Trên đường loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu không những làm chứng về Tình Yêu Thiên Chúa đối với con người đau khổ thân xác lẫn tâm hồn, mà Ngài còn cho chúng ta thấy niềm tin của con người vào Thiên Chúa kể cả nơi những người dân ngoại. Mặc dầu chúng ta thấy trong Tin Mừng Matthêu, Chúa Giêsu ưu tiên và quan tâm đến những người Do Thái, thì ở đây, Luca lại nhấn mạnh về tình thương của Chúa Giêsu đối với dân ngoại, điển hình qua sự phó thác tin tưởng của viện đại đội trưởng mà Tình yêu Thiên Chúa đã xuống trên người nô lệ, đầy tớ của ông và chữa lành cách lạ lùng.
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm về lời quyền năng của Chúa. Thông thường, Chúa Giêsu chữa trị bằng cách đặt tay hoặc sờ đến bệnh nhân. Cũng có trường hợp Ngài làm một cử chỉ hay chỉ nói một lời, như được ghi lại trong trình thuật chữa bệnh cho người đầy tớ của viên bách quản.
Mở đấu chương 7, thánh sử Luca giới thiệu công việc rao giảng của Chúa Giêsu trước khi Ngài vào thành Caphacnaum “sau khi nói hết những lời ấy…” nghĩa là sau một loạt các bài huấn từ với nhiều đề tài khác nhau như : yêu thương mọi người kể cả kẻ thù, xét bản thân trước khi xét người khác, cây nào sinh trái ấy và cần thực hành vì lời đã nghe, đã hiểu. “Nói hết những lời ấy” như muốn nói rằng những lời tâm quyết thì Chúa Giêsu đã dành cho dân Ngài.
Khi Ngài vào thành bỗng xảy ra một sự cố : người nô lệ yêu quí của viên đại đội trưởng bị bệnh nặng. Ông chủ rất yêu quí người đầy tớ này. Ông lại là người có uy tín với người Do Thái. Ông sống đẹp lòng họ. Ông quan tâm đến họ, đến cả tôn giáo của họ nên đã cho tiền của xây dựng hội đường. (c. 5 ). Đây chính là điểm thu phục lòng dân. Ông đã dùng của cải để mua lấy tình bằng hữu. Bây giờ ông đang gặp khó khăn, thì chính những người kỳ mục Do Thái đến gặp Chúa Giêsu và nài xin Ngài chữa bệnh cho tên nô lệ của ông ta (c. 4 ).
Biết Đức Giêsu là người đầy quyền năng, ông đại đội trưởng đã đến xin Người chữa cho người đầy tớ của ông bị chứng tê bại nặng. Trước thái độ tin tưởng của viên đại đội trưởng, Chúa Giêsu hết sức thán phục và khẳng định với đám đông dân chúng: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Israen, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế”. Theo nguyên tắc của Do Thái giáo, đại đội trưởng là một người ngoại đạo sẽ bị loại ra khỏi Vương quốc; và nếu một người Do Thái vào nhà một kẻ ngoại đạo sẽ bị coi là kẻ ô uế.
“Xin Ngài chỉ nói một lời”. Lời thỉnh cầu của viên bách quản gợi lại câu Thánh vịnh 106: “Thiên Chúa sai lời của Ngài đi chữa trị”. Qua lời thỉnh cầu này, viên bách quản mặc nhiên nhìn nhận Chúa Giêsu thực sự đến từ Thiên Chúa và lời của Ngài là lời quyền năng và hữu hiệu. Lời thỉnh cầu của viên bách quản thể hiện một niềm tin sâu sắc, đến độ đã được Giáo Hội lặp lại mỗi ngày trong Thánh lễ, để nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của lời Chúa, cũng như bổn phận rao truyền lời Chúa trong cuộc sống chúng ta.
Có lẽ đây là hình thức biết ơn của người Do Thái và cũng là sự tương giao tốt đẹp giữa người đô hộ và kẻ bị đô hộ, giữa người ngoại và người Do Thái mà chúng ta hiếm thấy trong Tin Mừng. Suy tư đến đây, tôi chợt nghĩ tới cảnh hoà bình trong vương quốc Thiên Chúa mà Is 11, 6-8 nói đến “Sói ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ…”. Lời nài xin của người Do Thái như thuyết phục được Chúa Giêsu và Ngài ra đi theo yêu cầu của họ.
