Năm nay, Đức Giáo Tông cũng mời các linh mục về Vatican để tham dự lễ bế mạc Năm Thánh. Linh mục trở thành tâm điểm chú ý của Hội Thánh, nên chúng tôi thử tìm hiểu về thuật từ linh mục.
1. Nguồn gốc.
Tại Việt Nam, ban đầu các linh mục được gọi là thầy, thầy cả, cũng có nơi dùng những danh xưng như: sacêđotê (gốc Tây Ban Nha: sacerdote), phatêrê (gốc Latin: frater), cụ, ông cụ, (cụ chính, cụ tuỳ), pe (gốc Pháp: père), cố, cố đạo, đạo trưởng, thầy đạc đức. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX bắt đầu xuất hiện danh xưng “cha” dịch từ chữ père, đồng thời xuất hiện từ “linh mục” dịch từ chữ prêtre bên tiếng Pháp và sau này cũng dùng để dịch hai từ sacerdos và presbyter trong tiếng Latin. Nhưng thực ra hai thuật từ Latin này không hoàn toàn đồng nghĩa:
Sacerdos (sacer: thánh + dare: dâng hiến): tư tế, người dâng hy tế thánh. Các dịch giả của Tân Ước đã dùng từ này để dịch từ hiereus trong tiếng Hy Lạp, cả hai thuật từ này đều có mang ý nghĩa hiến tế, dâng cúng lễ vật. Nó chỉ các tư tế, những người liên hệ trực tiếp tới hy lễ và đền thờ. Hầu như trong mọi tôn giáo đều có giới tư tế này. Vào thời Chúa Giêsu, giới tư tế bao gồm vị thượng tế, các tư tế và nhiều chức sắc khác (con cái cháu chắt của chi tộc Lêvi). Chức năng chung của các tư tế chính là trung gian, là nhịp cầu giữa Thiên Chúa và con người. Đây cũng là tư tưởng để hiểu chức năng tư tế tối cao của Chúa Giêsu, và với một hình thức mở rộng là chức năng của các “linh mục” trong Giáo Hội ngày nay, mà trước kia chúng ta gọi rất đúng là “thầy cả”.
Presbyter (có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là presbyteros: người già, người lớn tuổi): trưởng lão, người lãnh đạo cộng đoàn. Trong Cựu Ước, presbyteros đóng vai trò cố vấn hay lãnh đạo một cộng đoàn hơn là làm công việc tế tự (dâng của lễ). Những Kitô hữu tiên khởi gọi những vị lãnh đạo trong giáo hội của họ là “presbyteros” hay “espiskopos”. Episkopos ngày nay dịch là giám mục, presbyteros dịch là “linh mục” [1], còn trước kia được gọi là “đạo trưởng”.
2. Nghĩa chữ linh và mục
Linh:có đến 34 chữ Hán đồng âm, ở đây là chữ靈. Nghĩa là: dt. (1) Ðồng cốt. (2) Thần. (3) Phần thiêng liêng của con người: Linhhồn. (4) Lệnh. đt. (5) Thông minh. (6) Phù hộ. tt. (7) Kỳ diệu. (8) Ứng nghiệm. (9) Mau lẹ. Trong thuật từ linh mục, chữ linh có nghĩa (3): phần thiêng liêng của con người, trái với phần thể xác.
Mục: có 8 chữ Hán đồng âm, ở đây là chữ牧. Nghĩa là dt. (1) Người chăn nuôi: Mục nhân. (2) Chỗ chăn nuôi: mục trường. (3) Họ Mục. đt. (4) Chăn nuôi: Du mục. (5) Tu đức: Ti dĩ tự mục dã (Dịch Kinh) (tự nhún mình tôn người để nuôi đức mình). (6) Quản lý: Mục dân. Trong thuật từ linh mục, chữ mục có nghĩa (1): người chăn nuôi.
3. Nghĩa của danh từ linh mục
Linh mục là người chăn dắt các linh hồn, người coi sóc việc thiêng liêng hay chăm sóc phần hồn.
