LINH HƯỚNG

Linh hướng là nghệ thuật hướng dẫn linh hồn tiến tới, từ bước đầu của đời sống thiêng liêng cho đến những tầm cao hoàn thiện Kitô giáo. Linh hướng là một nghệ thuật theo nghĩa rằng đó là một khoa học thực hành, được hướng dẫn bởi sự khôn ngoan siêu nhiên, áp dụng vào một trường hợp cụ thể những nguyên tắc thần học về sự hoàn thiện Kitô giáo. Nó hướng về sự hoàn thiện của đời sống Kitô hữu, nhưng sự hướng dẫn này phải được thực hiện cách tiệm tiến, nghĩa là, phù hợp với khả năng và nhu cầu của linh hồn tại một thời điểm nhất định. Việc linh hướng nên bắt đầu ngay khi linh hồn quyết tâm theo đuổi con đường hoàn thiện Kitô giáo và nên tiếp tục qua các giai đoạn của hành trình ấy.

Đành rằng có nhiều cá nhân đã nên thánh mà không cần có vị linh hướng – điều này cho thấy thực hành linh hướng không tuyệt đối cần thiết – nhưng nói chung, những ai đạt tới hoàn thiện đều cũng đã cần lời khuyên và sự hướng dẫn của một vị linh hướng. Trong ý định quan phòng của Thiên Chúa, việc linh hướng – cách này hay cách khác – là việc cần thiết trong thực tế để đạt được sự hoàn thiện Kitô giáo.


Vị linh hướng có cần phải là một linh mục không? Chúng ta có thể trả lời không chút lưỡng lự rằng thường thì vị linh hướng nên là một linh mục. Có nhiều lý do cho điều này.


Trước hết, linh mục thường có vốn hiểu biết – cả về lý thuyết lẫn thực hành – cần thiết cho việc hướng dẫn các linh hồn. Thứ hai, chức năng của vị linh hướng có liên hệ mật thiết với tác vụ của cha giải tội. Lý do thứ ba nằm ở ân sủng nhận được trong chức linh mục. Thứ tư, trong thực hành của mình, Giáo hội cấm bất cứ ai không phải linh mục, ngay cả các bề trên dòng tu, chất vấn người ta về những vấn đề thuộc lương tâm.[1]

Tuy nhiên, trong trường hợp riêng nào đó, việc linh hướng có thể được thi hành bởi một người khôn ngoan và có kinh nghiệm mà không phải là linh mục. Có nhiều bằng chứng trong lịch sử Giáo hội về những sự hướng dẫn như thế do các hoàn cảnh đặc biệt đòi hỏi; chẳng hạn, một số vị ẩn tu trong sa mạc và các tu sĩ đầu tiên không phải là linh mục, và sự hướng dẫn được cung cấp bởi Thánh Phanxicô Assisi, Thánh Inhaxiô Loyola trước khi chịu chức linh mục, Thánh Catarina Siena, Thánh Têrêsa Avila, vv. Sứ vụ hướng dẫn thiêng liêng cho người khác nhận được từ đâu? Nếu đây là trường hợp của một linh mục, ngài nhận quyền này từ Thiên Chúa và từ Giáo hội khi ngài được truyền chức linh mục, trong đó ngài có nhiệm vụ thánh hóa các linh hồn qua thừa tác vụ linh mục của mình. Nhưng việc hướng dẫn cách riêng một linh hồn nào đó được đặt nền trên hai yếu tố thiết yếu: sự tự do chọn lựa của người thụ hướng và sự tự do chấp nhận của vị linh hướng. Không có quyền lực nhân loại nào có thể buộc một ai đó phải nhận sự linh hướng của một vị hướng dẫn nào đó. Cả các tu sĩ và các chủng sinh cũng luôn được bảo đảm tự do trong vấn đề chọn vị linh hướng cho riêng mình. Khi một giám mục cử một linh mục làm cha giải tội cho các tu sĩ (việc này nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc xưng tội hằng tuần của các tu sĩ), thì điều đó không có nghĩa là bắt buộc người tu sĩ phải nhận linh mục ấy làm vị linh hướng của mình.[2] Công việc của cha giải tội không nhất thiết trùng hợp với công việc của vị linh hướng.

Về phần vị linh hướng, ta cần nhìn nhận rằng khi vị mục tử và các linh mục được chính thức trao bổn phận săn sóc các linh hồn tại một giáo xứ nào đó thì, theo lẽ công bằng, vị ấy có bổn phận ngồi tòa giải tội bất cứ khi nào các tín hữu của mình yêu cầu cách chính đáng. Trong trường hợp khẩn cấp, do đức ái đòi buộc, mọi cha giải tội đều có bổn phận nghe các tín hữu xưng tội.[3] Việc linh hướng theo nghĩa chặt của từ ngữ này, ngay cả trong những trường hợp nó được thi hành trong tòa giải tội, vẫn là một chức năng hoàn toàn phân biệt với việc ban bí tích hòa giải. Vì thế, không có luật nào, dù thiên luật hay luật Giáo hội, áp đặt lên linh mục bổn phận phải thi hành chức năng linh hướng theo nghĩa chặt. Một linh mục luôn luôn có tự do để nhận hay từ chối một chức năng như vậy, ngay cả dù ngài có thể làm rất tốt công việc ấy nếu ngài chấp nhận nó.

Vì việc linh hướng rất thường diễn ra trong khi xưng tội, nên cũng cần chỉ ra sự khác biệt giữa việc giải tội và việc linh hướng. Mục đích của việc linh hướng là hướng dẫn một linh hồn tời sự hoàn thiện của đời sống Kitô hữu, và do đó vị linh hướng thiết yếu phải là một vị thầy, một cố vấn, một người hướng dẫn. Cha giải tội, đàng khác, trước hết là một thẩm phán giữ quyền ở tòa trong và có thể, trong những giới hạn của quyền tài phán của mình, đòi buộc hối nhân một bổn phận nghiêm ngặt. Sứ mạng căn bản của cha giải tội là tha thứ tội lỗi nhân danh Thiên Chúa, và để làm điều này đôi khi ngài cần phải buộc hối nhân phải làm gì đó để sự xá giải của bí tích này có hiệu lực. Vị linh hướng thì không có quyền tài phán thuộc tòa trong; ngài không có quyền buộc một bổn phận trên người thụ hướng, trừ phi đương sự tự nguyện hứa vâng phục vị linh hướng của mình; vị linh hướng cũng không lấy việc tha tội làm mục đích, bởi mục đích của ngài là giúp linh hồn ấy hoàn thiện dần dần trong viễn tượng nên thánh.


Ở đây nổi lên câu hỏi liệu vị linh hướng có cần hay có nên đồng thời là cha giải tội thông thường của người thụ hướng. Câu trả lời là: điều đó không thiết yếu, nhưng như vậy thì thuận tiện. Ta không thể nói rằng vị linh hướng phải tất yếu là cha giải tội, vì hai chức năng ấy khác nhau và có thể tách rời nhau.[4] Hơn nữa, rất có thể một linh mục đóng vai trò cha giải tội rất tốt nhưng lại không có những năng lực cần thiết cho việc hướng dẫn riêng biệt một linh hồn. Nhưng vì mối liên hệ mật thiết giữa hai chức năng giải tội và linh hướng, sẽ đáng khuyến khích nếu có thể được thì cùng một người đảm nhận cả hai việc này. Có một số lý do ở đây: nó trao nhiều thẩm quyền hơn cho vị linh hướng; nó cho phép tiến hành việc linh hướng trong tòa giải tội; nó giúp vị linh hướng hiểu biết kỹ lưỡng hơn về linh hồn người thụ hướng.


Chúng ta đã đề cập rằng một số linh mục có thể là những cha giải tội rất tốt nhưng không phù hợp để làm vị linh hướng. Điều này có nghĩa rằng công việc linh hướng đòi hỏi những năng lực nhất định. Một số khả năng cần thiết cho công việc linh hướng nói chung; một số năng lực khác thì đòi hỏi nơi con người của vị linh hướng. Loại thứ nhất gọi là các khả năng kỹthuật, loại thứ hai có thể gọi là các khả năng luân lý.