Khi Chúa Giêsu và phái đoàn đến gần nhà ông đại đội trưởng thì gặp nhóm bạn hữu của ông, do ông phái tới thân thưa rằng : “tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi” (c .6 ). Có lẽ ông cũng hiểu luật Môsê, người Do Thái không vào nhà dân ngoại vì sợ ô uế. Ở đây, ta cũng thấy lòng khiêm nhường của ông khi cho rằng mình không xứng đáng đón rước một bậc thầy trong dân Israel . Sự khiêm nhường này còn nói lên sự nhỏ bé, yếu đuối của con người trước quyền năng thần linh và ngày nay chúng ta vẫn nhắc lại lời này trước khi lên rước Mình Thánh Chúa.
Ta hãy nghe ông nói tiếp : “Tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài”. Khi ông ý thức về sự khiêm nhường của mình cũng là lúc ông nhận ra quyền năng của Đức Giêsu “xin Ngài cứ nói một lời, đày tớ của tôi được khỏi bệnh” (c.7). Ông liên tưởng và đưa dẫn chứng cụ thể bằng chính địa vị của mình. Ông nói : “Tôi có lính tráng dưới quyền của tôi : bảo họ đi, họ sẽ đi; bảo đến, họ sẽ đến”… nghĩa là những người ấy sẽ thi hành theo mệnh lệnh của ông vì ông có quyền hành trên họ. Niềm tin của ông vào Chúa Giêsu còn mãnh liệt và sâu sắc hơn người Do Thái. Ông tin rằng Chúa Giêsu có quyền trên bệnh tật, trên sự chết. Tên đầy tớ của ông đang bị bênh, gần chết, nhưng nếu Chúa Giêsu ra lệnh đẩy lui bệnh tật, xua đuổi tử thần, thì chắc chắn đầy tớ của ông sẽ lành bệnh và không phải chết. Ông qui phục hoàn toàn trước quyền năng trên cao được ban cho một con người, mà dưới con mắt người trần, người đó là con dân mà ông đang cai trị.
Chúa Giêsu như đọc dượchết ý nghĩa của một niềm tin có cơ sở vững chắc và một lòng khiêm tốn tin tưởng, Ngài tỏ ra thán phục và khẳng định : “Ngay cả trong dân Israel, chưa thấy người nào có lòng tin mạnh như thế” (c.9). Nhờ lòng tin này mà phép lạ đã xảy ra với người đầy tớ của ông ngay khi Chúa Giêsu nói những lời trên. Đó cũng là phần thưởng dành cho người công chính vì tin vào Đức Giêsu. “Người nào không dựa vào việc làm nhưng tin vào Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ vô đạo nên công chính thì lòng tin làm cho người ấy được Thiên Chúa kể là công chính” (Rm 4,5).
Thế giới ngày nay đang bước vào kỷ nguyên của thông tin. Lời nói xem chừng tràn ngập khắp nơi, nhưng liệu con người có nghe được lời quyền năng có sức chữa trị và giải phóng con người không? Các phương tiện truyền thông đại chúng càng gia tăng và tinh vi, thì lời nói càng được tung ra, nhưng tác hại không kém. Có những lời đường mật dụ dỗ người trẻ sa vòng trụy lạc, nô lệ; có những lời dối trá của chính trị gia; có những lời thất vọng, chán chường của những tiên tri chỉ biết loan báo thảm trạng. Ngược lại, cũng không thiếu những hình thức tước đoạt quyền tự do tư tưởng và phát biểu của con người.
Trong một hoàn cảnh như thế, những người mà niềm tin được xây dựng trên lời quyền năng của Thiên Chúa, hẳn phải nói lên lời của Ngài hơn bao giờ hết. Ngày nay, có biết bao viên bách quản đang chờ đợi một lời nói can đảm, chân thật và hữu hiệu từ các Kitô hữu. Trong một xã hội chỉ có những lời của hận thù, đố kỵ, thì lời của các Kitô hữu phải là lời của yêu thương, hòa giải và tha thứ. Lời của Chúa là lời chân thật và hữu hiệu, lời ấy không chỉ được các Kitô hữu nói bằng môi miệng, mà còn phải được nhập thể vào cuộc sống của họ.
Huệ Minh