Lược sử Giáo phận Đà Nẵng và Giáo hội Việt Nam

GiaophanDaNang - Lược sử Giáo phận Đà Nẵng và Giáo hội Việt Nam

I.TỔNG QUAN VỀ LỊCH SỬ GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG


Giáo phận Đà Nẵng, nếu tính từ thời điểm có sắc chỉ “In vitae naturalis similitudinem” của ĐGH Gioan XXIII thành lập giáo phận ngày 18.01.1963, vẫn được xem là Giáo phận trẻ so với nhiều giáo phận khác. Tuy vậy, với những yếu tố lịch sử, địa dư, xã hội… liên quan, Giáo phận Đà Nẵng lại mang trong mình nhiều dấu ấn của một Giáo hội Việt Nam kiên cường và sống động. Những thăng trầm trong dòng lịch sử của Giáo hội hoàn vũ, đất nước và địa phương, đã cho Đà Nẵng những khả năng để minh chứng Đạo Chúa và để làm cho sứ điệp Tin Mừng của Chúa Kitô được tiếp tục sống động và hiệu quả cho đời sống con người nơi vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng của miền Trung nhiều thử thách này.

1- Trong dòng lịch sử Giáo hội Việt Nam :

Biên niên sử của Giáo hội Việt Nam thời sơ khai (1615-1885) khắc ghi nhiều niên biểu, địa danh và sự kiện liên quan đến Giáo phận Đà Nẵng ngày nay.

– Trước hết, là địa danh Cù lao Chàm với biến cố Duarte Coelho dựng Thánh giá (1516) ; Hội An (Faifo / Phố Hội) nơi đã vinh dự đón những bước chân đầu tiên và cũng là cư sở của các vị thừa sai, các thương nhân công giáo người Bồ đào Nha, Pháp, Ý : Cha Francesco Buzomi, Diego Carvalho, Thầy Antonio Dias và Paul đến Cửa Hàn, Hội An (ngày 18.01.1615), Cha Pina (1622-23), Cha Alexande de Rhodes (1624/ 1640/ 1642); Công nghị năm 1664 do Đức Cha Lambert de la Motte tổ chức, hoạch định đường hướng mục vụ chung theo Huấn dụ của Tòa Thánh và Công nghị lần II do Đức Cha Mahot (1682-1684) tổ chức tại Hội An ; Địa danh Phước Kiều (Thanh Chiêm), năm 1644, đã hân hạnh là nơi đón nhận những giọt máu chứng nhân đức tin anh hùng của vị Tử đạo tiên khởi là Thầy giảng Anrê Phú Yên (1625-1644) ; Các địa danh Bàu Nghè (An Ngãi), An Sơn, Phú Quý, Phú Thượng, Trà Kiệu… cũng là những nơi gánh chịu nhiều tổn thất của các cuộc bách hại đức tin và lưu giữ dấu tích liên quan đến các vị chứng nhân đức tin qua nhiều thời kỳ.

– Thứ đến, từ vùng đất Quảng Nam Đà Nẵng này, Dòng Tên đã đặt nền móng xây dựng Giáo Hội Việt Nam tại nơi đây và phát triển Đạo Chúa sang các tỉnh thành Đàng Trong và sau đó là Đàng Ngoài, đồng thời có những đóng góp lớn lao vào sự phát triển của đất nước và giáo hội Việt Nam. Về phần đời, đó là những đóng góp về sử học và địa lý Việt Nam thông qua các bản tường trình và các tác phẩm đã được xuất bản thời đó, giúp hiểu về đất nước và con người Việt Nam cùng với những tiếp xúc giao tế với mọi thành phần trong xã hội để phần nào có được những nhận xét và đánh giá thiện cảm đúng mực về người Việt Nam. Một đóng góp được kể là công trình vĩ đại giúp nước ta vươn đến thế giới văn minh nhanh chóng chính là chữ Quốc ngữ, do các vị Thừa Sai uyên bác : Buzomi, Pina và Alexandre de Rhodes, cũng đã hình thành và xuất hiện từ các vùng miền của Quảng Nam Đà Nẵng, như phương tiện thích ứng với công cuộc rao giảng Tin mừng của thời sơ khai. Về phần Đạo, những đóng góp được ghi nhận xuất phát từ nôi truyền giáo Hội An là : những thích nghi văn hóa vào đời sống tôn giáo, phong phú ngôn ngữ Việt Nam với các từ ngữ tôn giáo và ứng dụng các câu chữ thánh hiền để diễn tả các chân lý Đạo, tổ chức các nghi thức tôn giáo (tang chế, hôn lễ) hợp với phong tục Việt Nam, tổ chức Hội Thầy Giảng và Nhà Đức Chúa Trời để mời gọi giáo dân tham gia việc truyền giáo, vận động chuẩn bị cho Việt Nam có Giám mục Đại diện Tông Tòa và đào tạo linh mục bản quốc, xây dựng nền văn chương Kitô giáo qua việc sáng tác, sao lục, in ấn và phổ biến tác phẩm tôn giáo, tổ chức sinh hoạt các xứ đạo nền nếp : kinh nguyện, giáo lý, đi làm phúc…

