Linh đạo Khôi Bình

I – DẪN NHẬP

Thiên Chúa mời gọi mọi người nên thánh.

Là người Kitô hữu, chúng ta đều là con cái Thiên Chúa ( xem Ga 1,12; IGa 3,1), được tạo dựng theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài. Vì thế chúng ta được Thiên Chúa mời gọi sống thánh thiện xứng đáng với chức vị làm con cái Ngài, xứng đáng với sự sống và bản tính thần linh mà Ba Ngôi Thiên Chúa đã thông ban cho ta (x 2Pr 1,4) khi ta lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Sống thánh thiện hay nên thánh là sống tốt lành, trọn hảo theo mẫu gương cuộc đời Chúa Kitô, và theo LỜI NGÀI truyền dạy: “ Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện (Mt 5, 48).

Việc nên thánh chỉ có một, nhưng vì mỗi người một tính tình, một hoàn cảnh, một nếp sống khác nhau, nên đường lối nên thánh của chúng ta mỗi người mỗi khác. Cách nên thánh của một giáo dân sống ngoài đời – phải đầu tắt mặt tối với công ăn việc làm, với đàn con, với những quan hệ xã hội – đương nhiên không thể giống như đường lối nên thánh của một linh mục hay tu sĩ – vốn không phải lo những chuyện bon chen ngoài đời, không bận tâm với đàn con nheo nhóc, mà chủ yếu lo những chuyện thánh thiêng, đạo nghĩa. Cách nên thánh của linh mục triều sống giữa giáo dân cũng khác với cách nên thánh của các tu sĩ dòng sống chung với nhau trong bốn bức tường tu viện. Mỗi cách thức hay đường lối nên thánh ấy gọi là LINH ĐẠO. Một trong những linh đạo đó có tên gọi là Khôi Bình. Vậy Khôi Bình là gì?

II – ĐỊNH NGHĨA KHÔI BÌNH:

Khôi Bình là tên của một linh đạo đặc biệt dành cho giáo dân. Khôi Bình là phiên âm của từ tiếng Đức KOLPING, là tên của vị chân phước linh mục người Đức ADOLPH KOLPING (Ađôn Khôi Bình), đấng sáng lập LINH ĐẠO KHÔI BÌNH. Trước khi tìm hiểu thấu đáo linh đạo Khôi Bình, thiết nghĩ chúng ta nên lướt qua tiểu sử của Đấng sáng lập.

III – TIỂU SỬ CỦA LINH MỤC ADOLPH KOLPING (Ađôn Khôi Bình):

Linh mục Kolping (Khơi Bình) sinh ngày 08-12-1813 tại làng Kerpen (Ke-rờ-pân), cách thành phố Koeln (Kơn) khoảng 4 giờ đi bộ. Ngài là đứa thứ tư trong năm người con của ông Phêrô và bà Anna Khôi Bình. Gia đình Kolping rất nghèo, của ít con đông nhưng lại rất đạo đức. Người cha hiền từ đầu tắt mặt tối đi chăn cừu thuê quanh làng. Người mẹ và các con cặm cụi cày xới vài sào ruộng để có đủ lương thực cung cấp cho chín miệng ăn, vì có cả ông nội và chú Mi-ca-e ở chung. Được một điều là cả gia đình rất hạnh phúc, trên thuận dưới hoà, trong ấm ngoài êm.

Từ thuở lọt lòng mẹ, Kolping không được sức khoẻ dồi dào như các anh chị em khác. Nhưng bù lại, cậu bé Kolping rất sáng dạ, nghe đâu hiểu đó, đọc đâu nhớ đó. Do đó, mẹ và các anh chị gánh phần lao động chân tay để chú bé Kolping có thể sánh vai với các bạn cùng tuổi cắp sách đến trường làng. Vì ngoan hiền và học giỏi nên Kolping được ông giáo làng Statz (Tát-xờ) thương yêu như con ruột và chính cậu bé cũng xem các con của thầy là cô Anna và cậu Karl (Can) như chị em trong cùng một gia đình. Cũng trong thời gian này, cậu là một lễ sinh đáng yêu của cha chính xứ Johannes Heyde (Giô-han-ne-sơ Hai-đờ). Chính cha đã tiên đoán về lòng nhiệt thành tông đồ của chú Kolping trong tương lai.

