Lời tuyên tín giá trị

LoiChua - Lời tuyên tín giá trị

Sau những ngày tháng rao giảng về Nước Trời cho dân chúng, Chúa Giêsu và các môn đệ dừng chân tại miền Xêdarê Philliphê để kiểm điểm tình hình và lượng định kết quả. Là những người sống trà trộn với quần chúng, các môn đệ hẳn đã nghe ngóng nhiều hơn về Người. Chúa bắt đầu kiểm chứng : “Người ta nói Con Người là ai? ” (Mt 16, 13)

Nghe hỏi như vậy thì ta thấy : “Kẻ thì nói là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, có người lại cho là Giêrêmia, hay một trong các vị ngôn sứ”. Người ta có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng dường như họ đồng ý coi Chúa Giêsu thuộc hàng ngôn sứ. Lối sống và các lời dạy của Chúa Giêsu cho họ là giảng dạy với năng quyền của Thiên Chúa. Quả thực, họ ca ngợi Ngài! Nhưng Chúa Giêsu không để ý đến những điều người ta nói, và Ngài hỏi ngay các môn đệ. “Còn anh em, anh em nghĩ gì về Thầy?” Thánh Phêrô thưa: “Thầy là đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.

Sau khi thánh Phêrô tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”, Chúa Giêsu liền phán : “con thật có phúc”. Lời Chúa phán với Phêrô như là một xác tín rằng vì con đã tuyên xưng Thầy, nên con sẽ được Chúa Cha chúc phúc. Cũng vậy, mỗi khi chúng ta tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”, chúng ta cũng sẽ được Thiên Chúa chúc phúc.

Với lời tuyên xưng, Simon được tuyên bố là có phúc. Đức Giêsu ngỏ lời với ông bằng cách gọi tên và tên họ ông, tức là thể theo đúng thực tại nhân loại và nguồn gốc của ông, và tỏ cho ông biết ân ban phi thường đã làm cho ông có thể tuyên xưng như thế: chính Cha trên trời đã ban cho ông sự hiểu biết; sự hiểu biết này, người ta không thể đạt tới bằng sức loài người (“thịt và máu”). Simôn không chỉ được Đức Giêsu kêu gọi (4, 18t), mà còn được Chúa Cha tuyển chọn từ trước. Do đó, ông có phúc; ông có mọi lý do để vui lên.

Chúa Giêsu ngỏ lời với Simôn bằng một tên mới và loan báo một nhiệm vụ mới. Người gọi ông là “Phêrô”, nghĩa là tảng đá. Ở Ga 1, 42 và trong các thư Phaolô, tên này có dạng gốc A-ram là “Kêpha”. Tên này là một sáng tạo mới của Đức Giêsu. Như người cha xác thịt đặt tên cho con, Thiên Chúa hoặc một người có quyền thế có thể ban một tên mới cho một người đã đi vào một cuộc sống mới do một nhiệm vụ mới (St 17, 5.15; Ds 13,16; 2 V 24, 17). Với lời tuyên xưng do Chúa Cha ban và với một nhiệm vụ mới do Đức Giêsu trao, có thể nói một cuộc sống mới đã bắt đầu với Simôn. Đức Giêsu trong tư cách Đức Chúa ban cho ông một tên liên hệ đến bản chất của nhiệm vụ của ông.

Khi tuyên xưng Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa, thánh Phêrô đã bộc lộ một Ðức Tin cá vị, và từ đó, ngài đảm nhận từ nơi Chúa trách nhiệm lãnh đạo cộng đoàn. Ðây là một sự dấn thân vô điều kiện. Ðức Tin cá vị cũng đòi hỏi một sự dấn thân vô điều kiện.

Sau Phục Sinh, ta thấy sự cao trọng ấy mà Đức Giêsu đã muốn gán cho Phêrô (Mc 16, 7; Ga 20, 2.4-6)… Trong số các tông đồ, Phêrô sẽ là chứng nhân đầu tiên về cuộc hiện ra của Đấng Phục Sinh (Lc 24, 34; 1 Cr 15, 5). Vai trò của ngài, được cương quyết nêu bật (Ga 20, 3-10), ghi dấu sự nối tiếp giữa tư cách cao trọng ngài đã có trong nhóm các tông đồ và sự cao trọng ngài sẽ tiếp tục có trong cộng đoàn sinh ra với các biến cố Phục Sinh… Nhiều bản văn chìa khóa liên hệ đến Phêrô có thể đưa trở lại khung cảnh là Bữa Tối cuối cùng, trong đó Đức Kitô ban cho Phêrô tác vụ là củng cố anh em (Lc 22, 31t)

Những ai tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” cũng sẽ được phần thưởng dự tiệc thánh trong Nước Trời. Đó chính là phần thưởng dành cho những người vừa tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chuá hằng sống”. Mạc khải đã mở trí, mở lòng cho Phêrô tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô con Chúa Trời hàng sống” cũng là mạc khải của chúng ta, khi phải đương đầu với các cửa hoả ngục. Trên những cửa đó, người ta viết: Yếm thế, khi tiếp xúc với tha nhân; Tuyệt vọng, khi đối phó với các khó khăn lớn: nghèo đói, chiến tranh; Ham muốn vô độ, khi thu tích tài sản, bất chấp lương tâm và quyền lợi người khác; Vô cảm, trước những quằn quại, đau thương của nhân loại;

Những người theo Chúa Kitô sẽ phải trả lời câu hỏi về đức tin của mình và truyền lại cho con cái và cho những người họ giảng dạy. Họ sẽ rao giảng cho những thính giả hỏi Chúa Giêsu là ai, và Ngài đã đem gì khác lạ đến cho đời sống của họ. Và bởi đó kinh Tin kính được thành hình, nhưng những lời giảng sẽ không có nghĩa gì nếu những người được nghe giảng hôm nay không tự trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Chúa Giêsu không hỏi chúng ta là con có đi lễ ngày chúa nhật không ? con có cho con cái đi học giáo lý không ? hay con có đọc kinh trước khi ăn không ? Trước hết Ngài mời chúng ta nhìn nhận tin vào Ngài, làm chứng cho thế giới về tình thương và cách sống của Ngài .

Ta là những Kitô hữu, chúng ta mang Chúa Kitô trong mình. Vì thế chúng ta phải tỏ ra cho người khác thấy được hình ảnh Chúa Kitô hiện diện trong mỗi người chúng ta. Khi chúng ta thể hiện được hình ảnh Chúa Kitô trong chúng ta tức là chúng ta đang tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”.

Ngày hôm nay, Chúa vẫn còn hỏi chúng ta như xưa Chúa đã hỏi các Tông đồ : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?”. Vẫn câu hỏi đó cho chúng ta, nhưng Chúa còn hỏi mỗi người Kitô hữu đã nói về Chúa trước mặt thiên hạ như thế nào. Câu trả lời mà Chúa đòi hỏi chúng ta không những bằng lời nói mà còn đòi hỏi chúng ta một câu trả lời bằng chính cuộc sống của chúng ta.

Huệ Minh

Exit mobile version