CÁC KHẢ NĂNG KỸ THUẬT CỦA VỊ LINH HƯỚNG

Về những khả năng này, có lẽ không có tác giả nào trình bày rõ ràng và chi tiết cho bằng Thánh Têrêsa Avila và Thánh Gioan Thánh Giá. Thánh Têrêsa nêu rõ rằng một vị linh hướng tốt phải là một người hiểu biết, khôn ngoan và có kinh nghiệm. Thánh Gioan Thánh Giá cũng khẳng định rằng một vị linh hướng phải hiểu biết, khôn ngoan và có kinh nghiệm, và ngài nhấn mạnh khía cạnh kinh nghiệm.

HIỂU BIẾT


Vị linh hướng phải có sự hiểu biết quảng bác. Bên cạnh một kiến thức sâu sắc về thần học tín lý (nếu không có sự hiểu biết này, vị linh hướng có thể mắc sai lầm trong những vấn đề thuộc đức tin) và về thần học luân lý (là điều kiện cần để có thể chu toàn chức năng của một cha giải tội), vị linh hướng cần có một sự hiểu biết rộng rãi về thần học khổ hạnh và thần bí. Ngài cần hiểu biết, chẳng hạn, giáo thuyết thần học về sự hoàn thiện Kitô giáo, nhất là liên quan tới những vấn đề như bản chất của sự hoàn thiện, bổn phận phấn đấu để nên hoàn thiện, các trở ngại cho sự hoàn thiện, các loại thanh luyện, và các phương tiện để tiến đức một cách tích cực. Ngài cần có một sự hiểu biết chi tiết về các cấp độ cầu nguyện, các thử thách mà Thiên Chúa thường gửi đến khi linh hồn tiến lên từ một cấp độ cầu nguyện thấp hơn tới một cấp độ cao hơn, những ảo tưởng và những tấn công của ma quỉ mà linh hồn có thể gặp phải.

Ngài cũng cần am hiểu về tâm lý để nhận ra những tính tình và tính cách khác nhau, những ảnh hưởng tác động trên nhân cách con người, các tình cảm và vai trò của chúng trong đời sống của cá nhân. Ngài cũng phải biết ít nhất là các nguyên tắc căn bản của sự bất bình thường về tâm lý và tâm thần, nhờ đó ngài có thể nhận ra tình trạng mất quân bình tâm thần và những rối loạn thần kinh hay cảm xúc.

Một linh mục cần nhận ra rằng nếu ngài không thích hợp để hướng dẫn một linh hồn nào đó thì ngài phải khuyên đương sự tìm đến một vị khác có sự hiểu biết cần thiết. Một linh mục phải chịu trách nhiệm lớn trước mặt Thiên Chúa nếu cố hướng dẫn một linh hồn trong khi ngài thiếu sự hiểu biết thích đáng. Trong thời của chúng ta hiện nay, với những hiểu biết rộng hơn về các vấn đề tâm thần, vị linh mục cần được cảnh giác cách đặc biệt rằng liên quan đến lãnh vực tâm thần học và các phương pháp trị liệu riêng của ngành y khoa này, ngài chỉ là một “người mù” và không có khả năng xử lý các vấn đề tâm bệnh. Nếu ngài nghi rằng một hối nhân đang có vấn đề tâm bệnh, ngài phải hướng dẫn đương sự tìm đến một bác sĩ tâm thần có chuyên môn, cũng như ngài kỳ vọng các bác sĩ tâm thần sẵn sàng chuyển các bệnh nhân có vấn đề tâm linh đến các giáo sĩ vậy.


KHÔN NGOAN

Đây là một trong những khả năng quan trọng nhất của một vị linh hướng. Nó bao gồm ba yếu tố chính: khôn ngoan trong phán đoán, rõ ràng trong lời khuyên, và kiên quyết trong thuyết phục sự vâng phục. Nếu một vị linh hướng thiếu khôn ngoan, ngài cũng thường thiếu một số nhân đức khác nữa. Khôn ngoan cho phép người ta hành sử đúng trong một hoàn cảnh cụ thể. Việc linh hướng không liên quan tới giáo thuyết tổng quát về thần học linh đạo, cũng không liên quan tới những vấn đề lý thuyết mà người ta có thể tưởng tượng ra, nhưng nó liên quan tới một linh hồn cụ thể trong một hoàn cảnh cụ thể tại một thời điểm nhất định hay trong một giai đoạn nhất định của tiến trình trưởng thành thiêng liêng.


Vị linh hướng không có bổn phận đưa ra những quyết định liên quan tới giáo thuyết nói chung; đa số người ta có thể tìm được những câu trả lời loại này trong bất cứ thủ bản thần học linh đạo chuẩn mực nào. Vai trò của vị linh hướng là nhận ra những hoàn cảnh cụ thể của một trường hợp cụ thể và đưa ra lời khuyên cần thiết vào lúc đó. Để có thể đưa ra một lời khuyên khôn ngoan, vị linh hướng phải có sự thấu cảm nhờ đó ngài có thể đặt mình trong những tình huống cụ thể ấy và phải biết kiên nhẫn để chăm chú lắng nghe. Về những yếu tố khác nhau phá bĩnh sự khôn ngoan, thường thấy nhất là: thiếu hiểu biết về các giai đoạn khác nhau của đời sống khổ hạnh và thần bí, thiếu hiểu biết về tâm lý con người, có những định kiến liên quan tới những bậc sống nào đó hay những thực hành đạo đức nào đó, thiếu khiêm nhường, quá hăng hái đưa ra sự phán xét.


Đặc tính thứ hai của sự khôn ngoan nơi vị linh hướng, đó là sự rõ ràng trong việc trao lời khuyên cho người thụ hướng và trong việc nêu những qui tắc ứng xử. Để có thể đưa ra những hướng dẫn rõ ràng, vị linh hướng cần có sự rõ ràng trong chính suy nghĩ của mình. Khi nói chuyện với người thụ hướng, ngài cần tránh mọi kiểu nói mập mờ hay bất quyết, trái lại phải luôn luôn dùng những cách nói cụ thể và rõ ràng. Ngài phải giải quyết các vấn đề cách gãy gọn chứ không đi hàng hai, và nếu cần, ngài phải dành thời gian để suy xét trước khi đưa ra quyết định. Nếu người thụ hướng nhận thấy rằng vị linh hướng không chắc chắn về quyết định của chính vị ấy, thì anh ta sẽ mất tin tưởng, và việc linh hướng sẽ không có hiệu quả.


Hơn nữa, vị linh hướng cần luôn luôn thành thật, thẳng thắn, và không có chút động cơ vị kỷ nào. Sẽ là một sai lầm tai hại nếu vị linh hướng muốn tránh gây khó chịu cho người thụ hướng nhằm phòng tránh việc anh ta bỏ mình và tìm đến với một vị linh hướng khác. Những linh mục quá chú tâm lôi cuốn và giữ nhiều người thụ hướng với mình thì, bằng chính sự kiện ấy, các vị đang tự chuốc lấy thất bại trong tư cách là linh hướng. Vị linh hướng phải không bao giờ quên rằng mình hành động nhân danh Chúa Thánh Thần trong việc hướng dẫn các linh hồn, và rằng mình phải nhiệt tâm gặp gỡ các linh hồn ấy với sự hiền hòa và thông cảm, nhưng đồng thời cũng phải với sự cương nghị và hết sức thẳng thắn.


Vị linh hướng cũng phải lưu ý để mình không trở thành người bị lèo lái. Một số người rất có tài trong việc ‘cố thủ theo cách của mình trong mọi sự’, và ngay cả vị linh hướng cũng có nguy cơ bị thao túng bởi khả năng này của họ. Vì thế, khi vị linh hướng chắc chắn về quyết định của mình và về con đường nên theo, ngài phải nói rõ ý nghĩ của mình một cách không mập mờ. Phải thuyết phục người thụ hướng rằng chỉ có hai sự chọn lựa: hoặc vâng lời hoặc tìm một vị linh hướng khác.


