Lời thật mất lòng …..

“Trong xã hội, khi người dân phản ứng với những hành động bất công, tiêu cực, chúng ta đã nhìn thấy nhiều trường hợp cơ quan hữu trách thiên về tìm mọi sai phạm, nếu có, của người dân để buộc tội và xử lý chứ không nhìn thẳng vào bản chất vấn đề đang khiến người dân bức xúc.


Rất nhiều vụ, nhiều người có trách nhiệm không đi sâu tìm hiểu bản chất sự việc để xử lý thỏa đáng mà lại nhìn người dân đang bất bình với con mắt thiếu thiện cảm, coi họ và đối xử với họ như những .. đối thủ.


Vụ một nhà báo ở TP HCM bị bắt vì tìm cách phanh phui tiêu cực của cảnh sát giao thông cũng do xuất phát từ một cách nhìn lệch lạc như thế. Cứ nhìn với con mắt đối lập thì rất khó yên dân.


Nói như vậy để thấy thái độ không muốn nghe lời nói thật không chỉ có trong giáo dục. Đó là tình trạng rất không hay nhưng lại rất phổ biến trong xã hội ta hiện nay”.


Vâng ! Tâm lý chung của con người là thích nghe những lời ca tụng ngọt ngào, vì thế sẽ quý trọng những ai thốt ra những lời làm vừa lòng mình và dành cho họ nhiều sự ưu ái. Tuy nhiên, chúng ta không thể nào biết được sự thật nếu không bao giờ muốn đối diện với nó. Sự xuất hiện nhiều cái lưỡi nói dối trong một cộng đồng, một xã hội cũng là kết quả tất yếu của việc đã có quá nhiều những cái tai thích nghe những điều không đúng sự thật.


Trong lịch sử phát triển, dân tộc Việt nam ta có “ một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây”. Liên tục sống dưới ách thống trị của giặc ngoại xâm, bị bó buộc về tự do ngôn luận đã khiến cái quan niệm “ im lặng là vàng” ngấm sâu vào máu của người dân Việt chúng ta.


Vì thế, chúng ta sẵn sàng im lặng hoặc làm chứng dối, nói những điều không như mình biết, không đúng như mình nghĩ miễn sao cuộc sống hiện tại cũng như tương lai của mình không bị đe dọa, không bị ảnh hưởng. Có rất nhiều người biết điều mình nói ra là đúng và cần thiết cho một cá nhân hay một tập thể nào đó , nhưng , vì e ngại sợ mất lòng, hay vì sợ hãi trước cường quyền đang tồn tại, họ chấp nhận im lặng hoặc nói không đúng sự thật.


Tuy nhiên, việc xây dựng tính trung thực trong một xã hội, một cộng đồng, một gia đình là điều vô cùng cần thiết, vì đó là nền tảng cho một sự phát triển bền vững. Một cộng đồng xã hội mà chỉ thích ru ngủ nhau bằng những thành tích báo cáo, lừa dối nhau bằng những khác biệt giữa lời nói và việc làm, thì chẳng khác nào tự đào những lỗ hổng to tướng trong nền móng xây dựng của mình.


Mừng ngày sinh của Thánh Gioan Tẩy giả, Giáo hội cũng muốn nhắc nhở mỗi Kitô hữu chúng ta về sứ mạng trở thành ngôn sứ của mình. Người Việt ta có câu : “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng” như một đúc kết cay đắng cho những ai muốn nói lên sự thật. Đúng vậy ! Nói lên sự thật là điều rất khó vì nó đồng nghĩa với việc gánh chịu những hậu quả rất xấu như bị trù dập, bị tẩy chay, bị ghét bỏ trả thù và đau thương nhất là phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Thực tế này đã và đang diễn ra ngay trong xã hội chúng ta đang sống và cũng được giáo sư Hoàng Tụy nêu trong bài phỏng vấn của mình.


Để chu toàn sứ mệnh của mình, thánh Gioan đã không ngần ngại, không sợ sệt khi lên tiếng phản đối sự sai trái của kẻ cầm quyền lúc bấy giờ là vua Hêrôđê, để rồi Ngài phải nhận lấy hậu quả thảm khốc là chịu tù đầy và bị chém đầu.


Sau chuyến viếng thăm bà con ngư dân vùng Vũng Ang, Hà Tĩnh, Đức Tổng Giuse đã bộc lộ một cách thẳng thắn những tâm tư, trăn trở của mình như sau :

“ Tôi thấy cái chết của biển cũng như của cá chỉ là cái ngọn của vấn đề, cái chính gây ra cái chết này là do cái chết của tâm hồn con người. Tôi thấy ít nhất có bốn cái chết : cái chết của lương tâm, cái chết của luân lý, cái chết của lý trí, cái chết của chính trị”


Trong hoàn cảnh xã hội không thích nghe lời nói thật thì những nhận định đầy khẳng khái của Đức Tổng chẳng khác nào tấm gương về vai trò ngôn sứ trong môi trường sống của chúng ta.


Nếu “không thể trở thành sao sáng ở trên trời, thì ít ra chúng ta cũng hãy trở thành ngọn đèn soi sáng trong nhà của mình”. Vì thế, cho dù “ rất đau xót vì xã hội không nghe lời nói thật ”, là những Gioan Tẩy Giả trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, noi gương can đảm của thánh nhân, chúng ta hãy lên tiếng trước tình trạng nạo phá thai; không lặng câm, vô cảm trước những đau thương, mất mát mà người dân trong xã hội đang gánh chịu để cùng nhau xây dựng nền văn minh tình thương; văn minh sự sống .


Biết nói không với cái ác, cái xấu đang trở nên bình-thường-hóa trong cuộc sống; biết lên tiếng trước bạo lực và nhân phẩm bị chà đạp, biết đòi hỏi sự hiện diện của công bình và bác ái ngay trong xã hội mình đang sống, để góp phần làm cho cuộc sống con người ngày càng thăng tiến, phẩm giá con người được tôn trọng …..


Lạy Chúa, Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, xin cho chúng con biết nhận Ngài là giá trị để quy chiếu mọi suy nghĩ và hành vi của mình. Kinh Thánh dạy chúng con phải “ lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật”, xin cho chúng con lòng can đảm và yêu thương đủ để xây dựng cộng đoàn, giáo xứ, xã hội, đất nước của chúng con trong công bình và sự thật.


Và cũng xin Chúa cho chúng con có một tâm thế sẵn sàng chấp nhận sự thật mà những người anh em đã cho chúng con biết trong thiện chí của họ. Amen .

Điền Phương Thảo

Exit mobile version