Lời tạ ơn

loi ta on - Lời tạ ơn

CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN – NĂM C

Bài đọc 1: 2V 5,14-17; Bài đọc 2: 2Tm 2,8-13; Phúc Âm: Lc 17,11-19

Có thể nói, một trong những ngôn từ được kể là đẹp nhất trong kho tàng ngôn ngữ của nhân loại, từ đông sang tây, từ bắc tới nam, đó là hai tiếng “cám ơn”. Hai tiếng thật giản đơn, nhưng lại biểu lộ được nhân cách của con người. Nhưng để có thể cất lời cám ơn, trước hết, phải cảm nhận được tình yêu và ân huệ mà mình đã lãnh nhận.

Với Thiên Chúa cũng vậy, thái độ cần có của chúng ta là sống tâm tình tạ ơn: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (x Tv 118,1). Lời Chúa trong các bài đọc hôm nay cho những mẫu gương về việc sống tâm tình tạ ơn.

Trong bài đọc I, lời của vị quan ngoại giáo Naaman sau khi được khỏi phong cùi: “Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel” và “từ nay ngoài Chúa, tôi sẽ chẳng dâng của lễ toàn thiêu hoặc hy lễ cho thần minh nào khác“ chính là lời tạ ơn chân thành nhất. Vậy, điều đầu tiên tôi muốn chia sẻ về tâm tình tạ ơn là: lời tạ ơn đối với Thiên Chúa trước hết là sự tin tưởng và thờ phượng của chúng ta dành cho một mình Người.

Trong bài Tin Mừng, thánh Luca đã ghi lại phép lạ Chúa chữa mười người phong hủi được sạch, nhưng chỉ có một người trở lại “lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa”. Như vậy, lời tạ ơn không chỉ gói gọn trong tương quan giữa ta với Chúa, mà còn hướng đến mọi người: để danh Chúa được tôn vinh và mọi người được ơn cứu độ. Và như thế, lời tạ ơn đối với Chúa phải biến thành hành vi loan truyền Tin Mừng cho con người hôm nay.

Câu hỏi của Chúa Giêsu “Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa?” chính là lời nhắc nhở mỗi người. Trong thực tế của đời sống đạo, có khi mình thường thuộc về nhóm chín người: quá quen với những ơn Chúa ban, quen đến độ coi đó là chuyện bình thường, quen đến độ không thấy cần phải tỏ lòng biết ơn.

Thật ra, biết ơn phải là tâm tình chủ yếu, chi phối lời cầu nguyện và cuộc sống của người Kitô hữu. Bởi lẽ toàn bộ đời sống là một hồng ân, là một quà tặng của Thiên Chúa. Và tạ ơn là hài lòng về những gì đã lãnh nhận, là thấy mình được bao bọc bởi Tình Yêu, và là muốn làm mọi sự để đáp lại Tình Yêu đó.

Trong một chuyến bay từ Rôma về New York, Ðức Tổng Giám mục Fulton Sheen chăm chú nhìn cô tiếp viên hàng không. Thấy cử chỉ lạ của Ðức Tổng, cô tiếp viên mạnh dạn đến gần và hỏi: “Thưa Ðức cha, có chuyện gì mà Ðức cha lại nhìn con như thế?”. Vị Tổng Giám mục nhoẻn miệng cười đáp: “Vì con có nụ cười và đôi mắt rất đẹp!”. Và ngài nói thêm: “Con cần phải tạ ơn Chúa về điều đó”. Cô tiếp viên thoáng bối rối… rồi hỏi lại: “Vậy con phải làm gì để tạ ơn Chúa đây?”. Vị Tổng Giám mục trả lời: “Cha vừa mới được một tin từ Việt Nam: đó là Ðức Cha Jean Cassaigne, một người Pháp đang là Giám mục giáo phận Sài Gòn, đã xin từ chức để đi phục vụ một trại phong cùi ở miền núi Di Linh – Lâm Ðồng. Vậy theo ý cha, cách tạ ơn Chúa đẹp lòng Ngài hơn cả và có ý nghĩa hơn cả là con hãy hy sinh một thời gian, đem nụ cười xinh tươi, đem ánh mắt tuyệt đẹp của con để an ủi họ”. Mặt cô tiếp viên tái dần đi. Ðột nhiên cô cúi đầu tạm biệt không nói một lời.

Ðầu năm 1963, đài phát thanh cũng như báo chí ở Sài Gòn loan tin: “Một nữ tiếp viên rất xinh đẹp của hãng hàng không Panam tình nguyện đến Di Linh – Lâm Ðồng để sống với những người phong cùi trong sáu tháng”.

Ước mong, nhờ ánh sáng Lời Chúa soi lối, mỗi người biết sống tâm tình tạ ơn Chúa bằng niềm tin vững vàng, sự thờ phượng xứng hợp và nhất là hăng say loan truyền tình yêu cứu độ của Thiên Chúa bằng những hành vi bác ái cụ thể trong cuộc sống hằng ngày.

Lm. Phêrô VŨ VĂN HÀI

Chánh xứ Rạch Súc, GP Cần Thơ

Exit mobile version