Mặc Bắc, giáo xứ có bốn vị thánh tử đạo

Là một xứ đạo thuộc giáo phận Vĩnh Long, Mặc Bắc không chỉ được biết đến bởi lịch sử lâu đời, bà con giáo dân đông, mà cái tên họ đạo còn nhắc nhớ câu chuyện về bốn vị thánh đã làm nên tấm gương sáng truyền lại cho nhiều đời sau.

Dấu vết bốn thánh nhân ở một họ đạo

Từ Sài Gòn xuôi theo quốc lộ 1A, tôi tìm về thăm Mặc Bắc. Giáo xứ với đôi tháp chuông cao vút nằm giữa thị trấn sầm uất, vừa mang vẻ uy nghi lại vừa có nét hiền hòa, gần gũi. Mặc Bắc nằm bên tả ngạn sông Hậu. Theo một số vị cao niên ở đây, tên của giáo xứ lấy theo tên con rạch, mà vàm của nó ăn thông với sông Hậu, chuyên đem nước tưới đẫm cho các cánh đồng xung quanh trở nên tươi tốt, phì nhiêu. Lật lại những trang sử của đất này mới thấy, Mặc Bắc đã đi qua biết bao thăng trầm. Những năm tháng đầy gian truân ấy tựa như ngọn lửa, hun đúc đức tin, cũng là tôi rèn nên lòng đạo kiên vững cho giáo dân nơi đây.

Linh mục Giuse Marchand Du bị xử hình bá đao ngày 30.11.1835 tại Thợ Ðúc dưới đời vua Minh Mạng. Linh mục Philipphê Phan Văn Minh bị xử trảm ngày 3.7.1853 tại Ðình Khao, ông trùm họ Giuse Nguyễn Văn Lựu chết rũ tù ngày 2.5.1854 tại Vĩnh Long, linh mục Phêrô Nguyễn Văn Lựu bị xử trảm ngày 7.4.1861 tại Mỹ Tho, đều dưới đời vua Tự Ðức.

Ngồi với ông trùm Nguyễn Văn Ngoạn, người gắn bó với Mặc Bắc hơn 30 năm, tôi được biết, ông chính là người đã góp nhặt những tư liệu của họ đạo và viết lại. “Hồi thời cha sở Phêrô Nguyễn Phước Lợi (phục vụ tại Mặc Bắc từ năm 1993-2009), ngài có ý muốn thu thập và giữ lại những câu chuyện về lịch sử họ đạo để cho con cháu đời sau. Tui vâng ý ngài mày mò tìm hiểu xong biên ra, rồi cất giữ thành từng tập làm tư liệu”, ông Ngoạn kể. Trong những tập sách còn lưu lại ấy, có 4 vị thánh được nhắc lui tới, ghi dấu ấn rất đậm nét trong từng giai đoạn lịch sử của họ đạo.

Phải nhắc đến đầu tiên là thánh Giuse Marchand Du. Ngài là linh mục thứ ba, sau cha Giacôbê Phướng và cha Lân, coi sóc trong thời kỳ đầu khi họ đạo mới được thành lập. Cha Marchand Du về Mặc Bắc năm 1833. Bà con giáo dân đã chung tay cất một nếp nhà nhỏ trong vùng rừng gần Rạch Vồn, gọi là “sẫm đền”, để cha đến ngồi tòa, dạy giáo lý, rửa tội…, Khi ấy, Mặc Bắc còn là xứ sở hoang vu, cây cối rậm rịt, nhiều cọp trú ẩn. Ở nơi rừng vắng ấy, cha Marchand chỉ mải mê với việc truyền giáo, phục vụ mà không nề hà hoàn cảnh xung quanh. Có người đặt câu hỏi cha không sợ sao, thì ngài hóm hỉnh : “Cha không sợ cọp bốn chân, cha chỉ sợ cọp hai chân mà thôi!”.Chuyện về vị linh mục người Pháp đó đến ngày nay vẫn còn được nhắc nhiều, qua lời kể của các bô lão nơi xứ đạo. Họ nói nghe ông bà truyền miệng lại rằng cha Marchand Du tính tình vui vẻ, hoạt bát. Ngài biết ảo thuật và thường biểu diễn cho giáo dân xem. Do hòa đồng với bà con nên họ quý mến cha nhiều. Dân còn đặt nên bài vè về cha, và hát đi hát lại cho nhau nghe đến thuộc lòng. Cha Marchand phục vụ ở xứ cho đến năm 1834 thì ngài đi Gia Ðịnh.

