Linh mục đồng tế phải đọc những gì?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.


 Hỏi: Gần đây tôi đã suy nghĩ về những gì là cần thiết cho việc đồng tế là hợp lệ về phần linh mục đồng tế. Các chữ đỏ rõ ràng nói rằng các vị đồng tế phải dang tay đọc các lời từ Kinh khẩn cần Thánh Linh (epiclesis) đến kinh hồi niệm sau truyền phép (anamnesis), nhưng liệu sự thiếu sót của một phần trong đoạn này của Kinh nguyện Thánh Thể có gây hại cho việc dâng hy tế của Thánh Lễ về phần của vị đồng tế đó không? Dường như các lời truyền phép là không thể thiếu, nhưng còn các lời chung quanh đó thì sao, thưa cha? – R. H., Fulda, Minnesota, Hoa Kỳ.

Đáp: Để cho Thánh lễ đồng tế là hợp lệ, các lời truyền phép được đọc bằng giọng thấp nhưng có thể nghe được là thật cần thiết.

Không cần thiết cho tính hợp lệ rằng các vị đồng tế đọc hết mọi phần của Kinh nguyện Thánh Thể. Nhưng một cuộc cử hành xứng đáng và hợp pháp đòi hỏi rằng phải đặc biệt chú ý đến các phần cần được tất cả mọi người đọc, vốn có một mức độ buộc nào đó.

Một số phần của Kinh nguyện Thánh Thể là thích hợp cho một vị đồng tế dang tay đọc mà thôi. Tuy nhiên, vị chủ tế có thể quyết định tự mình đọc các phần đó vì một lý do chính đáng.

Các số 216-236 của Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) đưa ra mô tả chi tiết về các từ ngữ và cử chỉ cho mỗi Kinh nguyện Thánh Thể. Vì lý do khuôn khổ bài biết này, chúng tôi chỉ trích dẫn các số, vốn liên quan đến những phần mà các vị đồng tế đọc chung với nhau mà thôi:

“216. Chỉ một mình vị chủ tế hát hay đọc kinh Tiền Tụng. Còn kinh Thánh, Thánh, Thánh (Sanctus), thì mọi vị đồng tế cùng với giáo dân và ca đoàn hát hay đọc.

“217. Xong kinh Thánh, Thánh, Thánh (Sanctus), các vị đồng tế đọc Kinh Nguyện Thánh Thể theo cách được mô tả sau. Chỉ có chủ tế làm các cử chỉ, ngoại trừ khi ghi cách khác.

“218. Những phần mà các vị đồng tế cùng đọc, và nhất là mọi người buộc phải đọc các lời truyền phép, thì phải đọc nhỏ tiếng, để cho giọng của chủ tế được nghe rõ ràng. Bằng cách ấy, giáo dân mới lãnh hội bản văn dễ dàng hơn.

“Những phần mà mọi vị đồng tế cùng đọc, mà có ghi dấu nhạc trong Sách Lễ, thì nên hát.

“Kinh nguyện Thánh Thể I: Đây là Lễ Quy Rôma

“222. Từ kinh “Lạy Cha, xin thánh hóa” (Quan oblationem) cho đến kinh “Lạy Cha, là Thiên Chúa toàn năng” (Supplices), chỉ một mình chủ tế làm các cử chỉ, tất cả các vị đồng tế cùng đọc chung, theo cách sau đây:

“a. Kinh “Lạy Cha, xin thánh hoá” (Quam oblationem) hai tay giơ về phía lễ phẩm;

“b. Các kinh “Tối hôm trước ngày” (Qui pridie), “Cùng một thể thức ấy” (Simili modo): chắp tay;

“c. Các lời của Chúa: tay phải, nếu thấy tiện, giơ về phía bánh và chén; mắt nhìn bánh thánh và chén khi nâng lên cho xem thấy và sau đó, thì cúi mình sâu;

“d. Các kinh “Vì vậy, lạy Cha” (Unde et memores) và “Xin Cha đoái nhìn” (Supra quae): dang tay;

“e. Kinh “Lạy Cha là Thiên Chúa toàn năng” (Supplices): cúi mình và chắp tay cho đến câu “tại bàn thờ này” (ex hac altaris participatione), rồi đứng thẳng lên và làm dấu khi đọc câu “tất cả chúng con được đầy tràn ơn phúc bởi trời” (omni benedictione gratia repleamur).

“224. Ðến câu “Xin cũng cho chúng con là tôi tớ tội lỗi” (Nobis quoque peccatoribis): mọi vị đồng tế đấm ngực.

“Kinh Nguyện Thánh Thể II

“227. Từ kinh “Vì vậy, lạy Cha” (Haec ergo dona) cho đến kinh “Nguyện xin Cha đoái nhìn” (Et supplices), mọi vị đồng tế cùng đọc chung theo cách sau đây:

“a. “Vì thế, chúng con xin Cha” (Haec ergo dona): hai tay giơ về lễ phẩm;

“b. “Khi bị nộp” (Qui cum passioni) và “Cùng một thể thức ấy” (Simili modo): chắp tay;

“c. Các lời của Chúa: tay phải, nếu thấy tiện, giơ hướng về bánh và chén; mắt nhìn Mình Thánh và Chén Thánh khi nâng lên cho thấy và sau đó thì cúi mình sâu;

“d. “Vì thế, lạy Cha, giờ đây tưởng nhớ” (Memores igitur) và ” Chúng con cúi xin Cha” (Et supplices): dang tay.

