Muốn giữ “ghế”, muốn thăng quan tiến chức, muốn được nể trọng, muốn bằng chị bằng em trong cái gọi là “trình độ học vấn”, nhiều quan chức sẵn sàng tìm đến thị trường “bằng cấp đủ loại”, cần loại nào sẽ có ngay loại đó, chỉ cần chi tiền là kiếm được: Bằng ngoại thì tiền phải nhiều hơn bằng nội, bằng tiến sĩ chắc chắn phải đắt giá hơn cái gọi là thạc sĩ…
Để “chiếm hữu” học vị, hầu duy trì địa vị và củng cố quyền lợi, chưa bao giờ lại dễ dàng thực hiện đến vậy: một số tiền là có ngay lập tức!
Cũng chưa bao giờ các công ty, cơ sở kinh doanh lại được ra đời hàng loạt, ồ ạt như hiện nay! Phải chăng kinh tế nước ta đang phát triển vượt bậc? Nào đâu phải thế: người người theo nhau lập công ty, nhà nhà đua sức mở xưởng kinh doanh… đa số là xưởng “ảo”, công ty “ma”, nhằm mục đích trục lợi từ những kẽ hở luật pháp về thuế!
Người ta hí hửng với những món lợi kếch sù kiếm được từ công ty “ma”, người ta vênh váo cùng những danh thiếp và danh xưng “ảo” (tự đặt)! Họ không ngại mạo danh để bám quyền, trục lợi hoặc củng cố địa vị…
Hiện tượng mua bằng giả, lập công ty ma là chuyện dài nhiều tập bị công luận phơi bày cùng phê phán bấy lâu nay, những tưởng là xã hội đã bớt cái tội mạo danh; thế nhưng, thật là khó hiểu, việc mạo danh vẫn còn tiếp diễn, phổ biến ngay cả trên phương tiện thông tin chính thức nữa cơ:
“Trong chương trình thời sự tối ngày 26 tháng 3 năm 2013 của đài truyền hình trung ương VTV1 có đoạn phóng sự “Chức sắc tôn giáo góp ý sửa đổi Hiến Pháp 1992,” có dòng chữ chú thích “Linh mục Nguyễn Quốc Hiếu, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo tỉnh Bắc Ninh” làm cho nhiều người ngộ nhận ông Nguyễn Quốc Hiếu là linh mục của Giáo Phận Bắc Ninh.” Trong khi đó, “Văn phòng Tòa giám mục Bắc Ninh xác nhận và thông báo giáo phận Bắc Ninh không có linh mục nào tên là Nguyễn Quốc Hiếu.” (xin xem thêm tại đây).
Phải chăng mạo danh đã trở thành căn bệnh “di truyền” thiếu thuốc chữa? Không, hiền nhân xưa để lại nhiều bài học thật quý giá. Vấn đề là hậu bối có thực hành hay không! Ngẫm việc đời nay mà xót xa cho lời dạy của tiền nhân!
Đức Khổng Tử dạy học trò rằng: “Danh bất chính, tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận, tắc sự bất thành, sự bất thành, tắc lễ nhạc bất hưng, lễ nhạc bất hưng, tắc hình phạt bất trúng, hình phạt bất trúng, tắc dân vô sở thố thủ túc.” nghĩa là: “Danh không đúng thì nói không xuôi, nói không xuôi thì việc không thành, việc không thành thì lễ nhạc suy sụp, lễ nhạc không phát triển thì hình phạt không đúng, hình phạt không đúng thì dân không biết đặt chân tay vào đâu!”
Thế đấy, nếu người người đều không sống đúng danh phận của mình (vua ra vua, tôi ra tôi) tất xã hội gặp loạn lạc, dân chúng chẳng biết bám víu vào tiêu chuẩn nào mà sống, mà cư xử với nhau!
Không chính danh tức là mạo danh, là giả tạo, là gian dối. Một lần bất tín, vạn lần bất tin, biết thế nhưng tại sao người ta vẫn thích mạo danh?
Vì hai lẽ:
– Thứ nhất, mạo danh thì dễ dàng thu lợi nhuận, củng cố địa vị, nói chung là dễ sống!
– Thứ hai, chính danh sẽ gặp không ít khó khăn, thiệt thòi, thậm chí thiệt mạng.
Cứ nhìn gương Thầy Giêsu thì biết ngay mà! Thầy khẳng định mình là Con Thiên Chúa, một danh xưng khiến Thầy gặp nhiều sự phản đối, chống đối từ các Thượng tế và luật sĩ ngày xưa. Họ cho rằng Thầy đã phạm thượng, và họ kết án Thầy phải chết vì dám xác nhận danh-phận* (bản tính) đích thực của mình!
Điều gì sẽ xảy ra nếu Thầy Giêsu chối bỏ danh tính đích thực của mình? Có lẽ Thầy sẽ không bị đánh đòn, không phải chịu khổ nạn, bị đóng đinh, rồi chết cách nhục nhã trên thập giá như đã xảy ra trong lịch sử; có lẽ Thầy vẫn được tự do đi khắp nơi để rao giảng về tình yêu, và sẽ có nhiều thật nhiều người sẵn sàng theo Thầy làm môn đệ.
Nhưng Thầy sẵn sàng đón nhận mọi bất lợi, hiểm nguy để sống đúng danh phận của mình, để trung tín thi hành ý muốn của Chúa Cha, hầu mọi người thành tâm thiện chí biết và tin vào Thầy là Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ trần gian!
Thầy sống đúng danh của Thầy và nhiều người suốt 20 thế kỷ qua đã tin theo Đức Giêsu vì Người đã khẳng định: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin vào Con Người thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Gioan 3,16-18).
Chuyện mạo danh linh mục của đài truyền hình được phát sóng đúng vào ngày 26 tháng 3, khiến chúng ta tự hỏi: những người trẻ có biết và có đón nhận, có dám sống theo tinh hoa của tiền nhân để lại không? Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín, những nét đẹp nhân văn tạo nên tư chất và phẩm cách người Việt, bao gương mẫu trung thực, nhân nghĩa của cha ông để lại, có còn là chuẩn mực hay hệ quy chiếu đạo đức cho người trẻ hay giới lãnh đạo hôm nay chăng?
Hỏi người, cũng là dịp để nhìn lại bản thân: là Kitô hữu, bạn và tôi có dám sống xứng với danh Kitô hữu – người có Chúa Kitô – chăng?
Thầy Giêsu nêu gương sống chính danh và đã dám trả giá bằng cái chết của Thầy, nhưng cái chết, và nhất là sự phục sinh của Người, đã khơi nguồn ánh lửa can đảm và tin yêu cho biết bao người thành tâm khác, khiến họ không ngại làm chứng cho Sự Thật, đồng thời công khai tỏ bày căn tính là môn sinh của Thầy Giêsu: những môn đệ thầm lặng như Giuse thành Arimathê, Nicôđêmô – một người biệt phái…
Đến lượt tôi và Bạn, chúng ta đã sẵn sàng và dám sống đúng danh xưng của mình: Kitô hữu – Bạn của Đức Giêsu Kitô, vị Thầy của Sự Thật (về Thiên Chúa cũng như về con người) và là chính Sự Thật!?
Chiên Già
————————-
* Danh-phận: Danh xưng gắn liền với thân phận và số phận của một con người! (chú thích của tác giả).