Bước vào Chúa nhật thứ IV Mùa Vọng, trước lễ Thiên Chúa Giáng Sinh, tác giả Tin Mừng Luca đưa chúng ta về với biến cố truyền tin diễn ra nơi khung cảnh miền quê Nagiarét. Khởi đầu câu chuyện vĩ đại đã tồn tại trong lịch sử loài người bằng câu : “Khi ấy …”. “Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đa-vít, Trinh nữ ấy tên làMaria” (Lc 1 , 26-27 ). Đây không phải là câu chuyện do con người tạo ra trong trí tưởng tượng, nhưng là câu chuyện được thêu dệt bởi chính Thiên Chúa và sự cộng tác của con người xảy ra trong không gian và thời gian, đã hoàn tất cách đây 2017 năm. Bằng cung kể bình dân, dễ tiếp cận, Luca giới thiệu cho chúng ta một số nhân vật theo thời gian, không gian và chủ đề, dẫn chúng ta đến đỉnh cao của câu chuyện là điểm : “Này Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai […] Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người […] và triều đại Người sẽ vô tận ” (Lc 1, 31-33). Với lời loan báo trên cho chúng ta biết Noel đã gần kề.
Đức Maria, người thôn nữ khiêm hạ miền Nagiarét nghe những lời trên của Sứ Thần Gabriel đã không khỏi kinh ngạc. Maria còn đồng trinh mà nay Thiên Chúa lại muốn Maria làm mẹ, nên hỏi : “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến người nam!” (Lc 1,34). Trong sự đơn sơ, Maria không hoài nghi quyền năng của Thiên Chúa nhưng muốn hiểu ý định của Chúa hơn, hầu sống trọn ý Chúa. Băn khoăn của Maria được Sứ Thần giải thích, việc giữ mình khiết trinh với việc mang thai Đấng Cứu Thế không có gì là mâu thuẫn, lý do : “Không có việc gì mà Chúa không làm được”. Hiểu được ý Chúa, Maria đã mở lòng mình ra, sẵn sàng cộng tác vào công trình của Thiên Chúa và cất tiếng “xin vâng”. Lập tức “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14). Thiên Chúa trông chờ tiếng “xin vâng” từ nơi Đức Maria để thực hiện công trình của Chúa. Tiếng “xin vâng” bao hàm cả tình mẫu tử lẫn sự đồng trinh. Mẹ vừa muốn vinh quang Thiên Chúa hiện thực nơi mình vừa muốn Người Con sẽ sinh ra hoàn toàn là quà tặng ân sủng.
Câu chuyện bình dân ấy thực tế nhất đối với Thiên Chúa và nhân loại chúng ta. Chân phước Phao lô VI viết năm 1974 rằng : “Đức Maria là câu trả lời mà Thiên Chúa ban trong mầu nhiệm nhập thể làm người; đó cũng là câu hỏi mà con người tự đặt ra về Thiên Chúa và về chính mình”.
Khi thưa “xin vâng”, lời thưa của Mẹ đã thay đổi cả lịch sử nhân loại. Thánh Bernarđô kêu lên : “Ôi lạy Mẹ, Mẹ là đấng cứu chuộc chúng con. Vì khi Mẹ thưa xin vâng, lập tức chúng con được giải thoát. Toàn thể địa cầu trông đợi lời xin vâng của Mẹ. Lời ấy sinh ra Ngôi Lời Hằng Hữu. Thiên Chúa muốn nghe Mẹ tự do trả lời, Mẹ “đầy ân sủng”, khi Mẹ thưa : “Này tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng như lời Sứ Thần truyền !” (Lc 1, 38).Từ ấy Mẹ hoàn toàn kết hiệp với công trình của Con Mẹ, hôm nay vai trò Trung Gian của Mẹ khởi đầu. Kể từ đó Mẹ trở nên Mẹ của tất cả những ai hiệp nhất trong Đức Kitô (Gal 3,28). Lời “xin vâng” của Mẹ là lời cứu độ.
Thánh Augustinô viết: “Ngài đã chọn một người mẹ mà Ngài đã tạo dựng, Ngài đã tạo dựng người mẹ mà Ngài đã chọn” (x. Bài giảng 69, 3, 4). Thật là cơ hội để chúng ta nhìn vào Nagiaret hầu cảm nhận được sự hiện diện của một trinh nữ mà muôn đời khen là có phúc (x. Lc 1, 48).
Hôm nay chúng ta không thể quên khuôn mặt đặc biệt của thánh Giuse, vì cả Mẹ Maria và thánh Giuse đều đã sống một cách thật mãnh liệt duy nhất thời gian chờ đợi và chuẩn bị đón Chúa Giêsu giáng sinh với niềm vui thiêng thánh.
Thánh sử Luca trình bày Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria như là vị hôn thê của “một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít” (Lc 1,27). Nhờ và qua thánh nhân, Trẻ Giêsu được đưa vào trong dòng dõi vua Ðavít một cách hợp pháp, và như thế thực hiện những Lời Kinh Thánh, trong đó Ðấng Thiên Sai được các tiên tri loan báo như là “Con của Vua Ðavít”.
Thánh Giuse là mẫu gương của người “công chính” (Mt 1,19); trong sự hoà hợp hoàn toàn với vị hôn thê của mình, thánh Giuse tiếp rước Con Thiên Chúa làm người và canh chừng cho sự tăng trưởng nhân bản của Con Thiên Chúa. Vì thế, trong những ngày trước lễ Giáng Sinh, thật là thích hợp hơn bao giờ hết, để thiết lập một cuộc đối thoại thiêng liêng với Thánh Giuse, với Mẹ Maria, xin các ngài trợ giúp chúng ta sống trọn vẹn mầu nhiệm cao cả Ðức Tin này. Nhờ lời “xin vâng ” của Mẹ lúc Truyền Tin, cánh cửa ơn cứu rỗi đã mở ra cho nhân loại.
Xin Mẹ giúp chúng ta biết lắng nghe Lời Chúa và mau mắn thưa “xin vâng ” với Chúa như Mẹ để chúng ta được cứu. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