Nhưng vị linh hướng cũng không được quên rằng ngài không bao giờ đòi hỏi một linh hồn bất cứ gì không phù hợp với bậc sống hay ơn gọi của linh hồn ấy, hoặc không phù hợp với khả năng hay hoàn cảnh hiện thời của linh hồn ấy. Ngài phải nhận ra rằng có một số điều có thể được yêu cầu đối với các linh hồn đã tiến đủ xa nhưng không thể đòi hỏi những người mới bắt đầu chập chững; cũng vậy, một số điều có thể thích hợp với một linh mục hay một tu sĩ nhưng không thích hợp đối với một giáo dân. Sự nghiêm khắc quá đáng sẽ chẳng đem lại gì ngoại trừ gây hoảng sợ cho các linh hồn và có thể làm cho người ta từ bỏ con đường hoàn thiện. Vì thế, có rất nhiều sự khác biệt giữa sự cương nghị trong yêu cầu người ta vâng phục và sự nghiêm khắc quá đáng vốn có thể làm nhụt chí người ta.


KINH NGHIỆM


Đây là một trong những năng lực quí nhất của một vị linh hướng. Ngay cả dù một vị linh hướng có những giới hạn trong kiến thức và một cách nào đó bị hạn chế trong khôn ngoan, kinh nghiệm của ngài có thể bù đắp đáng kể. Điều này không có nghĩa rằng kinh nghiệm của vị linh hướng thiết yếu phải xuất phát từ đời sống thiêng liêng của chính ngài, vì ngài có thể thu thập được kinh nghiệm từ sự quan sát của mình và từ việc hướng dẫn những người khác.


Liên quan đến kinh nghiệm bản thân của vị linh hướng, nếu đây là vấn đề hướng dẫn một Kitô hữu trung bình, ngài không cần kinh nghiệm nhiều hơn bất cứ linh mục nào trung thành chu toàn các bổn phận của thừa tác vụ thánh chức. Nhưng nếu đây là vấn đề hướng dẫn một linh hồn đã tiến khá xa và đã bước vào các giai đoạn thần bí của đời sống thiêng liêng, thì vị linh mục linh hướng cần có một kinh nghiệm nào đó về những giai đoạn cao hơn trong đời sống thiêng liêng. Nếu ngài thiếu kinh nghiệm này, thì một sự khôn ngoan tinh tế cộng với sự hiểu biết đúng mức về các giai đoạn thần bí cũng có thể giúp ngài làm việc linh hướng trong đa số các trường hợp.


Nhưng duy chỉ kinh nghiệm bản thân thì không đủ để làm cho một người trở thành vị linh hướng hữu hiệu như mong muốn. Có nhiều nẻo đường qua đó Chúa Thánh Thần hướng dẫn các linh hồn tới đỉnh cao thánh thiện. Và sẽ là sai lầm nghiêm trọng nếu vị linh hướng cố dẫn dắt tất cả các linh hồn theo chỉ một nẻo đường và áp đặt lên họ các kinh nghiệm của riêng mình, cho dù những kinh nghiệm ấy tỏ ra tốt cho mình đến mấy đi nữa. Vị linh hướng không bao giờ được quên rằng ngài chỉ là một dụng cụ trong tay Chúa Thánh Thần và rằng công việc của ngài phải hoàn toàn được đặt trong sự qui phục Chúa Thánh Thần. Nếu thiếu hiểu biết về các ân huệ thần linh đa dạng và về vô số những con đường hoàn thiện khác nhau, ngài có thể bắt ép các linh hồn đi trên chỉ một con đường, và như vậy ngài trở thành một vật cản thực sự đối với hoạt động của ân sủng trong linh hồn người ta.

CÁC KHẢ NĂNG LUÂN LÝ CỦA VỊ LINH HƯỚNG


Các khả năng luân lý không thể thiếu nơi một vị linh hướng là: lòng đạo đức, nhiệt tâm thánh hóa các linh hồn, lòng khiêm nhường, và tinh thần vô cầu. Vì ít người có tất cả những khả năng này, nên cũng không có nhiều vị linh hướng xuất sắc. Nhưng không nên nghĩ rằng nếu một người không thể tìm được một vị linh hướng tuyệt vời thì anh ta không thể đạt được sự hoàn thiện. Nếu một linh hồn có lòng khát khao nóng bỏng nên thánh và trung thành phấn đấu để cộng tác với ân sủng mà Thiên Chúa ban cho, thì linh hồn ấy sẽ hoàn toàn có thể nên thánh, ngay cả dù vị linh hướng không có tất cả những khả năng cần thiết. Thật vậy, một linh hồn như thế có thể đạt tới hoàn thiện mà thậm chí không cần có một vị linh hướng. Không phải các vị linh hướng tạo ra các vị thánh; nên thánh chủ yếu là công việc của Thiên Chúa và sự cộng tác của linh hồn.



LÒNG ĐẠO ĐỨC

Thật dễ hiểu tại sao vị linh hướng cần có lòng đạo đức, và Thánh Gioan Thánh Giá nhấn mạnh cách riêng khả năng này.[5] Lòng đạo đức của một vị linh hướng phải được thấm nhuần bởi những chân lý căn bản của đời sống Kitô hữu. Nó phải qui Kitô cách rõ ràng và phải hướng về vinh quang Thiên Chúa. Vị linh hướng cũng phải được thúc đẩy bởi cảm thức sâu xa về ơn gọi làm nghĩa tử của Thiên Chúa, nhờ đó ngài có thể nhìn thấy Thiên Chúa trước hết như một người Cha đầy yêu thương. Ngài cũng phải có một tấm lòng yêu mến đặc biệt đối với Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta. Ngài cần thực hành hồi tâm và siêu thoát khỏi những sự phàm tục. Một vị linh hướng được thúc đẩy bởi những cảm thức này sẽ hoàn toàn dễ dàng trong việc hướng dẫn các linh hồn. Ngài sẽ hiểu ngôn ngữ của những người thụ hướng và sẽ có thể đối thoại với họ. Sự hiểu biết của bản thân ngài về Thiên Chúa và về những thực tại thuộc linh sẽ cung cấp cho ngài một sự nhận hiểu mà không một khoa học đắc thủ nào có thể cung ứng. Một lòng đạo đức như thế rõ ràng là khả năng luân lý thứ nhất và nền tảng nhất mà một vị linh hướng cần có.


NHIỆT TÂM THÁNH HÓA CÁC LINH HỒN


Nhiệt tâm thánh hóa các linh hồn là hệ quả đương nhiên của lòng đạo đức nơi vị linh hướng. Nhiệt tâm, như Thánh Tôma giải thích, là hoa quả của một tình yêu mãnh liệt. Lòng yêu mến Thiên Chúa thúc bách chúng ta làm việc cho sự mở rộng Nước Thiên Chúa nơi các linh hồn, và tình yêu đối với các linh hồn giúp chúng ta có thể quên mình và chỉ nghĩ đến việc thánh hóa các linh hồn trong Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Đây chính là nhiệt tâm đã thúc đẩy Thánh Phaolô trở nên mọi sự cho mọi người nhằm để chinh phục mọi người, và cũng nhiệt tâm này đã đem lại cho ngài lòng thấu cảm tuyệt vời nhờ đó trọn vẹn hiện hữu của ngài được gắn kết với người khác trong niềm vui , nỗi buồn hay những khổ đau của họ (1Cr 9,22). Thiếu nhiệt tâm nóng bỏng này, việc linh hướng sẽ mất sức mạnh của nó bởi vì chính vị linh hướng sẽ đánh mất động cơ để kiên trì trong những cố gắng của mình cho dù gặp những khó khăn, và như vậy việc linh hướng sẽ trở thành một gánh nặng phải vác lấy.


Tuy nhiên, nhiệt tâm cũng luôn có nguy cơ biến thành một sự cứng nhắc đầy cố chấp và do đó gây hại lớn cho người thụ hướng. Vì vậy, nó phải được quân bình bằng một tính cách dịu dàng và nhân hậu. Vị linh hướng phải được thúc đẩy bởi cùng những tâm tư như đã thúc đẩy Đức Giêsu Kitô, là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta.