Năm 13 tuổi, Kolping học xong bậc tiểu học. Nhưng vì gia cảnh quá nghèo, lại bị sự cố là cha xứ Heyde, chỗ dựa duy nhất , đã đi về với Chúa, nên cậu bé Kolping buộc phải ngưng việc đèn sách để học nghề nuôi thân. Cậu đã chọn nghề gọt đế giày may quai dép làm êm ấm bước chân người. Nhờ sáng dạ và đôi tay khéo léo, cậu đóng giày rất đẹp. Năm 19 tuổi cậu rời làng quê lên thành phố Koln tìm việc và được nhận làm công trong xưởng giày nổi tiếng của ông Beck (Béc). Sau một năm chăm chỉ làm việc để có tiền nuôi thân và giúp đở gia đình, thì một tin đau buồn nhất đã đến với cậu: Người mẹ thân yêu từ trần.

Sau khi về quê chôn cất mẹ, cậu thanh niên Kolping đã trở lại Koeln để tiếp tục nghề nghiệp của mình. Với 4 năm cật lực lao động, anh Kolping đã bị bệnh phổi, ho ra máu vào tuổi đẹp nhất( tuổi 23). Anh về quê dưỡng bệnh một năm. Sau đó, anh quyết định trở lại việc bút nghiên. Năm 24 tuổi, anh bắt đầu lớp 6 bậc trung học của lứa tuổi 12. Vượt qua được những mặc cảm bình thường, anh Kolping đã học hành xuất sắc, được khen thưởng và tốt nghiệp trung học lúc 28 tuổi với thành tích rực rở chỉ trong vịng 3 năm rưởi. Sau một tháng về quê tỉnh dưỡng, chàng thanh niên Kolping quyết định đi tu làm linh mục của Chúa. Chàng bắt đầu xuôi Nam vào trường đại học Munchen (Mun-Sân), rồi sau một năm, đổi sang đại học Bonn. Năm 31 tuổi, chàng sinh viên Kolping nhập đại chủng viện Koeln để một năm sau, ngày 13-04-1845 (32 tuổi), tiến chức. Cũng ngày này, tân linh mục nhận được tin người cha thân yêu vừa ly trần, chưa kịp hưởng phép lành đầu tiên của người con áp út. Sau đó, linh mục Kolping được chỉ định làm cha phó thứ hai xứ Lorentius (Lô-ren-si-ú-sờ), vùng công nghiệp Wuppertal (Vúp-pờ-tan).

Thời gian này, nước Đức chuyển mạnh từ nông nghiệp sang công nghiệp, kéo theo bao thanh niên từ thôn quê ra thành thị kiếm sống. Họ được gọi là những người thợ bạn, nghĩa là những người thợ đã lành nghề nhưng không có nơi ăn ở ổn định. Năm 33 tuổi (1846) cha Kolping đã qui tụ đđược các thợ bạn trong giáo xứ làm thành “Hội Thanh Niên Công Giáo” và sau đó cha được các thợ trẻ bầu làm linh giám của hội. Quả là “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”: chính cha Kolping, con nhà nghèo, lớn lên phải nghỉ học đi làm thợ đóng giày cho ấm êm những bước chân người, thì nay lại làm thày cả, làm cha để lo cho con cái lao động được hồn an xác mạnh. Các thợ trẻ gọi linh mục Kolping bằng “BỐ” nghe rất thân thương.

