Cuộc đời của cha Francesco không phải là một cuộc đời bình thường như nhiều linh mục khác. Francesco chào đời năm 1979, sinh non gần 2 tháng, với đôi chân co cứng. Khuyết tật này ngay lập tức đã gây nên vô số vấn đề, tạo nên những giọt nước mắt và đau khổ, trước hết là với cha mẹ của Francesco, khi họ phải sống với một hoàn cảnh mới mà họ không mong muốn hay chờ đợi. Một ngày khi đã lớn, Francesco hỏi mẹ: “Mẹ ơi, nếu khi đang mang thai con mà mẹ biết con sẽ bị dị dạng, mẹ có bỏ con không?” Bà mẹ trả lời: “Không! Nhưng bây giờ, chính mắt mẹ thấy con như thế này là nhờ ơn Chúa. Mẹ muốn sinh con 100 ngàn lần.”
Khi được 2 tuổi, Francesco vẫn chưa đi được. Bà mẹ đang mang thai đứa con thứ 3 buộc phải luôn bế Francesco trên tay và cùng với chồng đưa con đi tập vật lý trị liệu. Dù được bao bọc bởi tình thương của gia đình, của họ hàng và bạn bè, nhưng Francesco đã có một tuổi thơ đầy khó khăn. Khi mà những đứa trẻ khác chơi bóng đá, Francesco phải chơi với những chiếc xe đồ chơi ở trong nhà. Khi các bạn được đi du ngoạn với trường học, Francesco phải từ khước không đi để tránh nguy hiểm bị té ngã hay làm cho mình bị thương.
Francesco đã đến nhà thờ từ khi còn là một đứa trẻ để chuẩn bị rước lễ lần đầu. Khi lên 13 tuổi, Francesco được biết về Phong trào Tông đồ, một phong trào phát sinh ở Catanzaro vào năm 1979 với sứ mệnh nhắc cho thế giới nhớ đến Tin mừng mà họ đã quên và loan báo Tin mừng cho những ai chưa biết. Francesco bắt đầu học giáo lý và tham dự các buổi tĩnh tâm. Dần dần một chân trời hoàn toàn mới đã mở ra với cậu. Francesco bắt đầu biết đến Tin mừng, nét đẹp của các điều răn và các mối phúc, quen thuộc với Kinh Mân côi, rồi tham gia tích cực vào sinh hoạt giáo xứ như một thừa tác viên, giáo lý viên, linh hoạt phụng vụ…
Francesco gặp gỡ nhiều linh mục và nhiều lần khi nghe lời Chúa Giêsu “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, các con hãy xin chủ sai nhiều thợ gặt cho mùa gặt”, Francesco luôn nghĩ đến việc thánh hiến cho Chúa và đã để trái tim mình mở rộng. Chúa đã không chậm trễ gõ cửa trái tim của Francesco. Một ngày kia khi Francescođang ở trong vườn nhà và đọc cuốn sách rước lễ lần đầu, khi đọc nghi thức Thánh lễ, đặc biệt là lời truyền phép: “Các con hãy nhận lấy, này là Mình Thầy …”, Francesco đã cảm thấy một sự khích động đặc biệt và đã thưa với Chúa Giêsu: “Chúa muốn điều gì nơi con?” Và từ lúc đó Francesco quyết định trở thành linh mục.
Lúc đầu khi quyết định chọ ơn gọi linh mục, Francesco cũng không có can đảm để thực hành quyết định này, vì nghĩ là mình sinh ra với đôi chân bị tật và luôn đi đứng khó khăn, không bình thường. Chính trong Thánh lễ rước lễ lần đầu ở giáo xứ đã xảy ra điều thật sự buồn đối với Francesco. Khi đang giúp lễ, Francesco bị té ngã xuống đất. Từ ngày đó, Francesco bị nản chí, mất can đảm. Francesco tự nói: “Nếu mình không thể cầm chén lễ thì làm sao có thể làm những điều khác!”.
