Chuyện người phụ nữ Canaan hàm chứa hai khẳng định bề ngoài mâu thuẫn nhau: sự tuyển chọn Israel làm dân riêng của Thiên Chúa và Thiên Chúa hoàn toàn tự do trong việc thực hiện chương trình cứu độ. Qua đó, ta đọc chuyện bà Canaan để hiểu rằng niềm tin của ơn cứu độ và hy vọng, nhưng cũng phải luôn đề phòng xu hướng duy tín hoặc cuồng tín. Và ta thấy cuối cùng bà đã được Đức Giêsu lắng nghe, ta thấy đức tin của bà thì luôn luôn mãn nguyện như lòng bà mong muốn.
Trang Tin Mừng hôm nay ta bắt gặp một người đàn bà xứ Canaan đi ra kêu lên rằng: “Lạy Ngài là con Vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi…”.Dù sao người phụ nữ cũng có linh cảm sắc bén hơn về con người, có cảm thức rất chính xác về từng con người họ gặp gỡ. Chắc chắn bà này đã được hỗ trợ bằng sự linh cảm rất nữ tính này.
Và ta thấy sự thật khi bà xin không phải cho bà,bà đến gặp để thỉnh cầu là con người có lòng nhân ái, thì bà chả có gì để sợ mất. Bà đã xin, xin mãi. Ta có thể nhớ đến dụ ngôn Đức Giêsu kể về bà góa nhất định xin ông quan toà bất nhân cứu xét cho vụ việc của mình ở chương 18 của Tin Mừng Luca. Dường như sự kiên trì là một đức tính chủ yếu của phái nữ.
Lời cầu xin của bà biểu lộ một niềm tin vững chắc vào Chúa Giêsu, xem Ngài là Đấng Mêssia, và lời cầu xin có vẻ bi thảm thống thiết, đáng thương, tuy không phải xin cho bà, nhưng là cho con gái của bà. Bà đã xem nỗi bất hạnh của đứa con gái như chính của bà. Hơn nữa bà mang lấy tình mẫu tử mà thưa với Chúa Giêsu, chính tình mẫu tử ấy giúp bà cam chịu cách đối xử của Chúa Giêsu, và cũng chính tình mẫu tử ấy bà có thể thấy được niềm thương cảm của Chúa Giêsu qua lời Ngài nói. Lời van xin nay còn van lên một cung giọng phụng vụ “xin Chúa thương xót chúng con”.
Ta nể phục bà Canaan này bởi lẽ bà đã vượt qua được mọi trở ngại, bằng sự kiên trì, bằng khả năng thuyết phục riêng của phái nữ: nhẹ nhàng, bình thản, nhưng cương quyết. Bà đã vượt qua được các trở ngại bằng trí thông minh đầy khiêm tốn, chứ không phải bằng sự ngạo mạn khiêu khích, hoặc bằng thái độ quỵ lụy, hạ mình, cầu cạnh. Để làm được như thế, trước tiên bà phải rất thương yêu đứa con của bà. Bà thương yêu đứa con nhỏ yếu đuối, không có thể tự làm gì để cứu mình. Bà trở thành đại diện cho nó; bà cũng trở thành đại diện cho những người không thể tự mình diễn tả ra vấn đề của họ. Bà là phát ngôn viên của những người cô thế cô thân, những người yếu đuối. Bà hiểu vụ việc của bà, bà xác tín bà có lý, bà chắc chắn là bà có quyền xin được cứu giúp. Không phải bà chỉ muốn bày tỏ nguyện vọng của mình, còn đáp ứng thế nào thì tùy Đức Giêsu; bà đã có cách xin khiến Đức Giêsu không thể từ chối được.
Một lời khác bà cũng thưa với Chúa Giêsu mà chúng ta lấy lại trong phần giáo đầu kinh phung vụ “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”. Để khơi dậy và làm sáng tỏ đức tin của bà ngoại giáo này, Chúa Giêsuđã dùng một khoa sư phạm tuyệt vời: trước hết là thinh lặng “ Người không đáp một lời nào”. Kế đến Ngài thẳng thắn từ chối. Nhưng bà vẫn bám riết theo sau Chúa Giêsumà kêu xin, đến mức các môn đệ phải nao lòng “ xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi”. Chúa Giêsu đáp “ Thầy chỉ được sai đến cứu những con chiên lạc nhà Israel mà thôi”. Cũng như Chúa đã chỉ thị khi sainhóm mười hai “ Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samaria. Tốt hơn, là hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel” ( Mt 10, 5 – 6 ).