Năm 36 tuổi, cha nhận được bài sai làm phó xứ nhà thờ chánh toà Koeln. Cha tiếp tục phát triển Hội mặc cho vô vàn chống đối gièm pha. Cha hành động đủ mọi cách để bênh vực, nâng đỡ, đấu tranh cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tâm linh cho giới công nhân, thăng tiến thân phận người lao động. Cùng với Đức Giám mục Von Ketteler (Phôn-Két-tơ-lơ), cha đã đặt những viên đá đầu tiên góp công xây dựng nên GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO sau này. Cha luôn nhấn mạnh đến con tim, tấm lòng chứ không phải chỉ là đầu óc, trí não. Năm 40 tuổi, cha vận động, lạc quyên để xây cất một cư xá dành cho các thợ bạn, làm nơi ăn chốn ở nghỉ ngơi cho các người thợ trẻ. Cha giúp họ để họ có thể tự giúp lấy mình.

Năm 49 tuổi (1862), sau thời gian phục vụ ở nhà thờ chính toà, cha Kolping được chuyển về coi xứ nhà thờ Minoriten (Mi-no-rit-tân) gần đó, và tiếp tục sứ mạng Chúa giao. Ngày 22-04-1862, Đức Piô thứ IX phong cha làm Đức Ong Quản lý Hội Đồng Tư Vấn Giáo Hoàng để ghi nhận công lao cao cả của cha đối với giới trẻ. Năm 51 tuổi (1864) cha được bầu làm Tổng Đồng Hành của Toàn Hội. Công việc liên lỉ nặng nề đã bào mòn thân xác vốn yếu ớt của cha. Cha lại ho ra máu và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 04-12-1865, tức là còn 4 ngày nữa mới tròn tuổi 52.

Di hài của cha được chôn trước bàn thờ kính Thánh cả Giu-se trong nhà thờ Minoriten. Lễ tuyên dương linh mục Kolping lên hàng Chân Phước được cử hành trọng thể tại đền thánh Phêrô vào ngày 27-10-1991 trong niềm hoan hỉ của toàn Hội Thánh và của các Gia đình Kolping khắp nơi. Năm 1996, nhân kỷ niệm 150 năm thành lập Cộng Đoàn Kolping Quốc tế, chính phủ Đức quyết định cho đúc một loạt đồng tiền loại 10 Mark (Mark) có khắc nổi chân dung linh mục Adolph Kolping mà họ xem là nhà cải cách xã hội kiệt xuất của nước Đức vào thế kỷ thứ 19.

Kolping, một tấm gương sáng ngời cho Giáo Hội Công Giáo trong thời đại phong ba bão táp của chúng ta ở thiên niên kỷ thứ ba này, khi những bàn tay khối óc làm ra của cải vẫn cần đến những con tim đem lại ý nghĩa cho lao động. Mới đây, vào đầu tháng 06-2003, Cha Tổng Đồng Hành Kolping Quốc Tế đã phát động việc cầu nguyện, xin một phép lạ nhờ sự can thiệp hữu hình của Cha Thánh , để bổ túc hồ sơ xin phong hiển thánh cho Cha Adolph Kolping. Từ con tim của cha, một linh đạo đầy tính dấn thân xã hội của người Kitô hữu xuất hiện.

IV – LINH ĐẠO KHÔI BÌNH

1/ DIỄN GIẢI:

Linh đạo Khôi Bình được Cha Thánh Khôi Bình sáng lập vào năm 1846 nhằm giúp các tín hữu giáo dân nên thánh bằng con đường thăng tiến xã hội theo cách của Đức Ki-tô (thăng tiến xã hội theo chiều kích Tin Mừng). Linh đạo Khôi Bình kế thừa đặc sủng của cha Ađôn Khôi Bình là ơn chạnh lòng thương trước nghịch cảnh khốn cùng của xã hội: “Chúa Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương” (Mt 9,36). Nên biết rằng, vào thời đại của cha Thánh Khôi Bình, Giáo Hội còn nặng đầu óc kỳ thị đạo đời. Nhiều linh mục xem những công việc xã hội là những gì thuộc thế tục, là mãnh lực của thế gian, là những công việc hạng hai, không có tính chất linh thiêng, không đóng góp gì vào việc cứu rỗi linh hồn nhân loại. Chính vì vậy, đường hướng của cha Thánh Khôi Bình bị không ít người trong hàng giáo phẩm chỉ trích. Khi triều kiến Đức Piô IX, ngài không thốt nên lời mà chỉ biết gục đầu vào lòng Đức Thánh Cha khóc sướt mướt.

