1. Thế nào gọi là linh mục bất xứng ?
Tôi không hiểu rõ ý của người hỏi về câu này. Chắc muốn nói đến các linh mục không tôn trọng kỷ luật độc thân của Giáo Hội ? hay sách nhiểu tình dục trẻ em ?( Sexual abuses of children) ? hay không có chức linh mục mà dám làm lễ và giải tội ?
Nhưng dù câu hỏi là thế nào, thì cũng xin được giải thích rõ thêm như sau :
Trước hết, theo tinh thần của cụm từ Latinh Ex opere Operato về thần học bí tích ( sacramental theology) thì bí tích thành sự ( validly) vì được cử hành đúng theo Nghi thức bí tich ( Sacramental Rite) và theo ý của Giáo Hội, chứ không thành sự vì phẩm chất hay xứng đáng ( worthiness) của thừa tác viên cử hành ( minister)
Nghĩa là, khi cử hành bất cứ bí tích nào, như rửa tội, thêm sức, Thánh Thể, hòa giải, sức dầu bệnh nhân .v.v Thừa tác viên con người như linh mục và Giám mục phải cử hành nhân danh Chúa Kitô ( in persona Christi) chứ không nhân danh cá nhân mình bao giờ. Như thế, chính Chúa Kitô rửa tội, thêm sức, cử hành Thánh lễ Tạ Ơn ( Eucharist), giải tội và sức dầu .. qua tay thừa tác viên con người. Vì thế ,bí tích thành sự vì chính Chúa Kitô làm chứ không phải là linh mục hay giám mục làm.
Đây là nền tảng thần học của Giáo Hội về việc cử hành các bí tích.
Tuy nhiên, dù nhân danh Chúa Kitô , thừa tác viên vẫn phải theo đúng nghi thức mà Giáo Hội đã qui định. Thí dụ, bí tích rửa tội chỉ thành sự khi thừa tác viên dùng nước và công thức Chúa Ba Ngôi ( Trinitarian format). Không có nước để đổ trên đầu hay trên trán trẻ em hay người lớn và đọc đúng công thức trên thì bí tích không thành sự dù thừa tác viên là giám mục, linh mục hay phó tế.
Cũng vậy, nếu không có chức linh mục thực sự thì không thể cử hành thành sự các bí tích Thánh Thể, Hòa giải, Thêm sức và Sức dầu bệnh nhân. Phải nói lại điều này vì nghe đồn có người kia đã giả danh linh mục để cử hành thánh lễ cho một Công Đoàn và giải tội trong nhiều năm cho đến khi bị phát giác và bỏ trốn !
Trở lại với câu hỏi đặt ra, thì xin trả lời là cho dù bất xứng đến đâu theo nhãn quan của người đời, linh mục đã được chịu chức thành sự, vẫn cử hành thành sự các bí tích khi áp dụng đúng Nghi thức bí tích và Phụng vụ của Giáo Hội. Nếu linh mục “ bất xứng “ theo cách suy diễn của giáo dân, thí dụ đang sống chung hay giao du thân mật với phụ nữ, ăn cắp tiền của giáo xứ, cờ bạc, làm gương xấu… thì khi cử hành bí tích nhất là bí tích Thánh Thể, sẽ mắc thêm tội “ phạm thánh= Sacrilege”và vi phạm giáo luât số 916 cấm không được làm lễ và rước lễ ai đang có tội trọng.Tuy nhiên bí tích vẫn thành sự như đã nói ở trên, vì linh mục cử hành nhân danh Chúa Kitô chứ không danh danh cá nhân mình.
Như vậy, giáo dân cứ an tâm đi xưng tội hay tham dự Thánh lễ do các linh mục cử hành, cho dù biết linh mục nào “bất xứng” theo nhãn quan con người.
Vị nào thật sự “bất xứng” thì đã có Chúa phán xét không sai lầm. Chúng ta chỉ nên cầu nguyện cho các linh mục, đặc biệt cho linh mục nào bị coi là “bất xứng” theo phán đoán của dư luận mà thôi, chứ không nên rỉ tai nhau để làm xấu, mất danh dự của nạn nhân.
2. Có nên cầu nguyện cho các thai nhi, và các linh hồn mồ côi hay không?
Nhưng tiếc thay, không những ở các quốc gia vô thần mà ngay ở các quốc gia có truyền thống Kitô Giáo lâu đời như Pháp ,Ý, Đức, Tây Ban Nha, Canada và nhất là ở Hoa kỳ, việc phá thái đã được công khai cho phép, khiến hàng triệu thai nhi đã bị giết ở Mỹ mỗi năm. Đây là một sỉ nhục cho niềm tin Kitô Giáo mà đa số người Mỹ vẫn tự nhận mình là Christians, là tín đồ của các giáo phái Tin lành, Chính Thống và Công Giáo La Mã, nhưng có rất nhiều phụ nữ đã phá thai hay phụ giúp vào việc này.
Liên quan đến các bào thai bị giết khi còn đang phát triển trong lòng mẹ, chúng ta phải tin chắc rằng các bào thai này hoàn toàn vô tội vì chưa được sinh ra mà đã bị giết nên, không thể được rửa tội để được tha hậu quả của tội nguyên tổ ( original sin). Còn tội cá nhân, thì chúng chưa được sinh ra nên cũng không thể có tội cá nhân được. Vì thế , chúng ta không cần phải cầu nguyện cho chúng vì chúng hòan toàn vô tội, và xứng đáng được Chúa nhân lành đón nhận vào Nước Hằng Sống. Các bào thai này thực đáng thương vì bị tước mất quyền sống bởi chính cha mẹ và xã hội vô luân ,vô tín ngưỡng.
