Có nhiều bậc thánh nhân, như thánh Phêrô Damien, thánh Bênađô , thánh Bônaventura, thánh Bernadine . . . đã đồng thanh nói rằng, Chúa Giêsu đã thành lập Bí tích Thánh Thể, trước hết cho Mẹ Maria, rồi qua Mẹ Maria, Đấng trung gian mọi ân sủng, cho tất cả chúng ta.
Dựa vào lời xác tín của các thánh nói trên, chúng ta cùng suy niệm chủ đề: Mẹ Maria trong tương quan với Bí tích Thánh Thể . Phần suy niệm này xoay quanh khuôn khổ: Thịt bởi thịt tôi, máu bởi máu tôi.Vì thế, xuất thân từ Đức Maria về thể lý, Chúa Giêsu đã đến để Ngài được ban cho chúng ta ngày qua ngày; và trong Chúa Giêsu, thịt vô nhiễm và máu trinh nguyên của Mẹ Người luôn luôn thấm nhập vào chúng ta, và làm cho linh hồn chúng ta say men tình ái.
I. GIỜ CỦA MẸ – GIÁNG SINH – NHÀ BÁNH
- Giáng Sinh.
Nhìn vào bối cảnh Giáng Sinh, chúng ta nhận thấy Giáng Sinh là một mầu nhiệm đơn sơ, nhưng gây ngỡ ngàng, được diễn ra ở Bêlem như lời tiên báo của ngôn sứ Mica: “Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì nơi ngươi, vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời”. (Mk 5, 1).
Bêlem là chi tộc nhỏ nhất mà Chúa ưa thích. Thiên Chúa ưa thích chọn những gì bé nhỏ để biểu dương ơn cứu độ của Người. Thiên Chúa như bị thu hút bởi sự yếu hèn của loài người chúng ta. Bởi đó, “từ nơi ngươi, hỡi Bêlem, sẽ xuất hiện vị cứu tinh…”.
- Nhà bánh.
Bêlem có nghĩa là ngôi nhà làm bánh. Ở đó, các cô gái đang nhồi bột làm bánh cho ngày Sabbat, bánh của ngày lễ. Cũng ở đó, như một bức ảnh in chồng lên, Maria, người nội trợ của Giáo Hội đang nhồi bánh của Thiên Chúa, chiếc bánh cho ngày Sabbat, một chiếc bánh mới để rạng sáng ngày Phục Sinh: Chúa Giêsu, chiếc bánh được ban cho chúng ta.
- Giờ của Maria.
Tại Bêlem, ngôi nhà bánh, giờ của Mẹ đã đến.
Theo lệnh kiểm tra dân số của hoàng đế Augustô, Giuse và Maria trở về Bêlem để khai tên vào sổ bộ. “Khi hai người đang ở đó, thì Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa”. (Lc 2, 6).
Giờ của Maria đã đến, giờ của ngày Giáng Sinh. Tấm bánh đã được làm ra.
“Khi sinh con, người đàn bà cảm thấy lo buồn, vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui, vì một người con đã sinh ra trong thế gian”. (Ga 16, 21). Khi nói lời này, Chúa Giêsu muốn so sánh giờ Giáng Sinh với giờ Thương Khó, đó là hai huyền nhiệm, nhưng chỉ là một thực tại. Ở giờ Thương khó, Chúa Giêsu, Bánh Thánh Thể chính thức được ban cho Giáo Hội mãi mãi.
Cha Stêphanô Manelli nói rằng: “Thánh Thể là Bánh từ trời đã đến qua Mẹ chúng ta. Đó là bánh do Mẹ chế biến từ bột của xác thịt vô nhiễm, và được nhào trộn với sữa trinh nguyên của Mẹ”. Và thánh Augustinô đã nói: “Chúa Giêsu lấy thân xác của Người từ thân xác của Mẹ Maria”.
Đối lại với Giờ của Mẹ Maria, thì ba mưoi ba năm sau là Giờ của Chúa Giêsu, diễn ra qua cuộc Thương Khó. Lúc đó, Chúa Giêsu là Tấm Bánh được bẻ ra.
II. GIỜ CỦA CHÚA GIÊSU – THƯƠNG KHÓ – TẤM BÁNH ĐƯỢC BẺ RA
1.Giờ của Chúa Giêsu.
Phúc âm thánh Gioan có ghi: “Trước lễ vượt qua, Chúa Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Và Người còn nói: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).
