Lương tâm là tiếng nói trong tâm hồn. Đó là một khái niệm căn bản. Thiết tưởng, để đào sâu hơn, cũng nên chăng tìm hiểu ý nghĩa của hai tiếng “lương tâm”.
Hán Việt Từ Ðiển của ông Nguyễn Văn Khôn, định nghĩa LƯƠNG TÂM là “lòng thiện mà người ta sẵn có” (tr. 567).
Lm. Phan Tấn Thành, O.P. thì cho rằng: “Con người cần phải dựa theo một tiêu chuẩn để phân biệt điều gì là tốt, điều gì là xấu. Người ta thường đặt tên cho tiêu chuẩn đó là “lương tâm” (Đời sống tâm linh, Phan Tấn Thành, OP tr. 150).
Gm. P. Nguyễn Thái Hợp, OP không đưa ra một định nghĩa cụ thể về lương tâm, nhưng khái quát hóa: “Lương tâm đóng vai trò quan trọng trong đời sống đạo đức của con người”. (Gm. P. Nguyễn Thái Hợp, OP., Đạo Đức Học, tr. 132).
Đức Hồng y Newman: “Lương tâm là một luật của tâm trí ta, nhưng lại vượt quá tâm trí, nó ra lệnh và nói cho ta biết đâu là trách nhiệm và bổn phận của ta, những gì ta nên sợ và nên hy vọng. Nó là sứ giả để nói với chúng ta qua tấm màn, trong thế giới của tự nhiên cũng như trong thế giới ân sủng…” (sđd, tr. 139).
Hội thánh Công giáo đã đưa ra nhiều định nghĩa về lương tâm, mỗi định nghĩa trình bày một khía cạnh của lương tâm như sau:
* “Lương tâm là tâm điểm sâu lắng nhất và là cung thánh của con người; nơi đây con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ.” (HCMV số 16).
* “Lương tâm là một phán quyết của lý trí; nhờ đó, con người nhận biết một hành vi cụ thể mình định làm, đang làm hay đã làm, là tốt hay xấu. Trong lời nói và hành động, con người phải trung thành tuân theo điều mình biết là chính đáng và ngay lành. Nhờ phán quyết của lương tâm, con người ý thức và nhận ra những quy định của luật Thiên Chúa.” (GLCG số 1778).
* “Lương tâm là một lề luật của tinh thần con người, nhưng vượt trên con người. Lương tâm ra lệnh, nêu lên trách nhiệm và bổn phận, điều chúng ta phải sợ và điều có thể hy vọng…” (GLCG số 1778).
* “Lương tâm là sứ giả của Đấng nói với chúng ta sau một bức màn, dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta, trong thế giới tự nhiên cũng như trong thế giới ân sủng.” (GLCG số 1778). (Định nghĩa lương tâm Hội thánh Công giáo trích lại của Lm. Giuse Hoàng Kim Đại, Lương tâm con người).
Tóm lại, lương tâm là tiếng nói của Thiên Chúa trong tâm hồn con người, thúc giục con người hãy yêu mến và làm điều thiện, tránh xa điều ác.
II. Nghe tiếng lương tâm
1. Lương tâm chai lì và sai lệch
Thế kỷ XXI được mệnh danh là thế kỷ của tri thức. Khoa học phát triển. Công nghệ kỹ thuật số lên ngôi. Con người thủ đắc những thành tựu khoa học đem lại cùng với muôn hình vạn trạng của nó. Nhờ khoa học, con người có thể lên tới tầng mây xanh để khám phá những hành tinh cách trái đất hàng nghìn năm ánh sáng; hay đào xuống lớp đất tiền sử để khai quật cổ vật cách đây mấy trăm triệu năm. Tuyệt quá!
Nhưng, khi nói đến “lương tâm” lại là điều gì “xa xỉ” hay đúng hơn là xa lạ với con người thời nay. Lạ hơn nữa, có lẽ tôi không bi quan, con người ngày nay ít muốn nghe tiếng nói của lương tâm chân chính, nhưng lại quả quyết tôi hành động và sống theo lương tâm của tôi. Đáng sợ!