Gắn bó với Mặc Bắc lâu hơn cha Marchand Du, linh mục Phêrô Nguyễn Văn Lựu (thánh Phêrô Lựu) làm chánh xứ từ năm 1850 đến năm 1853. Trong quãng thời gian ấy, ngài dốc hết tâm trí mà lo lắng cho đàn chiên của mình. Từ dạy giáo lý, việc nhà xứ cho đến đời sống của bà con giáo dân đều được cha chú ý hết sức. Vì cha Lựu hay đến viếng thăm, an ủi giáo dân khi họ vấp phải khó khăn nên bà con ai nấy đều thân thiết, thương quý ông cha sở. Họ hay mời cha bữa cơm nhà rau đậu và thường nghe lời mỗi khi lỗi phạm được cha khuyên lơn.

Ông Nguyễn Nguyệt Trên và Nguyễn Nguyệt Mật – cháu đời thứ 6 của  thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu

Khi cha Lựu đổi đi Ba Giồng, cha Philipphê Phan Văn Minh (thánh Philipphê Minh) nhận bài sai thay thế ngài đến trông coi Mặc Bắc. Thời gian cha Minh ở họ đạo chỉ hơn một tháng ngắn ngủi bởi khi đang trú tại nhà ông trùm Lựu (thánh Giuse Lựu), ngài bị quân lính vây bắt.

Cùng bị bắt với cha Minh khi ấy là ông trùm Lựu. Trước khi chịu gông cùm, tù tội và sau đó tử đạo, ông trùm Lựu đã có một quãng đời hy sinh trọn vẹn trong phục vụ cho họ đạo Mặc Bắc.

Quê hương ông trùm Lựu

Ông trùm Lựu gốc ở Cái Nhum (Bến Tre). Năm ông lên 10, vì hoàn cảnh lúc bấy giờ khó khăn nên cả gia đình đã cùng nhau di cư tới miệt Bò Ót (Cần Thơ) để tìm kế sinh nhai. Sống ở Bò Ót được chừng 5 năm, nhận thấy đời sống cũng không đỡ chật vật hơn nên ông Sách – cha của ông Lựu, lại dẫn vợ con đến cư ngụ tại Mặc Bắc. Nơi vùng đất màu mỡ, còn thưa người sinh sống này, ông Lựu cùng người thân đã ra sức khai khẩn, trồng trọt. Nhờ siêng năng mà chẳng bao lâu, gia đình ông Lựu không chỉ thoát được cảnh nghèo mà còn ngày càng trở nên khấm khá, trở thành một nhà phú nông trong vùng.

Ðức Lêo XIII đã suy tôn cha Marchand Du và cha Philiphê Phan Văn Minh lên bậc Chân phước ngày 27.5.1900. Ngày 2.5.1909, Ðức Piô X đã suy tôn ông trùm Giuse Nguyễn Văn Lựu và cha Phêrô Nguyễn Văn Lựu lên bậc Chân phước. Ngày 19.6.1988, Ðức Gioan Phaolô II suy tôn bốn vị lên bậc Hiển thánh.

Khi lập gia đình riêng, ông Lựu có cả thảy bảy người con, con đầu và con út mất khi mới được sinh ra. Còn lại năm người kia là Tín, Thạch, Ngãi, Nhiên, Thứ. Về Mặc Bắc bây giờ, không khó để tìm gặp hậu duệ của thánh Giuse trùm Lựu. Những con cháu của ông thánh bây giờ chủ yếu là đời thứ sáu đến thứ tám, thuộc nhánh của ông Nhiên. Họ sống quy tụ trong các ấp gần nhau, cách nhà thờ Mặc Bắc độ chừng 3 cây số. Hiện tại, ông Nguyễn Nguyệt Trên, cháu đời thứ 6 của thánh Lựu là người giữ gia phả của dòng họ. Ông sống cùng người thân của mình ở căn nhà trên chính nền đất của thánh nhân để lại. Theo lời ông, con cháu thánh Lựu vẫn liên hệ giúp đỡ nhau, ở  công việc đồng áng, trong cuộc sống hằng ngày cũng như về việc đạo. Trong nhiều lần ngồi quây quần nhớ về bậc tiền bối của mình, họ vẫn thường nhắc nhau các mẩu chuyện về gương nhân đức của ông trùm họ đạo Mặc Bắc xưa kia. Ông Nguyễn Nguyệt Mật, người thuộc dòng họ thánh Lựu nhớ về những gì liên quan đến thánh nhân mà ông hay nghe các tiền bối kể lại: “Ông thánh tốt tính lắm, lấy việc của người coi như của mình rồi làm hết lòng. Có lần ông đi ngang ruộng người khác, thấy lúa nổi là xuống dậm dùm cho tới chiều tối. Khi đi đường mà gặp khúc lộ bị hư, lầy lội, ông lại bỏ công đắp sửa lại cho bằng phẳng. Mấy lúc ông đi câu cá, thế nào cũng cho bà con khi về dọc đường. Mà cho là cho cá lớn thôi, chừa con nhỏ phần mình”. Bởi tài và đức, ông Giuse Lựu được cha sở chọn làm biện và sau đó đặt là trùm nhất (cách gọi của người miền Nam, chỉ chức Chủ tịch HÐMV giáo xứ). “Ông không những chu toàn công việc phục vụ nhà thờ mà còn biến mình thành cầu nối tình thân để động viên kẻ nguội lạnh, hòa giải xích mích giữa hàng xóm láng giềng. Ðối với người khó, ông thánh thường tới lui thăm viếng, giúp đỡ. Sự nhiệt thành của thánh nhân chính là gương sáng để con cháu chúng tôi học theo, cố gắng sống và làm việc tốt hơn”, ông Mật nói tiếp Qua bao nhiêu đời, con cháu trong dòng họ thánh Giuse Lựu vẫn giữ nguyên tinh thần hy sinh phục vụ. Họ hăng say việc nhà thờ và hầu như đời nào cũng có người tham gia ban quới chức.