Người tín hữu nên thánh bằng việc thăng tiến xã hội. Nghĩa là làm cho xã hội này mỗi ngày một tốt đẹp hơn về ba phương diện: Tâm linh, tinh thầnvật chất. Tâm linh là thái độ của con người đối với Đấng Tạo Hóa, là sự xác nhận có Đấng Thiêng liêng hiện hữu, là niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng hằng yêu thương con người. Tinh thần là những đức tính căn bản làm nên nhân phẩm của con người như hiếu thảo, trung thực, nhân ái, tri thức, tình cảm. Vật chất là những điều kiện, tiện nghi, môi trường… làm cho cuộc sống thân xác của con người xứng đáng với nhân phẩm hơn.

Như vậy, nội dung của linh đạo Khôi Bình bao gồm nhiều khía cạnh của đời sống như sau:

• Lao động và nghề nghiệp.
• Hôn nhân và gia đình.
• Xã hội và đất nước.
• Văn hóa và giải trí
• Tài nguyên và môi trường

Nền tảng của linh đạo Khôi Bình dựa trên ba chân đế vững chắc:

• Sứ điệp của Đức Kitô (Lời Chúa).
• Giáo huấn về xã hội của Giáo hội công giáo.
• Tư tưởng và đường lối của cha Thánh Khôi Bình.


Do vậy, thành viên Khôi Bình có bổn phận thể hiện một cách cụ thể gương mặt yêu thương tha nhân của Đức Ki-tô giữa xã hội. Thương yêu tha nhân bằng cách nâng cuộc sống của họ lên xứng với phẫm giá con người. Đối tượng của sự thăng tiến xã hội là mọi người, không phân biệt lương giáo; và chú trọng đến những người nghèo khổ bị áp bức, đáng thương. Người nghèo ở đây phải được hiểu là những người đang thiếu thốn, cần sự giúp đỡ của ta. Sự thiếu thốn có thể là vật chất, tinh thần hoặc tâm linh. Do đó, việc thăng tiến x hội là một nét đặc thù của linh đạo Khôi Bình. Để biết mình có ơn gọi sống linh đạo Khôi Bình hay không, chúng ta hãy tự vấn xem Thiên Chúa có cho ta được một trái tim biết rung động trước nghịch cảnh của tha nhân hay không? Và sự rung động đó có luôn hối thúc chúng ta làm một điều gì cụ thể để giúp vào sự thăng tiến họ cũng chính là sự thăng tiến xã hội nói chung hay không?

Nói đến việc thăng tiến xã hội, ai cũng nghĩ đây là chuyện không tưởng, là công trình đội đá vá trời. Thực ra, không phải vậy. Thành viên Khôi Bình chỉ cần thực hiện ba đặc tính sau đây thì mặc nhin góp phần vo việc thăng tiến xã hội rồi.

a/ Tính tại thế.