Nếu vị linh hướng quá nghiêm khắc và thiếu khoan nhân, ngài sẽ làm nản chí người thụ hướng và có thể làm cho đương sự rời bỏ con đường nên thánh. Vị linh hướng cần biết thương cảm, nhất là đối với những linh hồn bị cám dỗ nặng nề và cảm thấy khó mở lòng mình ra cho ngài, hay đối với những linh hồn có bản tính yếu đuối và dễ ngả nghiêng. Vì thế lòng nhân hậu của vị linh hướng sẽ giúp ngài đóng vai trò người bạn đường thực sự trong cố gắng xây dựng hình ảnh Đức Kitô nơi các linh hồn được ủy thác cho mình.

KHIÊM NHƯỜNG


Vị linh hướng cũng cần một lòng khiêm nhường thẳm sâu. Có ba lý do cho điều này. Trước hết, Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo và ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Tất cả kiến thức và sự khôn ngoan của người ta sẽ có nghĩa gì nếu người ta thiếu khiêm nhường? Thứ hai, Vị linh hướng cần khiêm nhường để ngài biết nghi ngờ chính mình khi cần và không nóng vội giải quyết các khó khăn mà không suy nghĩ trước cách thấu đáo. Lòng khiêm nhường sẽ thúc đẩy ngài nghiên cứu và suy niệm để trao lời khuyên cho những người khác có hiểu biết hơn chính ngài. Bằng cách này ngài sẽ tránh nhiều sai lầm và nhiều sự bối rối thường xảy ra cho những ai do tự mãn mà không biết nghi ngờ chính mình. Thứ ba, trong linh hướng, lòng khiêm nhường sẽ thu hút các linh hồn, trong khi tính kiêu ngạo thì đẩy người ta ra xa. Về mặt này vị linh hướng cũng phải bắt chước Đức Kitô, Đấng nói về chính mình rằng Ngài hiền lành và khiêm hường trong lòng và Ngài chỉ tìm kiếm vinh quang cho Cha.

VÔ CẦU


Cuối cùng, vị linh hướng phải yêu thương các linh hồn một cách vô cầu, nghĩa là ngài không tìm cách hướng dẫn họ vì để thỏa mãn cái gì nơi bản thân hay để nhận được cái gì, nhưng chỉ để dẫn họ đến với Thiên Chúa. Thánh Augustinô quả quyết rằng những ai hướng dẫn đoàn chiên của Đức Kitô như thể đó là đoàn chiên của chính mình chứ không phải của Đức Kitô, thì cho thấy họ đang yêu chính mình chứ không phải yêu mến Chúa. Nhờ một tình yêu vô cầu, vị linh hướng sẽ phòng tránh nhiều cám dỗ có thể nổi lên liên quan đến tính kiêu ngạo và những tình cảm thuộc cảm tính, và ngài sẽ có thể tôn trọng tự do của các linh hồn mà ngài hướng dẫn.


Chúng ta đã đề cập rằng cả vị linh hướng lẫn người thụ hướng đều hoàn toàn tự do. Nếu sự tự do này được tôn trọng, thì vị linh hướng sẽ không bao giờ tỏ ra khó chịu khi người thụ hướng bỏ cuộc với mình, và chắc chắn ngài sẽ không nhìn các vị linh hướng khác như những đối thủ cạnh tranh. Để giữ sự siêu thoát và tính vô cầu này, vị linh hướng sẽ không bao giờ – trong bất luận trường hợp nào – nhận bất cứ quà biếu nào như sự trả ơn cho công việc mà ngài làm cách riêng cho một ai đó, cũng như ngài sẽ không bao giờ áp đặt lên người ta bất cứ loại hy sinh hay khổ chế nào vì ích lợi nào đó của chính ngài.


CÁC BỔN PHẬN CỦA MỘT VỊ LINH HƯỚNG

Chúng ta đã đề cập rằng chức năng của cha giải tội và vị linh hướng không hoàn toàn giống nhau, dù việc linh hướng thường được tiến hành nơi tòa giải tội. Các bổn phận chính của một vị linh hướng có thể được kể như sau:

1. Biết linh hồn mà mình hướng dẫn

Vị linh hướng cần hiểu biết sâu sắc về người mà mình hướng dẫn – tính cách, tính tình, những khuynh hướng tốt xấu, những khuyết điểm, những sở thích và những điều không thích, những khả năng và năng lực. Ngài cần hiểu biết về đời sống của con người ấy trong quá khứ, ít nhất là những nét khái quát, nhờ đó ngài sẽ biết những cám dỗ chính yếu mà người ấy đương đầu, những phương tiện mà người ấy dùng để vượt qua các cám dỗ, những ơn Thiên Chúa ban cho người ấy, sự tiến đức và các phương tiện tiến đức của người ấy, hoàn cảnh hiện tại của người ấy, mức độ khát khao hoàn thiện nơi người ấy, những hy sinh mà người ấy sẵn sàng thực hành để nên thánh, những trở ngại và những khó khăn người ấy đang gặp phải.

Không nên viết ra bất cứ gì, đối với cả vị linh hướng lẫn người thụ hướng. Người ta có thể nghĩ rằng các ghi chép như thế sẽ hữu ích nếu một ngày kia chúng được xếp vào loại bút tích tự thuật của các vị thánh, song luôn luôn có cái khả năng chúng rơi vào tay những người không phù hợp. Hơn nữa, thường khó đánh giá chính xác các kinh nghiệm riêng của một người dựa vào một bản văn viết. Vì thế mọi thông tin trao cho vị linh hướng nên được trao bằng ngôn ngữ nói. Không giống như cha giải tội, vốn thường phải tin bất cứ gì hối nhân nói ra trong tòa giải tội, vị linh hướng không buộc phải tin mọi điều mình nghe; thật vậy, có những trường hợp mà ngài cần phải khảo sát và chất vấn người thụ hướng trước khi đưa ra bất cứ quyết định gì.

2. Đưa ra sự chỉ dẫn


Bất cứ khi nào có thể , vị linh hướng được kỳ vọng đưa ra sự chỉ dẫn cho người thụ hướng, để tạo điều kiện cho người ấy giải quyết các vấn đề và các khó khăn của mình. Mục đích của việc linh hướng là sự hoàn thiện của đương sự, và lý tưởng là giúp đương sự bước đi hay thậm chí bay tới đỉnh thánh thiện. Cũng giống như mọi hình thức tư vấn, việc linh hướng chỉ nên được làm khi cần. Nếu vị linh hướng kiểm soát người thụ hướng quá mức, bắt người ấy phải đến với mình để nhận những quyết định hay những sự cho phép trong những vấn đề không cần thiết và đôi khi ngớ ngẩn, thì người thụ hướng sẽ trở nên yếu ớt hơn và lệ thuộc nhiều hơn vào vị linh hướng. Không hiếm trường hợp các vị linh hướng vi phạm luật căn bản này và làm tiêu tan mọi điều tốt lành có thể đạt được bằng cách lấy mình làm tiêu điểm của tất cả công việc linh hướng. Luật trừ duy nhất ở đây là trường hợp làm việc với những linh hồn quá bối rối hay quá tò mò – với những người như thế thì phương pháp chữa trị duy nhất là yêu cầu họ vâng phục mà không để họ chất vấn.


Các chỉ dẫn của vị linh hướng phải tránh mọi điểm tranh cãi trong thần học về sự hoàn thiện Kitô giáo, mọi vấn đề hóc búa và bị chất vấn trong thần học giả đoán, và nói chung phải tránh bất cứ gì có thể khơi thêm tính hiếu kỳ của người thụ hướng mà chẳng đem lại sự nhận hiểu gì về các vấn đề thiêng liêng. Những chỉ dẫn của ngài nên dựa trên những điểm nền tảng được chấp nhận rộng rãi bởi các nhà thần học hơn là dựa trên một lòng đạo đức hay một thực hành thiêng liêng cá biệt nào đó, những cái vốn có thể hoàn toàn chính thống và có giá trị tự thân chúng nhưng lại không phù hợp với khẩu vị hay nhu cầu hiện tại của người thụ hướng. Nhất là vị linh hướng sẽ tránh mọi lời nói hay hành động có thể được diễn dịch như là chê bai hay xem thường một trường phái linh đạo nào đó.

