Mặc khải trong Tân Ước

mac khai trong tan uoc - Mặc khải trong Tân Ước

(CN LỄ CHÚA BA NGÔI – Ga 16,12-15)

Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi” (Ga 16,12).

Tân Ước thực hiện và hoàn thành mặc khải Thiên Chúa đã bắt đầu trong Cựu Ước. Chúa Giêsu Kitô là tâm điểm mặc khải của Thiên Chúa.

Sự thống nhất và tiến trình mặc khải:

– Sự thống nhất của Cựu Ước và Tân Ước: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn …” (Mt 5,17-18; x. Rm 3,21-22; 2Tm 3,14-15; 2Pr 3,15-16: thánh Phêrô cho thấy những điều thánh Phaolô viết có giá trị ngang bằng Kinh Thánh Cựu Ước; Kh 22,18: những trừng phạt ghi ở đây có cùng một sức mạnh như những trừng phạt trong Ðnl 4,2; 12,32).

– Tiến triển trong mặc khải: “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử …” (Dt 1,1-2; x 2,1-4; 12,22-27).

Tân Ước thực hiện và hoàn thành mặc khải Thiên Chúa tự tỏ mình:

– Chúa Giêsu Kitô là mặc khải tối thượng của Thiên Chúa: “Người đã muốn cho họ được biết mầu nhiệm này phong phú và hiển hách biết bao giữa các dân ngoại: đó chính là Ðức Kitô đang ở giữa anh em …” (Cl 1,25-27; x. Ga 1,9-18; 14,6; Cv 4,12; Gl 4,4; Pl 2,6-8; Dt 2,14).

– Chúa Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa: “ … Tin Mừng nói về vinh quang của Ðức Kitô, là hình ảnh Thiên Chúa” (2Cr 4,4). “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo …” (Cl 1,15).

– Chúa Giêsu Kitô cùng bản tính với Thiên Chúa: Ðức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa” (Pl 2,6).

– Chúa Giêsu Kitô phản ánh trung thực Thiên Chúa: “Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,3).

– Chúa Giêsu Kitô là lời Thiên Chúa nhập thể: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14).

Vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc mặc khải:

– Ngài là tác nhân thần linh của mặc khải: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn …” (Ga 16,12-15; x. 14,16-17; 15,26; 1Ga 4,6; 5,6; Kh 2,7.11.17.29; 3,6.13.22).

– Ngài là nguồn những biểu hiện của mặc khải: “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung …” (1Cr 12,7-11; x. Cv 2,1-12; Rm 12,6; 1Cr 12,28-30; 13,8-12; 14,1-33; Ep 4,11).

Mục đích của Thiên Chúa khi mặc khải:

– Ðể mặc khải chính mình nơi Chúa Giêsu Kitô, như chính Chúa Giêsu Kitô đã phán: “Ai thấy tôi là thấy Ðấng đã sai tôi” (Ga 12,45) vì vậy “Ai tin vào tôi thì không phải tin vào tôi, nhưng là tin vào Ðấng đã sai tôi” (Ga 12,44; x. Cl 1,15-20; Ga 14,9; 2Cr 4,4; Dt 1,3).

– Ðể mặc khải kế hoạch của Ngài qua Chúa Giêsu Kitô: “Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu, thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Ðức Kitô. Ðó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Ðức Kitô” (Ep 1,9-10; x. Rm 16,25-27; 1Cr 2,7-10; Ep 3,3-11; Cl 1,19-20).

LM. PHAOLÔ PHẠM QUỐC TÚY – GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG

Exit mobile version