Chuyện Lê Văn Luyện, xông vào tiệm vàng Ngọc Bích tại tỉnh Bắc Giang, dùng hung khí giết chết cả gia đình, vơ vét vàng bạc tẩu thoát. Phi tang hiện vật, phủi tay coi như không vấy máu. Khi bị bắt, Văn Luyện có thái độ thản nhiên, vô sự, không một chút tỏ ra ăn năn hối lỗi. Lương tâm như đã chết!
Vụ án Sầm Đức Xương, nguyên hiệu trưởng trường PTTH Việt Lâm và ông chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô mua dâm học sinh nữ ngày nào, nổ ra cả đại chúng biết, đã làm hoen ố cho cả một thế hệ. Vậy mà tòa án nhân dân tỉnh còn có dự định “xử kín” (!). Một cách nào đó, sai lầm và tội lỗi vẫn bị lấp liếm che đậy. Có khi là cá nhân, có khi là tập thể. Nhưng làm sao có thể bao che và lấp liếm hòng thoát khỏi vòng lao lý của tòa án lương tâm.
Thiệt mạng, tử trận, chết trong khi làm nhiệm vụ, từ ngữ này vốn chỉ xuất hiện và được dùng trong ngành trinh sát công an, quân đội, chiến trường. Đau buồn thay, giờ đây, những từ ngữ này lại thấy xuất hiện ngay cả trong một nghề được cho là cao quý – nghề giáo. Chỉ vì bị điểm thấp, kết quả học tập kém, thầy giáo nhắc nhở. Vậy mà học trò không ngần ngại rút dao đâm chết thầy tang thương. (xc. Thu Trang, Giáo dục, trò giết thầy vì bị điểm thấp).
Vì giữ uy tín, thanh danh của bản thân, của dòng tộc, của sự nghiệp mà cha mẹ lầm lỡ đã giết chết thai nhi ngay trong dạ mẹ. Người ta ước tính trên thế giới, cứ 6 giây lại có một thai nhi bị giết. Chúng ta sống trong một xã hội được cho là văn minh tân tiến nhất của các thời đại, nhưng tội ác, phá thai, giết người được xem như là chuyện bình thường (!) Khủng khiếp quá! Lương tâm đâu rồi, lương tri có còn không?
Lịch sử nhân loại vẫn đầy dẫy những kẻ giết người không biết gớm tay. Vẫn đầy dẫy những kẻ đàn áp bóc lột vô nhân tính. Cường quyền và bạo lực vẫn bóp họng và trấn át tiếng nói “ngôn sứ” của người công chính. Vẫn đầy dẫy những kẻ sống phè phỡn trong lạc thú và trên xương máu của dân nghèo… Cũng chỉ vì tranh giành được-thua, vì lợi lộc thấp hèn, vì tham vọng ích kỷ của lòng mình, để rồi trong phút chốc đã để cho dục vọng, quyền lực say men khát máu biến thành lưỡi gươm hạ sát tấm thân mỏng dòn, yếu ướt, vô tội là dân lành. Vẫn còn và còn nhiều lắm những bất công, tang thương, tội ác khi vắng bóng tiếng nói lương tâm ngay chính hay có lương tâm đấy nhưng đó là thứ lương tâm sai lệch, chai lì và bị bóp nghẹt.
Đàn áp, chém giết, tranh giành quyền lực để được gì? “Có cuộc chiến nào mà không là một nỗi buồn, có cuộc chém giết nào làm cho con người được vui? Có hạ sát được một kẻ thù, có tiêu diệt được một kẻ bất nhân, mãi mãi một con người bình thường sẽ không xem đó là một thành tích, mà chỉ là một kỷ niệm buồn trong cuộc đời mà thôi.” (Sách truyện tử tế); huống chi ở đây, hạ sát, tiêu diệt một con người vô tội, ngay chính hay giết chết một thai nhi mà không có khả năng để kháng cự và tự vệ, thì không phải là một tội ác ghê gớm đó sao?
Chúng ta có thể đeo mặt nạ với cuộc đời. Có thể bưng bít, che đậy, lẩn tránh những tội ác, lỗi lầm mình gây ra bằng nhiều cách, hòng thoát khỏi sự dòm ngó, nhỏ to, tai tiếng, phê phán, lên án, xét xử của con người và pháp luật, nhưng không ai và KHÔNG MỘT AI có thể lẩn tránh được toà án lương tâm.
