Lúa đã trĩu bông ở xóm đạo Trà Ếch

3 - Lúa đã trĩu bông ở xóm đạo Trà Ếch

Mới hơn một năm về nhiệm sở, nhưng những cung đường, gia đình các tín hữu trong xứ cha đều thuộc nằm lòng, bởi đơn giản, viếng thăm mục vụ là công việc thường xuyên và chính yếu của ông cố sở nơi đây. Cho đi tình thương và nhận lại sự quý trọng là những gì mà cha Micae Nguyễn Khắc Minh, chánh xứ Trà Ếch, giáo phận Cần Thơ cảm nghiệm được trong thời gian qua.

Gieo yêu thương…

Con đường Nam Sông Hậu nối giữa thành phố Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng hình thành giúp cho hành trình về nhà thờ Trà Ếch ngày nay (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) thuận tiện hẳn, bỏ đi cảnh phải chèo ghe, chèo xuồng, lội bộ ngày trước. Ngôi nhà thờ Trà Ếch nhỏ nhắn, cách con lộ tấp nập xe cộ này chỉ vài trăm mét, nhưng đời sống người dân chung quanh vẫn còn nhiều khó khăn. Về đây, câu chuyện ông cố năng nổ, nhiệt tình là đề tài được bà con bàn tán rôm rả trong những lần gặp mặt.

Cha về xóm đạo nhỏ Trà Ếch chỉ mới hơn năm, chính xác từ tháng 7.2018, tuy nhiên, với một người đã có sẵn tinh thần dấn thân, cùng những kinh nghiệm mục vụ đúc kết sau gần 15 năm linh mục (cha chịu chức tháng 6.2004), thì chừng đó thời gian là đủ để bắt nhịp và thích nghi với hành trình dấn thân mới. Bước đầu, khuôn viên nhà thờ được cha cho tu sửa lại thông thoáng, mát mẻ. Phòng giáo lý cũng cơi nới, bắt thêm quạt, thêm đèn… Ðể tạo mối dây gắn kết, cha thường xuyên ghé thăm các gia đình. Nhờ vậy mà những tín hữu nguội lạnh vì một thời gian dài vắng bóng chủ chăn, nay cũng trở lại, đi dự lễ, tham gia vào việc nhà thờ nhà thánh.

Ngoài làm mới khuôn viên, cha còn cho xây dựng phòng khám bệnh và tủ thuốc tình thương. Giờ đây cứ đều đặn mỗi Chúa nhật, ông cố lại liên hệ các bác sĩ từ nhiều nơi đến thăm khám, phát thuốc miễn phí cho bà con. Trung bình mỗi tuần quy tụ cả trăm lượt bệnh nhân, biến khuôn viên nhà xứ trở thành “nhà thương” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ở vùng đất còn lắm khó khăn này, nhiều gia đình phải đánh vật mới có cái ăn qua ngày thì tủ thuốc tình thương đã giúp người dân vơi đi nỗi lo bệnh tật. Cạnh đó, giáo xứ còn quán cơm tình thương phục vụ vào cuối tuần. Chỉ với 2.000đ, những người nghèo, tàn tật, người già neo đơn đã có được bữa ăn ngon mà chất lượng. Vậy nên với nhiều người, “bữa cơm ông cha” – như cách mà bà con nơi đây vẫn hay gọi – chính là dịp hiếm hoi họ được “nạp” đủ dưỡng chất sau một tuần dài vất vả.

Song song hoạt động chăm lo dân sinh thì lớp trẻ cũng là đối tượng ưu tiên hàng đầu. Trước khi về Trà Ếch, một thời gian dài cha làm phó xứ Rạch Súc ở thành phố Cần Thơ. Tại đây mỗi dịp hè, cha đều mở khóa để các em nhỏ trong vùng có nơi vừa học, vừa chơi. Có năm quy tụ đến gần 1.200 học sinh, cả Công giáo và không Công giáo, nên ở Rạch Súc ngày đó, “khóa hè tía Minh” là địa điểm mà nhiều phụ huynh tin tưởng gởi gắm con cái. Ở vùng quê nghèo Trà Ếch, cha nhận thấy ngày hè của thiếu nhi còn đơn điệu hơn nhiều so với chúng bạn thành phố. Hiểu và thương cho tình cảnh thiệt thòi, cha quy tụ rồi liên hệ các thầy dòng, nữ tu giúp xứ cộng tác để dạy văn hóa cùng các môn năng khiếu. Mới chỉ là khóa đầu tiên, nhưng dịp hè 2019 vừa rồi đã có gần 100 em tham gia. Ngày chúng tôi ghé thăm, bàn tay các em đã có thể làm quen với các phím đàn, thành thục một số đường võ hay tập tành phát âm tiếng Anh. Cùng với đó, trên gương mặt từng bạn nhỏ không giấu được niềm ngất ngây, vui sướng…

