Lương tâm còn ‘áy láy’ là không sợ sa… Hỏa Ngục!?

1. Tớ có có việc lên Sài Thành, chợt nhớ cô em đồng hương vẫn gọi tớ chân tình là ‘sư huynh’ và tớ coi như em gái, đáp lễ gọi ‘sư muội’. Lâu rồi không gặp. Biết Cô em mới du lịch một vòng Châu âu, tò mò lại muốn ‘du lịch’ ké qua kể chuyện…Tớ alo báo biết…

Cô em cho địa chỉ nơi trú trọ mới, mời ghé chơi.

Tớ chạy đến đúng địa chỉ, hỏi thăm một bác sồn sồn, trong ngôi nhà thuộc dạng cao cấp, tớ nghĩ chủ nhà.

– Xin lỗi bác, cho em gặp Cô N.H… Không biết cô ta có thuê trọ ở đây không ?

– Tôi không biết tên. Nhưng ở đây có một cô và chồng thuê nhà đang ở đây.

Tớ biết chắn 100% ‘sư muội’ chưa có chồng. Kiểm tra dịa chỉ: đúng y boong. Tớ hỏi lại.

Bác sồn sồn khẳng định: – Không có cô gái trẻ nào người Việt thuê nhà đây cả, ngoài cô ấy cùng chồng làm bên DL.

Tớ đành rút điện thoại ra alo…

Câu chuyện tớ với bác sồn sồn thuộc dạng…oang oang. Có lẽ Cô em nghe được. Sau vài câu xã giao có chút e dè… Cô em chân tình:

– Em nói sư huynh đừng… buồn nhé. Em đang ở với bạn trai đứng tuổi đã có đời vợ và đã ly dị.

Tớ hơi bất ngờ, và…buồn thật, có cả chút tê tái!… Bề ngoài vẫn ra vẻ… bình nhiên.

– Nếu hai người thật sự yêu nhau, cứ tiến hành thủ tục hôn nhân… Có thể được hưởng đặc ân Phaolo.

– Bạn em người có Đạo…

(Nhớ lại mấy năm trước, cô em có thắc mắc về trường hợp này. Đại loại tớ nói: Đặc ân Phaolo dành cho lương dân và vì Đức tin. Hai đặc tính tốt đẹp của hôn nhân: Đơn hôn và vĩnh hôn (một vợ một chồng- trọn đời yêu thương (không ly dị) là Luật Chúa (Thiên Luật) chứ không phải nhân luật (luật Hội Thánh), mà cái gì là Thiên luật thì có giá trị phổ quát và trường tồn. Vợ chồng lương dân đến với nhau vì tình yêu và hoàn toàn tự do, trước mặt Chúa Giao ước Hôn nhân đã thành sự, đều đương nhiên được hưởng hai đặc tính Hôn nhân tốt đẹp do Chúa thiết định ngay từ đầu. Do đó, khi hôn nhân thành sự thì bất cứ ai ly dị đều phạm tội. Việc tội thế nào, Chúa xét xử thế nào, đấy là việc của Chúa, không phải việc của con người…

Ai dè câu chuyện cô nói về một người bạn nào đó… ‘nhờ hỏi cha’ ngày trước lại chính là cô em. Thì ra cô hỏi để… thăm dò!)

2. – Nhưng chúng em yêu nhau thật. Chúa là Tình yêu chẳng nhẽ ngăn cản… – Cô em lý luận.

Yêu ? Có thật là Tình yêu chân chính hay mạo nhận Tình yêu hoặc lạm dụng tình yêu ?

Và bỗng nhiên tớ lách… qua nói chuyện …cổ tích.

– Cô không lạ gì bà mẹ ghẻ truyện Tấm – Cám. Có thể nói bà là… mẫu gương của bà mẹ thương con đẻ của mình. Bà không muốn ai hơn con bà, tìm mọi cách hãm hại, trù dập (nếu cần ám hại, bà cũng sẵn sàng) để không ai hơn con bà, để con bà là số một… Bà quá thương con đấy chứ, tìm mọi cách để con hơn (hay không thua) con người ta… Thế sao bà không bao giờ trở thành gương sáng thương con, nếu không muốn nói luôn bị xếp vào nhân vật…xấu xí, độc ác ?