Như vậy, có cầu xin thì phải cầu cho những ai đã hay sắp phá thai hoặc giúp cho việc phá thai được thành tựu, để họ nhận biết tính chất nghiêm trọng của việc sai trái này mà từ bỏ cũng như ăn năn sám hối vì vô tình hay cố ý phạm tội sát nhân này.
Mặc khác, về phần thứ hai của câu hỏi, xin trả lời một ần nữa như sau:
Khi nói linh hồn mồi côi có nghĩa là linh hồn không có ai cầu nguyện cho,sau khi qua đời.
Những thực tế không phải vậy, vì trong mỗi Thánh Lễ , Giáo Hội đều cầu trước tiên cho linh hồn các tín hữu đã ly trần.Sau đó mới cầu cho linh hồn các bậc tổ tiên và thân bằng quyến thuộc. Nếu có ai xin lễ, thì có thêm lời nguyện cho linh hồn đó. Nhưng dù không có ai xin lễ , thì Giáo Hội vẫn cầu cho các tín hữu đã ly trần, như ta đọc thấy trong các Kinh Nguyện Thánh Thể ( Tạ Ơn) của Thánh Lễ.
Như vậy làm gì có linh hồn nào bị coi là “mồ côi”khiến phải xin lễ cầu riêng cho họ ?. nếu vì bác ái muốn cứu các inh hồn trong nơi Luyện Tội, thì cứ xin lễ cầu chung cho họ, nhưng không thể coi linh hồn nào là “mồ côi”khiến phải cầu riêng cho họ.
Tóm lại, không có lý do gì phải xin lễ cầu xin cho các thai nhi bị giết trong các vụ phá thai cả, vì các thai nhi này hoàn toàn vô tội trước mặt Chúa của lòng thương xót vô biên.Và cũng không có linh hồn nào là “mồ côi” khiến phải xin lễ cầu riêng cho họ vì lý do đã nói ở trên.
3. Có được phép chứng hôn cho người đồng tính không ?
Đây là một vấn đề đang gây nhức nhối cho những ai biết tôn trọng và bảo vệ truyền thống hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Đây không những là truyền thống tốt đẹp của mọi nền văn hóa nhân loại từ xưa đến nay, mà trên hết, còn là một định chế linh thiêng ( sacred institution) được chính Thiên Chúa thiết lập từ đầu khi tạo dựng con người có nam có nữ. Và Adam và Eva là cắp hôn phối đầu tiên Thiên Chúa đã se kết và truyền cho họ “hãy sinh sôi nảy nở cho thật nhiều , cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất.” ( St 1: 28)
Nghĩa là hôn nhân chỉ được thành lập giữa một người nam và một người nữ cho mục đích “ sinh sôi nẩy nở” như Thiên Chúa đã truyền cho Adam và Eva.
Nhưng đáng buồn thay là một số quốc gia trên thế giới- đặc biệt là Hoa Kỳ- người ta đang muốn định nghĩa lại hôn nhân để cho phép các người đồng tính ( gay & lesbian) kết hôn như những người bình thường khác.
Giáo Hội không lên án hay chỉ trích những người có khuynh hướng bất thường về phái tính ( Abnormally sexual tendency), nhưng chắc chắn không thể công nhận hôn nhân của những người này được vì trái tự nhiên( unnatural) và vô luân ( immoral).
Giáo luật số 1096, triệt 1 qui định rằng: “ Để có sự ưng thuận kết hôn, điều cần thiết là hai người kết hôn phải biết ít ra rằng hôn nhân là đời sống chung vinh viễn giữa người nam và người nữ, nhằm đến việc sinh sản con cái bằng việc giao hợp sinh lý cách nào đó.”
Giáo lý của Giáo Hội cũng dạy rằng : “ Giao ước hôn nhân nhờ đó một người nam và một người nữ làm thành một cộng đoàn cho cả cuộc đời , tự bản chất nó hướng tới lợi ích của những người phối ngẫu cũng như hướng tới việc sinh sản và giáo dục con cái . Giao ước này đã được Chúa Kitô nâng lên hàng bí tích giữa những người đã nhận lãnh phép Rửa tội.” ( SGLGHCG ,số 1601)
Như thế không thể có hôn nhân giữa hai người nam hay hai người nữ được vì không có luật nào của Giáo Hội cho phép việc này. Chắc chắn như vậy.
Cho dù các xã hội “bệnh hoạn và mỵ dân” đã công nhận hôn nhân của những người đồng tính, nhưng những cặp hôn nhân này không thể xin hợp thức hóa hôn nhân của họ trong Giáo Hội Công Giáo được vì những lý do nêu trên. Tuy chưa có giáo luật mới ngăn cấm việc này, nhưng để bảo toàn định chế hôn nhân mà Thiên Chúa đã thiết lập từ đầu và được Chúa Kitô nâng lên hàng bí tích, thì trong thực hành mọi linh mục cũng hiểu rằng Giáo Hội sẽ không bao giờ nhượng bộ trào lưu tục hóa của thế giới mà cộng nhân hôn nhân đồng tính, vì việc này đi ngược lại mục đích của hôn nhân như giáo lý và giáo luật hiện hành của Giáo Hội qui định.
Ước mong những giải đáp trên đây thỏa mãn những câu hỏi được đặt ra
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn