Lịch Sử Linh Đạo Các Linh Mục

LinhMuc - Lịch Sử Linh Đạo Các Linh Mục

Thực ra, về các tài liệu, sách báo bàn về đường nên thánh của các linh mục không phải là ít; gần đây hơn hết cả là Tông huấn “Pastores dabo vobis” của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ban hành nhân dịp đúc kết các buổi thảo luận của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới năm 1990, bàn về việc đào tạo linh mục; đặc biệt với chương III mang tựa đề: “Đời Sống Thiêng Liêng Của Cac Linh Mục”. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi muốn làm để nêu bật vấn đề ở đây là: trải qua lịch sử, đã có những linh đạo khác nhau, những khuôn mẫu khác nhau, những cách thức và phương thế khác nhau, được đề ra cho các linh mục. Chúng ta hãy lượt tìm hiểu những nét sơ khởi căn bản về đề tài này qua bốn giai đoạn chính: – 1/. Giáo phụ; – 2/. Trung cổ; – 3/. Cận kim; – 4/. Hiện đại.

I. GIÁO PHỤ

Các giáo phụ trình bày con đường nên thánh cho các linh mục qua việc bắt chước Đức Kitô tư tế, trung gian và mục tử. Các linh mục hãy bắt chước Đức Kitô qua sự phục vụ (diakonia), tự hủy (kenosis). Đường nên thánh của các linh mục hệ tại phục vụ Giáo Hội với con tim trong trắng, sống trung thành với Chúa Thánh Thần đã lãnh nhận khi lãnh chức thánh. Sự phục vụ của các linh mục được diễn tả qua việc giảng Lời Chúa, cử hành nhiệm tích, điều khiển các cộng đồng. Trong những tác phẩm cổ điển về tác vụ linh mục cần phải kể: “De Sacerdotio”, gồm 6 quyển của thánh Gioan kim khẩu, viết khoảng năm 386. Tác giả phân tích tiếng “sacerdotium” để bàn đến sứ vụ của linh mục như là người dâng hy lễ (sacrificator), được thánh hóa và thánh hiến (sanctificatus, consacratus) để phục vụ Chúa qua việc phụng tự và mục vụ.

Các nhân đức cần làm nổi bật là: bác ái của người mục tử, khó nghèo, thanh khiết, khôn ngoan, hiền hậu, tinh thần cầu nguyện. Kế đến là thánh Ambrosio (333-397) qua quyển “De officiis ministrorum”, bàn về các quy tắc luân lý cụ thể của đời sống linh mục. Thánh nhân nhấn mạnh tới việc chú ý tới người nghèo như là một cách cụ thể để diễn tả đức ái. Đề tài về người mục tử nhân lành được thánh Augustino (345-430) khai triển đặc biệt trong hai tác phẩm “De civitate Dei”“Confessiones”. Linh mục nên thánh qua việc phục vụ Giáo Hội, sự phục vụ bắt nguồn từ tình yêu. Linh mục đứng đầu cộng đồng để phục vụ, mưu cầu thiện ích cho hết mọi người. Augustino là tác giả của câu nói bất hủ: Vì anh chị em mà tôi làm Giám mục, cùng với anh chị em tôi là một tín hữu Kitô. Một tác phẩm cổ điển nữa là “Regula Pastoralis” của thánh Gregorio cả (540-604). Ngài chú trọng đến các nhân đức cần thiết để thực hiện sứ mạng giảng Lời Chúa và cử hành Thánh Thể. Muốn giảng Lời Chúa thì cần phải cầu nguyện chiêm niệm; để cho lời giảng đáng tin cậy, cần được thúc đẩy bởi lòng nhiệt thành và đời sống khó nghèo.

Ngoài ra, ta cũng không nên quên rằng vào thời các giáo phụ, thường thường các linh mục sống hợp đoàn với nhau.

