinh vào dòng, họ được nhận một tên mới với ý nghĩa là thay đổi cuộc sống của họ. Thế là Ann Ross được nhận tên Xaviê, một nhà truyền giáo dòng Tên sống vào thế kỷ 16, thánh Phanxicô Xaviê. Cha của Ross không bao giờ tha thứ cho con gái của mình. Ông gửi cho cô một nhúm tóc đã bạc của ông với dòng chữ “con đã tạo ra điều này.” Khi sơ Xaviê Ross dạy học ở Kentucky, năng khiếu lãnh đạo mạnh mẽ của sơ nổi bật lên. Năm 1851, khi Đức giám mục Nashville xin các nữ tu đến phục vụ, sơ Xaviê được gửi đến làm bề trên phụ trách cộng đoàn mới. Nhưng không may là để trả số tiền nợ mua các cơ sở, các nữ tu phải bán tất cả những gì họ có. Khi đó, một linh mục bạn đã liên lạc với Đức giám mục giáo phận Leavenworth và ngài đã mời các sơ đến giáo phận của mình. Thế là dòng Nữ tu Bác ái Leavenworth ra đời. Không lâu sau khi đến đây, các nữ tu bắt đầu dạy học. Tháng 3 năm 1859, các sơ mở học viện Đức Maria, ngày nay là đại học Đức Maria. Trong vòng một ít năm, các sơ đã lập các viện mồ côi và bệnh viện. Năm 1864, bệnh viện thánh Gioan, bệnh viện tư nhân đầu tiên của Kansas, được các sơ thành lập. Tai Topeka, các sơ mở một cô nhi viện cho các trẻ em người Mỹ gốc Phi châu. Mẹ Xaviê thường nhắc nhở các sơ trong dòng “luôn luôn phải tốt với các cháu mồ côi.” Mẹ Xaviê thực hiện công việc với một cảm thức đức tin mạnh mẽ. Một trong những châm ngôn yêu thích của mẹ là “tin tưởng vào Chúa và cầu xin trợ giúp”. Một lần, mẹ xin các nữ tu làm những buổi canh thức trong nhà nguyện không ngừng trong khi mẹ điều đình về món nợ ngân hàng. Các nữ tu đã đi khắp nơi để gây quỹ. Một ân nhân là một luật sư, đã ký cho các nữ tu một tấm ngân phiếu giá trị lớn, bởi vì các sơ đã chăm sóc cho ông như là một triệu phú khi mà ông còn là một cậu bé không một đồng xu dính túi. Các nữ tu nhận được lời yêu cầu gửi đến từ khắp miền Tây Hoa kỳ. Các sơ đã đi khắp vùng thổ dân bản xứ trên những xe đò liên tỉnh và đôi khi gặp nguy hiểm đến mạng sống. Các sơ đã thành lập các trường học, bệnh viện ở các tiểu bang Montana và Wyoming, các viện mồ côi ở Colorado và một dưỡng đường ở New Mexico. Đây là những cơ sở mà người dân ở các vùng này lần đầu tiên được nhìn thấy. Mẹ Xaviê đã khích lệ các nữ tu của mình khi thực hiện các chương trình này: “Nếu các chị em thấy bất cứ điều gì cần được làm, hãy làm! Đừng đợi được cầu xin hay yêu cầu.” Đi đến bất cứ nơi nào, các nữ tu cũng tạo nên sự thay đổi. Một phụ nữ người Mỹ gốc Phi sắp qua đời, được cứu khỏi một mùa đông khắc nghiệt đã nói với một nữ tu: “Nếu sơ không được cứu rỗi, tôi không biết ai sẽ được!” Người ta hỏi một chàng trai trẻ đạo Tin lành đang được chữa trị trong một bệnh viện của các sơ rằng anh có cần một mục sư không, anh đã trả lời: “Sơ Mary Lawrence có thể cầu nguyện cho tôi là tốt rồi.”… Mẹ Xaviê đặc biệt yêu mến vùng bình nguyên Kansas. Trong những năm cuối đời, Mẹ tổ chức các buổi tĩnh tâm vừa theo truyền thống khôn ngoan của Công giáo vừa theo thực tế của Mỹ . Mẹ nhắc những người tham dự tĩnh tâm rằng hãy luôn nhớ rằng mỗi ngày là một năm mới. Chúng ta đừng đợi cho đến ngày mùng một tháng một. Sau 63 năm khấn dòng, ngày 2 tháng 4 năm 1895, Mẹ Xaviê qua đời. Lúc đó hội dòng của Mẹ đã có hơn 300 nữ tu. Mẹ Xaviê Ross là một trong những anh hùng vô danh trong xã hội và Giáo hội Hoa kỳ, nhưng người đời mãi còn chiêm ngưỡng và khâm phục sự kiên quyết, khả năng và đặc biệt là lòng thương xót cảm thông của Mẹ dành cho những người nghèo khổ khốn cùng. (Hồng Thủy, RadioVaticana 15.01.2018/ Aleteia 04/12/2017)