Phẩm giá cao quý nhất của con người là sống cho ra người, dẫu có trăm nghìn tội lỗi, nhưng còn biết lắng nghe sự xét xử của lương tâm mà quay trở về sống với đời sống lương thiện, thì đó vẫn là nét cao cả của con người, và “LÀ NGƯỜI”.
2. Lương tâm thức tỉnh và ngay chính
Ngồi đối diện với tòa án lương tâm, làm sao tránh khỏi sự ray rứt, dằn vặt về những sai trái do mình gây ra.
Ngẫm tưởng kẻ sát nhân khét tiếng sẽ mãi mãi sống trong vòng tội ác như chẳng có ngày quay trở lại đời sống hoàn lương, thế nhưng, điều kỳ diệu nơi kẻ sát thủ giết người không gớm tay – Đào Xuân Thu, vốn có trong mình hạt than nhỏ ngậm lửa ý thức của lương tâm đã bùng cháy, để buộc anh phải ra đầu thú sau 17 năm lẩn trốn thành công trong mạng lưới pháp luật. Nếu không có tiếng nói của tòa án lương tâm, nếu không còn đốm lửa dù nhỏ bé của lương tri thức tỉnh, hẳn anh vẫn tiếp tục đời sống của kẻ sát nhân không tanh máu cùng với bao tội ác toan tính và dự định xảy ra bất cứ lúc nào. Cúi đầu thú tội, ăn năn sám hối các lầm lỗi của mình, từ bỏ con đường tà mà quay về nẻo chính đường ngay, hẳn Xuân Thu là con người cao cả, đáng nêu gương, nhiều người cho anh là một bậc quân tử.
Không đành lòng nhìn bạn chết đuối mà không cứu. Chuyện ở tỉnh Phú Yên có một nhóm học sinh gồm 6 em đi thăm thầy cô nhân ngày Nhà giáo 20 tháng 11. Ba bạn nữ đã ra suối Bà Phấn thuộc xã Xuân Quang 2 chụp hình lưu niệm. Trong lúc loay hoay chụp hình, cả 3 bị trượt chân rớt xuống suối và bị nước cuốn ra sông Kỳ Lộ. Ba bạn nam nghe tiếng kêu cứu liền nhảy xuống cứu vớt. Nhưng khi đưa được 3 bạn nữ vào bờ, 3 bạn nam đuối sức và bị nước cuốn đi chết. (xc. Dân trí, Văn Nhân, cứu bạn dưới suối, 3 học sinh nam chết đuối).
Bất chấp mạng sống, không sợ liên lụy, sẵn sàng lao mình xả thân hy sinh cho người khác là một hành động cao thượng và là nghĩa cử đáng tôn vinh. Nhưng cao thượng không kém, khi con người dám nhìn nhận tội lỗi của mình và để tiếng nói của lương tâm làm chủ.
Cả một đời sống với vợ con, nhưng anh D. luôn hành hạ và làm nhục vợ. Có lúc chị T. buồn chán, đau khổ, chị muốn đập đổ hôn nhân và ngay cả mạng sống, nhưng vì còn một chút tình le lói, còn đứa con thơ dại và nhất là chị nhớ lại lời giao ước hôm nào. “Em Maria T., nhận anh Giuse D. làm chồng và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với anh. Khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan. Khi đau yếu cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng anh mọi ngày suốt đời em.” Trong hơi thở cuối cùng, anh D. đã thì thào xin lỗi vợ vì những đau khổ và tội ác gây ra. Những lời của kẻ sắp chia ly vĩnh biệt cõi trần thì thảng thốt, chân thật. Chị tin như thế và sẵn lòng tha thứ cho anh D. Tha thứ để cho người hấp hối được an lòng nhắm mắt ra đi về bên kia thế giới, còn kẻ ở lại không bị lương tâm áy náy, giày vò.