3. Khích lệ người thụ hướng

Ít có ai, ngay cả trong số những người đã tiến xa trong đời sống thiêng liêng, cảm thấy tự mãn đến nỗi không cần được khích lệ. Vị linh hướng không chỉ có bổn phận đưa ra các chỉ dẫn và giải quyết các khó khăn, nhưng ngài cũng phải là một nhà đào tạo đích thực, đóng góp tích cực vào sự đào tạo thiêng liêng của linh hồn được mình hướng dẫn. Đôi khi cách khả dĩ nhất để đóng góp vào cuộc đào tạo này là qua sự khuyến khích và gợi ý. Để đạt được mục đích này, vị linh hướng cần nhiệt thành rót vào các linh hồn một tinh thần lạc quan lành mạnh đặt nền trên sự tin tưởng vào Thiên Chúa chứ không phải tin tưởng vào chính bản thân mình. Các linh hồn cần được giúp để nhận ra rằng mỗi người trong họ được mời gọi nên hoàn thiện và rằng họ có thể đạt được điều ấy nếu họ trung thành với các ơn sủng mà Thiên Chúa ban cho mình. Nếu họ thất bại hay nản chí, vị linh hướng cần giúp họ lấy lại tinh thần và giúp họ nhận ra rằng sự nản chí do thất bại có thể tai hại hơn nhiều cho đời sống thiêng liêng so với chính sự thất bại. Ta không thể đo lường sự tai hại gây ra cho các linh hồn do bởi cách xử lý nghiệt ngã từ phía vị linh hướng tại đúng khoảnh khắc mà con người nản chí kia cần được nâng đỡ để tin tưởng hơn và cần được khích lệ để tiếp bước trên hành trình khó khăn về phía hoàn thiện. Thường tình, không gì nâng đỡ một linh hồn cho bằng được đón nhận với lòng nhân hậu và cảm thông khi mà người ấy nghĩ rằng mình sẽ bị vị linh hướng của mình phê phán hay quở trách.


4. Theo dõi đời sống thiêng liêng của người thụ hướng


Người thụ hướng không nên thực hành bất cứ một bước quan trọng nào mà không có sự chấp thuận của vị linh hướng. Kế hoạch đời sống, phương pháp cầu nguyện, các thực hành đạo đức, việc hãm mình, công việc tông đồ, cách xét mình… tất cả đều có thể được theo dõi bởi vị linh hướng khi có nhu cầu. Nhưng việc linh hướng nên được giới hạn chỉ trong những gì liên quan tới sự lớn lên của linh hồn trên đường thánh thiện. Vị linh hướng cần lưu ý để chính mình không trở thành một gánh nặng không chịu nổi đối với người thụ hướng qua việc giành quyền kiểm soát những vấn đề vu vơ hay chẳng liên hệ gì với đời sống thiêng liêng.


Cũng vậy, vị linh hướng đừng bao giờ cho phép người thụ hướng lôi những vấn đề gia đình, công việc làm ăn, hay những bận tâm thế sự vào các buổi gặp gỡ. Vừa khi nhận ra người thụ hướng bắt đầu đi lạc khỏi chủ điểm đời sống thiêng liêng, vị linh hướng cần dứt khoát ngay lập tức chấm dứt điều đó. Để tránh những sự trôi lạc như thế, vị linh hướng nên luôn luôn kiểm soát cuộc chuyện và nên liệu sao để mọi vấn đề thảo luận được diễn ra vắn gọn và trực tiếp hết sức có thể. Nếu ngay từ đầu vị linh hướng cô đọng được khung thảo luận, ngài sẽ tránh được việc lãng phí thời gian quí báu và sẽ tránh cho buổi linh hướng khỏi trở thành một cuộc đàm thoại đạo đức hay một cuộc viếng thăm xã giao thuần túy.

5. Sửa các khuyết điểm


Vị linh hướng sẽ phải biết cách kết hợp tính cách dịu dàng với bổn phận sửa lỗi cho người thụ hướng. Mặc dù mục đích của linh hướng rất tích cực – hướng dẫn linh hồn lên những tầm cao hoàn thiện – vị linh hướng không thể đạt được mục đích ấy mà không có khía cạnh tiêu cực, tức việc nhổ rễ các khuyết điểm. Sẽ không đủ nếu vị linh hướng chỉ quan tâm tới việc sửa các lỗi cố ý; ngài cũng phải hiểu và tìm phương chữa trị cho những dịp tội được tìm thấy nơi người thụ hướng. Như vậy, sự bồng bột, tính dễ thay đổi, sự hời hợt, xu hướng nhục dục, là những yếu tố mở ra cho nhiều tội, phải được điều chỉnh để đương sự có được tính cách nhất quán và sẵn sàng hơn cho việc thực hành các nhân đức. Liên quan đến các lỗi cố tình, vị linh hướng sẽ không bao giờ cho phép đương sự biện minh bằng cách đổ cho tính khí hay cho hoàn cảnh bên ngoài. Việc khảo sát riêng sẽ được vận dụng như phương thế để khám phá các dịp gây ra cám dỗ và những nguyên nhân của lỗi cố tình. Mặc dù ngài phải tránh làm nản chí người thụ hướng, vị linh hướng cũng phải giúp cho đượng sự nhận ra rằng những khiếm khuyết cố tình không thể tương hợp với đức ái trọn hảo.


6. Hướng dẫn theo những giai đoạn tiệm tiến

Việc linh hướng phải có tính tiệm tiến và phải phù hợp với trình độ tiến đức của linh hồn, tính khí, tuổi tác, và các hoàn cảnh đời sống. Nếu sự hướng dẫn đưa ra vượt quá các nhu cầu và khả năng của linh hồn, người thụ hướng sẽ nao núng và nản chí bởi vì cảm thấy mình được đòi hỏi quá sức mình. Đàng khác, nếu linh hồn đã tiến xa hơn loại hướng dẫn được đưa ra, đôi cánh của linh hồn sẽ bị cột chặt và không thể bay lên Thiên Chúa.


Vì thế, vị linh hướng phải biện phân đâu là những nhu cầu của linh hồn này tại thời điểm này, và liệu sao để sự hướng dẫn mình đưa ra sẽ đáp ứng các nhu cầu ấy. Khi ngài ước ao củng cố chắc chắn đời sống thiêng liêng của người thụ hướng, ngài có thể đề nghị những điều có tính thử thách hay trắc nghiệm, nhằm tìm hiểu cách mà đương sự phản ứng. Vị linh hướng không cần và không nên nói với đương sự rằng đây là cách của mình, nhưng ngài phải cẩn thận để không kìm hãm linh hồn khi Thiên Chúa muốn đưa linh hồn ấy lên cấp độ cao hơn, và ngài cũng không buộc linh hồn ấy phải bước lên giai đoạn cao hơn khi mà đương sự chưa sẵn sàng để bước lên như thế. Sự lớn lên trong đời sống thiêng liêng, cũng như bất cứ sự trưởng thành nào, phải diễn ra từ từ và liên tục.


Như vậy, vị linh hướng phải hiểu biết những bước khác nhau đánh dấu các giai đoạn trưởng thành từ bắt đầu đời sống khổ hạnh cho tới sự kết hiệp đầy sức biến đổi, và khi làm việc với các cá nhân riêng biệt, ngài phải kỳ vọng rằng họ sẽ không đứng yên tại chỗ ở bất kỳ giai đoạn nào, nhưng họ sẽ từ từ tiến lên qua các giai đoạn của đời sống thiêng liêng. Và mặc dù quả thực Thiên Chúa có thể nắm lấy một linh hồn trong tay Ngài và đưa tới một cấp độ cao hơn rất nhiều, thì cũng không được phép giả định điều này trong bất cứ trường hợp nào, bởi vì đó không phải là cách thế hoạt động thông thường của ân sủng Thiên Chúa.