Cha linh hướng đã giúp cho Francesco đặt mình trước Chúa và nhận ra điều Chúa muốn và quyết định. Cha linh hướng đã giúp cho Francesco rất nhiều trong giai đoạn quyết định khó khăn và tìm lại được lòng can đảm. Bên cạnh đó, mẫu gương sống động của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, mà Francesco đã có cơ hội gặp và được chúc lành cũng giúp cho Francesco thêm kiên định tiếp tục hành trình.
Ngày nay, cha Francesco là cha xứ cộng đoàn Đức Mẹ Lên trời ở Simeri Crichi, tỉnh Catanzaro, Italia. Cha là người hoạt động trên các trang mạng xã hội, trên đài phát thanh và truyền hình, cha dấn thân để các tin tốt lành được loan báo. Cha luôn xem ơn gọi Linh mục là món quà đẹp nhất và quý giá nhất mà Thiên Chúa có thể ban cho cha và đồng thời cũng là sứ vụ mà chỉ có thể hoàn thành khi có được đôi mắt, miệng lưỡi và trên hết là trái tim của Chúa Giêsu.
Cha Francesco đã xuất bản cuốn sách tựa đề “Lời thưa vâng của tôi với Chúa. Chúng từ của đời sống linh mục”, trong đó cha đã thuật lại kinh nghiêm của các linh mục khác, những người đã sống, phục vụ và thi hành sứ vụ, từ bắc chí nam Italia, trong những hoàn cảnh khác nhau, từ giáo xứ đến nhà tù, từ nhà thương đến trường học, trong các nơi đón tiếp, trong đài phát thanh và truyền hình, tóm lại là giữa dân chúng và với dân chúng, như Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc nhở chúng ta.”
Trong cuốn sách, cha Francesco cũng kể lại, khi còn là một cậu bé, đứng trước gương, nhìn vào đôi chân của mình, Francesco lẩm bẩm “cong queo, yếu ớt” và cầu nguyện để được chữa lành. Cha chia sẻ:“Thật ra Đức Mẹ không nghe lời cầu xin của tôi và các thánh bịt tai đối với tôi. Tôi đã nghĩ là mình xấu xa không tốt và không đáng được điều gì cả, tại sao một đứa trẻ không được lắng nghe?” “Có lẽ trận chiến khó khăn nhất mà tôi phải trải qua trong đời mình đó là cảm thấy mình là một con người vô dụng đối với người khác, vô ích cho thế giới, và cho cả chính mình và cho Chúa. Tôi ao ước một cuộc sống không có lòng thương hại, không nghe nói “thằng bé tội nghiệp!”, và tôi đã buồn vì thế giới chúng ta, luôn bị thu hút bởi vẻ đẹp, bởi sự hoàn thiện, bởi những thứ hoạt động tốt, loại bỏ thứ không được đẹp và không hoàn hảo theo những tiêu chuẩn của thế gian.”
Cuộc gặp gỡ với Chúa đã giúp cho Francesco không còn cảm thấy mình ở ngoài lề, bị loại bỏ, nhưng là trung tâm của thế giới, quý giá. Francesco nhận ra rất nhiều người cũng đang sống trong cùng thảm cảnh như mình. Cha muốn là với chứng từ của mình giúp đỡ những người nhiều lúc bị cột chặt trong nỗi đau của mình và trong im lặng, không có niềm hy vọng. Bởi vì Thiên Chúa không thiên vị người nào, Người không bao giờ thiên vị giữa người giàu và nghèo, giữa người bệnh tật và ngừoi khỏe mạnh, người xấu hay người đẹp, kẻ mạnh hay kẻ yếu. Tât cả chúng ta đều là con của Người. Người chỉ phân biệt một điều duy nhất, đó là người công chính và kẻ bất lương.
Nhờ đức tin, Francesco không còn cầu xin được chữa lành thể xác, nhưng cầu xin một tình yêu lớn lao cho cuộc sống và cho sự sống của người khác. Và điều này chính là phép lạ lớn lao mà Chúa đã ban cho Francesco. Chẳng bao lâu, cậu bé buồn phiền đã tìm lại niềm vui sống, đã đi từ một người luôn nói “tôi không có ích cho ai cả” trở thành người nghĩ về mình như một khí cụ của ân sủng trong bàn tay của Chúa.
(Hồng Thủy, RadioVaticana 01.05.2017/ Avvenire 10/04/2017)