Chỉ riêng việc tự nguyện chấp nhận sống nghèo vì TM thôi cũng đủ cho thấy LM phải sống mạnh mẽ và dũng cảm như thế nào. Bởi vì, cái cám dỗ lớn nhất, đối với đa phần con người ta, vẫn luôn luôn là muốn giàu có, cảm thấy mình giàu có và ước ao được ca tụng mình là người giàu có…Sự giàu có không nhất thiết chỉ là về vật chất, tiền bạc, mà còn có thể ngầm hiểu là sự sung mãn, đầy đủ về tiếng tăm, chức vị, quyền bính, kiến thức, trình độ, nhân đức vv..
Chính vì vậy, thực tế đã cho thấy nhiều giáo dân (GD) khá “dị ứng” khi chứng kiến nếp sống giàu có của một LM nào đó, đặc biệt là sự giàu có sung túc về của cải và phương tiện vật chất. Đức Thánh Cha (ĐTC) Phan-xi-cô có lần đã thổ lộ: “Cha cảm thấy buồn khi thấy một linh mục hay một nữ tu đi chiếc xe hơi đời mới nhất: thật không thể như thế được!” (Nguồn: Internet). Trong một dịp khác, ngài cũng đã nói: “Nếu các con thích một chiếc xe xinh xắn, hãy nghĩ đến biết bao trẻ em đang chết đói, hãy nghĩ đến điều này thôi. Niềm vui không được sinh ra, cũng không đến từ những thứ người ta có!” (Nguồn: Internet).
Xét như thế, chúng ta có thể khẳng định là các linh mục, tu sĩ (TS), một khi đã tận hiến đời mình cho Chúa và Hội thánh (HT) thì mặc nhiên các ngài sẽ chấp nhận một đời sống nghèo khó vì TM theo gương thầy chí thánh Giê-su, “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58).
* LINH MỤC VÀ ƠN GỌI SỐNG NGHÈO
ĐGM GB. Bùi Tuần (gp Long Xuyên), trong tập “Truyền giáo”, tài liệu tĩnh tâm các LM TGp TPHCM năm 1990 đã viết: “Khi Chúa Giê-su sai các tông đồ đi làm nhiệm vụ Lời Chúa, Người bảo các ông đừng mang theo nhiều hành lý, dù đó là quần áo, tiền bạc. Chúa muốn các môn đệ ra đi với thái độ nghèo, không những nghèo về thái độ khiêm tốn bên trong, mà cũng nghèo cả về vật chất nữa. Bởi vì thái độ nghèo về vật chất chính là một hành trang tinh thần có giá trị lớn tăng bản lãnh cho người làm nhiệm vụ Lời Chúa. Nó giúp cho môn đệ Chúa làm chứng được phần nào mầu nhiệm thánh giá cứu độ và tám mối phúc thật là những điều quan trọng của Lời Chúa.”
Vậy thì khi dấn thân theo ơn gọi làm LM, TS, người môn đệ của Chúa tự nguyện chấp nhận sống nghèo, xem như đó là một đòi hỏi thiết yếu của ơn gọi tận hiến, như ý Chúa muốn và như HT mong đợi. Chính ĐTC Phan-xi-cô đã khẳng định: “Tôi ước muốn một Giáo hội nghèo và cho người nghèo.” (Nguồn Internet). Ngoài các Ki-tô hữu nói chung, thì thành phần nòng cốt các LM, TS nói riêng, là những nhân tố cần thiết giúp xây dựng và củng cố một Hội thánh nghèo và chính họ cũng trở thành nơi nương tựa bám víu của những người nghèo hèn khốn khổ trong xã hội…
Trong bài “Linh mục và của cải trần gian”, LM Đỗ Xuân Quế OP đã chia sẻ như sau: “Thật vậy, trong các đòi hỏi phải từ bỏ của Chúa Giê-su đưa ra cho các Tông Đồ, có một đòi hỏi về vật chất, đặc biệt là tiền của (Mc 10,21; Lc, 18,22). Đó cũng là một đòi hỏi được gửi đến mọi Ki-tô hữu theo tinh thần nghèo khó, nghĩa là gỡ lòng mình cho khỏi dính bén của cải để có thể thanh thản phụng thờ Chúa và quảng đại phục vụ tha nhân. Nghèo khó là một hình thức cam kết dựa vào lòng tin vào Chúa Giê-su và lòng mến dành cho Người. Hình thức này đòi phải có sự thực tập, một sự từ bỏ của cải tương ứng với đời sống và bậc đời của mỗi người theo ơn gọi Ki-tô hữu, với tư cách riêng của mỗi cá nhân hay chung của một cộng đoàn thánh hiến. Tinh thần nghèo khó có giá trị đối với mọi người. Mỗi người phải thực hiện theo cách nào đó cho phù hợp với Tin Mừng.” (x. Bài đd, nguồn: VietCatholic News 13-5-2014).