Nếu linh mục là người chăn dắt, là mục tử… thì La ngữ gọi là “pastor” và Hy Lạp gọi là “poimēn”, “The New Testament Greek Lexicon” định nghĩa như sau: (1) Người chăm sóc thú vật, đặc biệt là người chăn chiên; (1a) Nghĩa bóng: Người mà sự chăm sóc và kiểm soát của người ấy khiến cho những người khác đầu phục, và tuân theo các lời giảng dạy. (2) Nghĩa ẩn dụ: (2a) Người chủ tịch, quản lý, giám đốc của bất kỳ một cộng đoàn nào: dùng chỉ Đức Kitô, Đầu của Hội Thánh, (2a1) dùng chỉ những người coi sóc các cộng đoàn Kitô giáo; (2a2) dùng chỉ các vị vua hoặc hoàng tử.
Nhiệm vụ của một người chăn cừu ở Cận Đông là: (1) Canh giữ đàn cừu không để kẻ thù hãm hại; (2) Bảo vệ đàn cừu khỏi những kẻ thù tấn công; (3) Tìm kiếm và giải cứu những cừu lạc mất hay bị nạn; (4) Chữa lành những con cừu bị thương hay bị bệnh; (5) Yêu thương, chia sẻ cuộc sống với đàn cừu và như vậy người ấy được đàn cừu tin tưởng.
Linh mục trong tiếng Hoa gọi là tư đạc [2](司鐸). Thuật từ này có nguồn gốc từ sách “Luận Ngữ”: “Thiên tương dĩ phu tử vị mộcđạc”[3] (Trời sẽ dùng Khổng Tử như cái chuông lắc, hàm ý cảnh tỉnh người đời bằng lời dạy và đời sống đạo đức) (Luận Ngữ, Bát Dật Đệ Tam) Tư là quản lý, đạc là cái chuông lắc. Tư đạc là người quản lý cái chuông lắc, nghĩa là cảnh tỉnh người ta. Từ này cũng mang ý nghĩa mục vụ hơn là phụng vụ.
Trong Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma có phân biệt rõ giữa sacerdos và presbyter mà bản dịch tiếng Việt xuất bản năm 1992 đều dịch là linh mục, thiết nghĩ dịch như vậy không chính xác. Vì sacerdos cử hành thánh lễ có thể là giám mục hay linh mục, vì thế nên dịch sacerdos là vị tư tế và presbyter là linh mục.
4. Kết luận.
Linh mục vừa là thầy cả (người dâng hy tế thập giá, vị trung gian giữa Thiên Chúa và con người) vừa là đạo trưởng (người có thế giá hay thẩm quyền nào đó trong một cộng đoàn, người lãnh đạo cộng đoàn) [4]. Thuật từ “linh mục” sát nghĩa với từ Latin “pastor” (vị mục tử) và phần nào hàm nghĩa “presbyteros” (trưởng lão, người lãnh đạo cộng đoàn) là những từ thiên về ý nghĩa quản trị – mục vụ hơn là “sacerdos” (tư tế) là từ thiên về ý nghĩa cứu chuộc – phụng vụ .
_______________________________________________________
Ghi chú:
[1] Prêtre (Pháp) và priest (Anh) đều có nguồn gốc từ presbyter (Latin). Có thể các thừa sai Anglo-Saxon đã mượn chữ priest trong tiếng Anh để đem đến cho nhóm ngôn ngữ German cổ những chữ như prestr (Ái Nhĩ Lan), präster (Thụy Điển), và priast (Đức). Tuy nhiên trong tiếng Đức cổ cũng có hai âm priester (có lẽ phát xuất từ gốc Latin) và priestar (có lẽ phát xuất từ Pháp).
[2] Nhiều người hiểu lầm người Hoa dùng từ “thần phụ” (神父: cha thiêng liêng) để dịch thuật từ linh mục. Thật ra thần phụ là tên gọi, cũng giống như người Việt gọi linh mục là cha.
[3] Chuông lắc bằng kim loại, quả chuông bằng gỗ, gọi là mộc đạc (chuông lắc gỗ).” (http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=282&ia=5192).
Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