Ly hôn, nỗi đau của Giáo hội

lyhon - Ly hôn, nỗi đau của Giáo hội

Sự biến chuyển ấy là những thay đổi về tư tưởng, về lối sống, về truyền thống văn hóa cũng như những phong tục tập quán đã có từ lâu đời. Nó làm cho những suy nghĩ và quan điểm riêng của mỗi cá nhân cũng hình thành trong đời sống của họ. Thậm chí, nó đã len lỏi vào tận các ngóc ngách trong đời sống hôn nhân gia đình. Từ đó, vô hình trung làm cho cuộc sống hôn nhân gia đình trở thành gánh nặng, cơm không lành, canh không ngọt; hay như các vụ ly hôn xuất hiện ngày một nhiều và là điều đáng quan ngại không dễ gì có thể giải quyết trong ngày một, ngày hai. Thực vậy, đây là vấn đề vô cùng nhức nhối không chỉ đối với xã hội nhưng còn là nỗi đau của Giáo hội.

Lang thang trên các trang mạng, ta tìm thấy một khái niệm về ly hôn như sau: ly hôn là việc chấm dứt quan hệ hôn nhân (về mặt pháp lý) ngay trong lúc cả vợ và chồng đều còn sống. Đây là biện pháp cuối cùng mà luật cho phép thực hiện trong trường hợp cuộc sống vợ chồng lâm vào tình trạng khủng hoảng mà không thể khắc phục được bằng bất kì biện pháp nào. Theo đó, ta có thể thấy được nguyên nhân chính của ly hôn là sự mâu thuẫn gay gắt giữa vợ và chồng. Sự mâu thuẫn này không thể nào giải quyết bằng tình cảm nên buộc phải nhờ đến sự can thiệp của pháp luật.

Có nhiều nguyên nhân và những quan điểm khác nhau khiến các cặp vợ chồng ly hôn. Các chuyên gia tư vấn tâm lý đã đưa ra mười nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến ly hôn như: (1) ngoại tình; (2) lạm dụng thể chất hoặc tinh thần; (3) mâu thuẫn về tiền bạc; (4) chuyện chăn gối vợ chồng; (5) thời gian dành cho nhau; (6) phê bình và so sánh trong hôn nhân; (7) xung khắc tính nết, không tìm được điểm chung; (8) nhầm lẫn về đối tượng chia sẻ; (9) kẻ đứng phía sau và (10) sai lầm trong quan điểm chấp nhận tất cả.(thamvantamly.net)

Người viết cũng đồng quan điểm với các chuyên gia tâm lý. Nhưng trong bài viết này, nguyên nhân cần được nhắc đến nhiều hơn đó là sự xung khắc tính nết, không tìm được điểm chung. Tại sao vậy? Thiết nghĩ, đó là nguyên nhân rất phổ biến đối với các cặp vợ chồng, nhất là các cặp vợ chồng trẻ ngày nay. Họ có thể dễ dàng đi đến quyết định ly hôn khi cảm thấy không hợp tính nết nhau trong cuộc sống vợ chồng, thậm chí chỉ là những cãi vã cỏn con thường xuyên xảy ra trong cuộc sống vợ chồng cũng có thể là lý do dẫn đến ly hôn. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải để ý đến thuyết tương tác biểu trưng đối với hành vi của các cặp vợ chồng. Thuyết này quan tâm đến những mối quan hệ thân tình của từng cá nhân trong gia đình, xem họ đối xử với nhau ra sao, như thế nào. Nó cho rằng mỗi cá nhân đều có quan niệm, nhận thức khác nhau về hôn nhân gia đình. Thế nên các cặp vợ chồng sẽ có những lý tưởng riêng về đời sống hôn nhân gia đình trước khi bước vào đời sống ấy. Giữa hai nhân vật chính trong “vở kịch” hôn nhân sẽ có những lý tưởng riêng của mình vào gia đình, vào một cuộc sống chung với nhau. Cũng có thể là không hợp tính nết trong lối sống ấy, hoặc là không cùng chung quan điểm, lý tưởng.

