Lời cầu của người tôi tớ khổ đau vì Thiên Chúa: Tv 69 A

psa 69 30 - Lời cầu của người tôi tớ khổ đau vì Thiên Chúa: Tv 69 A

Thực ra, đây là các khổ đau gây chết chóc do sự thù ghét và cái gian ác của các người tố cáo tác giả thánh vịnh tội ăn cắp mà ông đã không phạm. Chúng bao phủ ông với sự xấu hổ nhục nhã. Tác giả người cầu nguyện ở đây biết rằng Thiên Chúa cho phép việc tố cáo sai lầm ấy đối với các lỗi lầm khác mà ông đã phạm (c. 6). Nhưng điều này không cất đi sự bất công của các chế nhạo và vu khống của những kẻ thù ghét ông. Tác giả thánh vịnh là một người tôi tớ của Thiên Chúa khổ đau vì Ngài (c. 8). Giờ đây chiến thắng của các thù địch của ông cũng sẽ là một hổ nhục, không phải chỉ cho ông mà cũng là cho tất cả những người hy vọng nơi Thiên Chúa của Israel nữa (c. 7). Chính vì thế hiệp với lời cầu cho ơn cứu rỗi của mình (c. 30), sẽ là lý do vui mừng cho những kẻ “khiêm tốn kiếm tìm Thiên Chúa” (c.33), là lời cầu xin tha thiết cho sự thất bại hổ nhục của các thù địch (cc. 23-29). Hai câu sau cùng nhấn mạnh trên ơn cứu rỗi của Sion qua việc tái thiết các thành phố của của Giuđa, chắc hẳn đã đưọc việc thêm vào sau này, liên quan tới phụng vụ như trong trường hợp thánh vịnh 51.

Cùng với thánh vinh 22 thánh vịnh 69 đã được dùng trong Tân Ước và được giải thích trong nghĩa cứu thế; chắc chắn không trong nghĩa đen từng chữ, nhưng trong nghĩa điển hình, vì các câu 6.23-30 là những điều không thể quan niệm được trên miệng lưỡi của Chúa Kitô khổ đau. Ngoài ra, trong thánh vịnh chúng ta có thể gặp các nét của việc bách hại mà ngôn sứ Giêrêmia đã phải chịu. Tuy nhiên, chúng không dẫn chúng ta tới kết luận thánh vịnh phải quy chiếu về ngôn sứ trong nghĩa lịch sử theo chữ.

Văn thể là loại thánh vịnh than van cá nhân. Thánh vịnh gồm phần mở đầu, các câu 2-8; việc trình bầy trường hợp của tác giả, các câu 9-13; phần chính, các câu 14-20; lời cầu chống lại các kẻ thù, các câu 21-30; lời hứa chúc tụng, các câu 31-32; thánh thi tạ ơn, các câu 33-35 và phần phụng vụ thêm vào sau này, các câu 36-37.

Thánh vịnh mở đầu với lời cầu khai mào, các câu 2-7. Đây là lời xin Thiên Chúa cứu chữa khỏi một tình trạng rất trầm trọng và là đề tài cũng như giọng điệu của toàn thánh vịnh (c. 2), việc miêu tả tình trạng ấy như một biển khổ đau (c. 3), việc chờ đợi Thiên Chúa can thiệp (c. 4) và lời tố cáo bất công (c. 5). Tiếp đến là việc xưng thú một lỗi lầm tổng quát (c. 6) và sau cùng là một lý do thuyết phục: sự bối rối của tác giả thánh vinh cũng sẽ trở thành sự bối rối của tất cả những người tốt lành (c. 7).

“Lạy Chúa Trời, xin cứu vớt con, vì nước đã dâng lên tới cổ. Con bị lún sâu xuống chỗ sình lầy, chẳng biết đứng vào đâu cho vững, thân chìm ngập trong dòng nước thẳm, sóng dạt dào đã cuốn trôi đi. Kêu hoài nên kiệt sức, họng con đã ráo khô; đôi mắt đã mỏi mòn bởi trông chờ Thiên Chúa. Kẻ vô cớ ghét con nhiều hơn tóc trên đầu, bọn thù con vô lý lại mạnh thế hơn con. Chẳng lấy chi của người, thế mà con phải trả! Lạy Chúa Trời, Ngài biết con điên dại, lỗi lầm con, làm sao giấu được Ngài! Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn, xin cho những người trông đợi Chúa đừng vì con mà phải thẹn thùng. Lạy Chúa Trời nhà Ít-ra-en, xin đừng để những ai tìm kiếm Ngài lại vì con mà mang tủi hổ”.

