Lòng người nghèo nơi quê nghèo mà ông Cố phục vụ

Ra chợ, tìm mua mớ rau dền nấu ăn cho có chất. Chưa kịp nói gì thì bà bán rau lấy ngay nải chuối biếu cố. Chưa hết ! Mớ rau dền cầm trên tay cũng chả phải trả tiền …

Quay ra đầu ngõ, thấy bà cụ bán cái mẹt trứng vịt và đậu bắp, dừng xe lại mua. Một bọc đậu bắp đầy mà chỉ có 5 ngàn đồng thôi. Mớ đậu này ăn cũng phải 2 lần mới hết.

Chưa hết, ông cố đi hớt tóc cũng … khỏi phải trả tiền vì người “đè đầu đè cổ” ông cố lại là ông biện sở.

Cũng chưa hết, có khi nồi thịt kho tàu, vài khứa cá bông lau kho tộ hay là cả “nạm sữa” heo nướng thơm phừng mang đến tận bàn ăn của ông cố nữa.

Cũng chưa hết, đợi hay “me” ngày ông cố về Sì gòn khám bệnh thì kẻ hỏi người thăm. Không nhiều đến độ bội thực nhưng đâu đó có những món quà quê. Nhận cũng không xong mà không nhận thì lại đắng lòng. Đơn giản là họ gói tất cả tấm lòng vào quả bưởi, quầy chuối thơm ngon.

Đến ngày sinh nhật hay bổn mạng hay không cần mừng cũng có ổ bánh lẵng hoa. Đơn giản là họ biếu ông cố cho có chút tình chút nghĩa.

Bước chân ra ngõ để lên xe đò về phố thì ông già không còn trẻ dúi vào tay ông cố cái … bánh bao. Móc tiền ra trả thì ông xùa tay bảo : “Con gởi cố chút chứ có gì đâu cố ơi !”.

Khi cần đi đâu đó thì một người tận ở đâu mang xe đến rước. Dù nài dù ép cũng chỉ lấy đủ tiền xăng. Ông lý luận rằng cố có làm gì ra tiền đâu mà nói. Con phụ được cố chút nào hay chút đó cố ơi !

Về đến nhà, hình ảnh của những con người nghèo đó cứ ám ảnh cố già vùng quê cũng chẳng khá. Mớ rau, nải chuối, anh chàng cắt tóc … và bao nhiêu nười khác nữa cứ lởn vởn đâu đây.

Thật ra, cũng là khó nói. Áy náy và khổ tâm lắm nhưng lòng người nghèo là vậy đó !

Ở đâu nó có niềm vui cũng như những khó khăn nhất định. Đơn giản vì là cuộc sống mà. Nhưng rồi ở cái vùng quê nghèo này nó cũng có cái hay hay.

Thật thế, so với những vùng làm ăn khấm khá hay Sài Thành phồn hoa đô thị thì nải chuối mớ rau chả là gì cả nhưng ở đây lại là chuyện lớn bởi đa phần là bà con nghèo. Ngay như ở cái nhà thờ nhỏ nghèo này mỗi khi lễ xong chắc có lẽ nên cầu chúc “Lễ xong chúc anh chị em đi Bình Dương”. Có người hỏi sao vậy ? Cũng không khó trả lời cho câu hỏi này lắm vì họ phải bỏ quê nhà đi làm ăn kiếm sống.

Đời mục vụ nơi ở những vùng nghèo là vậy đó. Có khi họ nghèo tiền nghèo bạc nhưng họ có cả một tấm lòng.

Còn ở những nơi người khá hơn một chút thì ly chè viên thuốc. Họ biết cố của họ đau lâu ốm dài nên rồi kẻ góp người chia. Cũng chả dư giả gì nhưng đủ tiền thang thuốc cũng là xong.

Một người anh giàu có ở Sì Phố cũng đã trêu kẻ tôi : “Sao người ta đi tu khác quá mà sao cha sống vậy ?”

Sống vậy là sống sao nữa Trời !

Xung quanh có biết bao nhiêu tấm lòng chia sẻ để rồi mãi bình an còn cần gì đi tìm thêm kiếm nữa. Nhắm mắt xuôi tay có mang theo được cái gì đâu mà lo vun vén.

Giữa cái chợ đời bôn ba này khi ở cái vùng nghèo này xem vậy lại là hay.

Đời mục tử giữa muôn ngàn khốn khó

Tình Chúa tình người trải rộng mãi đời con

Âm thầm ngày đêm phụng thờ Chúa

Tâm hồn an ổn thật bình an !

Người Giồng Trôm

Exit mobile version