Cô em ngồi im, không trả lời, sợ … sập bẫy gài gì chăng.

Tình yêu chân chính bao giờ cũng đẹp do bắt nguồn từ Thiên Chúa nhằm nâng cao phẩm giá con người, cho đời đáng sống, đẹp và có ý nghĩa….

Nhân danh Tình yêu để đòi ăn ở bất chính như vợ chồng, để cùng nhau phạm tội, đưa đến nhiều nguy hiểm, xét về mặt Đạo rủ nhau phạm tội, lại là những tội nguy hiểm mất Nước Trời… thì đấy có phải phải Tình yêu không ? Hay đang xúc phạm đến Tình yêu ?

Cô em im lặng. Không gian trở lên tĩnh lặng !…

Tớ cũng cố tình để khoảng trống theo cách Chúa Giêsu làm trong việc các lãnh đạo Do Thái giáo bắt tại trận người đàn bà ngoại tình và họ đem đến để thăm dò Ngài xét xử thế nào còn lấy cớ tố cáo Ngài. Ngài không trả lời trước bao lời tố cáo, cố tình tạo ra khoảng trống thinh lặng… Tớ gọi đây là Thinh lặng Thánh vì giúp con người trở về với chính mình, nhìn ra thân phận mình cùng hèn tội như ai, rồi cảm thông…

– Em có trình bày việc em với một Dì già thân quen, đáng kính, tu bên Châu âu, trong chuyến du lịch vừa qua. Dì bảo hai người sống với nhau thấy hạnh phúc bình an là được rồi, nhưng đừng bao giờ mất hy vọng vào Lòng thương xót của Chúa.

Tớ ấn tượng câu nói ‘đừng bao giờ mất hy vọng Lòng thương xót của Chúa của Chúa’ và tớ cho đấy là lời nhắc khéo với nhiều ẩn ý. Muốn đón nhận Lòng thương xót của Chúa – ơn tha thứ của Ngài thì cùng một đòi hỏi hối nhân phải cố gắng canh tân đời sống; ăn năn tội phải đi liền dốc lòng chừa (giả như có cố gắng, có dốc lòng chừa mà vẫn tiếp té ngã, không sao. Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ- lời của Đức Thánh Cha Phanxico) … Đấy là đòi hỏi của Chúa Giêsu khi người nói: Tội con đã được tha, con về bằng an và đừng phạm tội nữa.

Với lại, tin tưởng vào Lòng thương xót của Chúa không đồng nghĩa cứ cố tình ở lì trong tội lỗi.

– Em nghĩ nếu mình phạm tội, nhất là tội trọng có nguy hại sa hỏa ngục chắc chắn Chúa không để cho lương tâm bình yên đâu. Sư huynh thấy đúng không? Chúng em ở với nhau thấy bình yên, hạnh phúc mà ?

– Cô có thấy những người phạm trọng tội rõ ràng mà vẫn cảm tấy an vui, tự hào không, đơn cử những người Hồi giáo qúa khích khủng bố, giết bao nhiêu người vô tội?

Tai sao vậy ?

Thứ nhất Lương tâm, Lương tri sai lầm
. Lương tâm hình thành và ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa, phong tục xã hội. Có dân tộc cho là hiếu thảo đối với cha mẹ già yếu bằng cách cho các cụ leo cây, ở dưới con cháu rung. Nếu không té thì mang xuống nuôi tiếp, còn té thì cho chết; cũng có phong tục đáp hiếu bằng cách ăn… thịt cha mẹ khi các ngài chết. Đối với ta hay với người văn minh, đó là những việc làm kinh tởm, dã man song với họ thì không kinh tởm, không áy náy, lương tâm vẫn an bình khi làm.

Cũng cần nhớ, sau khi Nguyên Tổ phạm tội, bản tính con người trở nên yếu đuối, dễ nghiêng chiều theo sự dữ thì Lương tâm – Lương tri càng dễ sai lầm. Thế mới cần Lời Chúa soi dẫn Lương tâm; thế mới cần Ngôi Hai Nhập thể làm người, nói trực tiếp với con người để cho Lời Chúa hoàn tất và sáng rõ hơn.

Thứ hai lương tâm có thể thành cụ già… rụng hết răng, có cắn… mỏi miệng cũng không xi nhê gì. Đấy là lương tâm chai đá
.