Do đó, trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã bắt đầu một hy lễ mới, để tiếp tục ở lại với những kẻ thuộc về Người. Khi Người lập Bí tích Thánh Thể: Người cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ và phán: “Nầy là Mình Ta sẽ bị nộp vì các con”. Cùng một thể thức ấy, Người cầm lấy chén rượu, tạ ơn, trao cho các môn đệ và phán: “Nầy là chén Máu Ta sẽ đổ ra vì các con. Các con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Ta”. Hy lễ này rồi sẽ được hoàn tất nơi cuộc Thương Khó.
- Thương Khó.
Chúa Giêsu bắt đầu cuộc hiến tế từ chiều nay, thứ năm, để chiều mai, thứ sáu, Người hoàn tất trên thập giá, vì lễ hy sinh trong bữa tiệc ly và lễ hy sinh trên thập giá chỉ là một. Trong cả hai, Chúa Giêsu đã hiến mình làm lễ vật dâng hiến Chúa Cha:
* Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu hiến tế cách mầu nhiệm và bí tích. Trên thập giá, Chúa Giêsu hiến tế bằng chính Mình Máu mình.
* Trong bữa tiệc ly, ý muốn hiến thân của Chúa Giêsu đã được biểu lộ qua một cử chỉ bề ngoài: Người cương quyết dấn thân chịu hy sinh đẫm máu trên thập giá. Ở đó, tấm bánh đã được bẻ ra.
- Tấm bánh được bẻ ra.
Tấm bánh được bẻ ra như thế nào ?
Trên thập giá, Chúa Giêsu chịu hiến tế: “Đứng gần thập giá Chúa Giêsu, có Mẹ Người, chị của Mẹ Người là bà Maria vợ ông Clôpas và bà Maria Macdala” (Ga 19, 25).
Mẹ Maria đã trung thành hợp nhất với Con cho đến bên thập giá. Tấm bánh mà Mẹ đã làm ra ở ngày Giáng Sinh, hôm nay, sau 33 năm, Mẹ tiến dâng trên thập giá. Mẹ đã hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng Mẹ sinh ra, để tấm bánh ấy được bẻ ra và trao ban.
Đúng vậy, Công Đồng Vatican II, trong Hiến chế về Giáo Hội đã nhắc nhỡ chúng ta nhớ lại lòng trắc ẩn của Mẹ Maria: trong tim Mẹ dội lại tất cả những gì Chúa Giêsu chịu đựng trong thân xác và linh hồn, đề cao lòng mong muốn của Mẹ được chia sẻ với hy lễ cứu chuộc của Con, và nối kết sự đau đớn tình mẹ của Mẹ với sự hiến dâng tư tế của Con. (LG 58)
Quả là một hành động yêu thương đích thực, qua đó, Mẹ dâng Con mình như của lễ hy sinh đền tội cho toàn thể nhân loại. Đến đây, ta thấy lóe lên một vấn nạn.
- Vấn nạn.
Lễ hy sinh trong bữa tiệc ly và lễ hy sinh trên thập giá là một. Vậy, tại sao dưới chân thập giá có Mẹ Maria hiện diện, còn trong bữa tiệc ly Mẹ lại vắng mặt ?
Đức Hồng Y James Hickey đã giải thích như sau: Chúa Giêsu đã yêu Mẹ rất nhiều, yêu hơn hết mọi sự, Người muốn cho chúng ta một bài học đích đáng, qua việc không đưa Mẹ Người vào trong bữa tiệc ly. Đó là Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến nguồn gốc “tặng ân đến từ bên ngoài” (Extra nos) của chức tư tế trong Tân ước.
Chức tư tế trong Tân ước không do bởi tương quan huyết nhục, không do cha truyền con nối, cũng không do bởi tình trạng thánh thiện của vị tư tế, nhưng đó là “một tặng ân đến từ bên ngoài”, nghĩa là một tặng ân đến từ Chúa Cha, qua Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần. Nó làm cho vị tư tế có thể hoạt động trong ngôi vị Chúa Kitô (in persona Christi). Bản tính và quyền năng của chức linh mục trong Tân ước được tỏ lộ nơi Chúa Kitô và duy nơi mình Người.
Công Đồng Vatican II, Hiến chế Giáo Hội nói rằng: chức tư tế chung của tín hữu và chức tư tế thừa tác khác nhau, không chỉ về cấp bậc mà còn về yếu tính, tuy nhiên, cả hai đều bổ túc cho nhau. (LG 10). Sự bổ túc cho nhau của chức tư tế thừa tác và chức tư tế chung được biểu lộ rõ nét ở dưới chân thập giá. Ở đó, có thánh Gioan, là một linh mục đang đứng bên Mẹ Maria.