– Sau nữa, do địa hình sơn thủy giao hòa, mà các cảng sông biển, đường bộ của Quảng Nam Đà Nẵng vẫn là nơi cập bến hoặc di chuyển của nhiều các vị thừa sai của các Hội (Thừa sai Ba-lê), Dòng (Tên, Phan-xi-cô…), các nhà Truyền giáo khả kính, trên con đường thiên lý rao giảng Phúc Âm và thành lập Hội thánh địa phương của Đàng Trong.

Chính từ yếu tố nền tảng từ lịch sử này, bao thế hệ giáo dân, giáo sĩ xuất thân từ Quảng Nam và Đà Nẵng đã lưu giữ và phát huy một truyền thống đức tin mạnh mẽ và sống động, vượt qua mọi thử thách cản trở của thời cuộc để tiếp tục tồn tại và minh chứng cho giá trị Nước Trời trong mọi hoàn cảnh, mọi biến chuyển của đời sống xã hội, chính trị, kinh tế. Giáo phận Đà Nẵng vẫn luôn tiếp nối sự khởi đầu cần thiết cho công cuộc rao giảng và chứng tá Tin Mừng cách quả cảm và kiên trì theo dòng lịch sử, từ khi thành lập cho đến nay, với những nỗ lực thích ứng về mục vụ huấn giáo, truyền giáo, bác ái xã hội, tông đồ giáo dân… đều khắp các miền xứ thành thị lẫn thôn quê.

2- Theo dòng lịch sử Giáo hội hoàn vũ :

Giáo phận Đà Nẵng thực sự là đứa con của Công đồng Vaticanô II (11.10.1962-08.12.1965) khi được thành lập (tách ra từ Giáo phận Quy Nhơn vào ngày 18.01.1963) vào chính thời điểm diễn ra công đồng Vaticanô II, như lời huấn từ của Đức Giám mục tiên khởi Phêrô Maria Phạm ngọc Chi của Giáo phận phát biểu trong ngày nhậm chức (01.5.1963) : “Tôi rất vui mừng vì việc thiết lập Địa phận Đà Nẵng trùng năm với việc chiêu tập Công đồng Vatican đệ nhị. Lịch sử Đà Nẵng sẽ gắn liền với lịch sử Công đồng Vatican II. Cũng như Giáo hội sau Công đồng sẽ có một bộ mặt mới và một tinh thần mới thì Đà Nẵng của Công đồng Vatican II cũng sẽ có một bộ mặt và một tinh thần mới. Bộ mặt và tinh thần thực thụ của Chúa Kitô”. Chính quyết tâm xây dựng Giáo phận mới theo tinh thần của Công đồng của Đức Cố Giám mục tiên khởi đã trở nên định hướng cho mọi nỗ lực xây dựng và phát triển của Giáo phận non trẻ này. Những hướng dẫn mang tính canh tân của Công đồng Vatican II thực sự được cập nhật và áp dụng đúng lúc tại Giáo phận. Trước hết là những Ủy ban được thành lập theo các Tự Sắc của Đức Giáo hoàng Phaolô VI : Ủy ban Phụng vụ, Ủy ban Truyền thông, Ủy ban Công giáo Tiến hành, Ủy ban Caritas, Ủy ban Giáo lý, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Ủy ban Công lý Hòa bình (Ủy ban Phát triển). Tiếp theo là những Hội đồng Mục vụ, Hội đồng Linh mục, Hội đồng Giáo dân, Hội đồng Giáo xứ và những quy chế tương ứng. Tất cả được khai triển cùng với các khóa huấn luyện, học tập, hội thảo và đại hội. Không chỉ là những thay đổi về các nghi lễ cử hành Phụng vụ, hình thành các đoàn thể ban ngành Công giáo Tiến hành theo các chỉ dẫn của Công đồng và việc xây dựng các cơ sở đào tạo, mục vụ…, mà còn là một tinh thần sống đạo đích thực và tinh tuyền luôn được hướng dẫn và thực hành “ad Gentes”, hướng về công cuộc Truyền bá đức tin, hoạt động tông đồ giáo dân trong mọi tầng lớp, mọi lãnh vực và hoàn cảnh cuộc sống. Cần ghi nhận những hoạt động tông đồ giáo dân sau khi đã thấm nhuần tinh thần của Công đồng qua sắc lệnh Tông đồ Giáo dân, bằng việc thi hành công việc này theo cả cơ chế cũ (Công giáo tiến hành với các đoàn thể đã có sẵn) và cơ chế mới (với Hội đồng Giáo xứ và Hội đồng Giáo dân cấp Giáo phận) qua các biến động của thời cuộc.