Lương tâm chai đá- giống như nước chảy đá mòn- do thói quen hay phạm, cố tình ở trong tội. Ban đầu gian tham vài ngàn đồng thì áy láy, lo lắng… nếu cứ gian tham thì có lúc bạc tỉ vẫn không thấy sao; Ở trong tội ban đầu áy náy, song cứ ở hoài ở mãi thì sẽ có lúc thấy…không sao , thậm chí còn đưa ra nhiều lý do nguy biện, cho điều sai thành đúng, xấu thành đẹp.

Với những người để lương tâm chai đá, vô cảm với tội thì dấu hiệu cho thấy rõ nguy cơ mất ơn Cứu độ, bởi bước vào làn răn Tội phạm Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu quả quyết: Mọi tội được tha nhưng tội phạm Chúa Thánh Thần thì không được tha (x.Mc 3, 28-29). Đấy là tội từ chối Lòng thương xót của Chúa, cố tình sống trong tội lỗi…

– Cô có bao giờ thấy cây nghiêng, đổ chưa ?

Tớ chuyển đề tài đột xuất. Vốn qúa biết cách nói chuyên ‘sư huynh’ cô em cảnh giác, không trả lời mà đặt lại câu hỏi:

– Ý sư huynh là sao ?

– Chả trăng sao gì hết. Đơn gian là thế này : Cây nghiêng chiều nào sẽ đổ theo chiều ấy. Cô thấy đúng không ?

– Đương nhiên là thế rồi !

– Nếu đời này mình cứ nghiêng sống về điều tội, nghiêng về sự dữ, thích sống theo bóng tối, thì liệu lúc Chúa đến ta có đủ sức để bật về phía ánh sáng là Chúa không… Đấy là chưa kể trường hợp… chết tươi vốn đang diễn ra phổ biến do đột quỵ, tai nạn giao thông… Oái oăn chỗ, toàn chết trẻ.

– Nhưng Chúa có thể làm được tất cả ?

– Vẫn có thứ Chúa…bó tay đấy. Đó là vấn đề tự do- điều phản ảnh rõ nhất con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, điều làm nên ý nghĩ- giá trị phẩm giá con người và cũng là điều ta phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về mọi việc ta làm ở đời này.

Có vẻ cô em vẫn chưa hiểu vì chưa hết… choáng sau những cú tấn công liên tiếp, toàn những điều trái ý.

– Thiên Chúa dựng nên con người là để hạnh phúc, để thừa hưởng Nước Trời song vẫn có người sa hỏa ngục vì lạm dụng tự do, nhân danh tự do để làm điều sai trái, từ chối ơn tha thứ. Chúa muốn cứu mà ta không cho Chúa cứu, thì Chúa cũng… bó tay thôi. Ngài không bao giờ xâm hại đến tự do mà Ngài đã ban tặng cho con người.

Thấy nói chuyện nhiều và cũng quá giờ trưa, một phần bụng…đói, tớ đành… xin phép về. Cô em mời tớ ăn trưa. Lần đầu tiên tớ từ chối.

– Sư huynh đang giận em à ?

– Ô không…. Nói thật có đói bụng, lát chạy ra quán ăn riêng để tiện… đánh nhanh rút gọn. Chiều có việc bận ở giáo xứ.

Trước khi về, tớ lại thăm dò… hướng khác :

– Cuộc sống mình không chỉ riêng mình mà còn cho người khác, nhất là gia đình. Bố mẹ cô đang ở nước ngoài, nếu biết chuyện cô chắc buồn lắm đấy.

– Cha mẹ em biết rồi.

– Thế thì không chỉ buồn đâu và sẽ khổ nhiều đấy.

Tớ dám khẳng định ‘khổ nhiều’ vì cô em vốn xuất thân từ gia đình nề nếp- gia phong, cha mẹ đạo đức, và cô em từng là niềm hy vọng cho mẹ cha thành ông – bà cố.

Trên đường về, tớ dâng cô em cho Chúa và Mẹ Thánh, xin ban cho cô em được ơn Khôn ngoan và Can đảm…

Tớ cầu cho cô em một, tớ xin cô em cầu nguyện cho tớ gấp mười.

Lm.Đaminh Hương Quất

Exit mobile version