Những phạm nhân tử tù trước khi bị hành quyết được nói những lời trăn trối cuối cùng trong nghẹn ngào và nước mắt khiến lòng người không khỏi bùi ngùi suy nghĩ: “Con là đứa con mất dạy, bất hiếu. Con phạm tội thì con phải chịu tội. Con đáng bị hình phạt này. Con sẽ chết trong vài giây phút nữa. Con van xin cha mẹ và mọi người hãy tha thứ cho con.” Biết nói gì trong giây phút này. Đôi bên nước mắt như mưa! Những giọt nước mắt sám hối cuối cùng của kẻ phải chết hòa trộn cùng những giọt nước mắt buồn thương của người ở lại, sao mà đăng đắng, tái tê! Lời sám hối và những giọt nước mắt ân hận là việc làm cuối cùng có ích những mong để nhẹ bớt tội lỗi mà họ đã mắc phải khi sống ở trần gian. Tôi tin rằng, những tử tù ấy sẽ thanh thản hơn, bớt bị giày vò day dứt trong tâm hồn bởi những ám ảnh quá khứ xấu xa, tội lỗi cho dù họ có phải đi tiếp “chuyến đò về bên kia thế giới”. Mỗi người đều có một “chuyến tàu định mệnh”, đừng để lỡ hẹn, đừng trễ bước. Chuyến tàu đến mà lòng còn ngổn ngang, tội lỗi tràn ngập thì thật là một điều tiếc nuối muộn màng.
Chắc hẳn còn nhiều lắm những hình ảnh và nghĩa cử cao đẹp để giúp chúng ta suy nghĩ về tội lỗi và những hành động của chính mình vô tình hay hữu ý gây ra cho người khác. Ai mà chẳng có tội. Tội lỗi làm cho con người mất bình an, tự khước từ ân sủng của Chúa và cắt đứt mối dây yêu thương với tha nhân. Nhưng biết nhìn ra những sai phạm và thú nhận tội lỗi của mình lại là một hành động cao đẹp giúp con người trở nên đáng quý.
Một Phêrô chối Chúa. Khước từ tất cả những gì thuộc về Thầy mà mình hằng gắn bó, làm chứng, tuyên xưng. Tội to lắm! Nhưng Chúa đã thức tỉnh lương tâm của Phêrô bằng tiếng gà gáy và ánh mắt nhân từ tha thứ. Phêrô hối lỗi. Những giọt nước mắt ân hận, những giọt nước mắt sám hối. “Ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết.” (Lc 22, 62; Mt 26, 75; Mc 14, 72; Ga 18, 27).
Một Saolô ngạo nghễ, cứng lòng, bách chiến bách thắng trong việc giết hại Kitô hữu. Nhờ cú ngã ngựa, ông thức tỉnh lương tri, đổi mới cuộc đời, trở thành Tông đồ Phaolô dân ngoại. Ngài có kinh nghiệm về tình yêu và lòng thương xót nhân từ tha thứ của Đấng đã quật ngã ông khỏi lưng ngựa, để ông mang tình yêu và lòng nhân từ của Chúa đến cho tha nhân. (xc. Cv 9, 3-19).
Một vua Đavít tội lỗi tày đình. Ngoại tình với nàng Bát Seva, cướp vợ tể tướng Urigia, giết luôn tể tưởng để bịt đầu mối. Tội lỗi ông đâu giấu nổi tòa án lương tâm. Qua việc tiên tri Nathan đến thức tỉnh, ông nhận ra tội lỗi và ăn năn sám hối. “Tôi đã đắc tội với Đức Chúa” (2 Sm 12, 13). Và Ông đã kêu lên:
“Lạy Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
Mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm.
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm,
Tội lỗi con xin Ngài thanh tẩy.
Vâng, con biết tội mình đã phạm,
Lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.
Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,
Dám làm điều dữ trái mắt Ngài.” (Tv 51, 3-6).
Một phụ nữ tội lỗi được nói đến trong Phúc âm. Chắc hẳn đời chị “đen tối lắm”. Tin Mừng khẳng định rõ chị là loại người nào. “Nếu quả thật ông này là Ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!” (Lc 7, 39). Đúng rồi, chị là một người tội lỗi. Nhưng nhờ lương tâm thức tỉnh, chị đã biểu lộ tâm tình sám hối ăn năn. Chị minh thị không chỉ bằng tâm hồn sám hối mà còn bằng nghĩa cử tình yêu cao đẹp: rửa chân Chúa bằng nước mắt và dùng tóc lau chân Chúa và sức dầu thơm cho Chúa. (Lc 7, 38).