Bước theo ơn gọi sống nghèo vì TM, các mục tử của Chúa cũng được mời gọi làm chứng nhân cho đức khó nghèo Ki-tô giáo.
* LINH MỤC: CHỨNG NHÂN ĐỨC KHÓ NGHÈO KI-TÔ GIÁO
ĐTC Phan-xi-cô đã nói:“Mỗi người trong tất cả chúng ta đều phải là người rao giảng Tin Mừng, đặc biệt là bằng cách sống của mình!” (Nguồn: Internet). Trước đó, ĐTC Phao-lô VI cũng đã nói: “Người thời nay tin vào những chứng nhân hơn là tin vào những thầy dạy”.
LM có nhiều cách để làm chứng nhân cho đức khó nghèo của ơn gọi mình. Trong đó, có thể kể đến 3 cách nổi bật nhất, đó là: a.- Nếp sống giản dị; b.- Năng lui tới những nhà nghèo và giúp đỡ những người nghèo; c.- Khước từ việc chạy theo mốt như người thế gian.
– Nếp sống giản dị:
Quả thực, hơn ai hết, song song với nhiệm vụ giảng-dạy của mình, LM được mời gọi làm chứng nhân cho TM Đức Ki-tô giữa trần gian. Chính ĐTC Phan-xi-cô đã làm gương rất sống động về một đời sống khó nghèo và giản dị.Chắc chắn là lối sống của ĐTC Phan-xi-cô khi là hồng y ở Buenos Aires hẳn là lời mời gọi các LM xét lại cách sống của mình: ngài ở trong một căn hộ nhỏ thay vì ở dinh thự giám mục, sử dụng phương tiện công cộng thay vì đi xe hơi với tài xế riêng. Có thể nói, đặc điểm đầu tiên của sự khó nghèo chính là sự giản dị. Tác giả Thiên Triệu, trong bài “Chân dung linh mục qua hình ảnh của ĐTC Phan-xi-cô” đã viết: “Trước hết nghèo khó là sự đơn giản trong đời sống linh mục. Dù các linh mục giáo phận không có lời khấn khó nghèo, nhưng các ngài được kêu gọi sống đời giản dị. Đáng tiếc là nhiều khi, người tín hữu không cảm nhận được điều này khi thấy hàng giáo sĩ đi những loại xe đắt tiền, ra vào những nhà hàng sang trọng, và nhà ở của linh mục đầy những thiết bị xa hoa.” (Bài đd, nguồn: tgpsaigon.net ngày 20-04-2013).
Sống giản dị không có nghĩa là “vô sản”, không có gì hết, nhưng là chỉ nên sở hữu ở mức độ tối cần thiết. LM có thể sắm cho mình một cái đồng hồ tốt, một cái xe bền, một ngôi nhà thoải mái hay một căn phòng tiện lợi…nhưng không nhất thiết những thứ đó phải cao cấp, hàng hiệu hay đắt tiền. Biết đâu chừng những thứ xa hoa, quý giá đó lại trở thành rào cản khiến người ta khó đến gần với LM!
– Năng lui tới những nhà nghèo và giúp đỡ những người nghèo:
LM Trương Đình Hiền, trong bài chia sẻ “Linh mục, chứng nhân đời sống khó nghèo”, tuần tĩnh tâm năm 2009, gp Qui Nhơn đã chia sẻ như sau: “Linh mục khó nghèo đó là ‘linh mục phải coi người nghèo và những người yếu đuối nhất như là được giao phó cho mình một cách đặc biệt, và phải có khả năng nêu chứng tá nghèo khó bằng một đời sống giản dị và khắc khổ, vì đã quen từ bỏ một cách quảng đại những gì là dư thừa’ (Optatam totius, ĐT số 9; GL khoản 282), là người ‘nêu chứng tá về một sự trong suốt hoàn toàn trong việc quản trị tài sản cộng đoàn….sẽ không bao giờ xử sự như thể tài sản ấy là gia sản riêng tư của mình, nhưng như những gì mà mình phải thanh thỏa trước mặt Thiên Chúa và trước mặt anh em mình, nhất là trước những người nghèo’.” Và “Linh mục sống khó nghèo cũng có nghĩa là: ‘biết chú tâm tới những người bé nhỏ, tới các tội nhân, tới hết mọi người sống ngoài lề xã hội, theo như mẫu mực mà Đức Giêsu đã để lại trên bước đường thừa tác vụ ngôn sứ và tư tế của Ngài.” (x. Lc 4,18).