Thnh vin Khơi Bình sống tính tại thế chính l sống ơn gọi tín hữu giáo dân giữa x hội với nghề nghiệp v nỗi lo cơm áo gạo tiền. Muốn thăng tiến xã hội, trước hết Khôi Bình thành viên phải tự thăng tiến chính mình, nghĩa là phải tự thánh hóa mình, và sự thánh hoá ấy sẽ lần lượt lan toả đến từng người cụ thể gần mình nhất. Có một rồi sẽ có hai… cứ thế, nhiều cá nhân Ki-tô hữu được thánh hoá sẽ đưa đến kết quả của một giáo họ, giáo xứ, giáo phận, Giáo hội, xã hội…được thánh hoá. Thánh hoá bằng một cuộc sống đời thường nhưng công chính theo mẫu gương của Thánh Giu-se. Chỉ có chữ “CÔNG CHÍNH” thôi, mà Giu-se đã trở thành Thánh cả!!! Ý niệm sự công chính bao hàm sự công bình và bác ái. Nhưng sống công chính trong một xã hội không dị ứng với sự bất công, không phải dễ. Không khó cho chúng ta nếu muốn tìm một người Kitô hữu siêng năng dự lễ hằng ngày, đọc kinh to tiếng… nhưng trong đời thường lại không ăn ngay ở thật, không kiềm chế được lòng tham đối với một tấc đất của người bên cạnh, không giữ lời hứa trả tiền vay sòng phẳng, thường xuyên đặt điều bịa chuyện nói xấu người khác…Linh đạo Khôi Bình chú trọng giáo dục người anh em về mặt này. Chính vì thế, linh đạo Khôi Bình không chú trọng việc thực hiện một số bổn phận đạo đức cụ thể (ngoài lời khuyên nên thường xuyên đọc và suy gẫm nội dung của Kinh Khôi Bình), nhưng khuyến khích Khôi Bình viên phải sống từng giây từng phút linh đạo Khôi Bình của riêng mình giữa xã hội. Điều này đã nêu bật được “tính tại thế” của linh đạo Khôi Bình.

b/ Tính gia đình

Để việc thánh hoá bản thân đạt hiệu quả tối đa, Khôi Bình viên cần những người bạn đồng hành để hỗ trợ lẫn nhau. Bạn đồng hành (có thể là tu sĩ hoặc giáo sĩ) là những người cùng chí hướng Khôi Bình trong một giáo xứ tụ họp với nhau thành một gia đình và được gọi là GIA ĐÌNH KHÔI BÌNH ( ví dụ GĐKB Thanh Đa, GĐKB Chánh Toà…). Họ xem nhau như anh em trong cùng một gia đình, chia xẻ cho nhau LỜI và BÁNH (Lời Chúa và Cuộc sống). Chính vì vậy,” tính gia đình” là một đặc điểm nữa của linh đạo Khôi Bình.

c/ Tính giáo hội

Một thành viên Khôi Bình dám sống “Tốt đạo đẹp đời”, sống “ Phúc âm giữa lòng dân tộc” như đã nêu trên, ắt hẵn phải có lập trường Giáo Hội Công giáo vững chắc. Lập trường giáo hội là gì nếu không phải một tình yêu, tinh thần vâng phục và sự trung kiên đối với giáo hội Mẹ. Thành viên Khôi Bình sống được như thế là mặc nhiên góp phần vào việc xây dựng Giáo hội ngày một tốt đẹp hơn, phát triển hơn: “Xin Chúa cho gia đình Khôi Bình chúng con đây được trở nên một khởi đầu cho nước Chúa trị đến.” (Kinh gia đình Khơi Bình). Do đó, ta sẽ không quá lời khi nói rằng Linh đạo Khôi Bình thấm nhuần “tinh thần Giáo hội” hay “tính giáo hội”.

2/ NHỮNG ĐIỀU CỐT LÕI (Bảng Tóm Gọn):

2.1 Đặc điểm của Linh Đạo Khôi Bình là gì ?

Nên Thánh bằng cách thực hiện bốn chữ vàng: “Thăng tiến xã hội.”

2.2 Giải thích rõ hơn
:


Thăng
: chiều hướng thượng; tiến: tiến công về phía trước. Thăng tiến xã hội là làm cho xã hội này mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Sự tốt đẹp hơn có thể rất nhỏ, không cảm nhận được.

2.3Tốt đẹp hơn về mặt nào
?


Về ba phương diện: Tâm linh, tinh thần, vật chất. Tâm linh: chiều kích con người xét như một thụ tạo đối với Đấng tạo dựng nên mình giống hình ảnh Ngài. Ngài là Tình Yêu và đòi buộc chúng ta yêu mến Ngài trên hết mọi sự (tin, cậy, mến). Tinh thần: những thực tại trừu tượng không thể cân đo đong đếm được: tri thức; tình yêu, lòng can đảm, sự uy tín, lòng trung thực…Vật chất: nhu cầu cụ thể cho cuộc sống như nhà cửa ruộng vườn, cơm ăn áo mặc, nghề nghiệp, vui chơi giải trí… xứng với phẩm giá con người.