Câu nói: “Chẳng có vị thánh nào mà không có quá khứ; không một tội nhân nào mà không có tương lai”, thật đúng lắm. Suốt một đời lầm lỗi, sống trong tội, nhưng đến một lúc nào đó hay trong giây phút cuối đời được lương tâm mách bảo mà tỏ lòng sám hối cũng đủ để trở thành một con người cao cả, một bậc quân tử, một vị thánh. Hình ảnh hai tên trộm cướp cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu thật trái ngược. Tên trộm bị treo bên tả Chúa là tên trộm dữ, vì đã không tiếc lời sỉ vả, khiêu khích, nhục mạ Chúa. “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” (Lc 23, 39). Tên trộm bên hữu Chúa là tên trộm lành, vì đã nhận ra tội lỗi của mình và khiêm tốn kêu cầu lòng thương xót của Chúa: “Ông Giêsu ơi, khi nào vào nước của Ông, xin nhớ đến tôi cùng.” (Lc 23, 42). Và Chúa Giêsu đáp lại: “Ngay hôm nay, anh sẽ được ở với Tôi trên Thiên Đàng.” (sđd, 43).
Chúa lên án tội và xoa trừ tội lỗi nhưng không loại trừ tội nhân. Bằng chứng lời hứa của Chúa Giêsu với tên trộm lành là một minh thị về tình thương và sự tha thứ của Ngài dành cho những kẻ tội lỗi, những kẻ bị đẩy ra bên lề xã hội. Họ được cứu thoát không phải vì họ là người tội lỗi, mà là vì họ biết nhận ra mình là người có tội. Một Phêrô chối Chúa, một Phaolô bách hại đạo Chúa, một Đavít ngoại tình, hung thủ giết người bịt đầu mối, một tên gian phi, một thu thuế Matthêu, một phụ nữ tội lỗi, những cô gái điếm… tất cả đều có chỗ đứng trong trái tim yêu thương của Chúa.
Chúng ta thường hay có định kiến, dựng lên hàng rào sắt và xây bức tường ngăn cách hòng khóa chặt cuộc đời con người lầm lỗi vào chính tội lỗi của họ, trong khi đó, chúng ta lại không biết mở ra cánh cửa tình yêu để cho họ một lối thoát, một con đường sống. Đức Giêsu của chúng ta thì khác lắm. Ngài đón nhận tâm hồn sám hối, đánh thức lương tri nơi họ, chờ đợi họ quay về và ôm vào lòng thương vô biên của Chúa. Ngài đặt vào trong tâm hồn con người tiếng nói lương tâm, một món quà quý giá hầu giúp những con người lạc lối biết tìm về với Ngài.
Biết nhìn nhận mình tội lỗi, biết cúi đầu sám hối ăn năn, biết để cho tòa án lương tâm xét xử và thống trị, đó là vẻ đẹp cao quý nhất của lòng người. Đừng ngủ mê trong lạc thú. Đừng để vỏ bọc vinh quang lợi lộc trần thế bóp nghẹt tiếng nói lương tâm. Hãy đánh thức lòng sám hối. Hãy đặt nó lên bàn thờ, nhờ đó giá trị nhân phẩm được lớn lên mà dân tộc cũng được hưởng nhờ, nhất là những ai được đặt làm người coi sóc dạy dỗ người khác, những người lãnh đạo dân chúng, những người cầm quyền trị nước. Mong thay!