Có thể nói, LM là được sai đến cho người nghèo và vì người nghèo. Nhiều giáo dân phàn nàn về việc LM (nào đó) hay lui tới, đi lại quan hệ mật thiết với người giàu có, sang trọng. Những người nghèo dần dần xa tránh chủ chăn của mình vì mang mặc cảm giàu nghèo. ĐTC Phan-xi-cô đã nhắc nhở các LM: “Hãy sống tích cực, nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và đồng thời, hãy ra đi, sẵn sàng gặp gỡ mọi người, đặc biệt những ai bị khinh rẻ và bất hạnh. Đừng sợ phải đi ngược dòng.” (Nguồn: Internet). Và chúng ta cũng không quên câu nói nổi tiếng của ngài, như sau: “Linh mục phải luôn ý thức rõ ràng trách nhiệm chủ chiên của mình là phải mang vào mình ‘mùi của chiên’.”(Nguồn: Internet).
Thực vậy, “Chúa Giê-su đã đến rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo hèn bé nhỏ. Linh mục và giám mục phải tránh hết sức những gì có thể đưa mình ra xa người nghèo (PO 17). Ngược lại, nếu tập được cho mình tinh thần nghèo khó theo Tin Mừng, các vị sẽ đi đến với họ và tim cách chia sẻ giúp đỡ họ về vật chất cũng như tinh thần. Đó là bằng chứng về Chúa Giê-su nghèo khó của những linh mục nghèo và bạn của những người nghèo. Đó là ngọn lửa tình yêu bập bùng cháy lên trong đời sống của hàng giáo sĩ và Hội Thánh. Nó sẽ có sức chiếu giãi và thu phục nhân tâm hơn những gì khác. Nguyên việc linh mục sống đơn sơ bình dị, không ham tiền bạc đã là một bằng chứng quí giá cho việc rao giảng Tin Mừng rồi.” (x. L.m. An-rê Đỗ Xuân Quế OP, bài “LM và của cải trần gian”, nguồn: VietCatholic News 13-5-2014)
– Khước từ việc chạy theo mốt như người thế gian:
ĐTC Phan-xi-cô đã khuyến cáo: “Trong thế giới này, sự giàu sang gây ra nhiều sự dữ; điều cần thiết là chúng ta, những linh mục, nữ tu, hết thảy chúng ta phải trở nên rõ ràng với sự nghèo khó của mình!” (Nguồn: Internet). Ý thức về sự nghèo khó đặc thù của mình, LM sẽ luôn cảnh giác với những cám dỗ của đời sống giàu có, phong lưu. Người ta có thể thấy một LM nào đó ăn mặc chải chuốt, quần áo rất model, một phần có thể do bản tính thích tươm tất lịch sự của ngài, nhưng phần khác cũng có thể do ngài muốn “diễn” như thế! Tại các bàn tiệc có LM tham dự, nhiều GD không ngại phục vụ các ngài với những loại rượu (ngoại) đắt tiền, hợp “gu” nhất…Thực ra có thể các ngài không đòi hỏi như thế, nhưng về phía GD thì người ta muốn phục vụ cho hết tình hết nghĩa! Và dần dần LM quen với cung cách ăn uống và tiêu xài xem ra vượt khỏi giới hạn đời sống tu trì của mình.
Thực vậy, “Đức nghèo khó theo Tin Mừng không hề khinh chê của cải trần gian vì những thứ này được ban cho con người là để sống và hợp tác với chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Theo Công Đồng Va-ti-ca-nô II, linh mục cũng như mọi Ki-tô hữu, vì có nhiệm vụ ca tụng và tạ ơn, nên phải nhìn nhận và tán dương lòng quảng đại của Cha trên Trời được biểu lộ trong các của cải trần gian (PO 17). Nhưng Công Đồng còn nói thêm là các linh mục đang khi sống ở giữa thế gian phải luôn luôn nhớ rằng mình không thuộc về thế gian này (Ga 17,14-16) và phải gỡ mình ra cho khỏi mọi ràng buộc quá đáng, hầu đạt được một tư thế thiêng liêng thích hợp và quân bình với thế gian và những sự đời (Pastores do vobis 30).” (x. L.m. An-rê Đỗ Xuân Quế OP, bài “LM và của cải trần gian”, nguồn: VietCatholic News 13-5-2014)
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Tóm lại, bằng đời sống nghèo đích thực theo tinh thần của TM Ki-tô giáo, LM sẽ an tâm sống cuộc đời hiến tế của mình theo gương thầy chí thánh Giê-su. Cái lo của LM chắc chắn sẽ không hướng hoàn toàn về việc phải ăn gì, uống gì, mặc gì, nhà cửa ra sao…(x. Mt 6,25-34), trái lại, mối bận tâm chính của các ngài chính là cố gắng trở nên người môn đệ đích thực của Chúa Ki-tô, cố gắng để trở thành con người sinh ích lợi cho mình và cho người khác. Và hai đòi hỏi chính yếu đặt ra cho người theo Chúa, đó là: tinh thần từ bỏ và tinh thần bác ái, như lời Ngài đã chỉ dạy: “Nếu ai muốn là môn đệ Thầy, thì hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Thầy” (Mt 16,24); và “Ai không từ bỏ tất cả những gì mình có, sẽ không thể là môn đệ Thầy.” (Lc 14,33) ./.
Aug.Trần Cao Khải