“Các con hãy thương yêu nhau!”
Nói xong, mẹ tôi nhắm mắt ra đi nhẹ nhàng, y như đã trao được báu vật cho con cái. Ngoài trời tối đen, cơn mưa bắt đầu nặng hạt. Gió rít từng cơn oai oán hơn. Thú thực, ngày đó, tôi chưa hiểu được ý nghĩa lời trăng trối cuối cùng của mẹ là bao! Những năm tháng sau này, thi thoảng với lời kể chuyện đầy yêu thương, nhớ nhung của cha tôi về mẹ; qua hồi tưởng về cuộc đời mẹ; cùng việc học hỏi đạo Chúa từng ngày; nhất là đọc Kinh Thánh, như mưa dầm thấm lâu ướt áo, tôi dần dần nhận biết ngày một rõ hơn ý nghĩa thâm thúy lời dạy của mẹ.
Chả thế mà, hôm trăm ngày mẹ, tôi lại đơn sơ, mộc mạc đến quê mùa chỉ ghi lại cảm xúc trào dâng từ đáy lòng mình với hình ảnh con tôm, con cá, quả na … qua bài thơ: Mẹ ơi ! Như nén hương lòng dâng về hương hồn mẹ. Tôi không nhắc gì đến lời trăng trối của mẹ.
Mẹ mất rồi !
Con không mua đòn bánh tét miền Nam khi qua bến bắc
Vợ con thường nhắc:
Mẹ thích bánh tét rền xanh nhân đậu
Mẹ mất rồi !
Con tôm vàng tươi rói vẫn nằm trơ
Bạn bè con còn biết
Mẹ mất rồi !
Con cá khoai tươi xanh không ai hỏi
Quả na dai mắt mở dõi tìm ai?
Các cháu thường nhắc:
Bà thích na dai mắt mở
Hôm nay, trăm ngày mẹ
Con bàng hoàng đã mồ cội mẹ, mẹ ơi !
Bạn bè nói: tôi viết thơ chân thật, nhiều xúc cảm, gây xúc động… Tôi cười và nói: “Mình thì thơ với thẩn gì. Một giáo viên dạy Toán – Lý bao năm, trong đầu toàn con số và định lý, khô khan thấy mồ. Mình chỉ kể lại những thứ lúc sinh thời mẹ mình thích mà thôi!”
Có lần, cha tôi kể về duyên nợ của mình. Người nói: “mẹ con là con nhà giầu, có nhà ngói, cây mít, nhưng lưỡng quyền hơi cao. Trai làng có một hai người hỏi mẹ, rồi các chàng trai đó đều chết. Người ta đồn mẹ con sát chồng. Cha không tin, nhưng cha lại là con nhà nghèo, đánh dậm, mò cua, bắt ốc… Cha chỉ sợ ngỏ lời, mẹ con sẽ nói: “Đũa mốc lại chòi mâm son” thì xấu hổ lắm! Thật may! Mẹ con nhận lời cầu hôn của cha. Cha mẹ đã sống thuận hòa, hạnh phúc trong gian nhà tranh, vách đất. Tuần trăng mật cha mẹ ngủ trong ổ rơm để tránh cái lạnh cắt da, cắt thịt, cá chết ngoài đồng của miền Bắc vào mùa đông”. Cha tôi nay đã 99 tuổi, đang sống với vợ chồng tôi, cùng các cháu dưới mái nhà thân thương, hòa thuận, hạnh phúc có bốn thế hệ. Mẹ tôi đã ra đi trước cha. Cha không tin lời đồn mẹ tôi sát chồng đã thành sự thật.
Mẹ tôi thương cha tôi chân thành, nhẫn nhịn, Chăm chút cho ba tôi từng chút. Người bao dung vô bờ. Tôi đã chứng kiến có những lần cha tôi đánh bạc thua hết tiền lương, đến nỗi bán cả lương non nửa năm. Mẹ tôi vẫn ôn tồn không nặng lời. Mẹ tôi: “buôn thúng bán bưng” mỗi ngày vẫn mua cho cha tôi một gói thuốc Bastos xanh, khi gánh hay đội hàng từ chợ về, thứ thuốc cha tôi đã nghiện từ nhiều năm. Đôi lần, tôi thấy mẹ vừa đọc kinh vừa dụi mắt. Mẹ nói: “con mát bay vào mắt”. Sau này, tôi mới hiểu là mẹ đã khóc và cầu nguyện nhiều cho gia đình. Sau này, tôi cũng mới nhận ra là chính tình thương vô bờ mẹ đã dành cho cha và chúng tôi, cùng lời cầu nguyện thiết tha của mẹ đã có sức mạnh to lớn, gìn giữ được hạnh phúc gia đình, giúp gia đình tôi từ Bắc vào Nam vượt qua bao sóng gió bão táp của cuộc đời, giúp cha tôi bỏ đánh bài. Mẹ đã dạy chúng tôi yêu thương nhau bằng chính đời sống tận tụy yêu thương gương mẫu của mẹ.
Mẹ tôi là con của một cụ trùm trong xứ đạo, nên được thừa hưởng nếp sống đạo đức từ bé. Mẹ tôi thường nói: “Đạo Chúa dạy ta hai điều chính là:
Mến Chúa và yêu người”.
Sau này tìm hiểu hai điều mẹ dạy trong Kinh Thánh tôi biết rõ hơn về:
Mến Chúa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng , hết linh hồn, hết trí khôn” (Mt, 22, 37)
Yêu người: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga, 15,12)
Mẹ tôi trăng trối: “Các con hãy thương yêu nhau”, chính là mẹ đã truyền lại lời dạy của Chúa, cho anh em tôi. Tôi hiểu rằng: Thực hiện lời mẹ trăng trối, chính là thực hiện lời Chúa dạy và cũng là lời dạy của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong thư chung 2007 nói về Giáo dục Kitô giáo:
“Giáo dục Kitô giáo là công trình học và sống làm con người và làm con Chúa”
(39, Thư chung HĐGMVN 2007).
Từ cuộc đời của mẹ và trải nghiệm thật rõ ràng và mạnh mẽ trong đời tôi là
Khi thể hiện lòng yêu thương chân thành, tích cực, vô vụ lợi không những trong phạm vi gia đình, họ hàng mà cả với mọi người, tôi được bình an đích thực trong tâm hồn…
Yêu thương quả là cội nguồn của bình an
Yêu thương là cội nguồn của hạnh phúc.
“Vì Thiên Chúa là TÌNH YÊU” (1 Ga 4, 8)
Cursillista Inhaxiô Đặng Phúc Minh