Trước mặt chúng ta là một bầu trời của nền văn minh rực rỡ, sáng chói. Không ai phủ nhận những thành quả của ngành khoa học kỹ thuật công nghệ đem lại cho con người. Nhưng, lẽ ra, nền khoa học ấy phải giúp con người thăng hoa, nhưng đằng này, lắm khi lại tha hóa. Những tội lỗi, hận thù, khủng bố, đàn áp, bóc lột, đâm chém, giết chóc, gian dối, lường gạt tràn ngập khắp nơi. Khoa học phát triển thế nào mà cổ vũ cho việc phá thai, giết người ngay khi còn trong trứng nước. Nền công nghệ kỹ thuật tân tiến đến đâu mà con đâm cha vì vài thước đất, trò chém thầy chỉ vì điểm thấp, vợ tẩm xăng đốt chồng, trẻ vị thành niên lấy dao chọc tiết heo đâm người cướp của. Đời sống văn minh thế nào mà phạm nhân ngày càng nhiều, nhà tù có thể mọc ngay trên đường phố. Nhiều phát minh sáng chế con người phải giật mình khâm phục, vậy mà sao bất công, đàn áp, bóc lột nhan nhản như ruồi bay giữa ban ngày mà không ai buồn khám phá? Văn minh ở đâu, tân tiến thế nào, phát minh ra sao mà người đói rách bần cùng không đủ miếng cơm manh áo, trong khi kẻ giàu có, quyền cao chức trọng cứ phè phỡn sống trong lạc thú, sống trên xương máu của đồng bào? Tiếng nói của lương tâm ở đâu, công bình và chân lý biến đâu hết rồi?
Một điều không thể phủ nhận trong xã hội hiện nay là luân thường đạo lý ít được coi trọng. Những giá trị đạo đức bị đảo lộn. Chủ nghĩa thuần túy duy vật chi phối và cai trị. Thêm vào đó là đề cao chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ, hưởng thụ tới mức có thể. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói tội lớn nhất hiện nay của nhân loại là con người đang đánh mất dần cảm thức về tội lỗi và để tiếng nói lương tâm bị đè bẹp. Như thế xã hội làm sao yên ổn, gia đình làm sao hạnh phúc. Người sống trong chân lý luôn có sự bình an trong tâm hồn, qua những hướng dẫn của Chúa Thánh Thần nói trong lương tâm. Nếu chiều theo dục vọng, con người sẽ trở nên xào xáo, bất an. Đời không bình an tìm đâu ra hạnh phúc. Cuối cùng, cuộc đời ấy dẫn đến vong thân và mất Ơn Thánh mãi mãi, bởi họ đã không để cho chân lý là tiếng nói Lương Tâm biến đổi mình.
Như vậy, nền khoa học công nghệ tân tiến không phải không có vấn đề.
Hỡi thời đại @, hãy để cho lương tâm đánh thức lòng sám hối!
VI. Tạm kết
Những điều đưa ra ở trên như một nhận định, đúng hơn là dịp để cho lương tâm lên tiếng, chứ con người không có quyền phán xét về ai. Nói gì thì nói, chúng ta phải tôn trọng lương tâm của mỗi người. Mỗi người có nghĩa vụ phải truy tìm sự thật theo khả năng của mình và trao đổi học hỏi với người khác, cũng như có trách nhiệm phải uốn nắn phán đoán và hành động của mình để phù hợp với sự thật mà mình đã biết.
Xin được mượn lời của Lm. Phan Tấn Thành để thay cho lời kết:
“Chúng ta cần hành động theo lương tâm và lương tâm cần được điều khiển theo sự thật. Đây là công tác đào tạo không bao giờ ngừng: chúng ta có bổn phận truy tìm sự thật, cách riêng để biết điều gì là tốt và điều gì là xấu. Sự phân định này không dễ dàng khi phải đối diện với biết bao tình huống phức tạp mỗi ngày. Tiếc rằng nhiều lần chúng ta không muốn biết sự thật bởi vì chúng ta phải thay đổi não trạng và cách cư xử của mình. Ai đã chẳng hơn một lần “nói dối lương tâm”, “lường gạt lương tâm”, đó là chưa kể những lần “bóp nghẹt lương tâm”, “bịt miệng lương tâm”. (Lm. Phan Tấn Thành, OP, Đời sống tâm linh, tập 8, Roma 2009, tr. 158).
Vâng, cần lắm và không thể thiếu một lương tâm thức tỉnh!
Tác giả bài viết: Jos. Thanh Phong
Nguồn tin: TGPSG