Như vậy, Sự tách biệt nơi bữa tiệc ly là nhằm để chứng minh bản tính phẩm trật của Giáo Hội, được đi theo bởi một tổng hợp ở dưới chân thập giá. Dưới chân thập giá, có Mẹ Maria và Gioan, mỗi người như là một khía cạnh của bản tính Giáo Hội, vẫn tách biệt, nhưng cả hai được sắp đặt và cấu tạo để bổ túc cho nhau:
– Gioan được ban cho Mẹ Maria.
– Mẹ Maria được ban cho Gioan.
III. HIỆP LỄ CÓ MẸ.
Mỗi khi chúng ta rước lấy Mình Máu Chúa Giêsu, chúng ta nên ý thức rằng có sự hiện diện của Mẹ Maria.
- Lưu lại.
“Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì luôn lưu lại trong Ta, và Ta ở trong người ấy”. (Ga 5, 56). Lưu lại là sự kết hiệp thật sâu xa đến nỗi sự kết hiệp nầy có tính cách thường hằng và bền vững. Được kết hiệp với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, chúng ta kết hiệp với Thịt và Máu Chúa Giêsu, được lấy từ thịt và máu của Mẹ Maria. Do đó, mỗi khi chúng ta rước lễ là có sự hiện diện dịu dàng và huyền nhiệm của Mẹ Maria, Đấng liên kết bất khả phân ly với Chúa Giêsu trong hình bánh hình rượu.
Chúa Giêsu là người con mà Mẹ hằng tôn thờ. Người là xác thịt của xác thịt Mẹ. Xưa kia, Adong có thể gọi Evà, khi bà được lấy từ xương sườn của ông, rằng: “Xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2, 23), thì nay, Mẹ Maria cũng có thể có lý để gọi Chúa Giêsu là “thịt bởi thịt tôi và máu bởi máu tôi”.
Thánh Tôma Aquinô đã nói: “Được lấy từ Đức Nữ Đồng Trinh, xác thịt của Chúa Giêsu là xác thịt thuộc mẫu tính của Mẹ Maria”.
Thánh Augustinô đã dạy: “ Trong Bí tích Thánh Thể, Mẹ Maria nối dài, và làm cho tình mẫu tử thiêng liêng của Mẹ mãi mãi tồn tại”.
Thánh Albertô Cả ân cần khuyên: “Bạn ơi, nếu bạn muốn có kinh nghiệm về tình thân mật với Đức Maria, bạn hãy để chính bạn được ôm ấp trong cánh tay của Mẹ.
.Hãy bước đi với tư tưởng tinh tuyền khôn tả này tới bàn tiệc của Thiên Chúa, rồi bạn sẽ tìm thấy được sự nuôi dưỡng của người Mẹ bằng bữu huyết của người Con”.
- Kinh nghiệm thực hành trong Giáo Hội.
Thể hiện những tư tưởng trên, chúng ta nhận thấy rõ nét, ở kinh nghiệm thực hành các việc tôn sùng trong Giáo Hội, qua nhiều cuộc biểu dương lòng sùng kính Mẹ Maria, được kết thúc bằng việc tôn thờ Thánh Thể và Phép Lành Mình Thánh Chúa.
Đó là kết quả hợp tình hợp lý: Lòng tôn kính Mẹ Maria đã dẫn đưa các tín hữu đến lòng tôn thờ Chúa Giêsu Kitô.
KẾT
Để kết thúc bài suy niệm này, tôi xin mượn lời kinh AVE, VERUM CORPUS để ca ngợi Đức Mẹ Thánh Thể:
Con kính lạy Mình Thánh Chúa Giêsu,
Xưa bởi lòng rất thánh Đức Bà Maria,
Trọn đời đồng trinh mà ra,
Chuộc tội chịu chết trên cây thánh giá,
Cùng chịu lưỡi đòng đâm cạnh nương long,
Chảy hết máu cùng nước ra.
Con xin ngày sau, khi con qua đời,
Xin Chúa hằng nuôi lấy linh hồn con.
Ôi Giêsu khoan thay,
Ôi Giêsu nhân thay,
Con rất thánh mẫu Maria. Amen
(bản dịch trích từ sách kinh của Giáo phận Qui Nhơn)
Lm And. Phạm văn Bé