Linh mục: Tấm bánh bẻ ra cho mọi người

Khi dâng Thánh lễ, chính LM chủ tế trong tư cách là người đại diện của Chúa và tư tế trung gian giữa Thiên Chúa và dân của Người, đọc lời truyền phép, “Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Thầy…”. Điều đó cũng chỉ ra rằng, bản thân LM sau khi lãnh nhận tác vụ thánh, đã được mời gọi thi hành sứ vụ được sai đi đến với mọi người và biến cuộc đời mình trở nên hy tế sống động. Ngài trở thành tấm bánh bẻ ra cho con người.

Công đồng Vat II đã nêu rõ: “LM phải săn sóc các tín hữu như những người cha trong Chúa Ki-tô, vì đã sinh họ cách thiêng liêng nhờ phép rửa và giáo huấn (x.1Cor 4,15 và 1P 1,23). Nêu gương cho đoàn chiên (1P 5,3), LM phải làm sao hướng dẫnphục vụ cộng đoàn địa phương của mình, để họ xứng đáng mang danh hiệu Giáo hội Thiên Chúa (x.1Cor 1,2; 2Cor 1,1) là danh hiệu riêng riêng biệt của toàn thể Dân Thiên Chúa là Dân duy nhất. LM hãy nhớ rằng mình phải tỏ ra cho tín hữu và lương dân, cho người Công giáo và ngoài Công giáo thấy gương mặt của một thừa tác vụ thực sự tư tế và mục vụ, phải minh chứng cho mọi người thấy chân lý và sự sống…” (x. Vat II, LG 28).

Sắc lệnh về chức vụ và đời sống các linh-mục (Presbyterorum Ordinis) cũng nói về những đòi hỏi của thừa tác vụ LM, Thực hành việc khổ chế riêng biệt của vị chăn dắt các linh hồn, từ bỏ những tiện nghi riêng, không tìm kiếm tư lợi nhưng tìm lợi ích cho nhiều người để họ được cứu rỗi.

Như vậy, LM được chọn từ những người bình thường để làm những công việc phi thường. Để thực hiện những việc phi thường, LM luôn là người bận rộn và vất vả. Bản thân con người của LM qua bí tích Truyền chức thánh đã trở nên một hiến lễ vì cộng đoàn và cho cộng đoàn. Như Đức Ki-tô Mục Tử, LM có thể nói, “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Gio 10,10); “Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).

Dõi theo thân phận của Đức Ki-tô, LM là tấm bánh bẻ ra cho nhiều người đang khao khát sự sống đích thực của Tin Mừng.

+ LINH MỤC: TẤM BÁNH BẺ RA VÌ SỰ SỐNG THIÊNG LIÊNG CỦA CỘNG ĐOÀN.

Cộng đoàn tín hữu là một gia đình trong đó LM được sai đến để chăm sóc, lo lắng và làm gương. Ngài xác tín tuyệt đối việc ngài đến là “để phục vụ”. Người phục vụ luôn luôn là người chịu thiệt thòi, lo trước cái lo của dân Chúa và vui sau cái vui của họ. Nếu ngày đưa đón cha về nhận giáo xứ mới, lòng đầy nỗi hân hoan, vui sướng bao nhiêu thì những ngày sau đó, là một núi công việc đang chờ bàn tay của LM. Nỗi lo lắng của ngài không phải là an hưởng bản thân mà là gánh vác công việc cộng đoàn, ở đó bao con người đang mong đợi và cần sự hiện diện của ngài.

LM sẽ luôn luôn phải thao thức về nhu cầu thiêng liêng của cộng đoàn, qua đó ngài biết nên làm gì và làm như thế nào để họ “được sống và sống dồi dào”. Sự hy sinh của LM không chỉ là chịu đựng một vài khó khăn trong vấn đề ăn uống, nhà ở, phương tiện này nọ mà là “chỉ có một sự cần”, đó là làm sao mình phải bé nhỏ, tiêu hao đi để cho Đức Ki-tô lớn lên trong cộng đoàn. Làm sao để Tin Mừng thực sự lan tỏa trong mỗi người, mỗi gia đình, mỗi hội-đoàn-nhóm tín hữu. Làm sao hạn chế được những chia rẽ, bất hòa, hành xử cục bộ, bè phái…để mọi người sống hiệp nhất yêu thương như Chúa đã dạy. Nguyên chỉ với những thao thức đó thôi, LM cũng đã phải “tự tiêu hao” biết bao dự phóng, bao sáng kiến, bao lo toan, bao kế hoạch riêng tư…Nói cách khác, khi lo cho người khác được lớn lên, LM sẽ hy sinh chính bản thân ngài.

Một vị GM đã chia sẻ, “Tôi nhận ra ơn gọi của người môn đệ Đức Ki-tô. Ơn gọi này không chỉ là truyền bá Tin Mừng, quy tụ dân Chúa, thông báo ý Chúa trong những hoàn cảnh cụ thể, mà còn là hiến tế chính mình trong cuộc đời. Hiến tế bằng tình yêu và hi sinh. Cho dù một cách nào đó, người môn đệ Chúa sẽ phải chịu đóng đinh vào thánh giá, phải chịu cho trái tim mình bị đâm, để những giọt máu và nước sau cùng trong đó cũng đành đổ ra hết…” (ĐGM GB Bùi Tuần, Tĩnh tâm LM Gp LX tháng 6-2002).

Nhìn vào một giáo xứ, có thể nhận ra ảnh hưởng của mục tử lớn lao như thế nào. LM xây nhà thờ kiên cố thì giáo dân được yên lòng. LM quan tâm đến người nghèo, bất hạnh thì cộng đoàn bớt đi nhiều cảnh khổ. LM để mắt tới những người khô khan, nguội lạnh, những đôi vợ chồng rối, thì giáo xứ giảm bớt được gương xấu. LM sống nghèo khó, khiêm tốn thì giáo dân có gương sáng sống động để dõi theo vv. Và trên hết, như một thánh nhân đã nói: “LM thánh thiện thì giáo dân bình thường, LM bình thường thì giáo dân tầm thường, LM tầm thường thì giáo dân khô khan nguội lạnh”.

Bao lâu LM chưa là tấm-bánh-được-bẻ-ra cho người tín hữu “ăn” thì bấy lâu cộng đoàn vẫn còn phải chịu đựng sự đói, sự khát, sự nghèo về tâm linh, về sự sống, về gương sáng chứng tá Tin Mừng Đức Ki-tô Phục Sinh.

+
LINH MỤC: TẤM BÁNH BẺ RA VÌ SỰ HIỆP NHẤT YÊU THƯƠNG TRONG CỘNG ĐOÀN.

M
ột trong những điều căn cốt nhất mà Đức Giê-su đã trăng trối cho các môn đệ trước khi ngài chịu chết, đó là yêu thươngnên một với nhau. LM khi được sai đến cộng đoàn cũng đem mệnh lệnh ấy chia sẻ với tất cả những ai ngài có bổn phận chăm sóc. Và trên hết, LM sẽ làm gương về thực thi lòng mến và sự hiệp nhất trong cộng đoàn.

Khi rao giảng và sống điều ấy, LM phải chịu đựng nhiều phiền toái, nhiều khổ đau và nhức nhối. Với nỗ lực quyết tâm thực hiện vấn đề hiệp nhất, yêu thương trong cộng đoàn, chắc hẳn LM sẽ bị giằng co, sẽ gặp vô vàn khó khăn, kể cả bị hiểu lầm và chống đối vv. Vì xét cho cùng thân phận LM (coi xứ) là làm “dâu trăm họ”. Lại nữa, cộng đoàn không phải là một tập thể thống nhất toàn bộ, nhưng là tập hợp đủ mọi thành phần xã hội, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp, mọi khuynh hướng. Vì thế, khi thi hành mục vụ, LM phải bám vào Chúa, sống đời sống nội tâm sâu xa và chuyên cần cầu nguyện. Nhờ đó ngài giữ mãi lửa nhiệt tình phụng sự nhà Chúa.

Trong bài tựa “LM, người là ai?”, một vị GM đã đưa ra một số gợi ý cho các LM tự vấn, như sau:

. “Trong đời sống mục vụ, trong giáo xứ, trong môi trường đào tạo, chúng ta có cư xử đầy tình bác ái và xây dựng với những cộng sự viên của chúng ta không?

. “Chúng ta có để cho các linh mục đồng nghiệp, cho những ông câu, ông biện, những người trong ban hành giáo có sáng kiến không? Chúng ta có tôn trọng những đề nghị của họ không?

. “Chúng ta có lắng nghe trong đối thoại chân thành và quyết định cách khách quan không? Hay chúng ta biến họ thành những dụng cụ sai vặt như những người đầy tớ phải tuyệt đối vâng lời ông chủ? Chúng ta có bóp chết mọi sáng kiến của họ, chỉ đề cao cá nhân của mình một cách chủ quan, chỉ cho mình là trung tâm tuyệt đối bất khả ngộ?