2.4 Nền tảng của sủa sự Thăng Tiến Xã Hội:

a/ Sứ điệp Đức Kitô (Kinh Thánh; Tin Mừng)
b/ Giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về xã hội.
c/ Tư tưởng và đường lối của Chân Phước Ađôn Khôi Bình.

2.5 Những phương cách cụ thể để thực hiện LINH ĐẠO KHÔI BÌNH

a/ Tính Trần Thế: sống giữa lòng xã hội bằng nghề nghiệp của mình với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Trở nên người cha tốt, người mẹ tốt, người con hiếu thảo, cháu ngoan hiền.
b/ Tính gia đình: Thành viên KB xem nhau như anh em trong cùng một gia đình.
c/ Tính giáo hội: Thành viên KB luôn yêu mến và vâng phục Giáo hội (=có lập trường Giáo hội).

2.6 Phương châm của sự Thăng Tiến Xã Hội:

Giúp người để người tự giúp (tạo điều kiện để mọi người có thể đứng trên đôi chân của mình).

2.7 Chìa khóa của sự Thăng tiến xã hội:

Sau khi hiểu rõ và yêu mến linh đạo, hãy THĂNG TIẾN CHÍNH MÌNH TRƯỚC ĐÃ. Nói cách khác, không thể thăng tiến xã hội khi chưa có ý thức thăng tiến chính mình.

2.8 Thăng tiến xã hội bằng những việc làm cụ thể:

Đức tin không việc làm là đức tin chết. Khôi Bình không việc làm thì Khôi Bình sẽ đột tử. Công tác xã hội được thực hiện trước tiên trong môi trường giáo xứ của mình bằng những việc cụ thể nho nhỏ như làm sạch cỏ đất thánh, đắp đường làng, quét dọn nhà thờ, thăm viếng bệnh nhân, cấp phát học bổng…

2.9 Động cơ vào Khôi Bình?

Mục đích vào Khôi Bình là để nên thánh bằng cách hy sinh sức khỏe, thời giờ và đôi khi cả tiền bạc nữa để thăng tiến xã hội.

3/ MINH HỌA: Câu chuyện về một con chim bé bỏng.

Có người cho rằng, linh đạo Khôi Bình với nét đặc thù là thăng tiến xã hội, có tính cách không tưởng, đội đá vá trời. Vì vậy, câu chuyện có tính cách ngụ ngôn sau đây, phần nào trả lời cho vấn nạn đó.

Một hôm, do sơ ý của một lão tiều phu, tàn thuốc lá đã làm bùng phát ngọn lửa mãnh liệt chực nuốt trửng cánh rừng bạt ngàn. Mọi sinh vật đều hốt hoảng tháo chạy thoát thân. Trong đó, những con vật khỏe nhất như sư tử, voi, lạc đà, trâu nước, bò rừng, hổ, beo, cọp…dẫn đầu đàn quân bại trận. Bổng, trên một ngọn tre rừng cao chót vót, một con chim sâu bé tí tẹo nói vói theo đàn voi và lạc đà: Này quí quynh đại gia, hà cớ gì quí quynh lại chạy chi cho mệt như vậy? Sao quý quynh không hợp sức lại để cùng nhau dập tắt đám cháy? Liệu quý quynh có chạy thoát được không nào? Khi nghe tiếng tíu tít của chú chim sâu như thế, quý đại nhân bĩu môi cho rằng chú chim sâu loạn trí, lên mặt dạy đời, bèn trề môi đáp lại: “Mi có khùng không? Mi có giỏi thì ở lại chữa đám cháy đi! Con nít mà làm tàng! Các ông lĩnh đây !.” Thế rồi chú chim sâu một mình với cái mỏ nhỏ xíu của mình, bay tới lui giữa dòng suối và đám cháy, hớp từng ngụm nước nhỏ phun vào ngọn lử hung tợn. Quí đại nhân thấy thế dừng lại suy nghĩ: “Cái chú chim bé tị như thế mà ý chí của nó mạnh như vũ bão và mênh mông như khoảng trời xanh bao la. Cớ sao chúng mình to xác và lực lưỡng thế này mà lại chịu hèn nhát sao? Kết quả là đàn voi và lạc đà xung phong quay lại dòng suối, con thì lấy vòi hút, con thì bơm nước đầy lưng, trâu rừng thì hút cây xanh ngã đổ dập tắt ngọn lửa, sư tử và hổ thì chạy tới chạy lui làm thành lối mòn ngăn cách đám cháy và mảnh rừng xanh còn lại. Chẳng mấy chốc đám cháy bị ngăn chặn và rồi cơn mưa đầu mùa bổng đâu ập tới, bà hỏa la thét giơ tay đầu hàng. Câu chuyện dí dỏm và có tính cách ngụ ngôn này dạy ta điều gì? Hãy kiên trì chu toàn bổn phận và hãy làm những gì trong tầm tay mình, rồi Thiên Chúa sẽ có cách. Thành viên Khôi Bình chỉ cần âm thầm và can đảm chu toàn ba đặc tính: tại thế, gia đình và giáo hội thì chuyện đội đá vá trời là việc THĂNG TIẾN XÃ HỘI sẽ là hậu quả tất yếu.

