Lời mời gọi yêu thương

LoiChua - Lời mời gọi yêu thương

Thường tình khi gặp gian nan thử thách buồn phiền, con người hay tìm giải sầu cách tự nhiên trong men rượu, cà phê, thuốc là, hay tệ hơn nữa trong xí ke ma túy. Có một cách thanh tao hơn để con người giải sầu là tìm đến bạn hữu chân tình để tâm sự cho vơi đi những nỗi buồn phiền.

Chúa Giêsu giới thiệu cho mọi người Kitô chúng ta một phương thế siêu nhiên để vượt qua những thử thách, buồn phiền, để được an bình tươi vui trong tâm hồn, đó là đến với Chúa: “Hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Lời Chúa hôm nay. “Hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”, lời mời gọi tha thiết mà không ồn ã, chắc chắn mà không vênh vang này có đủ sức để níu kéo, để hấp dẫn lòng người tìm đến suối nguồn của hạnh phúc, tìm đến Vị Ngôn Sứ duy nhất, vị thầy duy nhất mở lối cho họ tiến vào vương quốc của Khôn Ngoan thực sự.

Người Do Thái thời Chúa Giêsu phải gánh lấy 613 điều luật buộc mà các kinh sư đã bày ra khi giải thích Cựu Ước. Điều đó làm cho cuộc sống vất vả của người dân thêm nặng nề, cực khổ. Thấu hiểu hoàn cảnh của họ, Chúa Giêsu đã lên tiếng mời gọi: “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi” (Mt 11,28). Chúa Giêsu là một người luôn biết cảm thông với những nỗi khó nhọc của con người, vì chính Ngài khi nhập thể làm người đã trở nên giống chúng ta mọi đàng, nghĩa là Ngài cũng phải chịu thiếu thốn, chịu đau khổ, chịu sỉ nhục và tột đỉnh là cái chết nhục nhã trên thập giá mặc dù Người chẳng có tội gì.

Ta thấy lời mời gọi đầy yêu thương của Chúa Giêsu dành cho tất những ai đang bị đè bẹp bởi gánh nặng của cuộc sống, bị lôi cuốn chạy theo danh vọng, quyền lực, tiền bạc; những ai đang bị lòng hận thù thống trị; những ai đang chịu những bất công và nghèo đói;… Họ được mời gọi tìm đến sự nghỉ ngơi và bồi dưỡng nơi Chúa. Thật vậy, Thiên Chúa chính là cội nguồn của sự bình an và chỉ nơi Người chúng ta mới tìm thấy được sự bình an đích thực trong tâm hồn.

“Hãy mang lấy ách của tôi, hãy học với tôi. Vì tôi hiền hậu và khiêm nhường vì ách tôi êm ái, gánh tôi nhẹ nhàng” đây chính là bí quyết của Khôn Ngoan. Ngôn ngữ Thánh Kinh cho biết gánh chỉ luật lệ, mang lấy ách là học với. Như thế, học với Đức Giêsu là học có lòng hiền hậu và khiêm nhường như Ngài; và mang gánh của Ngài chính là sống theo luật yêu thương mà Ngài đã gọi là Luật Mới.

So với cộng đoàn của Matthêu, gánh và ách của Chúa Giêsu là điều hoàn toàn mới mẻ so với hằng hà sa số những luật lệ mà các kinh sư Do thái bày ra cho dân vác. Gánh nặng của luật cũ làm oằn vai dân ; làm lụi tàn cuộc sống của họ vì luật không dựa trên tình yêu. Thời nào cũng thế, nếu người ta cai trị dân bằng thứ luật của lợi nhuận và thu tích quyền lợi, dân sẽ khổ; nếu người ta truyền dạy những bài học không đặt nền trên tình yêu và sự khiêm tốn, dân sẽ chết.

Đến với Chúa để ta học lấy cách sống của Ngài; đến với Chúa để ta sống như Ngài giảng dạy; đến với Chúa để ta đón nhận tình thương của Chúa: vì Chúa là nguồn an ủi, vì Chúa là nguồn tình yêu.

Còn ách của Chúa muốn ta mang vác, đó chính là giáo huấn của Ngài, mà giáo huấn của Ngài là giáo huấn được đặt trên nền tảng của hai chữ yêu thương. Bởi đó ai học với Ngài và sống theo luật yêu thương của Ngài thì sẽ cảm thấy êm ái và nhẹ nhàng.

Thật vậy, tình yêu sẽ nhân lên rất nhiều lần sức mạnh của nó. Khi còn yêu, thì gánh nặng cuộc đời có nặng mấy cũng chẳng đáng là chi. Ngược lại, khi hết yêu thì dù nhẹ mấy cũng trở thành nặng nề.

Chúa Giêsu nói đến: “Ách của Chúa êm ái, gánh của Chúa nhẹ nhàng” thì điều đó không có nghĩa là gánh nặng dễ mang, nhưng phải hiểu thế này: khi gánh nặng được đặt trên vai chúng ta trong tình yêu, được mang trong tình yêu, và vì tình yêu thì gánh nặng sẽ trở nên nhẹ nhàng, rất nhẹ nhàng. Chính vì vậy mà một Rabbi nọ đã nói: “Gánh của tôi đã trở thành một bài ca”.

Ta được kêu mời sống sát với luật Chúa dạy là:hiền lành và khiêm tốn. Khi ta sống luật yêu thương với hết mọi người và phát huy tình yêu ấy vượt mọi biên giới, thì tự khắc, ta sẽ đạt được bình an nội tâm và cần thể hiện nó ra trong cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội như Chúa muốn.

Chúa Giê-su thật gần gũi và thân tình. Ngài quan tâm đến từng người và từng nhu cầu nhỏ bé của chúng ta. Và sự quan tâm của Ngài được thể hiện thật giản dị, cụ thể và hữu hiệu. Những lời nói ân cần của Ngài“hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” mạc khải cho chúng ta tình yêu Thiên Chúa, là tình yêu của cha luôn thấu hiểu, biết con cái mình cần gì, và ban cho chúng điều tốt đẹp nhất, là tình yêu của mẹ, âu yếm vỗ về bằng một trái tim đong đầy yêu thương.

Lời Chúa hôm nay giúp ta một lần nữa, cảm nhận tự đáy lòng mình tình yêu thương vô bờ và sâu nặng của Thiên Chúa, qua Con Một Người. Chúa Giêsu đến trần gian không phải để phô phang, cũng không ăn thua đủ với những kinh sư biệt phái thời Ngài. Ngài đến bằng tình yêu và đi trên con đường khiêm hạ. Tình yêu giúp Ngài luôn hướng trọn trái tim cho người nghèo, cho những người phận nhỏ. Sự khiêm hạ cho Ngài sức mạnh giúp những mảnh đời khốn khổ vươn cao, vươn xa trong Sự Khôn Ngoan đích thực, để đạt đến Hạnh Phúc Vĩnh Cửu.

Trong cuộc sống này ai trong chúng ta cũng có những khó khăn, vất vả và lo lắng, đôi khi những điều đó làm chúng ta bất an. Xin Chúa cho ta luôn biết tìm đến nương ẩn trong Trái Tim đầy yêu thương của Chúa để tâm hồn ta được nghỉ ngơi bồi dưỡng.

Huệ Minh

Exit mobile version