. “Chúng ta có tìm mọi cách biết rõ con chiên của mình để tận tình giúp đỡ hay là dửng dưng sống chết mặc bay?

. “Trong đời sống xã hội, với người lương cũng như giáo, chúng ta có ngay thẳng trong lời nói, trong phong cách, trong lối đối xử, cách ăn uống, nhất nhất phải ý tứ cẩn thận, vì qua đời sống của linh mục, người ta phải nhận ra dáng dấp của Chúa Giêsu Cứu Thế?

Những tiêu chuẩn được đưa ra cho các linh mục xưa nay là: Thánh thiện, nhiệt thành, trở nên muối đất đèn đời, hoàn toàn quên mình trong sứ vụ, bất chấp khó khăn, hoạt động hăng say dưới nhiều hình thức khác nhau để mở mang Nước Chúa, nêu gương nhân đức, chăm lo cho con chiên cả tinh thần lẫn vật chất. Muốn đạt được những tiêu chuẩn ấy, linh mục cần phải tự huấn luyện mình quảng đại, nhiệt thành, nội tâm sâu sắc, sống giản dị, phục vụ tận tình, sẵn sàng đối thoại không định kiến…” (ĐGM Phêrô Nguyễn Soạn, VietCatholic News, 28-02-2005 * conggiaovietnam.net).

Thực tế, mọi người đều nhận ra rằng, để giáo dân hiệp nhất với nhau thì LM phải hiệp nhất với nhau (cha chính, cha phó) và với giáo dân. Để cộng đoàn yêu thương nhau, thì các LM cũng phải yêu kính nhau. LM sẽ là một nhịp cầu nối kết mọi người, thay vì là một lực vô hình đẩy xa người này khỏi người kia. Nạn bè phái, cục bộ, phân hóa hiện nay trong nhiều giáo xứ là khá phổ biến. Vì thế LM sẽ phải “cảnh giác” cao độ để khỏi rơi vào nhiều tình huống khó xử.

LM, tấm bánh được bẻ ra vì sự tồn tại vững bền và sự phát triển lâu dài mối dây hiệp nhất và yêu thương trong cộng đoàn. Đẹp thay!

+
LINH MỤC: TẤM BÁNH BẺ RA VÌ NHU CẦU TRUYỀN GIÁO TỪ CỘNG ĐOÀN, CHO CỘNG ĐOÀN.

Không vị mục tử nào mà không nuôi trong lòng nỗi băn khoăn thao thức về vấn đề truyền giáo. Đó là mối ưu tư hàng đầu của các ngài. Bởi bản chất của Hội thánh thừa sai của Chúa Ki-tô là truyền giáo. Giáo xứ, do đó, cũng là một cộng đoàn thừa sai, truyền giáo. Ngày nay, người ta hiểu truyền giáo trước hết là, truyền giáo tại chỗ, là tái truyền giáo cho mọi Ki-tô hữu, trước khi truyền giáo ra bên ngoài. Do đó, hơn ai hết, LM sẽ luôn coi việc truyền giáo là nhiệm vụ chuyên biệt và cấp bách của mình.

Thực vậy, truyền giáo là “Việc mà chính Chúa Giêsu đã truyền dạy, việc mà CĐ Vat II đã khẳng định, việc mà ĐGH Gioan Phaolô II đang hối thúc. Người tín hữu nào cũng có bổn phận truyền giáo. Riêng đối với giáo sĩ, truyền giáo là một nhiệm vụ chuyên trách, nó nằm trong bản chất chức vụ LM” (ĐGM GB Bùi Tuần, chủ đề “Truyền giáo”, tĩnh tâm LM Gp LX 1990).

Bên cạnh đó, giáo huấn của Hội thánh cũng đã chỉ rõ, “Hội thánh không ngừng nhắc nhở con cái mình tập trung mọi nỗ lực vào việc truyền giáo, đồng thời phải thích ứng để có thể đem Tin Mừng cho nhân loại trong thời đại này” (Evangelii Nuntiandi; Redemptoris Missio – Nguồn: thư mục vụ HĐGMVN 2003, số 5).

Một khi công việc truyền giáo thuộc về bản chất của LM, thì chính ngài sẽ phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” để thực thi công việc ấy một cách chu toàn. Công việc thì quan trọng, cấp thiết nhưng không phải dễ dàng thực hiện.