Những vật dùng lúc sinh thời của thánh Giuse Nguyễn văn Lựu hiện nay được cất giữ tại nhà thờ

Sau khi ông trùm Lựu mất, vợ ông đã dâng hết 88 mẫu đất cho nhà thờ. Năm 1954, con cháu ông lập một đền thờ (nay nằm trước nền đất nhà thánh Lựu) để tưởng nhớ. Hai năm sau, một trận bão đã làm sập lầu bằng cây của đền thờ nhưng tượng ông thánh vẫn còn nguyên vẹn. Ðến năm 1960, đền thờ được xây dựng lại. Từ đó đến nay cũng đã trải thêm hai lần trùng tu nữa, đó là vào các năm 2002 và 2016.  “Hằng năm, cứ đến ngày 2.5, giỗ của ông thánh, bà con dòng họ lại quy tụ cùng nhau đọc kinh, cầu nguyện trước đền thờ phượng. Rồi các cụ có tuổi trong họ ngồi lại với nhau cùng trò chuyện, ôn lại quá khứ. Còn những ngày thường, đền thờ vẫn thường xuyên có người trong họ tới thăm nom, đốt đèn”, ông Trên cho hay.

Sau khi tử đạo, thi hài của thánh Giuse Lựu được mai táng trên khu đất gần nhà thờ Mặc  Bắc, nơi bây giờ cũng chính là đền thờ thánh nhân. Riêng những đồ dùng lúc sinh thời của thánh Lựu như cây gậy, cối xay bột… thì hiện tại được đặt trong nhà xứ của họ đạo.

*

Gần hai thế kỷ trôi qua kể từ ngày bốn vị thánh đổ máu đào nhưng cuộc đời cũng như sự hy sinh của họ vẫn còn là dấu son trong những trang sử của họ đạo, hằn sâu trong niềm yêu kính bậc tiền nhân của từng người con Mặc Bắc.

 

Theo tuần báo Nam Kỳ Ðịa Phận số 438 đến 444 phát hành tại Sài Gòn ngày 28.6 đến ngày 9.8.1917 ghi lại, từ trước năm 1776 đã có một số giáo dân Công giáo theo làn sóng di dân đến lập nghiệp tại Mặc Bắc. Năm 1777, số giáo dân là 30 người, dưới sự trông coi của cha Giacôbê Phướng – một giáo sĩ Bình Ðịnh. Quãng thời gian từ năm 1938 – 1975, Mặc Bắc lần lượt được nhiều linh mục thay nhau coi sóc. Năm 1975, linh mục Anrê Nguyễn Bá Hớn được bổ nhiệm về trông coi Mặc Bắc và không ngừng thúc đẩy nhiều hoạt động nhằm làm cho giáo xứ thêm phần phát triển. Ðến tháng 6.1993, linh mục Phêrô Nguyễn Phước Lợi về coi xứ Mặc Bắc, lúc này ngôi nhà thờ cũ do cha Montmayeur xây từ năm 1874 theo thời gian đã xuống cấp trầm trọng, mối mọt đục phá nên được cha cùng giáo dân cho xây  dựng lại ngôi nhà mới vào năm 2006. Năm 2009, cha Lợi mất, linh mục Tôma Nguyễn Văn Thành, được bổ nhiệm về coi xứ và tiếp tục công việc xây dựng cơ sở vật chất của nhà thờ. Năm 2011, linh mục Louis Nguyễn Văn Kỉnh nhận bài sai trông coi Mặc Bắc cho đến nay.

 

Thiên Lý

Exit mobile version