7. Cẩn mật


Vị linh hướng bị buộc giữ tuyệt đối cẩn mật về những gì mình được nghe thố lộ từ người thụ hướng, không chỉ vì rất nhiều những điều ấy cách nào đó có liên quan tới tòa trong, nhưng còn vì chức năng linh hướng buộc ngài phải kín đáo. Bổn phận cẩn mật càng đặc biệt quan trọng khi đó là trường hợp những linh hồn đã tiến xa và đã kinh nghiệm hiện tượng ngoại thường hay những đặc sủng siêu nhiên nào đó. Mặc dù một vị linh hướng tiếp xúc với những trường hợp như vậy thường có khuynh hướng muốn thảo luận về các hiện tượng ấy, ngài nên nhớ rằng, như một qui luật, việc tường thuật những điều như thế không ích lợi gì ngoài việc gợi lên sự tò mò nơi những kẻ khác và dễ làm cho chính vị linh hướng cảm thấy tự mãn cách nào đó.

NGƯỜI THỤ HƯỚNG


Vì việc linh hướng liên quan tới hai người, sự thành công của việc linh hướng không được bảo đảm duy chỉ bởi sự kiện rằng vị linh hướng có được những khả năng cần thiết và hiểu rõ mục đích và chức năng của việc linh hướng. Cũng có những yêu cầu nhất định đặt ra cho người nhận sự linh hướng nữa, và những yêu cầu này trước hết phát xuất từ chính bản chất của việc linh hướng, và thứ đến là phát xuất từ mối tương quan của người thụ hướng và vị linh hướng.


Việc linh hướng không thể thành công trừ phi người thụ hướng có được những khả năng sau đây:


1. CHÂN THÀNH


Đây là điều kiện thứ nhất và quan trọng nhất, vì nếu không chân thành thì không thể có linh hướng thuộc bất cứ loại nào. Vị linh hướng phải biết được tất cả những gì cần thiết: những cám dỗ và yếu đuối, những khát vọng và những quyết tâm, những khuynh hướng tốt và những khuynh hướng xấu, những khó khăn và những thử thách, những thành công và thất bại. Vị linh hướng không thể dẫn dắt một người tiến lên trên đường hoàn thiện nếu ngài không hiểu biết đúng mức về người ấy. Mặc dù vị linh hướng không nhất thiết là cha giải tội, ngài sẽ không thể trao sự hướng dẫn nếu ngài không biết gì về tội lỗi và những khuyết điểm của người thụ hướng.


Vì thế người thụ hướng phải cho vị linh hướng biết bất cứ gì có tầm quan trọng đối với đời sống thiêng liêng của mình, nhưng không cần thiết – và thậm chí sẽ là một lạm dụng – nếu trao cho ngài một tường thuật chi tiết về những chuyện chẳng có chút tầm quan trọng hay những biến cố vô nghĩa. Những gì được cởi mở thì nên được cởi mở với tất cả thẳng thắn và chân thành, không lấp liếm những thất bại của mình cũng không thổi phồng các nhân đức của mình.


2. VÂNG PHỤC

Vị linh hướng không nắm bất cứ quyền hạn nào để có thể đòi hỏi sự vâng phục nghiêm ngặt. Việc linh hướng là một việc gắn liền với sự tự do hoàn toàn về phía cả vị linh hướng lẫn người thụ hướng. Tuy nhiên, do sự kiện rằng người thụ hướng tìm kiếm sự giúp đỡ từ vị linh hướng, hai người không ở trên một thế bình đẳng; vị linh hướng đứng ở thế của một người thầy và người hướng đạo. Sự tùng phục tự nguyện của người thụ hướng đối với vị linh hướng là điều được giả thiết, theo đó thì vị linh hướng có quyền kỳ vọng sự ngoan ngoãn và vâng phục từ người thụ hướng. Nếu không có sự ngoan ngoãn và vâng phục này thì cũng không thể có việc linh hướng. Người thụ hướng nên đơn sơ vâng phục mà không chất vấn hay đưa ra những diễn dịch riêng. Và cần lưu ý rằng có điều này còn tệ hại hơn sự không vâng phục nữa, đó là khi người thụ hướng dùng xảo thuật để lèo lái vị linh hướng, làm cho vị linh hướng đưa ra những đề nghị hợp ý mình. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa rằng một người thụ hướng không thể chủ động bộc lộ lương tâm của mình hoặc chủ động cho thấy những khó khăn hay những trở ngại mà vị linh hướng có lẽ đã không thấy.


Vậy ta sẽ nghĩ sao về trường hợp một số người khấn hứa vâng phục vị linh hướng của mình? Nói chung, điều này không được khuyến khích, bởi vì có những bất tiện gắn liền với nó (chẳng hạn, quá nhiều trách nhiệm cho vị linh hướng, sự âu lo về phía người thụ hướng, quá nhiều thụ động, những buổi gặp gỡ không cần thiết). Trong bất luận trường hợp nào, vị linh hướng đừng bao giờ chủ động đề nghị người thụ hướng khấn hứa vâng phục mình, vì điều này sẽ là một sự lạm dụng thẩm quyền và chức năng của một người linh hướng. Sẽ càng là một sự lạm dụng lớn hơn nữa nếu vị linh hướng không chỉ đòi người kia hứa vâng phục mà còn đòi phải hứa không bao giờ thay đổi người linh hướng hay không bao giờ tham vấn bất cứ ai khác.

Nhưng nếu người thụ hướng tự nguyện và lặp đi lặp lại yêu cầu xin được khấn hứa vâng phục vị linh hướng (để gia tăng công phúc), thì có thể cho phép điều đó với các điều kiện sau đây: (a) lời khấn ấy chỉ hiệu lực cho một thời gian ngắn, rồi sẽ khấn lại nếu muốn; (b) người khấn phải hoàn toàn bình thường, thanh thản và quân bình; (c) lời khấn ấy có thể được rút lại nếu bất chợt có những khó khăn hay lo lắng nào đó.


Phải làm gì nếu có xung khắc giữa các mệnh lệnh của một bề trên hợp pháp và các mệnh lệnh của vị linh hướng? Người ta phải không lưỡng lự để chọn vâng phục vị bề trên, ngay cả khi đã khấn hứa vâng phục vị linh hướng của mình. Cần lưu ý rằng những lời khấn tư của các tu sĩ không có hiệu lực nếu không được sự phê chuẩn của bề trên. Và ngay cả dù người ta đã nhận sự cho phép của bề trên để khấn hứa vâng phục vị linh hướng của mình, thì vị bề trên vẫn không bao giờ mất thẩm quyền của mình trên thuộc cấp, một thẩm quyền đến từ lời khấn tu trì.


3. KIÊN TRÌ


Chính bản chất của việc linh hướng đòi người thụ hướng phải kiên trì trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ và hướng dẫn từ vị linh hướng. Việc linh hướng sẽ không đem lại kết quả nếu người ta thường xuyên thay đổi vị linh hướng, hay không gặp linh hướng trong một thời gian dài, hay thường xuyên thay đổi các thực hành thiêng liêng và các phương thế thánh hóa, hay tự cho phép mình buông theo ngẫu hứng nhất thời thay vì theo những chỉ dẫn nhận được từ vị linh hướng. Khi có những lý do nghiêm trọng đòi phải thay đổi, người ta không nên ngần ngại tìm một vị linh hướng mới, nhưng điều này hoàn toàn khác với việc dễ dàng thay đổi từ vị linh hướng này sang vị linh hướng khác chỉ vì những lý do không đâu.


4. CẨN MẬT

Người thụ hướng đừng bao giờ quên rằng nếu vị linh hướng bị buộc phải cẩn mật do ấn tòa giải tội hay do sự kín đáo tự nhiên, thì người thụ hướng cũng có bổn phận kín đáo trong những gì liên quan đến vị linh hướng. Cách chung, đừng bao giờ thố lộ với ai về những chỉ dẫn hay lời khuyên nhận được từ vị linh hướng của mình. Lời khuyên ấy được trao cho một con người cụ thể trong những hoàn cảnh cụ thể, không nhằm áp dụng cho người khác ở trong những hoàn cảnh khác. Nhiều vị linh hướng gặp lắm phiền phức do bởi sự thiếu kín đáo của người thụ hướng, và chỉ riêng chuyện này cũng đủ lý do để vị linh hướng có thể từ chối tiếp tục hướng dẫn một người như thế.


