Thật vậy, sợi dây hôn nhân là một hồng ân Thiên Chúa ban cho hai người nam nữ. Ðể họ yêu thương, chia sẻ với nhau trong cuộc sống và để duy trì nòi giống. Vì thế, đôi hôn nhân phải tôn trọng và yêu thương nhau chân thành.
Nhìn lại dòng chảy lịch sử cứu độ và qua Thánh Kinh, ta thấy Thiên Chúa yêu thương con người và chính Ngài là kiến trúc sư đã thiết kế và trực tiếp xây dựng nên gia đình. Thiên Chúa đã thiết lập nên gia đình đầu tiên bằng hình ảnh rất nên thơ.
Trước tiên, Ngài dựng nên ông Ađam và trong khi Ađam say ngủ, Ngài rút một xương sườn của ông mà dựng nên E-và. Ađam hoan hỉ đón nhận Evà làm bạn đời và xác nhận rằng đó là xương thịt của ông. Đó là cách diễn tả rất thi vị, rất độc đáo để trình bày cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã sáng tạo nên gia đình và gia đình là tác phẩm ưu việt của Ngài.
Ta có thể hình dung mỗi gia đình như một toà lâu đài và lâu đài đặc biệt nầy được chính Thiên Chúa vừa là nhà thiết kế, vừa là kỹ sư xây dựng. Vì thế, gia đình là một công trình rất đáng trân trọng của Thiên Chúa.
Và rồi, ta thấy chính Chúa Giêsu, Thiên Chúa Ngôi Hai quyền năng phép tắc cũng đã vui lòng đến sống dưới mái gia đình Nadarét. Trong ba mươi ba năm mang lấy thân phận con người, Ngài đã dành ra đến gần ba mươi năm nương náu trong gia đình Nadarét. Thế là tại đây, mái ấm gia đình trở nên cung điện của Thiên Chúa.
Hẳn ta còn nhớ biến cố có một gia đình mới được thành lập tại Cana, Chúa Giêsu, Mẹ Maria cùng các môn đệ được mời dự tiệc. Đang giữa tiệc vui bỗng hết rượu, Mẹ Maria phải cậy nhờ Chúa Giêsu cứu nguy cho đôi tân hôn. Chúa Giêsu biết là giờ Ngài chưa đến, chưa đến lúc để làm phép lạ đầu tay. Mà nếu cần thực hiện một phép lạ đầu tay thì cũng phải thực hiện vì một lý do rất hệ trọng. Thế mà Chúa Giêsu lại chấp nhận làm phép lạ đầu tiên hoá nước thành rượu cho gia đình mới được vui.
Sự kiện Chúa Giêsu, Mẹ Maria cùng các môn đệ đến tham dự tiệc cưới tại Cana và Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tay chỉ vì hạnh phúc của một đôi tân hôn, của một gia đình mới xây dựng chứng tỏ Chúa Giêsu rất quý trọng gia đình.
Và, ta không thể nào phủ nhận được việc Chúa Giêsu lập bí tích hôn phối để nâng cấp gia đình những người con cái Chúa. Đối với những người sống trong Hội Thánh, Chúa Giêsu còn thiết lập nên bí tích hôn phối để làm cho gia đình họ trở thành gia đình thánh. Thế là nhờ bí tích hôn phối, gia đình là một tổ chức thế tục trở thành một Hội Thánh nhỏ của Chúa Giêsu.
Với tất cả những điều đó, ta nhận thấy rằng gia đình là một công trình cao đẹp và rất đáng trân trọng. Có thể nói rằng không một công trình kiến trúc vĩ đại nào của con người, ngay cả đại thánh đường Phêrô tại Rôma được xây dựng trong suốt 130 năm bởi nhiều kiến trúc sư tài năng nhất thế giới, cũng không thể sánh bằng.