Tinh thần và giá trị đời sống Tin mừng theo Công đồng Vatican II vẫn tiếp tục là ý hướng chủ đạo cho mọi sinh hoạt âm thầm và sâu lắng của Giáo phận vào những năm sau biến cố 1975. Dù không còn những phương tiện khả dĩ để hoạt động (các cơ sở tôn giáo, các hội đoàn), dù sự mất mát về nhân sự (giáo sĩ và giáo dân) của một số lớn các xứ đạo (di cư đến những nơi khác hoặc hồi cư, không được phong chức linh mục) ; nhưng việc âm thầm nuôi dưỡng đức tin và củng cố lòng cậy mến đã giúp giáo phận hồi phục và tiến triển khi cơ hội đến : chuẩn bị các dự tu nhập đại chủng viện, củng cố các xứ đạo cũ và hình thành các xứ họ mới, xây dựng lại các công trình và cơ sở tôn giáo… Đáng ghi nhận ở đây là sự hợp nhất và đồng thuận của mọi tầng lớp trong giáo phận, giữa chủ chăn và đoàn chiên, bền tâm và nhiệt thành vượt qua những khó khăn của hoàn cảnh và thời cuộc để tiếp tục nuôi dưỡng và phát huy tiềm năng sống và minh chứng đức tin.

3- Theo dòng lịch sử đất nước :

Những biến cố thăng trầm trong dòng lịch sử đất nước vẫn luôn trở thành những khả năng để thanh luyện hoặc phát triển Giáo hội địa phương. Vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng từng là nơi xảy ra và tiếp nhận nhiều biến cố đặc biệt theo vận mệnh của đất nước. Đó là cuộc hành trình về phương Nam của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (với địa danh Dinh Trấn Thanh Chiêm, nơi đặt bản doanh tiền phương của nhiều thời Chúa Nguyễn trước khi thiết lập vương triều và đặt kinh đô tại Thuận Hóa). Đó cũng là nơi vang lên những phát súng đầu tiên (năm 1858) của thời kỳ Pháp thuộc và các cuộc đối kháng, bách hại của nhiều thập kỷ về sau ; là nơi đặt những bước chân và căn cứ quân sự đầu tiên của những quân nhân Mỹ, Hàn, Úc trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Quảng Nam – Đà Nẵng cũng là nơi tạm dung của nhiều thế hệ di dân thời cuộc : năm 1954 với hàng trăm ngàn dân di cư từ nhiều tỉnh miền Bắc ; năm 1964, 1968, 1972, 1975 với những người tản cư do chiến sự leo thang hoặc do thiên tai tàn phá một số vùng miền thuộc các tỉnh Bắc và Nam Trung Bộ (Quảng Ngãi, Quảng Tín, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị)…

Những thăng trầm và biến chuyển của dòng lịch sử đất nước đã ảnh hưởng đến sự hình thành và biến đổi về dân số, nhân sự và các xứ đạo tại Giáo phận Đà Nẵng, trước và sau khi thành lập. Sự chuyển đổi nơi cư trú vì lý do chiến sự, kinh tế… đã ảnh hưởng đến việc tổ chức và các hoạt động tôn giáo, nhiều khi khiến giáo phận trở nên “quá tải” hoặc “hoang vắng”. Trong bầu khí thường xuyên đối diện với những chuyển biến đó, các phương thức hoạt động công giáo tiến hành, các tổ chức cử hành sinh hoạt đạo đức, những nền nếp sống đạo quen thuộc của các địa phương đã phần nào thay đổi theo hướng hòa nhập và thăng tiến do sự tham gia của nhiều lớp giáo dân của các vùng miền. Đối diện với những “can thiệp” của lịch sử tạo nên những biến thiên trong giáo hội địa phương, Giáo phận Đà Nẵng vẫn cố gắng vượt qua những khó khăn mất mát, để sống đức tin và truyền rao những giá trị rạng ngời của Tin Mừng yêu thương và sự sống cho mọi người và mọi nơi, bằng những nỗ lực sống của mọi thành phần dân Chúa. Những số liệu về tăng tiến nhân sự (giáo dân, giáo lý viên, chức việc, chủng sinh, tu sĩ, giáo sĩ) của những năm gần đây đã cho thấy nỗ lực đó.

(WGP.Đà Nẵng 09.01.2015)

Exit mobile version