Linh mục không đồng tế có thể đọc bài Tin Mừng không?

Hỏi: Tôi biết rằng một linh mục đồng tế có thể đọc bài Tin Mừng trong Thánh Lễ khi vắng mặt một phó tế. Trong trường hợp này, ngài không xin phép lành của vị chủ tế trước khi đọc bài Tin Mừng, trừ phi chủ tế là một Giám mục. Tôi muốn hỏi cha: Liệu một linh mục có thể đọc bài Tin Mừng trong Thánh Lễ nếu ngài giảng lễ, mà không đồng tế trong Thánh Lễ ấy không? Tôi hỏi như thế, vì có một thói quen trong các giáo xứ thuộc giáo phận mà tôi sinh sống, là một linh mục giảng trong mọi Thánh Lễ của một ngày Chúa Nhật được qui định, kể cả các Thánh lễ mà ngài không là chủ tế hoặc không đồng tế. Liệu một linh mục không đồng tế được phép đọc bài Tin Mừng và giảng lễ không, và liệu ngài có xin phép lành của vị chủ tế trước khi đọc bài Tin Mừng không? – K. D., Toronto, Canada.

Đáp: Có rất ít qui định giải quyết câu hỏi chính xác này. Chúng ta có thể thu thập một số chỉ dẫn thích hợp từ Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM). Trước tiên, liên quan đến người đọc bài Tin Mừng:

“59. Theo truyền thống, việc đọc các bài đọc không phải là nhiệm vụ của vị chủ toạ, mà là của người giúp. Ðộc viên đọc các bài đọc. Thầy phó tế, hay nếu không có phó tế, thì một linh mục khác đọc Tin Mừng. Nhưng nếu không có thầy phó tế hay linh mục khác, thì linh mục chủ toạ đọc Tin Mừng. Còn nếu không có độc viên xứng đáng nào, thì linh mục chủ toạ đọc các bài đọc.

Sau mỗi bài, người đọc xướng câu tung hô, và giáo dân tập họp đáp lại để tôn vinh Lời Chúa được tiếp nhận bằng đức tin và lòng tri ân” (bản dịch tiếng Việt của linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, GP Nha Trang).

Lẽ tất nhiên, điều này đề cập đến truyền thống Latinh. Trong một số Giáo Hội Đông Phương, việc đọc bài Tin Mừng là thực sự dành cho vị chủ tế, như là người đại diện tiếng nói của Chúa Kitô.

Đối với bài giảng, Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) số 66 nói:

“Người diễn giảng thông thường là chính vị chủ tế hay một trong các vị đồng tế được vị chủ tế nhờ, hay đôi khi, tuỳ nghi, là phó tế, nhưng không bao giờ là giáo dân. Trong những trường hợp đặc biệt và có lý do chính đáng, một Giám Mục hay một linh mục hiện diện trong buổi cử hành mà không đồng tế có thể đảm trách việc giảng”. (Bản dịch, như trên)

Số 59 không nói rằng “một linh mục khác” đọc bài Tin Mừng cũng là linh mục đồng tế, nhưng thường người ta nghĩ là như vậy. Việc đọc bài Tin Mừng là một sứ vụ trong buổi cử hành, và thật là hợp lý khi người thực hiện sứ vụ này phải là một thành viên không thể thiếu của cộng đoàn, tham gia vào toàn bộ buổi lễ, và rước lễ như sự hoàn thành của việc tham gia đầy đủ của mình.

Một linh mục, phải diễn giảng trong nhiều Thánh Lễ, ví dụ nhân dịp mời gọi việc truyền giáo, thường không thể cử hành hoặc đồng tế trong tất cả các Thánh lễ ấy. Ngài cũng không thể tham gia đầy đủ trong mỗi Thánh lễ, như một thành viên của cộng đoàn, bởi vì qui định không rước lễ quá hai lẫn mỗi ngày cũng áp dụng cho một linh mục không đồng tế.

Vì lý do này, để tôn trọng sự toàn vẹn của việc tham dự phụng vụ, tôi có ý kiến rằng linh mục giảng lễ này không nên đọc bài Tin Mừng.

Tương tự như vậy, khi “trong những trường hợp đặc biệt và có lý do chính đáng”, một thừa tác viên không là chủ tế sẽ giảng trong mọi Thánh Lễ, ngài cũng không hiện diện cách trọn vẹn trong mỗi Thánh lễ. Do đó, ngài không phải là thành viên đầy đủ của cộng đoàn, và không nên đọc bài Tin Mừng.

Trong các trường hợp trên đây, vị giảng lễ nên đi đến giảng đài sau khi bài Tin Mừng được công bố xong. Ngài mang áo trắng dài (alba) và dây các phép (stola), hoặc mang áo các phép (surplis) bên ngoài áo Dòng và dây các phép.

Vấn đề “thói quen”, như độc giả nêu lên, cần được xem xét lại. Chắc chắn là được phép giảng như thế trong một số dịp đặc biệt, nhưng việc giảng trên cơ sở thường xuyên như vậy là không phù hợp với tinh thần của phụng vụ.

(Nguyễn Trọng Đa chuyển ngữ, Zenit.org 30-7-2013)

Exit mobile version