Sáng nay cha sở dẫn Honda ra sân.
– Cậu ở nhà, tớ đi mừng tuổi Đức Tổng.
– Cho mình đi với.
– Có cái gì hấp dẫn đâu mà đi. Chúc tuổi theo thông lệ. Đáp từ theo thông lệ. Ai về nhà nấy.
– Mình đi xem cha con các cậu ở Sàigòn chúc nhau như thế nào.
Miệng nói, mình làm : nhảy tót lên phía sau xe ông bạn nối khố, hô : vọt.
Các linh mục giáo phận Sàigòn đông quá. Thấy mà ham. Mình len vào giữa các vị lạ mặt, để khỏi bị lộ tông tích. Bài chúc mừng của vị niên trưởng chẳng có gì mới lạ. Bài chúc tuổi nào cũng mài mại như thế : “Chúc Đức cha khỏe mạnh và đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần để dìu dắt giáo phận qua mọi cơn sóng gió…”. Đức Tổng đáp từ cũng giống như các Đức Giám mục khác : “Chúc các cha ơn khôn ngoan, can đảm để tuân theo ý Chúa” . Sau những cái gọi là công thức, là thông lệ, Đức Tổng nói chuyện tâm tình pha với chuyện thời cuộc.
“Xin các cha nhẫn nại, nhẫn nại mãi. Xin các cha hiền từ và hiền từ mãi mãi. Tôi kể chuyện về tôi cho các cha nghe. Tôi là Tổng Giám mục, thì ai mà không biết. Tôi già như thế này, thì ai thấy mà không biết. Thế mà cái anh công an phường, nhỏ chừng hai mươi tuổi, anh dám mắng tôi :”Cái ông Bình này cứ lằng nhằng”. Thôi mình nhịn đi là xong. Người ta sai thì kệ người ta, miễn là mình cứ đúng. Người ta càng sai, thì mình càng đúng…”
Sau khi chia sẻ với các linh mục Sàigòn một miếng bánh bích-quy và một chai nước ngọt, mình giục ông bạn ra về. Ra khỏi Tòa Giám mục, mình quên ngay tất cả, chỉ trừ câu nói của vị Giám mục hiền từ : “Người ta sai thì kệ người ta, miễn là mình cứ đúng. Người ta càng sai, thi mình càng đúng” . Mình thề với lương tâm là sẽ nhớ mãi câu nói này trên suốt cuộc đời truyền giáo của mình.
Nhớ đến Đức cha Bình, thì mình lại nhớ đến Đức cha Giacôbê và Gioan. Hai Đức cha này đi kiếm chỗ cho Chúa trọ tại một làng kia ở xứ Xamari. Bị từ chối, hai Đức cha trở về, mặt đỏ gay như ông Trương Phi. Hai Ngài báo cáo với giọng hậm hực : “Xin Thầy cho chúng tôi khiến lửa trời xuống thiêu rụi tụi nó…” . Bài giáo huấn của Chúa làm cho hai ngài cụt hứng : “Thầy đến không phải để tiêu diệt, mà để cứu độ”.
Sàigòn, … 1984
Tết năm nay mình có mặt ở Sàigòn một cách không bình thường. Mang mặc cảm tội lỗi, mình đóng kín cửa để đừng ai thấy mình và để mình không thấy ai. Mình ngốn một hơi hết mười lăm trang khảo luận về thái cực quyền. Vứt mười lăm trang đánh máy lên bàn, mình cười hô hố. Cười một mình. Cười sung sướng. Bất giác mình thốt lên : “Tiên sư mày ! Tại sao mày hay thế mà bây giờ ông mới biết mày ?”
Thái cực quyền là môn võ tự vệ. Không tự vệ bằng sức mạnh mà bằng cách hóa giải sức tấn công của đối phương. Thái cực quyền được ví với một khối cầu quay tròn không ngừng. Hòn đạn mũi tên nào lao vào đó cũng bị hất trượt ra ngoài. Nó không chống đối, vì nó không đủ sức chống đối. Để tồn tại nó phải hóa giải sức tấn công của đối phương một cách chẳng đặng đừng. Và nó tồn tại thật.
Thái cực quyền còn được ví với mảnh vải bịt ống cống. Nước chảy siết, mảnh vải sẽ rách và bị cuốn phăng đi. Để tồn tại và ở lại tại chỗ, mảnh vải ấy phải nhả ra khỏi mặt cống và chỉ bám lấy miệng cống ở một điểm. Như vậy mảnh vải không bị rách và không bị cuốn đi.
Thái cực quyền chấp nhận âm dương tương khắc, nhưng tương khắc mà sinh hóa. Mưa và nắng là tương khắc nhưng không có nắng thì không có mưa. Thái cực quyền không tiêu diệt, không loại trừ, nhưng chấp nhận và tương nhượng để tồn tại và lớn lên.
