Lòng sùng kính Nữ Thần Chết kỳ dị ở Mêxicô và Trung Mỹ

Muerte - Lòng sùng kính Nữ Thần Chết kỳ dị ở Mêxicô và Trung Mỹ

Kỳ thực, đó không phải là một vị thánh Công Giáo, mà là một nhân vật thiêng liêng dân gian. Trong hình ảnh một bức tượng xương sọ của một phụ nữ, Santa Muerte được tôn sùng rộng rãi ở Mêxicô và Trung Mỹ cũng như nhiều nơi ở Hoa Kỳ, và thường được ăn mặc giống như Đức Trinh Nữ Maria cùng được gọi bằng những cái tên thánh thiêng. Giáo Hội Công Giáo Rôma không ngừng phản đối sự sùng kính sai trái này, gọi hành vi sùng kính này là “chào mừng sự tàn phá và hoả ngục.”

Vào năm 2013, Giáo Hội đã chính thức lên án lòng sùng kính này. Cho dẫu đã bị các vị giáo chức cấp cao của Giáo Hội bài bác, Nữ Thần Chết vẫn được sùng kính rộng rãi giữa các tội phạm, những người buôn ma tuý và những người ở bên lề xã hội, hoặc ngay cả những người Công Giáo bình dân thông thường, những người vốn không biết Giáo Hội lên án chuyện sùng kính này. Ở Mêxicô và nhiều nước Mỹ Latinh, thánh Santa Muerte phổ biến đến nỗi người ta lầm tưởng rằng nó là một phần của đức tin Công Giáo, thường được đặt bên cạnh tượng Chúa Giêsu, và có rất nhiều nhà nguyện xây kính nó.

Một nhà nghiên cứu chủ đề này cho biết: “Không phải bất cứ vị thánh dân gian nào cũng bị Giáo Hội chính thức lên án từ những vị cấp cao nhất ở Vatican, nhưng Nữ Thần Chết là trường hợp ngoại trừ… Đó căn bản là hình tượng một phụ nữ trong tinh thần sùng bái Satan.” Theo nhà nghiên cứu này, Nữ Thần Chết là trào lưu sùng kính tôn giáo tăng trưởng nhanh nhất ở châu Mỹ. Vào năm 2001, 99% người Mêxicô không biết Nữ Thần Chết; hiện nay có khoảng 10-12 triệu người sùng kính nó, chủ yếu ở Mêxicô.

Nguồn gốc Nữ Thần Chết Santa Muerte

Santa Muerte có nguồn gốc từ thời thực dân Tây Ban Nha ở Mêxicô, khi các người thực dân Công Giáo tìm cách truyền giáo bằng cách mang hình tượng Thần Chết nữ làm đại diện cái chết. Khi đó, trong văn hoá người Maya và Aztec đã có hình tượng thần linh sự chết, nên biểu tượng đầu lâu nữ dễ dàng được chấp nhận vào văn hoá như kiểu một vị thánh về cái chết lai căng.

Dĩ nhiên, niềm tin này chẳng liên quan gì đến Tam Điểm hay phái thờ Satan, là những thứ khi đó chưa tồn tại ở Mỹ Latinh.

Trong một thời gian, Nữ Thần Chết vắng bóng khỏi lịch sử. Đến khoảng những năm 1940 đến 1980, Nữ Thần Santa Muerte xuất hiện trở lại như một người phù hộ tình cảm. Các phụ nữ bắt đầu cầu nguyện cùng một vị thánh dân gian để xin đem những người chồng ngoại tình của họ quay về. Cuộc chiến tranh ma tuý cũng góp phần làm Santa Muerte quay lại.

Tại sao lại cầu xin cùng Thần Chết?

Một phần sự thu hút của thánh Santa Muerte đến từ việc nó là một vị thánh không phân biệt, vì nó không đòi hỏi một sự tha thiết thánh thiện như các Thánh khác.

Khi người nào đó muốn thực hiện một hành vi trái pháp luật, họ mong không bị luật pháp dòm ngó, nhưng họ thấy ngượng nghịu khi đến cầu xin Thiên Chúa. Do đó họ đến cùng Santa Muerte và xin được bảo vệ rồi hứa đánh đổi một cái gì đó. Người ta luôn được cảnh báo rằng không được thất hứa điều gì cùng thánh Santa Muerte. Họ cũng thường đến xin Thần Chết trả thù, điều mà họ không bao giờ dám xin Chúa hay một vị Thánh của Giáo Hội. Các tội phạm hoặc những người không gần gũi với Giáo Hội ở trong số các tín hữu trung thành nhất của Santa Muerte. Tuy nó mang hình dáng ma quái, mỉa mai thay, nhiều người Mêxicô tin rằng Santa Muerte là một tôi tớ mạnh mẽ của Thiên Chúa và hành động theo chỉ đạo của Người.

Văn hoá Công Giáo Mêxicô và cuộc chiến tranh ma tuý của thập niên trước đã đem đến một thời vàng son cho Nữ Thần Chết. Ở Mêxicô, cho dù là những người Công Giáo không đi lễ Chúa nhật nữa cũng hiểu được những ý tưởng căn bản của lòng đạo đức – Thánh lễ, sùng kính các Thánh và đọc kinh cầu nguyện – những điều bị đánh cắp để dành cho Santa Muerte. Ở nhiều nơi, người ta thậm chí còn lần chuỗi Mân Côi để kính Nữ Thần Chết.

Do việc người Công Giáo Mêxicô vốn quen thuộc với sự chết, các cuộc chiến ma tuý gây ra 60.000-120.000 cái chết cho dân, đã khiến vị thánh của sự chết này trở nên rất hấp dẫn. Họ thấy sự chết luôn lờn vờn quanh họ, nên họ xin được Nữ Thần Chết bảo vệ.

Santa Muerte không phải là một vị thánh

Một linh mục Mêxicô cảnh báo: thân thiết với Santa Muerte là một sự sùng kính đầy nguy hiểm. Nữ Thần Chết thực sự là một con quỷ trong một tên gọi mỹ miều; bộ xương người cầm lưỡi hái chính là biểu tượng của Satan. Trong sứ vụ của mình, vị linh mục này đã chứng kiến nhiều người chịu đau khổ lớn vì sùng kính thứ thánh dân gian kia. Quả vậy, nhiều người sùng kính Santa Muerte và nhận thấy mình bị ma quỷ trói buộc. Kỳ thực, nhiều người Công Giáo bình dân không có ý tìm kiếm một thần linh nguy hiểm, nhưng lại vô tình mở cửa cho tà thần vì lầm tưởng rằng Thần Chết Thánh là một vị thánh Công Giáo.

Nữ thánh Santa Muerte không chỉ được sùng kính giữa người buôn ma tuý và tội phạm Mêxicô, mà còn giữa những người nghèo và người Công Giáo bình dân đơn sơ. Họ không hiểu biết tốt về đức tin của họ, và những thứ dân gian như thế rất dễ cuốn hút họ. Ở Mêxicô, chuyện rất phổ biến là người ta hoà trộn những hành vi mê tín với các kinh nguyện Công Giáo như Lạy Cha hay Kính Mừng, để mong đạt được điều họ cầu xin.

Tin tưởng và sùng kính vị thánh của sự chết là một sự sai lạc và méo mó đức tin Kitô giáo về Chúa Giêsu, Đấng đến với chúng ta để ban sự sống vĩnh cửu. Thiên Chúa là Chúa của sự sống, không phải sự chết.

Điều nguy hiểm tương tự ở Việt Nam

Ở Mêxicô, Nữ Thần Chết là một vị thánh dân gian được người Công Giáo chấp nhận. Ở Việt Nam cũng có những vị thần dân gian được người Công Giáo dung nạp tương tự, tuy không phải là Thần Chết. Chuyện một người Công Giáo ở trên thờ Chúa, ở dưới thờ thần tài, thổ địa là chuyện khá phổ biến. Điều ngạc nhiên là nhiều người không biết rằng đó là chuyện trái nghịch đức tin Công Giáo, vi phạm điều răn thứ nhất – chỉ thờ phượng một Đức Chúa Trời.

Bên cạnh đó, có nhiều người đạo Chúa nhưng vẫn đi hành hương và dâng lễ ở những nơi người ngoại sùng kính như miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc, tượng Quan Âm Nam Hải Bạc Liêu,… để cầu xin may mắn, tài lộc. Trong đức tin Kitô, không có một thần linh nào khác hiện hữu để có thể ban ơn, ngoài một mình Thiên Chúa.

Ngoài ra, coi bói, cầu cơ, lên đồng, cúng cô hồn, sử dụng bùa chú… cũng là những chuyện nhiều người Công Giáo Việt Nam thường dính líu, ngay cả những người vẫn trung thành đi lễ Chúa nhật. Như thế là coi thường Thiên Chúa, xem như Người không đủ sức phù trợ, nên cần những thứ kia giúp đỡ. Đó cũng là những sai lầm nghiêm trọng, làm hại linh hồn, mở cửa cho ma quỷ và hoả ngục.

Ước chi mọi người Công Giáo khắp nơi đều biết hết lòng thờ phượng Thiên Chúa trong lòng Hội Thánh Công Giáo, sùng kính Đức Mẹ và các Thánh, để nhận được những ơn lành thiêng liêng Chúa ban xuống cho từ trời.

Gioakim Nguyễn lược dịch

Theo Catholic News Agency

Exit mobile version