V.- CƠ CẤU CỘNG ĐOÀN KHÔI BÌNH QUỐC TẾ

Cộng đòan Khôi Bình Quốc tế gồm có 4 bậc:

1/ Gia đình Khôi Bình Giáo xứ:

Những tín hữu trong một giáo xứ cùng chung lý tưởng Khôi Bình tập họp với nhau làm thành Gia Đình Khôi Bình Giáo Xứ, ví như GĐ KB GX Vinh Sơn…GĐ KB GX là một đơn vị nền tảng và là điều kiện ắt có và đủ để thành lập các Cộng Đòan Khôi Bình cấp cao hơn.

2/ Cộng Đòan Khôi Bình Giáo Phận do các gia đình Khôi Bình Giáo Xứ trong một giáo phận họp thành, ví như Cộng Đòan Khôi Bình Giáo Phận Qui Nhơn.

3/ Cộng Đòan Khôi Bình Quốc gia do các Cộng Đòan Khôi Bình Giáo Phận trong một đất nước họp thành , ví như Cộng Đoàn Khôi Bình Việt Nam.

4/ Cộng Đoàn Khôi Bình Quốc Tế do các Cộng Đòan Khôi Bình các Quốc gia họp thành.

Mỗi cấp có một Ban Điều Hành gọi là Ban Quản Gia.

Hiện nay trên thế giới, Khôi Bình hiện diện ở 63 nước với khoảng 450.000 thành viên. Khôi Bình Việt Nam hiện diện trên 19 giáo phận với khoảng 6.500 thành viên.

VI.- GIA ĐÌNH KHÔI BÌNH

1. Điều kiện thành lập:

Muốn thành lập Khôi Bình ở một quốc gia, cần sự cho phép của Hội Đồng Giám mục nước sở tại. Muốn thành lập Khôi Bình ở một giáo phận, phải có phép của giám mục chính tòa giáo phận ấy. Muốn thành lập một gia đình Khôi Bình giáo xứ, nhất thiết phải có phép của cha quản xứ. Như vậy, một GĐ KB GX đang sinh hoạt hợp pháp, ngầm cho chúng ta hiểu rằng họ đã có được ba sự cho phép ở ba cấp độ giáo quyền khác nhau: Hội Đồng Giám mục đất nước, Giám mục giáo phận và cha quản xứ. Hiện nay, Khôi Bình đã được HĐGMVN chứng nhận vào ngày 25-11-2002 và được các Giám mục cho phép họat động. Khôi Bình cũng đã có phép của Ban Tôn Giáo chính phủ kể từ ngày 12-11-2007. Đặc biệt, Khôi Bình đã được Bộ Công An chứng nhận tư cách pháp nhân hoàn chỉnh với con mộc tròn từ ngày 16-12-2010. Trung Tâm của KBVN đặt tại số 9-9A đường ÀPĐ12, KP 5, Phường An Phú Đông, Quận 12, TP HCM.