Bỗng mình nhớ đến lời căn dặn của Thầy Chí Thánh : ”Vào nhà nào, chúng con cũng chúc bình an” . Có nghĩa là người ta tốt hay không tốt, thì mình vẫn cứ tốt. Hoặc chỗ khác Thầy dạy : “Hãy trở nên như Cha trên trời, Đấng cho mặt trời mọc lên soi sáng cho người hiền lương cũng như người bất lương” . Tốt mãi, tốt cho mọi người.
Từ những hình ảnh trên, mình nảy ra ý kiến so sánh đạo với nước. Nước vừa mềm vừa bất khuất. Mình vẫn còn nhớ bài học vật lý hồi mình còn ngồi trên ghế học trò : “L’eau est incompressible” (Nước là vật thể không ép được). Nước rất khiêm tốn : Người ta dùng nước để uống, nhưng cũng dùng nước để rửa nhà cầu. Nước rất hiền lành : Người ta để nó trong bầu thì nó tròn; người ta để nó trong ống, thì nó dài. Nước rất trong sạch : Người ta làm ô nhiễm nước : nước sẽ bốc hơi hoặc thấm xuống đất. Nước ấy rất trong sạch và bay đi cùng trời, chảy ngầm đi cùng khắp. Nước rất kiên trì : Dòng nước bị tảng đá chặn : nó luồn lách mà đi; với thời gian lâu dài nó xói mòn và làm sụp đổ tảng đá.
Tin Mừng của Chúa cũng như thế đó. Nghĩ thế, mình thấy an tâm vô cùng.
Cà Mau, … 1993
Hôm nay là ngày Chúa nhật : cha phó làm lễ sáng. Mình đi roỏng xung quanh nhà thờ, để tạo bầu khí trang nghiêm cho giờ lễ. Nhà thờ chưa đầy người, thế mà có một chú bé đứng chầu rìa ở bên cửa hông. Mình vỗ vai em :
-”Con vô đi, trong kia còn chỗ”
Em quay ngoắt một cái, chạy vọt xuống cửa phía dưới. Lại đứng chầu rìa. Lòng tự ái lãnh đạo bốc lên tới lỗ mũi. Mình dằn cơn nóng xuống, thủng thỉnh đi theo hắn. Mình lại vỗ vai hắn :
-“Trong kia còn nhiều chỗ lắm”.
Hắn chuồn. Mình nắm tay hắn kéo vô. Hắn dạng chân chống chỏi. Nhân đức hiền lành xì ra ngoài hết. Mình nghiến răng lại, hai bàn tay sắt siết hai vai hắn : -“Vô không ?”
. Hắn tỉnh queo, nhỏng mỏ : ”Con đi lễ chứ có làm gì đâu mà cha làm hung làm dữ” .
Mình thả lỏng hai tay. Hắn dõng dạc bước ra cổng, rồi biến mất trong dòng người.
Có lẽ hắn sẽ không bao giờ trở lại nữa. Mình nhìn lên bàn thờ, nhìn lên nhà tạm, rồi nhìn lên cây thánh giá. Ánh mắt của mình không dừng lại được ở bất cứ nơi nào. Nó đành nhắm lại, vì xấu hổ.
Thằng cu tí đã cho mình một bài học xứng đáng. Nó là thầy của mình. Thầy ơi, vì con mà thầy đã từ giã thánh đường; vì con mà có lẽ thầy sẽ bỏ đạo. Xin thầy hãy trở lại, để lương tâm của con tìm được sự bình an.
Cà Mau, … 1993
Sau bài thánh ca trước đài Đức Mẹ, mình siết tay một ông bạn. Nói chuyện con cà con kê để chờ dòng người tuôn ra quốc lộ qua một cái cổng hẹp.
– Cha Phước bây giờ ở đâu cha ?
– Chết rồi ?
– Ủa, tội nghiệp ! Hồi ngài làm cha sở ở đây, cái gì cũng răm rắp. Người lớn người nhỏ đều sợ ngài một nước. Bây giờ các cha dễ dãi quá.
– Bộ anh thích họ đạo mình “cái gì cũng răm rắp” hả? Không có cái gì răm rắp cho bằng cái guồng máy. Nhưng họ đạo lại không phải là cái guồng máy… Ngày nay chúng tôi không muốn “bị” giáo dân sợ, mà muốn “được”‘ giáo dân thương. Sợ là dấu hiệu của tình trạng ấu trĩ. Thương là dấu hiệu của tình huynh đệ. Tôi thích một họ đạo hơi lộn xộn một tí, nhưng ở trong đó giáo dân được kính trọng, hơn là một họ đạo răm rắp đâu vào đó, nhưng ở đấy trật tự được trả giá bằng nhân phẩm.
Ông bạn mình tỏ vẻ ngơ ngác. Ông từ giã mình bằng một cái bắt tay lỏng lẻo.
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
Nhật Ký Truyền Giáo