Đây là chương trình của Thiên Chúa qui tụ dân Israel trước rồi mới đến muôn dân thiên hạ. Tuy vậy tấm lòng của Chúa Giêsu vẫn hằng rộng mở trước lời cầu xin của người dân ngoại như viên bách quản ở Caphácnaum, người đàn bà xứ Canaan. Họ là hoa quả đầu mùa sứ điệp của Ngài, sau đó các môn đệ Ngài sẽ tiếp nối để mở rộng cửa tiếp đón muôn dân nước vào Nước Trời. Lời từ chối của Chúa Giêsu cho bà ấy biết, bà không thuộc về dân của Ngài “ không được lấy bánh của con cái mà ném cho lũ chó con”. Người đàn bà tinh ý , lũ chó con trong nhà cũng có khi được chủ cưng mà cho ăn những mẫu bánh vụn, bà trả lời với tấmlòng khiêm cung của mình: “ Thưa Ngài, đúng thế, nhưng lũ chó con cũng lại được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”.
Bà tin lòng thương xót của Chúa bao la, chắc chắn cũng vượt ra bên ngoài dân Dothái, nên bà có thể hưởng được những mảnh vụn của lòng thương xót của Thiên Chúa, là những bảo chứng của phúc lộc vương quốc của Thiên Chúa, cho dù Chúa Giêsu xử đối cách bà cứ một mực “ Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”. Chúa Giêsu thán phục đức tin của người đàn bà xứ Canaan, cũng như với viên bách quản ở Caphácnaum. Cách đối xử của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy đức tin kiên vững của người đàn bà Canaan, và một gương mẫu cho mọi người trong việc cầu nguyện, đức tin là yếu tố căn bản.
Trong việc cầu nguyện, nhiều lần chúng ta cũng cảm nhận như Chúa từ chối, noi gương người đàn bà trong phúc âm luôn kiên trì tin tưởng và tu luyện đức tin mình được vững chắc. Càng gặp khó khăn trong đời sống, đức tin của chúng ta càng có giá trị khi ta một mực trung thành với Chúa, đức tin của chúng ta sẽ rạng rỡ trước mặt mọi người, và trước mặt Thiên Chúa. Càng gặp khó khăn đức tin của chúng ta càng lớn lên, càng sâu sắc và giàu kinh nghiệm.
Hiểu như thế chúng ta sẽ vui vẻ bình an trong đời sống phụng sự Chúa, và luôn thưa với Chúa “ Lạy Chúa, xin cứu giúp con”. Đức tin của người dàn bà Canaan cũng là cơ hội làm cho đức tin của các tông đồ thêm vững mạnh, vì vậy chúng ta cần sống đức tin thế nào để giúp cho đức tin người khác được sâu xa hơn. Chúng ta cũng cần giúp cho nhiều lương dân có đức tin, biết cầu nguyện với lòng tin để họ đáng được ăn bánh sự sống Chúa ban cho. Noi gương người đàn bà Canaan chúng ta còn cần biết cảm thương nỗi đau khổ của người khác, và cầu nguyện cho họ với lòng tin, để nhờ đức tin của chúng ta họ được ơn giải thoát.
Hội Thánh sống giữa lương dân, ta có nhiệm vụ công bố sứ điệp của Đức Giêsu cho họ: Đức Giêsu không giam hãm Thiên Chúa bên trong biên cương của Israel, nhưng đã để chính mình được đánh động bởi lòng tin của người phụ nữ ngoại giáo. Đối với cộng đoàn đã tách khỏi Israel, giai thoại này cho thấy các tín hữu có thể tìm được một cuộc sống mới và một vùng dấn thân mới giữa các Dân ngoại.
Huệ Minh