…Gặt hạnh phúc

Nơi gian nhà xứ vừa mới xây dựng, cha cho đặt dòng chữ khá lớn “Con tin cậy vào Chúa”. Ðây là câu Lời Chúa mà cha tâm đắc, đồng thời cũng là nguồn động lực để trong đời mục tử của mình, cha không chỉ vun đắp đức tin cho bản thân mà còn cần mẫn gieo trồng hạt giống đức tin cho anh em lương giáo.

Trà Ếch – do lâu ngày không có cha sở, nên không ít giáo dân nguội lạnh – vì vậy mấy năm trước mỗi thánh lễ ngày thường chỉ có năm, bảy người tham gia; còn Chúa Nhật là hai, ba chục người dự. Lạnh lẽo và thiếu sức sống! Do vậy hơn một năm qua, công việc chính yếu của vị linh mục tuổi ngoài 40 là đều đặn viếng thăm, hỏi han bà con, hầu nhóm dần lên ngọn lửa sốt mến. Ðể chung sức trong cánh đồng truyền giáo, cha còn lập Ban Truyền giáo. Ðây là cánh tay nối dài mỗi khi cha sở đi vắng hay bận bịu nhiều việc cùng lúc. Mỗi tuần, Ban Truyền giáo cùng HÐMV giáo xứ đều họp một lần. Gọi là họp nhưng thật ra chỉ gặp gỡ, cà phê cà pháo, chuyện trò, nhưng cũng nhờ vậy mà cha nắm bắt rất nhanh tin tức họ đạo, nên hễ ai đau bệnh, khó khăn đều nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Chính nhờ những chuyến viếng thăm không ngừng nghỉ, từ người này giới thiệu người nọ  trước kia từng là đạo gốc, cha tìm đến hỏi chuyện, làm quen, rồi dần dà họ cũng ấm lại niềm tin. Nhờ vậy mà mỗi thánh lễ ở Trà Ếch giờ không còn đìu hiu như trước, ngày thường cũng năm, bảy chục người dự, còn hai lễ Chúa Nhật thì gấp ba lần con số đó. Không những vậy, cảm mến vẻ dễ gần, chân tình của ông cố sở, nhiều người còn xin theo học đạo. Cha cùng nhiều người chia nhau dạy giáo lý tân tòng cho bà con. Và thành quả thu lại là bó lúa trĩu nặng bông. Trong thánh lễ Phục Sinh ngày 21.4.2019, 86 anh chị em tân tòng đã được đón nhận Bí tích Thánh Tẩy để gia nhập đạo Chúa.

Thật ra, việc truyền giáo không chỉ mới nhen nhóm gần đây mà là tiếp nối những thao thức cha đã thực hiện trong thời gian còn làm phó ở Rạch Súc. Ở Rạch Súc ngày đó, cùng với cha sở Phanxicô Ðinh Trọng Tự, cha đã phát triển khá nhiều điểm truyền giáo khi nhận thấy bà con phải đi một quãng đường xa đầy vất vả mới đến được nhà thờ. “Cách nhà xứ chừng 20 cây số có một điểm gọi là kinh Cà Lang, tôi với cha Tự đi vô làm lễ, dạy học, nhờ người khám bệnh phát thuốc cho bà con. Sau đó nhiều người ngoại xin theo thì mới mua đất làm nhà nguyện, làm cầu bắc qua sông. Bây giờ Cà Lang là một giáo điểm độc lập. Khi dần ổn định, hai cha con mới ‘nhảy’ lên Thới An Ðông, cách xứ nhà chừng 10 cây số. Ở đây hiện có những bước đi ban đầu khi đã có lễ vào mỗi Chúa nhật…”, cha nhớ lại. Ðược biết ở hai điểm này, vài trăm anh em tân tòng lúc đó đang theo học giáo lý.

Cứ thế, bước chân người mục tử không ngừng dấn bước vào mọi môi trường, hoàn cảnh sống. Ở đó, chìa khóa cho sự thành công được cha chia sẻ: “Luôn vui vẻ, khiêm tốn, yêu thương mọi người bởi họ là hình ảnh của Ðức Kitô. Mình sống chan hòa thì sẽ nhận lại sự kính trọng”.

PHÚ THỊNH

Exit mobile version