Bài đọc: Hos 11:1b, 3-4, 8c-9; Mt 10:7-15.
Công bằng và thương xót là hai trong những đặc tính nơi Thiên Chúa. Nhiều người đã tự hỏi đặc tính nào nổi bật hơn nơi Thiên Chúa? Nhiều người cho Thiên Chúa của Cựu Ước mang hình ảnh của Thiên Chúa công bằng; trong khi Chúa Giêsu của Tân Ước mang hình ảnh Thiên Chúa thương xót hơn. Thực ra, Thiên Chúa của Cựu Ước cũng là Thiên Chúa của Tân Ước. Hình ảnh một Thiên Chúa thương xót vẫn trổi vượt hơn nếu chúng ta so sánh tỉ lệ thời gian 2000 năm của Cựu Ước với 33 năm ngắn ngủi của Chúa Giêsu sống trên trần gian. Nếu Thiên Chúa không thương xót bỏ qua lầm lỗi, loài người chúng ta đã không tồn tại đến ngày hôm nay!
Các bài đọc hôm nay muốn chúng ta nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa mạnh hơn những tội lỗi và sự vô ơn của con người. Trong bài đọc I, ngôn sứ Hosea diễn tả tình thương Thiên Chúa dành cho con cái Israel như tình thương của một người cha nuôi dưỡng đứa con thơ của mình. Lòng thương xót của Ngài đã thắng vượt tất cả những tội lỗi và vô ơn của họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu lo lắng cho các thế hệ tương lai bằng cách đào tạo các tông đồ. Ngài huấn luyện, ban quyền và sai họ đi để trừ quỉ, chữa lành mọi bệnh tật, và mang Tin Mừng đến cho mọi người cách nhưng không.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm.
1.1/ Thiên Chúa chăm sóc con cái Israel như cha hiền chăm sóc con thơ.
Biến cố Xuất Hành, khi Thiên Chúa dẫn đưa con cái Israel ra khỏi Ai-cập là một bằng chứng cho Israel nhận thấy Ngài yêu thương họ. Ngài đập tan quân đội Pharaoh, đồng hành với họ suốt 40 năm trường trong sa mạc, và đẩy lui tất cả các địch thù trên đường tiến vào Đất Hứa. Ngôn sứ Hosea diễn tả sự yêu thương này qua hình ảnh người cha chăm sóc cho đoàn con của mình: “Ta đã tập đi cho Ephraim, đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng. Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn.”
1.2/ Lòng thương xót của Thiên Chúa toàn thắng.
Chỉ được ít lâu sau khi vào Đất Hứa, con cái Israel bắt đầu quên công ơn Thiên Chúa và không tuân giữ những gì Chúa truyền dạy. Tội nặng nhất và xảy ra rất nhiều lần là tội bỏ Thiên Chúa để chạy theo các thần ngoại. Mỗi lần như thế, thay vì thẳng tay tiêu diệt, Thiên Chúa lại gởi các ngôn sứ hay các nhà lãnh đạo tới để mang con cái Israel trở về.
Trong trình thuật hôm nay, ngôn sứ Hosea dùng ngôn ngữ con người để con cái Israel hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa. Câu hỏi đặt ra là Thiên Chúa nên đối xử công bằng hay theo lòng thương xót? Nếu Thiên Chúa đối xử công bằng, Israel sẽ không trách Thiên Chúa được điều gì cả, vì tội lỗi của họ đã xúc phạm quá nhiều lần tới Thiên Chúa. Mỗi khi muốn đánh phạt con cái Israel, Thiên Chúa đã bị dằn vặt và khổ tâm: một bên là công bằng phải thẳng tay tiêu diệt như Ngài đã tiêu diệt 4 thành của Dân Ngoại: Admah, Zeboiim, Sodom và Gomorrha bằng lửa diêm sinh từ trời (Deut 29:23), một bên là lòng thương xót khi phải nhìn những đứa con ruột chìm trong biển lửa. Ngài đã phải thốt lên: “Làm sao Ta xử với ngươi như với Admah, để ngươi nên giống như Zeboiim được? Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Ephraim nữa.”