Trong liên hệ với vị linh hướng
, người thụ hướng cần biết kính trọng, tin tưởng và yêu mến bằng một tình yêu siêu nhiên.


Kính trọng

Người thụ hướng cần biết nhìn thấy nơi vị linh hướng không chỉ là một con người có một số khả năng nào đó, nhưng là vị đại diện của Thiên Chúa và của Đức Kitô. Dù vị linh hướng có những khiếm khuyết hay những hoàn hảo nào đi nữa trong trật tự tự nhiên, thì ngài cũng phải được kính trọng chính trong tư cách một vị hướng dẫn đời sống thiêng liêng. Sự kính trọng này rất hữu ích, không chỉ trong việc thúc đẩy thái độ ngoan ngoãn và vâng phục của người thụ hướng, mà nó còn phục vụ như một phanh hãm đối với bất cứ sự gắn chặt thái quá hay bất cứ xúc cảm giác quan nào đối với vị linh hướng.


Tin tưởng


Bên cạnh lòng kính trọng, cần có sự tin tưởng tuyệt đối nơi vị linh hướng. Đó phải là một sự tin tưởng thật sự và trọn vẹn đến nỗi người ta luôn luôn có thể đơn sơ và thẳng thắn khi gặp linh hướng. Nếu người thụ hướng nhút nhát và e dè, việc linh hướng sẽ không bao giờ phát huy hiệu quả trọn vẹn.

Tình yêu siêu nhiên


Khi một người có được sự tin tưởng đơn sơ đối với vị linh hướng, thì nơi người ấy cũng thường có một tình yêu thực sự đối với ngài. Đây là một trong những vấn đề tế nhị nhất trong mối quan hệ giữa vị linh hướng và người thụ hướng. Không có gì sai trái về tình yêu đối với vị linh hướng của mình, bao lâu tình yêu ấy vẫn nằm ở bình diện siêu nhiên. Hạnh các thánh cho ta vô số ví dụ về loại tình yêu thánh thiện này. Khó khăn nằm ở chỗ giữ cho tình yêu ấy ở trong bình diện thuần túy siêu nhiên.


Trong nhiều trường hợp, không phải là hiếm chuyện một phụ nữ cảm mến vị linh hướng của mình bằng một tình yêu hoàn toàn tự nhiên, một tình yêu đến từ mối thân tình bình thường giữa một người nữ và một người nam. Tình yêu này có thể là kết quả của mối quan tâm ân cần thể hiện bởi vị linh hướng và cảm thức biết ơn nơi người phụ nữ về tất cả những gì vị linh hướng làm cho mình. Mối nguy hiểm tiềm tàng trong tình thân ấy giữa vị linh hướng và người phụ nữ càng tăng cao hơn nếu vị linh hướng cần phải biết những vấn đề lương tâm, những cám dỗ và thậm chí những tội lỗi của người phụ nữ. Ngay cả dù vị linh hướng tin chắc rằng không có nguy hiểm cho mình hay cho người kia, ngài cũng phải luôn luôn ý thức về nguy cơ gây gương xấu cho những người khác: Vì tất cả những điều nói trên, người thụ hướng nên cố gắng hết sức để nhìn vị linh hướng của mình như một Đức Kitô khác, gặp gỡ và trao đổi với ngài chỉ khi cần thiết, và lưu ý tránh bất cứ sự thể hiện tình cảm nhân loại nào.


Ở đây, vị linh hướng phải có một lương tâm hết sức tế nhị và một sự khôn ngoan tinh tế, đồng thời không đi tới chỗ nhút nhát, nghi ngờ hay cứng cỏi thái quá. Trong trường hợp cả hai bên đều nhận ra những xúc cảm đối với nhau, thì cách giải quyết khôn ngoan là người thụ hướng nên tìm một vị linh hướng khác. Lý do cho điều này không chỉ nằm ở mối nguy hiểm rõ ràng rằng một tình thân như thế có thể dễ dàng dẫn tới tình cảm xác thịt, mà còn nằm ở chỗ rằng trong những điều kiện như thế thì việc linh hướng rất khó có được hiệu quả thực sự.


Nếu vị linh hướng cảm thấy một xúc cảm đối với người thụ hướng, ngài phải khảo sát điều đó trước mặt Chúa để khám phá xem xúc cảm ấy có quấy rối tinh thần của ngài hay không, nó có đặt ngài vào nguy cơ bị cám dỗ hay không, nó có phong tỏa sự tự do của ngài trong tư cách là vị linh hướng hay không, và nó có phải là nguồn gốc của một nguy hiểm nào đó khác hay không. Trong trường hợp này, không cần nói cho người thụ hướng biết các cảm nghĩ của mình, vị linh hướng nên tìm một lý do thích hợp để bỏ việc linh hướng. Trong trường hợp khác, nếu vị linh hướng không cảm thấy bất cứ mối nguy hiểm hay cám dỗ hay trở ngại nào đối với việc linh hướng, cho dù xúc cảm kia là có thật, thì ngài có thể vẫn xúc tiến việc linh hướng, nhưng luôn luôn khôn ngoan tỉnh táo đối với chính mình.


Cuối cùng, nếu vị linh hướng nhận ra rằng người kia có một xúc cảm đối với mình và mình không đáp ứng xúc cảm ấy, thì ngài cần xem xét xúc cảm ấy có quấy nhiễu sự bình an trong tâm hồn người kia và có khơi lên cám dỗ hay không. Nếu có, ngài nên khuyên và thậm chí đòi buộc người kia phải tìm kiếm một vị linh hướng khác. Còn nếu không có nguy cơ xúc cảm của người kia sẽ biến thành một tình yêu xác thịt, thì ngài có thể tiếp tục việc linh hướng, nhưng phải hết sức cẩn thận để tránh những lời nói hay cử chỉ thiếu khôn ngoan có thể làm tăng thêm tình cảm nhân loại kia.


CHỌN LỰA MỘT VỊ LINH HƯỚNG


Một số người (chẳng hạn, các nữ tu trong nội cấm hay những người không có điều kiện tiếp cận nhiều linh mục) không ở trong tư thế có thể chọn vị linh hướng cho chính mình. Trong những trường hợp ấy, hãy cố gắng làm tốt nhất công việc này với vị linh hướng có sẵn cho mình – và tìm cách bổ khuyết bằng việc tham khảo các sách vở.


Ngoài những trường hợp nói trên, việc chọn một vị linh hướng nên được tiến hành theo cách sau đây. Việc đầu tiên là cầu nguyện, xin Chúa ban ơn soi sáng để mình có được sự chọn lựa khôn ngoan nhất trong việc này. Rồi bạn nên tìm hiểu xem ai trong số những linh mục có sẵn ấy có sự khôn ngoan, kinh nghiệm, và hiểu biết cần thiết để làm tốt công việc linh hướng. Trong bất luận trường hợp nào, không nên chọn lựa duy chỉ theo xu hướng tự nhiên (mình tự nhiên thiên về ông cha ấy!), mặc dù cũng cần nhận ra rằng mình sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tin tưởng cởi mở lòng mình với một vị linh mục mà mình cảm thấy không thích hay không nhiều thiện cảm. Không nên nhắm mắt xin một vị linh mục làm linh hướng cho mình ngay lập tức, mà cần dành ít nhiều thời gian để kiểm tra xem ngài có khả năng chu toàn công việc ấy cho mình hay không.


Nhiều trường hợp người ta cần phải tìm một vị linh hướng khác, mặc dù không nên quá dễ dàng tin rằng “tôi cần phải thay đổi cha linh hướng”. Những lý do đủ nghiêm trọng để thay đổi vị linh hướng có thể được liệt vào hai loại chính: nếu công việc linh hướng đã trở nên vô ích hay thậm chí tai hại. Việc linh hướng trở thành vô ích khi, bất chấp thiện thí và lòng chân thành khát khao tiến lên trên đường thánh thiện, người ta không cảm thấy dễ dàng kính trọng, tin tưởng và thẳng thắn với vị linh hướng (mà đấy là những yếu tố cần thiết để việc linh hướng có được hiệu quả). Việc linh hướng cũng chẳng đi tới đâu nếu người ta cảm thấy rằng vị linh hướng không bao giờ sửa các khuyết điểm cho mình, không khích lệ mình tiến đức, không giải quyết các vấn đề, và không cho thấy lòng tha thiết giúp mình nên thánh.