Công việc bắt đầu từ trong cộng đoàn
. Giáo xứ hằng năm tổ chức biết bao lễ lạc, biết bao buổi liên hoan, biết bao sinh hoạt đạo đức (ngoài Phụng vụ), biết bao quy tụ này nọ vv. nhưng vấn đề học hỏi Lời Chúa, học Giáo lý đã được quan tâm thế nào? tác động và ảnh hưởng đến bao nhiêu phần trăm tín hữu? Mấy gia đình có cuốn Kinh thánh trong nhà và có bao nhiêu người, bao nhiêu gia đình đọc Kinh thánh thường xuyên? Giáo xứ và cha xứ đã quan tâm giải quyết thế nào về trường hợp những cá nhân, gia đình sống khô khan, xa Chúa, xa cộng đoàn, xa nhà thờ, về những “ca” rối rắm, về những con người nghèo khổ bất hạnh, về những thành phần “bất hợp tác” trong cộng đoàn vv. Chỉ một thoáng thôi cũng thấy biết bao vấn đề cần quan tâm và biết bao việc cần giải quyết theo sự thôi thúc của Chúa Thánh Thần. Hơn ai hết LM sẽ người khởi xướng và tác động để mọi giáo dân cùng tham gia công việc truyền giáo tại chỗ này…

công việc cũng bắt đầu hướng ra bên ngoài. Công đồng Vat II đã chỉ rõ: “Nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan rộng tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại. Vì thế, khắp nơi phải mở đường cho họ tích cực tham gia vào công cuộc cứu độ của Giáo Hội, tùy sức lực họ và tùy nhu cầu của thời đại” (LG 33).

Trong phạm vi và hoàn cảnh cụ thể của giáo xứ, LM sẽ là người chia sẻ nỗi thao thức truyền giáo cho giáo dân và mở đường để họ tham gia với tất cả tâm huyết, sức lực của mình. Truyền giáo như thế là nhiệm vụ mà tất cả mọi người đều được mời gọi ý thức và tham gia.

Trong bài chia sẻ có tựa đề “Tâm tình với các tân LM”, cha Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô đã nêu vấn đề sau:

“…Luôn luôn nuôi dưỡng sống động tinh thần truyền giáo: Chia sẻ cuối cùng của tôi dựa trên mấy lời đầy bức xúc của ĐGM Giáo phận Kontum, vào cuối lễ truyền chức hôm 9-12-2006 tại tu viện Phanxicô Thủ Đức. Ngài nói chúng ta phải đổi cách nhìn về Giáo Hội. Cái nhìn nào mà phải thay đổi? Đó là cái nhìn quen thuộc và phổ biến hướng vào nội bộ Giáo Hội thay vì hướng mở ra bên ngoài tới thế giới bao quanh, tới những môi trường, những con người còn xa lạ với Chúa để tìm cách đem Tin Mừng đến cho họ. Cái nhìn hướng nội không phải là sai nhưng phiến diện và có nguy cơ làm cho người ta mãn nguyện về những thành tích đã đạt được.

“Ngài nói nếu thay đổi cách nhìn, chúng ta sẽ thấy mọi sự không phải là tốt đẹp cả đâuGiáo Hội còn nhiều vấn đề, nhiều thách thức. Chẳng hạn, có bao nhiêu người lớn nhập đạo hằng năm không phải vì lý do lập gia đình nhưng nhờ gương sáng đời sống hoặc nhờ lời rao giảng của người Kitô hữu? Ít lắm! Đời sống đạo mà chúng ta đang rất hãnh diện có tác động tích cực nào ra bên ngoài ranh giới của các giáo xứ, các đoàn thể Công giáo và hay các dòng tu? Cũng ít lắm! Ngài nói, giữa đời sống văn minh giàu có của Sài Gòn và đời sống dân chúng ở vùng cao nguyên của ngài là một vực thẳm cách biệt. Ngài lo lắng với đà phát triển vật chất đang diễn ra, liệu sẽ còn mấy ai sằn sàng đáp lại ơn gọi tu sĩ và linh mục? E rằng chỉ còn mấy người “quê mùa” và nghèo khó mà thôi.

“Mấy lời tâm huyết của ĐGM giáo phận Kontum nhắc nhở chúng ta phải có thao thức truyền giáo, phải luôn luôn nuôi dưỡng ý thức loan báo Tin Mừng trong mọi công việc chúng ta làm và môi trường chúng ta sống, và trước tiên trong lối sống của chúng ta. Chính nhờ thao thức và ý thức đó mà chất lượng Phúc Âm của đời sống chúng ta sẽ được nâng cao, đối lại với sự trì kéo của tinh thần thế tục, óc hưởng thụ, sự mệt mỏi và thói quen…
”./.

Aug. Trần Cao Khải

Exit mobile version