Linh mục làm phép mà không mang Dây các phép được không? Thừa tác viên ngoại thường chúc lành cho người không Rước lễ được không?

Stola - Linh mục làm phép mà không mang Dây các phép được không? Thừa tác viên ngoại thường chúc lành cho người không Rước lễ được không?

Hỏi: Con được nghe nói rằng việc linh mục chúc lành cho người hoặc làm phép một vật, mà ngài không mang Dây các phép, là việc ngài làm với tư cách riêng tư như là một con người, trong khi việc ngài mang Dây các phép và chúc lành hoặc làm phép thì có nhiều quyền lực hơn, vì việc ấy đi kèm với sức mạnh và sự chở che của đoàn sủng được ban cho ngài, với tư cách là vị đại diện của Đức Kitô. Thưa cha, điều này có đúng không? Chúng con có nên xin ngài mang Dây các phép trước khi chúc lành hoặc làm phép không? Khi trẻ em tiến đến linh mục để được chúc lành, với hai bàn tay chấp lên ngực, trong thời gian Hiệp lễ, linh mục đặt bàn tay ngửa lên đầu em, và nói: “Xin Chúa chúc lành cho con”. Liệu bàn tay ngửa của linh mục là thích hợp không? Đó có phải là sự chúc lành không? Hay là ngài không muốn ban phúc lành? – E. S., Mississauga, Ontario, Canada.

Đáp: Một số sự làm phép phụng vụ, chẳng hạn như làm phép nước thánh, thường đòi hỏi việc linh mục mang Dây các phép, do phải trung thành với nghi thức này. Trong các trường hợp này, cả y phục riêng và các công thức phụng vụ chính xác phải được sử dụng, mà không giảm bớt gì.

Việc mang Dây các phép cho sự chúc lành hoặc làm phép là một biểu tượng hùng hồn của tư cách và thừa tác của linh mục, và do đó cần được sử dụng trong thực hành.

Tuy nhiên, việc sử dụng Dây các phép là không được yêu cầu cho tính hợp lệ của các á bí tích. Người ta cũng không thể nói rằng việc linh mục làm phép là “quyền lực hơn”, khi ngài mặc trang phục phụng vụ, bởi vì khả năng của ngài để chúc phúc hoặc làm phép xuất phát từ sự truyền chức linh mục của ngài, chứ không từ lễ phục bên ngoài.

Đức Thánh Cha thường ban phép lành Tòa thánh mà không mang Dây các phép, khi đọc kinh Truyền tin hàng tuần vào trưa Chúa Nhật. Các linh mục cũng thường xuyên được kêu gọi để chúc lành cho người hoặc làm phép đồ vật, do sự thôi thúc của thời điểm, mà không có khả năng mang Dây các phép. Trong tất cả các trường hợp như thế, hiệu quả của sự làm phép là cũng giống như khi mang lễ phục, chứ không thua kém hơn.

Về câu hỏi thứ hai, tôi tin rằng cử chỉ của vị linh mục có lẽ xuất phát từ sự tôn trọng đối với phép Thánh Thể, và với người rước lễ. Bởi vì ngài chạm Mình Thánh với các ngón tay, nên có lẽ ngài muốn tránh dùng chúng để chạm vào đầu trẻ em. Đây có lẽ là quyết định cá nhân của linh mục, chứ không tương ứng với bất kỳ qui tắc phụng vụ cụ thể nào.

Điều nghi ngờ rằng ngài muốn giữ lại phúc lành là không đúng, vì lời nói của ngài là đủ để truyền đạt ý định của ngài, là ban phép lành thật sự.

Ngay cả ở nơi nào mà việc chúc phúc cho người không rước lễ được phê chuẩn cách đặc biệt (và một số giáo phận không muốn việc này, hoặc cấm nó nữa), vấn đề cho các cử chỉ thích hợp là vẫn chưa rõ ràng. Về động cơ của sự tôn trọng đối với Phép Thánh Thể, tôi đề nghị rằng tốt hơn linh mục nên chúc lành, mà không chạm vào người được chúc lành.

Sau khi tôi đã trả lời như trên, một số độc giả đã hỏi một câu hỏi giống nhau như sau: “Liệu là thích hợp cho các thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ, chúc lành cho trẻ em hoặc những người không thể (hoặc chọn không) Rước lễ chăng?”

Đáp: Có nhiều cách để phân biệt các loại phép lành và á bí tích. Có sự phân biệt giữa á bí tích cấu thành và á bí tích khẩn cầu.

Hiệu quả của một á bí tích cấu thành là biến người hoặc vật được chúc phúc, thành một cách như là tách ra khỏi thế gian. Các thí dụ sẽ bao gồm sự chúc phúc một viện phụ, và làm phép nước thánh. Trong thực tế, tất cả các phước lành này là dành cho thừa tác viên có chức thánh, và đôi khi là độc quyền dành riêng cho Giám mục.

Các phép lành khẩn cầu mời gọi Chúa chúc lành và che chở một người hay đồ vật, mà không thánh hiến họ trong bất kỳ cách nào. Một số trong các phước lành này được dành cho các vị được truyền chức, chẳng hạn như sự chúc lành cho cộng đoàn vào cuối buổi cử hành phụng vụ.

Một số phước lành cũng có thể được ban bởi giáo dân, do sự ủy nhiệm hoặc vì lý do của một thừa tác phụng vụ đặc biệt, nhất là khi một thừa tác viên được truyền chức vắng mặt hoặc bị cản trở (xem Giới thiệu chung về Sách Các Phép, số 18). Trong các trường hợp này, giáo dân chỉ sử dụng các công thức phù hợp được chỉ định cho các thừa tác viên giáo dân.

Tình hình cuối này có lẽ là trường hợp của các thừa tác viên ngoại thường cho Rước Lễ, khi họ cầu xin Chúa chúc lành trên những người, vì lý do tốt, tiến đến nơi Rước lễ, nhưng không Rước lễ.

Cuối cùng, một số phước lành đơn giản có thể được ban, bởi các giáo dân do sứ mạng của họ, thí dụ, cha mẹ chúc lành cho con cái của họ.

(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 15-5-2007, 29-5-2007)

Exit mobile version