Việc linh hướng sẽ trở thành tai hại nếu người thụ hướng nhận ra rằng vị linh hướng ủng hộ tính kiêu căng tự mãn nơi mình, sẵn sàng chấp nhận các sai lầm và khiếm khuyết của mình, hoặc phán đoán mọi sự từ một quan điểm quá tự nhiên. Hoặc nếu vị linh hướng phí thời gian vào những cuộc chuyện tầm phào vớ vẩn, như đặt những câu hỏi duy chỉ do tò mò, hay tán những vấn đề chẳng liên hệ gì đến sự trưởng thành trên đường thánh thiện. Hoặc khi người thụ hướng thấy rằng đã phát sinh một xúc cảm từ một phía hay từ cả hai phía; hay khi vị linh hướng áp đặt những bổn phận vượt quá sức mình hoặc không phù hợp với bậc sống của mình; hoặc khi người thụ hướng thấy rõ rằng lời khuyên mà vị linh hướng đưa ra chỉ tai hại chứ không hữu ích. Tuy nhiên, cần ghi nhận rằng người ta có thể dễ dàng mắc sai ầm khi phán đoán về khả năng của vị linh hướng và về tính hiệu quả của việc linh hướng, do đó cần phải cân nhắc đủ kỹ trước khi quyết định thay đổi cha linh hướng.


Người ta có thể đồng thời có vài vị linh hướng không? Dù có những trường hợp trong đó một người có cùng lúc vài vị linh hướng, nhưng nói chung thì làm thế không khôn ngoan lắm. Luôn luôn có nguy cơ xảy ra sự khác biệt quan điểm hay sự xung khắc do những lời khuyên khác biệt được đưa ra. Tuy nhiên, tính thống nhất của việc linh hướng không bị tổn hại gì khi người ta tìm kiếm lời khuyên của những người khác có khả năng, trong trường hợp gặp phải một vấn đề khó khăn đặc biệt hay ngoại thường. Như chúng ta đã nói, một vị linh hướng khôn ngoan và khiêm nhường sẽ chủ động khuyên người thụ hướng tham vấn một người khác khi cần. Nhưng ngoài những trường hợp đặc biệt ấy, tính thống nhất của việc linh hướng phải luôn được bảo toàn, nhất là khi liên quan đến những người dễ bối rối. Tính thống nhất này được giữ gìn tốt nhất khi người ta chỉ có một vị linh hướng.

LINH HƯỚNG QUA THƯ TỪ

Vấn đề cuối cùng cần làm sáng tỏ liên quan đến việc linh hướng, đó là linh hướng qua thư từ. Nếu đây là một trường hợp cá biệt trong đó một người xin lời khuyên hay giải pháp cho một vấn đề nào đó bằng thư từ, thì không có lý do gì để từ chối cung cấp sự hướng dẫn bằng thư từ, miễn là tuân thủ các yêu cầu cần thiết khi thảo luận các vấn đề cẩn mật qua thư từ. Nếu lời khuyên được yêu cầu bởi những người vốn có sẵn vị linh hướng của họ, thì cần phải hết sức thận trọng, nhất là khi không nắm chắc về đức tin và về khả năng cẩn mật của người xin lời khuyên. Đôi khi người ta xin một linh mục một lời khuyên ghi trên giấy nhằm để trình nó ra cho vị linh hướng của họ và bắt ngài phải đương đầu với một lời khuyên ngược lại lời khuyên của chính ngài! Nếu một linh mục thấy cần phải điều chỉnh một lời khuyên đã được đưa ra bởi một linh mục khác, nên làm điều này như một sự mở rộng và một sự ứng dụng xa hơn chính lời khuyên đã được đưa ra ấy, chứ đừng phản bác trực tiếp kiểu “ông ấy sai rồi, tôi sửa thế này…”

Còn về việc linh hướng được thực hiện hoàn toàn qua thư từ thì sao? Có những trường hợp ngoại lệ trong đó việc trao đổi thư từ là cách duy nhất để một người nhận được sự hướng dẫn thiêng liêng, chưa kể trong hạnh các thánh cũng có những ví dụ về việc linh hướng qua thư từ (chẳng hạn, Thánh Phanxicô Salêsiô và Thánh Phaolô Thánh Giá).

Nhưng nói chung việc linh hướng qua thư từ thì có nhiều bất lợi hơn là thuận lợi. Sự thường thì một vị linh hướng không thể nắm hiểu kỹ người thụ hướng trừ phi hai người có nói chuyện trực tiếp với nhau. Thật khó diễn tả đời sống nội tâm của mình bằng cách viết ra giấy; cũng khó không kém việc hiểu một người khác chỉ qua một bản văn tường thuật. Hơn nữa, vị linh hướng không thể đưa ra sự điều chỉnh ngay lập tức, như ngài có thể làm nếu người kia đang trực tiếp nói chuyện với ngài. Một bất lợi nữa, đó là thư từ dễ rơi vào tay của những người khác.


Trong thực tế, vị linh hướng không nên dễ dàng chấp nhận hướng dẫn một linh hồn qua thư từ, trừ phi ngài đã biết về người đó và người đó không nhận được sự hướng dẫn của ai khác. Khi viết thư loại này, vị linh hướng đừng bao giờ viết một câu hay một chữ nào có thể một cách nào đó vi phạm ấn tòa giải tội. Nếu ngài phát hiện thấy điều này trong thư của người thụ hướng, cần phải hủy bức thư ấy ngay sau khi đọc nó, và nghiêm cấm người kia viết những điều như vậy trong tương lai, cảnh cáo rằng việc linh hướng sẽ không thể tiếp tục nếu sự việc tương tự còn tái diễn.

Trao sự hướng dẫn bằng thư thì nên ngắn gọn và khách quan. Vị linh hướng cần lưu ý tránh mọi từ ngữ biểu cảm, mọi cách gọi thân mật, mọi kiểu chào quá mật thiết, và bất cứ gì có thể mang hơi hướm tình cảm. Những người có kinh nghiệm trong việc linh hướng bằng thư từ thường nói rất cô đọng trong các câu trả lời của mình, đôi khi chỉ cần viết vài dòng trên chính lá thư nhận được và gửi lại cho người kia mà không cần ký tên.


Nếu trong một số trường hợp cần phải viết dài hơn, vị linh hướng nên tự giới hạn mình trong những vấn đề hay những câu hỏi được nêu ra, và chỉ viết để cung cấp sự hướng dẫn, dạy bảo hay điều chỉnh liên quan đến vấn đề cụ thể ấy. Ngài cần hết sức khôn ngoan và tế nhị, và luôn luôn nhớ rằng bất chấp thiện ý của ngài, luôn luôn có nguy cơ ngài bị hiểu sai và bị phán đoán nóng vội. Ngài phải viết sao để ngài không bao giờ phải sợ nguy cơ đó. Cuối cùng, cả người thụ hướng lẫn vị linh hướng cần tránh mọi thư từ thuộc loại bí mật.

(trích dịch từ J. AUMANN, Spiritual Theology, Continuum, London 2006, 380-398)

Lm. Lê Công Đức


[1]Cf. Codex Juris Canonici, can. 530.

[2]Ibid., can. 519-23.

[3]Ibid., can. 892.

[4] Giáo luật khoản 891 tuyên bố rằng vị giám đốc của một chủng viện hay vị giám tập có thể là người linh hướng cho những người thuộc quyền mình, nhưng không thể là cha giải tội trong trường hợp thông thường.

[5] Cf. The Living Flame of Love, trans. E. Allison Peers (Westminster, Md.- Newman, 1957), Canticle 3.

Exit mobile version