“Cho tới cổ” dịch sát chữ trong tiếng do thái là “linh hồn”: ở đây nó ám chỉ ranh giới phân chia sự sống với cái chết. Cả ngôn sứ Giôna trong bài ca cám tạ vì được cứu rỗi lạ lùng từ lòng biển sâu cũng nhớ lại như sau: “Nước bủa vây con đến cổ “ad nephésh” (cho tới linh hồn”, vực thẳm vây bọc con, trên đầu con, rong rêu quấn chằng chịt.” (Gn 2,6). Tác giả thánh vịnh 18 cũng miêu tả cảnh khốn quẫn của mình như sau: “Sóng tử thần dồn dập chung quanh, thác diệt vong làm tôi kinh hãi, màng lưới âm ty bủa vây tứ phía, bẫy tử thần ập xuống trên tôi.” (Tv 18, 5-6). Đây cũng là hình ảnh tác giả thánh vịnh 124 dùng để miêu tả cảnh địch thù vây hãm ông, nếu Chúa đã không cứu ông: “hẳn là nước đã cuốn ta đi, dòng thác lũ dâng lên ngập đầu ngập cổ; hẳn là nước cuồn cuộn đã dâng lên ngập cổ ngập đầu.” (Tv 124,4-5).

“Con bị chìm ngập”: để miêu tả cảnh khốn khó của mình tác giả dùng lại các hình ảnh thông thường trong các văn bản than van của sách Thánh Vinh cũng như các văn bản cựu ước khác. Chẳng hạn tác gíả thánh vịnh 40 khẳng định Thiên Chúa đã giải thoát ông như sau: “Người kéo tôi ra khỏi hố diệt vong, khỏi vũng lầy nhơ nhớp, đặt chân tôi đứng trên tảng đá, làm cho tôi bước đi vững vàng.” (Tv 40,3). Còn tác giả thánh vịnh 88 thì cho rằng Chúa đã hạ ông xuống tận đáy vực sâu, giữa chốn tối tăm giữa lòng vực thẳm” (Tv 88,7). Có vài học giả cho rằng đây là cảnh ngôn sứ Giêrêmia đã phải sống, khi ông bị các thù địch ném xuống hồ nước đầy bùn (Gr 38,6).

“Đôi mắt mỏi mòn vì trông chờ Thiên Chúa”: tác giả ngước nhìn lên Thiên Chúa và trông chờ Ngài cứu thoát, đến mờ con ngươi, ám chỉ niềm hy vọng của Israel. Nó là một sự chờ đợi sống động và kiên trì như thái độ của lính canh trông chờ hừng đông chấm dứt vọng canh của mình, như tác giả thánh vịnh 130 khích lệ: “Mong đợi Giavê, tôi hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người. Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông. Hơn lính canh mong đợi hừng đông, trông cậy Giavê đi, Ít-ra-en hỡi, bởi Giavê luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.” (Tv 130,5-7).

“Con đã không ăn cắp”: Bản Vulgata duy trì kiểu dịch truyền thống “Điều con đã không lấy giờ đây con phải trả”. Từ lời than van này chúng ta không thể suy diễn một cách chắc chắn là tất cả sự bách hại tập trung vào điểm này, hay nó chỉ là một khiá cạnh trong lời tố cáo của các thù địch.

“Lậy Chúa, Ngài biết sự dại dột của con, các lỗi lầm của con không bị dấu đối với Ngài”: đây là lời xưng thú tổng quát của người cầu nguyện. Ông thừa nhận mình bị Chúa đánh trước (c. 27) khi bị người gian ác đánh và biết rằng trước hết mình phải cất đi chướng ngại của lỗi lầm với sự xưng thú để được Chúa cứu giúp. Thiên Chúa là Đấng biết và trông thấy hết mọii sự. Ngài là Đấng dò xét thận tim con người”, như tác giả thánh vịnh 17 khẳng đinh: “Con xin được Thánh Nhan soi xét vì mắt Ngài thấy rõ điều chính trực. Chúa có xét lòng con, thăm con giữa đêm trường, có thử con bằng lửa, cũng chẳng thấy điều gian.” (Tv 17,3).

Trong phần chính của thánh vịnh 69 các câu 8-13 tác giả cho thấy truớc mặt các kẻ thù nghịch vu khống và trên bình diện bề ngoài của các tương quan giữa con nguời với nhau ông có thể hãnh diện ngẩng cao đầu tuyên bố sự liêm chính của mình. Còn hơn thế nữa, ông có thể xác định rằng chính lòng trung thành của ông với Thiên Chúa và lòng nhiệt thành của ông đối với “nhà Chúa” đã lôi kéo sự thù ghét của các thù địch, mà xét cho cùng chỉ là lũ người đáng khinh bỉ và là bọn say rượu.