Để hiểu sự đau khổ của Thiên Chúa, chúng ta có thể so sánh với những đau khổ của cha mẹ khi nuôi dưỡng con cái: Con hư cha mẹ đã buồn, con bị đánh đau, lòng mẹ còn xót xa hơn, con vô ơn bạc nghĩa, lòng mẹ quặn đau như bị dao đâm. Cho dẫu vậy, sự đau đớn của mẹ vẫn còn thua xa sự đau đớn của Thiên Chúa. Ngài vẫn kiên nhẫn chờ con người nhận ra tình thương và ăn năn trở lại. Sau cùng, lòng thương xót của Thiên Chúa toàn thắng. Lý do đơn giản: “vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ.”
2/ Phúc Âm: Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.
2.1/ Bổn phận các môn đệ: Chúa chọn các Tông-đồ để huấn luyện các ông là cho một mục đích. Ngài biết sẽ phải từ bỏ thế gian để trở về với Chúa Cha, nên Ngài huấn luyện các ông để các ông thay Ngài tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Mục đích của việc rao giảng Tin Mừng là để con người nhận ra tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn con người tin vào Đức Kitô để được chung hưởng hạnh phúc với Ngài trên Thiên Đàng.
(1) Việc phải làm: Bổn phận hàng đầu của các môn đệ được Chúa Giêsu nói rất rõ ràng: “Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.” Để muôn dân tin vào lời các môn đệ rao giảng, Chúa Giêsu cũng ban cho các ông quyền chữa lành các vết thương hồn xác: “Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ.” Mục đích của việc chữa lành là để muôn dân nhận ra quyền năng Thiên Chúa và tin vào Ngài, chứ không phải để kiếm các lợi lộc vật chất. Ngài truyền cho các ông: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.”
(2) Việc không được phép làm: Vì Chúa Giêsu biết trước những cám dỗ vật chất có thể làm các môn đệ xao lãng bổn phận rao giảng Tin Mừng; nên Ngài ngăn cấm các ông:
+ Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng: Người môn đệ trung thành của Đức Kitô không bao giờ được phép tìm kiếm những thứ này; ngày nào người môn đệ tìm kiếm những thứ này, họ không thể là người môn đệ của Đức Kitô, và lời rao giảng của họ sẽ mất hết hiệu lực.
+ Đừng tích trữ của cải mang theo: Nhiều người cho những lời dạy này không thực tế, vì lên đường mà không có những vật dụng cần thiết, khi cần đến lấy gì mà dùng. Điều chính yếu Chúa Giêsu muốn nêu lên ở đây là người môn đệ phải sống một cuộc đời đơn giản. Nếu người môn đệ có quá nhiều của cải, làm sao ông có thể sẵn sàng lên đường đến những nơi xa xôi hẻo lánh để rao giảng Tin Mừng? Hơn nữa, Đức Kitô muốn các môn đệ phải tuyệt đối tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa, “vì thợ thì đáng được nuôi ăn.” Thiên Chúa sẽ không để những nhà rao giảng Tin Mừng của Ngài phải chết đói dọc đường.
2.2/ Kiếm người xứng đáng để ở trọ: Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài sẽ không ngừng thúc đẩy những tâm hồn có lòng quảng đại để họ lo chăm sóc đời sống vật chất của các nhà rao giảng. Chính vì điều này mà Đức Kitô đã dạy các môn đệ: “Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi.”
(1) Phần thưởng cho những người tiếp đón các môn đệ Chúa: “Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em.”
(2) Hình phạt cho những người không tiếp đón các môn đệ Chúa: “Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại. Thầy bảo thật anh em, trong Ngày Phán Xét, đất Sodom và Gomorrah còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta có một Thiên Chúa thương xót và bao dung hơn bất cứ cha mẹ nào trên thế gian này. Hãy biết chạy đến và van xin lòng thương xót của Ngài.
– Đã được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa chúng ta cũng phải biết xót thương anh chị em. Đừng bao giờ nhân danh công bằng để luận tội và tiêu diệt tha nhân.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP