Ông bà ta đã nói: “Trời đánh tránh bữa ăn”. Bữa ăn là dấu chỉ của hiệp nhất, cho nên thời xa xưa, thỏa ước giữa các bộ lạc cũng được ký trong bữa tiệc. Ngồi đồng bàn với nhau có nghĩa là chấp nhận chia sẻ với nhau, chấp nhận tình thân hữu của nhau.
Trang Tin Mừng hôm nay cho thấy được ý nghĩa nổi bật của bữa ăn trong cuộc đời Chúa Giêsu.
Ta thấy các Thánh Sử vẫn thường ghi lại những lần Chúa Giêsu ngồi đồng bàn với những người thu thuế tội lỗi, những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Ngồi đồng bàn với người nào là muốn chia sẻ, muốn nói lên tình thân thiện của người đó. Qua những lần ngồi đồng bàn với tất cả mọi hạng người, Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta bộ mặt của một Thiên Chúa nhân hậu luôn hiện diện trong mọi sinh hoạt của con người, một Thiên Chúa chia sẻ cuộc sống của con người và muốn đi vào kết hiệp thâm sâu với con người.
Với Chúa Giêsu, trong bữa ăn và với bữa ăn, Chúa muốn gửi một thông điệp lớn hơn chuyện ăn uống đó là Ngài muốn lòng nhân từ của chúng ta dành cho nhau hơn là những hy lễ thiếu tình yêu. Ngài muốn chúng ta có cái nhìn cảm thông với người tội lỗi hơn là cái nhìn khắc khe, kết án.
Ta không ngạc nhiên khi thấy Chúa Giêsu thường mượn hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Trời: “Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới”. Nước Trời giống như một tiệc vui. Tôn giáo mà Chúa Giêsu loan báo không phải là những nghi lễ hay những luật lệ cứng nhắc, mà là tôn giáo của tình yêu. Trích dẫn lời Tiên Tri Ôsê: “Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải lễ tế”, Chúa Giêsu đả phá những tôn giáo chỉ xây dựng trên những nghi lễ trống rỗng, mà quên đi cái lõi của tôn giáo là tình thương.
Người Do Thái bị cấm ngồi chung bàn với những kẻ thu thuế và tội lỗi, nhưng Chúa Giêsu đã không tuân theo điều cấm kỵ này. Thay vào đó Người còn trở nên bạn hữu của họ nữa. Người Biệt Phái trông thấy thái độ của Chúa, liền chất vấn các môn đệ của Người: “Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?” Câu hỏi này có thể được hiểu như là một biểu hiện lòng ước ao của họ để biết lý do tại sao Chúa Giêsu lại hành động theo cách ấy.
Những người khác giải thích câu hỏi ấy như lời chỉ trích về hành vi của Chúa Giêsu, bởi vì qua hơn năm trăm năm, từ thời gian lưu đày Babylon cho đến thời Chúa Giêsu, người Do Thái đã tuân giữ luật thanh sạch. Điều tuân giữ thế tục này đã trở thành một dấu chỉ mạnh mẽ về bản sắc. Đồng thời, đó là yếu tố phân cách họ ở giũa các dân tộc khác. Như thế, bởi vì lề luật thanh sạch, họ đã không thể cũng như không được phép ngồi chung bàn để cùng ăn uống với những người thu thuế. Ăn uống với những người thu thuế có nghĩa là sẽ bị nhiễm ô uế, trở nên không thanh sạch. Các giới răn về luật thanh khiết đã được tuân giữ một cách triệt để, tại vùng Paléstine cũng như các cộng đồng Do Thái sống ngoài đất Israel. Vào thời Chúa Giêsu, có hơn năm trăm giới luật về sự thanh sạch
Với tất cả tâm tình đó, Chúa Giêsu đã thực hiện cho ông Lêvi hôm nay. Chúa đã đi bước trước đề ngỏ lời cùng ông. Chúa đã mở ra cho ông một con đường trở về nẻo chính đường ngay. Chúa cũng mời gọi chúng ta hôm nay hãy lấy lòng nhân từ mà đối xử với nhau. Đừng kết án nhau. Đừng xua đuổi nhau, nhưng biết dùng tình yêu để cảm hoá anh em. Ai cũng có lầm lỗi. Ai cũng có thiếu sót. Đôi khi chỉ vì hoàn cảnh mà sa ngã, phạm tội. Hãy giúp nhau làm lại cuộc đời. Hãy tạo cho nhau điều kiện môi trường tốt để tránh xa dịp tội. Hãy dùng tình thương để góp ý xây dựng cho nhau thay vì kết án nặng lời với nhau.
Chúa Giêsu nghe thấy câu hỏi của những người Biệt Phái nói với các môn đệ và Người trả lời với hai lời minh xác: lời thứ nhất được chọn lọc từ ý thức thông thường: “Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu!” Lời minh xác thứ hai được trích từ Kinh Thánh: “Các ông hãy đi và học xem lời này có ý nghĩa gì: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải hy lễ.” Qua những lời minh xác này, Chúa Giêsu làm cho rõ ràng và minh định sứ vụ của Người ở giữa chư dân: “Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi.” Chúa Giêsu phủ nhận lời chỉ trích của người Biệt Phái; Người không chấp nhận lập luận của họ, bởi vì chúng xuất phát từ ý tưởng sai lầm về Lề Luật Thiên Chúa. Chúa đã trích lời Kinh Thánh: “Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải hy lễ.” Đối với Chúa Giêsu, lòng nhân từ thì quan trọng hơn là sự thanh sạch theo đúng luật. Chúa đề cập đến truyền thống tiên tri để nói rằng đối với Thiên Chúa lòng thương xót có giá trị hơn tất cả mọi hy lễ (Hs 6, 6; Is 1, 10-17). Thiên Chúa có lòng thương xót thăm thẳm, và đã thổn thức bồi hồi trước những bội bạc của dân Người (Hs 11, 8-9).
Trang Tin Mừng cũng như giáo huấn mà Chúa mời gọi ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu để lại cho chúng ta là bữa tiệc dấu chứng tình yêu của Ngài. Tham dự vào bữa tiệc ấy là tham dự vào tinh thần yêu thương chia sẻ với Ngài. Nếu không có tinh thần yêu thương, thì tất cả những kinh kệ, những hành động phụng vụ chỉ là trống rỗng vô ích.
Của lễ đẹp lòng Chúa nhất phải chăng không là những hành động yêu thương, chia sẻ, tha thứ mà Chúa Giêsu luôn mời gọi mỗi Kitô hữu. Và rồi Bàn thờ, Thánh Lễ của ta không chỉ nằm trong bốn bức tường nhà thờ, mà còn phải là gia đình, trường học, văn phòng, công sở, phố chợ. Nơi nào có hành động yêu thương, tha thứ, chia sẻ, thì nơi đó có Chúa hiện diện, có bình an, có Nước Trời.
Huệ Minh