”Âu cũng vì Ngài, mà con bị người đời thoá mạ, chịu nhuốc nhơ phủ lấp mặt mày. Anh em nhà kể con như người dưng nước lã, hàng máu mủ xem con bằng khách lạ mà thôi. Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân. Lời kẻ thoá mạ Ngài, này chính con hứng chịu. Con nhịn ăn đến tiều tuỵ thân hình, thì thành cớ cho người chế giễu; khoác vào mình tấm áo vải thô, thì lại nên trò cười cho thiên hạ. Bọn ngồi lê đôi mách cứ gièm pha, quân rượu chè cũng đặt vè châm chọc.”

“Chính vì Chúa” là một lý do thường thấy kể ra trong lời cầu công cộng của dân Israel. Chẳng hạn tác giả thánh vịnh 44 thở than với Chúa: “Âu cũng vì Ngài, mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh” (Tv 44,23). Nó cũng là lý do được nhắc tới trong lời cầu cá nhân, như ngôn sứ Giêrêmia thở than với Chúa: “Lạy Giavê, chính Ngài biết rõ! Xin nhớ đến con và thăm viếng con cùng, xin báo oán những kẻ bách hại con. Xin đừng nén cơn giận kẻo con bị chúng bắt đem đi. Ngài biết đó: con phải chuốc lấy nhục vào thân, âu cũng vì Ngài.” (Gr 15.15). Như sẽ được nói lên trong câu 10 tác giả đã vác lấy trên vai trong nghĩa đền tội, chính các lời thoá mạ và xúc phạm hướng tới Thiên Chúa.

“Con đã trở thành một người xa lạ”: diễn tả sự cô đơn mà người công chính gặp phải trong cuộc sống trung thành với Thiên Chúa. Nó cũng thường được gặp trong các thánh vịnh than van. Chẳng hạn tác giả thánh vịnh 31 thở than: “Con đã nên trò cười cho thù địch và cho cả hàng xóm láng giềng. Bạn bè thân thích đều kinh hãi, thấy con ngoài đường, ai cũng tránh xa. Bị lãng quên, như kẻ chết không người tưởng nhớ, con hoá thành đồ hư vất bỏ.” (Tv 31,12-13). Tác giả thánh vịnh 38 cũng đau đớn kêu lên: “Con bị tai ương, người thân kẻ nghĩa chẳng tới gần, bà con ruột thịt cũng đứng xa.” (Tv 38,12).

“Sự nhiệt thành đối với nhà Chúa”: lòng nhiệt thành đối với vinh quang của Thiên Chúa thường thúc đẩy các con người của Thiên Chúa tới các hành động và thái độ không dễ chịu tí nào đối với người khác, cho tới độ làm nảy sinh ra các phản ứng bạo lực nơi những người bị quấy rầy. Đây đã là trường hợp thánh Gioan kể lại và trích câu này của Thánh vịnh, khi Chúa Giêsu đánh đuổi con buôn ra khỏi đền thờ và lật nhào bàn của các kẻ đổi tiền khiến cho giới lãnh đạo đền thờ nổi giận, vì Chúa Giêsu đụng tới các dịch vụ buôn bán đem lại lợi nhuận cho họ (Ga 1,17). Có người cho rằng sự nhiệt thành này của tác giả đối với nhà Chúa diễn tả lòng nhiệt thành của những người do thái đi đầy bên Babilonia về đối với việc tái thiết đền thờ, khiến cho những người không tha thiết khó chịu vì họ lo tái thiết nhà cửa của chính mình (Kg 1,2).

“Các lời lăng mạ … đổ xuống trên con”: câu này đã được thánh Phaolô áp dụng cho Chúa Kitô để ghi vào lòng tín hữu bổn phận phải noi gương Chúa Kitô làm vui lòng người khác chứ không phải chính mình (x. Rm 15,3).

“Ăn chay và mặc áo vải thô” là dấu chỉ của việc đền tội và tang chế, tức là các dấu chỉ đáng được kính trọng, trong khi đối với tác giả thánh vịnh chúng lại trở thành cớ của sự hổ nhục và chế nhạo.

“Bọn ngồi ở cửa”: tức cửa thành phố là nơi quan trọng nhất của cuộc sống dân sự và xã hội tại Đông Phương, nơi người ta dàn xếp các vụ làm ăn công cộng, đồng thời cũng là nơi gặp gỡ của những kẻ nhàn rỗi và giải trí.

(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 11.01.2017)

Exit mobile version