Linh mục & “Mùa trai tịnh”

Đó chính là tâm tình Thánh Thi kinh sáng mà giáo sĩ, tu sĩ và cả giáo dân nữa cùng đọc khi bước vào ngày mới của mùa Chay.

Trong và với tâm tình mùa Chay, mọi tín hữu được mời gọi nhìn lại chính mình, xin Chúa thanh tẩy tâm hồn của mình để long trong mừng Lễ Vượt Qua. Nhờ Mùa Chay, Giáo Hội nhắc nhớ con cái mình – mọi thành phần dân Chúa ăn năn sám hối và nhìn lại chính mình, dọn lòng mình cho sạch sẽ để đón mừng mầu nhiệm Vượt Qua.

Mùa Trai Tịnh của giáo dân, đỉnh điểm là mùa Chay. Còn với hàng giáo sĩ và một số dòng tu khác thì Mùa Trai Tịnh được chọn vào đầu, giữa hay cuối tháng 11.

Thật thế, cả năm trời bận bịu với biết bao nhiêu công việc mục vụ, biết bao nhiêu bận tâm lo lắng của người mục tử, các cha cũng cần phải có thời gian tĩnh lặng, thời gian ở bên Chúa.

Thường thì trong các bài chia sẻ, nhất là trong những huấn từ, các Đấng Bản Quyền luôn nhắc nhở anh em linh mục của mình hãy nhìn lại sứ vụ linh mục, đặc biệt là cách hành xử với anh chị em tín hữu.

Kèm theo đó là những tâm tình, gợi ý làm sao để :

Linh mục sống đời linh mục một cách có ý nghĩa,

Ơn gọi của Môsê

Tôi được mời gọi sống hạnh phúc trong cộng đoàn chứng nhân

Loan báo Tin Mừng cho người nghèo

Thánh hóa người môn đệ bằng Lời Chúa

Chúng tôi chứa đựng những mầu nhiệm ấy trong những bình sành

Phục vụ trong Giáo Hội địa phương với tinh thần khiêm tốn …

Hẳn mọi người con nhớ cách đặc biệt, trong triều đại của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Thánh Cha luôn luôn mời gọi linh mục hãy ra khỏi nhà mình để đến vùng ngoại biên. Chính ở những vùng ngoại biên ấy mà các mục tử sẽ gặp được những con chiên bần cùng và những con chiên lạc bầy.

Thật vậy, nếu nhìn lại cách nghiêm chỉnh cũng như trở về nguồn gốc tinh ròng của đời người mục tử đó chính là một con người sống chứng nhân cách triệt để nhất trong Giáo Hội. Linh mục, trong ngày lãnh sứ vụ đều được mời gọi và nhắc nhở : “Con hãy tin điều con đọc, nói điều con tin và sống điều con nói”.

Chính điều này là căn cốt và thêu dệt nên đời linh mục. Bởi đơn giản, linh mục chính là người xác tín và tin vào Đức Kitô hơn ai hết và khi tin thì phải sống niềm tin ấy.

Thế nhưng, trong thực tế của cuộc sống, nói không phải nói, than không phải than, khóc không phải khóc … đời linh mục luôn luôn phải đối diện với tất cả nghịch cảnh của cuộc đời, nhất là của những giáo dân được trao phó.

Ở rộng người cười, ở hẹp người chê :

Giảng dài một chút thì bảo là luyên thuyên, giảng ngắn bảo không soạn bài

Thăm nhà dân thì bảo la cà, không đến thì bảo khép kín …

Cỡ nào cũng không thoát khỏi tầm ngắm của giáo dân. Nhất là sau những lần đứng trên tòa giảng.

Nói về Chúa cũng chết, nói về đời cũng chết.

“Chiều qua Cha giảng cha nói tui hả ?”

“Ổng nói hay lắm mà ổng có sống đâu !” …

Chung chung là bao nhiêu điều giáo dân đổ vào Cha hết. Tóm gọn lại là cái gì cha cũng sai và chỉ có giáo dân đúng.

Trong hoàn cảnh như vậy, người mục tử chỉ còn biết mục nát với thời gian và chỉ có phương thế duy nhất là nhìn lên thập giá và từ thập giá nghe văng vẳng bên tai : “Tao có làm gì đâu mà nó còn treo và giết tao, mày là đệ tử thì cũng không thoát đâu con ! Ai biểu đi tu chi, ráng chịu, than vãn cái gì, chịu khó cho người ta chửi đi cưng …”

Trong những ngày trai tịnh này, linh mục được có thời gian quý báu của mình để ở lại bên Chúa và trong Chúa.

Cùng hướng lòng với các cha trong mùa tĩnh tâm của các giáo phận, các dòng tu, ta hãy cầu xin Chúa thêm ơn chịu đựng, sức lắng nghe cũng như lòng thương xót cho các linh mục để dẫu rằng cuộc đời các ngài đến đâu đi chăng nữa thì cáng ngài mãi mãi là hiện thân của Lòng Thương Xót của Chúa giữa cuộc đời này.

Xin Chúa chúc lành cho các kỳ tĩnh tâm của linh mục, xin Chúa chúc lành cho mùa trai tịnh của các linh mục, xin Chúa gìn giữ các linh mục trong ân nghĩa Chúa như từ đầu ngày lãnh sứ vụ cho đến ngày các ngài hoàn tất cuộc đời dương thế của các Ngài.

Người Giồng Trôm

Exit mobile version