Thật không may cho những cặp vợ chồng dẫn đến ly hôn là họ lại có thể rơi vào trường hợp ấy – không hợp tính nết, không tìm được điểm chung. Họ đến với nhau và muốn sống bên nhau cho đến trọn đời, đương nhiên đó là những ước mộng trước khi đi đến quyết định kết hôn. Nhưng thật trớ trêu, khi về chung sống, họ cảm thấy không hợp nhau. Từ đó, dẫn đến mâu thuẫn gay gắt và hậu quả cuối cùng cho một cuộc tình mới đóng dấu là họ lại cắt đứt sợi dây liên kết với nhau khi dấu ấy còn chưa hết ướt. Bởi vậy, “vỡ mộng” sẽ là từ thích hợp nhất đối với các cặp vợ chồng này. Có những trường hợp lại có quan niệm khác lạ về vai trò của nhau trong đời sống gia đình cũng dẫn đến ly hôn. Sự xung khắc về tính nết ấy cũng rất dễ dẫn đến những chia rẽ trong đời sống gia đình. Điều vợ muốn lại không hợp với ý của người chồng hay ngược lại. Những biểu hiện cụ thể trong việc xung khắc tính nết giữa vợ và chồng, sự xung đột ấy sẽ dẫn đến những mâu thuẫn trong đời sống gia đình và đương nhiên ly hôn sẽ là con đường giải thoát cho mỗi người trong cuộc tình ấy.

Ngoài ra cũng có một vài lý thuyết khác, có thể dùng để giải thích cho nguyên nhân của những vụ ly hôn này. Cụ thể là thuyết cấu trúc chức năng. Thuyết này gây ra những mâu thuẫn và hậu quả của các cuộc hôn nhân là ly hôn. Các cặp vợ chồng bị nhầm lẫn chức năng, vai trò của mình trong gia đình. Điều đó sẽ đưa đến những khó chịu cho nhau, đồng thời ý định ly hôn sẽ được hình thành và dần dần sẽ đi đến ly hôn. Hay như thuyết xung đột hoặc là thuyết nữ quyền cũng có thể giải thích được những tác nhân dẫn đến sự xung đột tính nết, không tìm được điểm chung trong đời sống hôn nhân gia đình.

Hơn nữa, những phụ nữ muốn tranh đấu cho bản thân mình để có thể sánh ngang với nam giới về quyền lợi. Họ muốn thay đổi suy nghĩ của mọi người về quyền lợi, công lao và tài năng của người phụ nữ. Họ muốn khẳng định mình không thua kém gì đàn ông. Họ có thể làm tất cả những gì người đàn ông đang làm, đã làm và sẽ làm. Đó cũng là một nguyên nhân cho những mâu thuẫn trong gia đình, nhất là đối với những người đàn ông chỉ muốn vợ ở nhà chăm sóc con cái và nội trợ. Mâu thuẫn sẽ trở nên gay gắt khi vợ không chịu chồng và chồng cũng không muốn nhường vợ. Trong khi đó, Giáo hội vẫn giữ vững lập trường về đặc tính của hôn nhân là đơn hôn và bất khả phân ly. Bởi vì, khi tiến tới đời sống hôn nhân gia đình là họ đã ký kết một giao ước thiêng thánh không thể tách rời. Họ được mời gọi hãy sống yêu thương nhau, gắn kết với nhau cho đến trọn đời; cùng nhau xây dựng một đời sống chan hòa, tương trợ, giúp nhau cùng thăng tiến trong đời sống hôn nhân. Đồng thời, sinh sản và giáo dục con cái là trách nhiệm của họ mà không một đoàn thể nào có thể thay thế được. Cho nên, tình trạng hôn nhân bất hòa hay ly dị luôn là nỗi đau vô cùng nhức nhối không chỉ là của xã hội nhưng còn là của Giáo hội.

Tóm lại, ly hôn xảy ra ngày càng nhiều cũng là bởi những mâu thuẫn không thể giải quyết trong gia đình. Nhưng sự khác biệt giữa xưa và nay là do nguyên nhân hết sức chủ quan của mỗi thành viên trong “vở kịch” hôn nhân ấy gây ra. Chỉ vì lý tưởng mơ hồ không có thật của mỗi cá nhân mà dẫn đến các vụ ly hôn không đáng có. Giả sử mỗi người có một chút chín chắn và chịu đựng lẫn nhau thì chắc chắn sẽ không dẫn đến mâu thuẫn. Nếu hai người tìm được điểm chung thay vì những quan điểm chủ quan thì sẽ không dẫn đến tình trạng xung khắc và sẽ không nhiều các vụ ly hôn như ngày nay.

(Nguyên Vũ, WGP.Bùi Chu 29.01.2016)

Exit mobile version