Nhìn vào thực trạng cuộc sống, ta lại ngạc nhiên và có thể lấy làm lạ tại sao việc ly dị đã được luật Môsê cho phép ( Đnl 24, 1) mà người Pharisêu còn “hỏi thử” Chúa Giêsu có chấp nhận hay không. Nếu đã cho phép thì cứ theo luật mà thực hành, hà tất phải đặt vấn đề như thế làm chi nữa? Khoa chú giải Thánh Kinh cho biết trong nội bộ phái Pharisêu bấy giờ quả thực đang có tranh cãi kịch liệt về vấn đề này. Phải chăng tự thâm tâm người ta vẫn ray rứt – dù đã có luật cho phép ly dị – khi họ “phân ly những gì Thiên Chúa đã kết hợp”? Chúa Giêsu cho biết hiện trạng của luật Môsê chỉ là một sự nhân nhượng vì họ “lòng chai dạ đá”. Ngài nhắc lại nguyên lý đã có ngay từ đầu: “sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” để dứt khoát xoá bỏ quan điểm mập mờ cũng như lối thực hành du di của luật cũ và quả quyết rằng hôn nhân là thánh thiện và vô cùng cao quý.
Ngày hôm nay, ta không thể chối bỏ sự thật rằng xã hội hiện đại có xu hướng phá vỡ những giá trị văn hoá tốt đẹp của gia đình truyền thống: hôn nhân như chiếc bình thuỷ tinh mong manh dễ vỡ. Chưa bao giờ các gia đình lại gặp nhiều khốn đốn, nhiều đe doạ và sóng gió hung tợn như ngày hôm nay. Hàng loạt rồi hàng loạt gia đình bị rạn nứt, bị sụp đổ, bị tan tác trước những cơn địa chấn kinh hồn do nếp sống hưởng thụ và vô thần gây nên (nạn ly dị tràn lan, hôn nhân thử cũng như kết hôn đồng tính gia tăng đáng sợ…)
Chúa Giêsu củng cố nền tảng gia đình và lên tiếng cảnh cáo mọi người nhớ rằng: gia đình là “công trình mà Thiên Chúa đã kiến tạo, thì loài người không được phá huỷ”. Phá huỷ gia đình là xúc phạm nặng nề đến Thiên Chúa.
Và rồi, người mỗi người ta thầm xin với Chúa đừng để ai phá huỷ gia đình hay làm cho gia đình xuống cấp bằng cách đưa vào nhà mình những tệ nạn xã hội, những gương xấu, những nguyên nhân phát sinh tội lỗi. Trái lại, mỗi người hãy xây dựng gia đình mình trở thành tổ ấm cho tình thương và sự sống phát triển, xây dựng tình hiệp nhất yêu thương, để cho sự “hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô giáo là hình ảnh hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa” (thư chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2002)
Ngày nay, gia đình tại nhiều nơi đang lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Chồng bỏ vợ và vợ bỏ chồng, con cái thì bơ vơ vất vưởng. Chính vì thế, chúng ta hãy cầu xin Chúa củng cố nền tảng của gia đình bằng cách làm cho vợ chồng biết trung thành và gắn bó với nhau trong suốt cuộc sống yêu thương của mình.
Thực hành lời cam kết trong bí tích hôn nhân: “yêu thương và kính trọng nhau suốt đời” là viên đá góc để các gia đình Kitô hữu tân Phúc-Âm-hoá gia đình mình và để góp phần Phúc-Âm-hoá các gia đình lương dân. Nguyện xin Chúa Giêsu là Đấng đã chọn gia đình làm nơi cư ngụ của Ngài, ban ơn giúp sức để chúng ta biết dựng xây gia đình mình ngày càng hạnh phúc, an vui và thánh thiện như gia đình của Chúa Giêsu ngày xưa. Xin cho các bậc cha mẹ luôn biết nhẫn nhục và tha thứ cho nhau, để họ trọn đời chung thủy trong tình yêu mà Chúa đã chúc phúc cho họ trong ngày thành hôn.
Huệ Minh