“Kinh Nguyện Thánh Thể III

“230. Từ “Vì vậy, lạy Cha, chúng con tha thiết nài xin Cha” (Supplices ergo Te Domine) cho đến “Nguyện xin Cha đoái nhìn” (Respice quaesumus): tất cả các vị đồng tế cùng đọc theo cách thức sau đây:

“a. “Vì vậy, Lạy Cha, chúng con tha thiết nài xin Cha” (Supplices ergo Te Domine): hai tay giơ về phía lễ phẩm;

“b. “Trong đêm bị trao nộp” (Ipse enim in qua nocte tradebatur) và “Cùng một thể thức ấy” (Simili modo): chắp tay;

“c. Các lời của Chúa: tay phải, nếu thấy tiện, giơ hướng về bánh và chén; mắt nhìn bánh thánh và chén khi nâng lên cho thấy và sau đó cúi mình sâu;

“d. “Vì vậy, lạy Cha” (Memores igitur) và “Nguyện xin Cha đoái nhìn” (Respice quaesumus): dang tay.

“Kinh Nguyện Thánh Thể IV

“233. Từ “Vậy, lạy Cha, xin cho Chúa Thánh Thần” (Quaesumus, igitur, Domine) cho đến “Lạy Cha, xin nhìn đến hy lễ” (Respice Domine): mọi vị đồng tế đều đọc theo cách thức sau đây:

“a. “Vậy, lạy Cha, xin cho Chúa Thánh Thần” (Quaesumus, igitur, Domine): hai tay giơ hướng về lễ phẩm;

“b. “Lạy Cha chí thánh, khi đến giờ” (Ipse enim, cum hora venisset) và “Cùng một thể thức ấy” (Simili modo): chắp tay;

“c. Các lời của Chúa: tay phải, nếu thấy tiện, giơ hướng về bánh và chén; mắt nhìn bánh thánh và chén khi nâng cho thấy và sau đó cúi mình sâu;

“d. “Vì vậy, lạy Cha, giờ đây” (Unde et nos) và “Lạy Cha, xin nhìn đến” (Respice domine): dang tay.

“235. Còn về các Kinh Nguyện Thánh Thể khác, được Toà Thánh chuẩn nhận, thì theo các qui tắc ấn định cho chúng.

“236. Vị chủ tế và các vị đồng tế cùng đọc vinh tụng ca cuối Kinh Nguyện Thánh Thể, nhưng giáo dân không đọc” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang)

Sau khi chúng tôi trả lời như trên, một số linh mục hỏi thêm chi tiết.

Một linh mục từ Pretoria, Nam Phi, hỏi: “Liệu vị đồng tế vẫn cứ ngồi cho kinh nguyện hiến tế, trước khi vị ấy đến bàn thờ cho phần mở đầu của Kinh Tiền Tụng không?”

Trong việc giải thích Quy Chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, ta phải nhớ rằng các hình thức khác nhau của Thánh Lễ đã được mô tả chi tiết giảm dần.

Nghĩa là, Thánh lễ của chỉ một linh mục được mô tả khá chi tiết. Ở các nơi khác, Thánh Lễ với một phó tế, Thánh Lễ đồng tế, và Thánh lễ chỉ có mình linh mục, thường chỉ ghi lại các chi tiết khác với chi tiết của hình thức đầu tiên của Thánh Lễ. Sự giả định tổng quát là rằng, những gì không được nói cách đặc biệt trong các buổi cử hành ấy, thì nên tuân theo những gì đã được mô tả trong hình thức của Thánh lễ có cộng đoàn tham dự.

Lấy sự giải thích như thế, chúng tôi có thể thấy hai chi tiết trong Quy Chế Tổng Quát Sách lễ Rôma.

Số 146 mô tả tư thế được chọn cho lời nguyện tiến lễ: “Trở lại giữa bàn thờ, vị tư tế đứng hướng về giáo dân, dang tay ra, rồi chắp lại, mời gọi họ cầu nguyện, mà rằng: “Anh chị em hãy cầu nguyện…” (Orate fratres). Giáo dân đứng lên và thưa “Xin Chúa nhận lễ vật…” (Suscipiat Dominus). Sau đó, vị tư tế dang tay đọc lời nguyện tiến lễ; cuối lời nguyện, giáo dân tung hô “A-men”.

Số 215 mô tả sự di chuyển của các vị đồng tế tại thời điểm này: “Sau khi chủ tế đọc lời nguyện tiến lễ, các vị đồng tế tiến đến và đứng chung quanh bàn thờ …”

Vì không có gì được nói cho việc khi nào các vị đồng tế đứng lên, có thể hợp lý để nói rằng các vị đứng lên cùng lúc với các tín hữu, như được nêu ra ở số 146.

Ngoài ra, truyền thống phụng vụ sẽ không bao giờ tha thứ cho bất cứ ai vẫn ngồi, trong khi chủ tế đọc lời cầu nguyện chủ tọa, chẳng hạn lời nguyện tiến lễ.

Một bạn đọc, từ thành phố St. Paul, Minnesota, Hoa Kỳ, viết: “Tôi vẫn còn chưa có sự chắc chắn về việc đồng tế Thánh Lễ với một số đông các linh mục. Liệu các vị đồng tế phải tiếp rước Bánh Thánh được truyền phép trong Thánh lễ ấy để thực sự cử hành Thánh lễ không? Và liệu các vị đồng tế có tiếp rước Máu Thánh để thực sự cử hành Thánh lễ không?”

Chúng tôi đã trả lời một câu hỏi tương tự trong bài ngày 12-10-2004. Tóm lại, Thánh Lễ là hợp lệ, nhưng không hợp pháp đối với các linh mục tiếp rước Bánh Thánh đã được truyền phép từ Thánh lễ khác trước đó, hoặc không tiếp rước Máu Thánh, trừ các trường hợp đặc biệt như bị bệnh hoặc kiêng rượu, với phép chuẩn đã được ban cho

Nguyễn Trọng Đa

Exit mobile version