Hỏi: Trong đời linh mục của tôi, thỉnh thoảng tôi được mời đồng tế Thánh lễ, bởi các cộng đồng người nước ngoài, nhưng tôi không biết ngôn ngữ của họ. Trong một văn bản phụng vụ, tôi đọc rằng không được phép đồng tế nếu chúng ta không thể nói ngôn ngữ của cộng đoàn ấy. Nhưng tôi thấy các linh mục khác đọc thầm Kinh Nguyện Thánh Thể trong ngôn ngữ riêng của họ. Được phép làm vậy không, thưa cha? Có lẽ tốt nhất trong trường hợp này, chỉ nên tham dự Thánh Lễ chứ không nên đồng tế, đúng không cha? – J. L., Paris (Pháp)
Đáp: Bản văn phụng vụ mà độc giả này đề cập đến là Huấn thị Redemptionis Sacramentum, do Thánh bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích ban hành ngày 25-3-2004. Về ngôn ngữ của việc cử hành Thánh lễ đồng tế, Huấn thị này nói:
“112. Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng La tinh hay bằng một ngôn ngữ khác, với điều kiện phải sử dụng những bản văn phụng vụ đã được phê chuẩn theo quy tắc luật định. Ngoại trừ các Thánh Lễ phải cử hành trong ngôn ngữ của dân chúng, theo thời khóa biểu và theo thời gian do giáo quyền ấn định, các linh mục được phép cử hành Thánh Lễ bằng tiếng La tinh, ở mọi nơi và mọi lúc.
“113. Khi Thánh Lễ được nhiều linh mục đồng tế, Kinh Nguyện Thánh Thể phải được đọc trong ngôn ngữ mà tất cả các linh mục và dân chúng hiện diện trong buổi cử hành đều biết. Có thể xảy ra trường hợp, trong số các linh mục hiện diện, có vị không biết ngôn ngữ được dùng khi cử hành và không thể đọc các phần Kinh Nguyện Thánh Thể, dành riêng cho mình. Trong trường hợp này, các ngài không đồng tế, nhưng tốt hơn các ngài chỉ tham dự cử hành và mặc y phục kinh hội, theo quy định” (Bản dịch Việt ngữ của Hội đồng Giám mục Việt Nam).
Như vậy, qui định là khá rõ ràng rằng nếu một linh mục không có khả năng đọc các phần mà mọi linh mục phải đọc, thì linh mục ấy không nên đồng tế.
Không có thể có sự lựa chọn hợp pháp để đọc lời truyền phép trong ngôn ngữ của mình trong khi các vị đồng tế khác đọc trong ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, mặc dù là bất hợp pháp, hành động này sẽ không làm mất hiệu lực Thánh Lễ cho vị đồng tế này.
Điều này là bởi vì qui định trên là nhằm thúc đẩy một buổi cử hành trang trọng và chính xác của các mầu nhiệm thánh, vốn đòi hỏi mức độ cao nhất của sự tôn trọng và kính cẩn.
Điều đáng lưu ý là sự nhấn mạnh trên là về việc đọc Kinh nguyện, chứ không về nắm vững ngôn ngữ. Ví dụ, một linh mục, nếu có kiến thức sơ đẳng về một ngôn ngữ, đủ để có thể đọc các lời nguyện chung, thì có thể cử hành lễ đồng tế, mặc dù ngài không thể tự mình cử hành Thánh Lễ trong ngôn ngữ ấy, hoặc thậm chí dám một mình công bố một phần của Kinh Nguyện Thánh Thể.
Tôi cũng nói rằng trong một số trường hợp, sẽ là hợp pháp cho một Giám mục hay một linh mục đọc từ một bản ghi âm, để ngài có thế đọc ngôn ngữ không quen cho chính xác. Điều này cho rằng ngài có khả năng đọc từ bản ghi âm và biết rõ Kinh Nguyện Thánh Thể, mà ngài đang đọc và biết nơi ngài có mặt tại một thời điểm đặc biệt.
Một giải pháp thực tiễn cho các dịp khi các linh mục quây quần bên nhau trong một khung cảnh quốc tế, thì nên dùng tiếng Latinh cho Kinh Nguyện Thánh Thể. Tiếc là một số linh mục ít biết tiếng Latinh; nhưng đây là một vấn đề cần giải quyết, chứ không phải là một tình huống để được chấp nhận. Có các dấu hiệu đáng khích lệ rằng nhiều linh mục trẻ và linh mục tương lai sẽ có thể ít nhất là cử hành Thánh lễ trong ngôn ngữ của Giáo Hội.
Các qui định trên được áp dụng cho nghi lễ Rôma. Các quy tắc về đồng tế là khác nhau cho mỗi Giáo Hội Công giáo Đông phương. Nguyên tắc chung là một linh mục nghi lễ Latinh có thể được nhìn nhận là vị đồng tế bởi vị Giám mục địa phương nghi lễ Đông phương (khoản luật số 701 của Bộ luật Đông phương). Trong trường hợp này, tốt hơn vị đồng tế nên mang lễ phục theo nghi lễ của mình.
Phần còn lại sẽ phụ thuộc vào những gì được yêu cầu đối với các vị đồng tế trong nghi lễ đặc biệt. Nếu các linh mục đồng tế được yêu cầu phải đọc phần kinh Tiến hiến (Kinh Nguyện Thánh Thể) và phụng vụ được cử hành trong một ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ, thì tốt hơn vị linh mục nghi lễ Latinh nên áp dụng các tiêu chuẩn nêu trên của Huấn thị Redemptionis Sacramentum và từ chối đồng tế.
(Nguyễn Trọng Đa, Vietcatholic 12-9-2012/ Zenit.org 11-9-2012)