2. Cách thức thành lập
:


Sau khi cha quản xứ cho phép, Ban Quản gia sẽ phát tài liệu tìm hiểu về Khôi Bình cho những ai quan tâm, thường là quyển Thủ Bản Khôi Bình đã được phép xuất bản chính thức. Sau một thời gian ngắn nhất định, những cảm tình viên đó sẽ được tập huấn sinh hoạt Khôi Bình. Nhất là vấn đề chia sẻ Lời Chúa.

3. Cách thức sinh hoạt
:

Các cảm tình viên đó chọn một giờ mỗi tuần để tụ họp nhau sinh hoạt Khôi Bình. Buổi sinh hoạt gồm hai phần. Phần một: Chia sẻ Lời Chúa, cầu nguyện, quyết định đạo đức trong tuần. Phần hai: chia sẻ cuộc sống; công tác xã hội, dự án sinh lợi để giúp kẻ nghèo…

4. Nghi thức dấn thân
:

Sau một thời gian tìm hiểu và sinh họat Khôi Bình, thường là khoảng một năm, các cảm tình viên sẽ được phép dấn thân (tuyên hứa). Nghi thức dấn thân thường được tổ chức trong một thánh lễ sau bài Phúc Âm.

VII.- PHÙ HIỆU KHÔI BÌNH

KhoiBinh - Linh đạo Khôi Bình

Phù hiệu Khôi Bình là chữ K với hai màu cam và đen.

a/ Ý nghĩa của chữ K: Chữ K chỉ 3 biểu tượng (Ba trong một):

• Đức Kitô (KRIST) nhắc nhớ Sứ điệp Đức Kitô.
• Giáo hội (KIRCHE) nhắc nhớ giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo.
• Chân Phước Khôi Bình (KOLPING) nhắc nhớ đường lối của Cha Thánh Khôi Bình.

b/ Ý nghĩa của hai màu CAM và ĐEN:

– Màu cam chỉ sự vui tươi

• Màu đen chỉ sự nghiêm túc

Khôi Bình chủ trương sự thánh thiện trong vui tươi. Trở thành Ông (Bà) Thánh vui.

VIII.- THAY LỜI KẾT

Đứng trước ngôi mộ của cha Thánh Khôi Bình, Đức Gioan Phaolô II đã phát biểu” Ngày nay, gương sáng của cha Khôi Bình còn cần thiết cho xã hội hơn là thời ngài còn sống”. Năm nay, Kỷ niệm ngày sinh thứ 200 của Chân Phước Ađôn Khôi Bình (1813-2013), Cộng Đòan Khôi Bình Việt Nam đã tròn 23 tuổi (1990-2013). Nhìn lại dĩ vãng mới cảm nhận được :”Tất cả là HỒNG ÂN”. Nhờ sự cầu bầu của Ngài, CĐ KB VN đã vượt qua được biết bao gai chông đạo đời để trường tồn và phát triển cho đến hôm nay. Nhờ biết hạn chế mục tiêu hoạt động xã hội vào môi trường giáo xứ, nên các GĐ KBGX đã là cánh tay đắc lực của cha quản xứ, của hội đồng mục vụ giáo xứ trong việc làm cho giáo xứ ngày càng phát triển tốt đẹp hơn. Sự thực mà nói, đã có nhiều cha quản xứ, cũng là cha Đồng hành KBGX, không tiếc lời khen ngợi tinh thần tích cực của các thành viên Khôi Bình. Một cách gián tiếp, sự khen ngợi đó hàm chứa lời tán tụng dành cho một vị thánh của thời đại:

Nơi chân phước Khôi Bình,
Thiên Chúa được thờ,
Thiên hạ được nhờ,
Từ ngày ngày đến tận đời đời

Anrê Nguyễn Hữu Nghĩa

Exit mobile version