II. TRUNG CỔ

Sang thời Trung cổ, đời sống cộng đoàn của các linh mục tan rã. Các Giáo Hoàng và các Công Đồng cố gắng chấn chỉnh qua việc cổ võ hình thức đời sống kỷ luật và khó nghèo, gọi là “vita canonica”, mà tiếng Việt dịch sai là “kinh sĩ”. “Vita canonica” có nghĩa là sống theo kỷ luật (canones), dành cho các giáo sĩ, đối lại với vita monastica dành cho các đan sĩ. Vào thời này, sự phân biệt giữa Linh mục Dòng và linh mục triều coi như không đáng kể. Từ thế kỷ thứ XII, các Công Đồng Laterano bắt đầu để ý tới việc đào tạo linh mục, qua những trường nhà thờ chánh tòa và các đại học. Việc đào tạo nhằm tới khía cạnh thần học và mục vụ lẫn đạo đức. Sang thế kỷ XIII thì ta thấy những thiên tổng luận về thần học linh mục, nhấn mạnh tới bản chất của chức linh mục nhiều hơn là tới đời sống. Thần học về chức linh mục đào sâu về bản tính (character), biến đổi linh mục nên giống đức gán cho linh mục khả năng tác động nhân danh Đức Kitô (in persona Christi).

Linh mục trở nên dụng cụ của Đức Kitô ban ơn thánh bí tích, tham gia vào vai trò trung gian của Đức Kitô. Ngoài ấn tín ra, khi lãnh chức thánh, linh mục cũng nhận được ơn thánh đặc biệt để có thể chu toàn sứ mạng của mình, phục vụ Bí tích Thánh Thể, và phục vụ Nhiệm thể Đức Kitô là Hội Thánh.

Hậu nhiên, linh mục giả thiết đã nên thánh rồi ngõ hầu có thể hướng dẫn những người khác trên đường thánh thiện. Dù sao đi nữa, linh mục có nghĩa vụ và khả năng nên thánh nhờ ơn thánh của bí tích và chức vụ mà Chúa không từ chối cho những người Ngài chọn. Từ những suy tư thần học ấy, được thánh Thomas Aquino hệ thống hóa, không lạ gì mà phát sinh cả một tâm thức bình dân về sự tôn kính dành cho các linh mục, bởi lẽ các vị là tác viên phân phát ơn thánh Chúa, ban Mình Máu Chúa cho các tín hữu. Hai vị đại thánh Phanxicô Assisi và Catarina Siena, những người đã hô hào việc cải tổ Hội Thánh, cải tổ hàng giáo sĩ, đã dành những trang rất đẹp để nói về thiên chức Linh mục.

III. CẬN KIM

Những phong trào cải cách Giáo Hội vào thời Công Đồng Trento không thể bỏ qua việc cải tổ đời sống linh mục. Nhiều phong trào linh đạo cổ võ sự thánh thiện linh mục ra đời dưới nhiều hình thức khác nhau. Tại miền Bắc Âu, phong trào gọi là “Devotio moderna”, tiêu biểu nơi quyển “De Imitatione Christi” đã đề cao việc nên thánh qua việc bắt chước các nhân đức của Chúa Giêsu, việc cầu nguyện suy gẫm, chú trọng vào sự giảng dạy, linh hướng, các việc đạo đức, xa lánh thế gian. Về điểm chót này, đã có nhiều người chỉ trích, xét vì linh mục đâu có thể sống như các đan sĩ xa lánh đời được.

Một phong trào khác cổ võ đời sống thánh thiện của các linh mục là các Dòng giáo sĩ kỷ luật (clerici regulares). Họ là những giáo sĩ, sống chung với nhau, với lời khấn dòng, và đặt nặng việc thực hành các chức vụ linh mục như là phương thế để nên thánh: giảng dạy, ban bí tích, làm việc tông đồ. Nói khác đi, linh mục nên thánh qua việc thực hành tác vụ của mình, chứ không phải qua việc bắt chước các thầy dòng khổ tu.

Riêng về Công Đồng Trento, thì một đàng ta thấy có những chương tín lý bàn về các bí tích, trong đó có bí tích Truyền chức dựa theo đạo lý của thánh Thomas Aquino; và đàng khác là những sắc lệnh về kỷ luật giáo sĩ. Công đồng muốn cho các linh mục tận tâm thi hành chức vụ của mình, cách riêng là việc giảng dạy và cử hành bí tích; cần phải hiểu biết tình hình của đoàn chiên, chú ý tới người nghèo, người bị bỏ rơi. Các linh mục phải chuyên chăm cầu nguyện, thực hành nhân đức. Thêm vào đó, Công Đồng Trento cũng truyền thiết lập chủng viện để đào tạo linh mục. Những sử gia ghi chú rằng việc áp dụng các sắc lệnh Công Đồng Trento về đời sống linh mục rất là chậm chạp. Các linh đạo về đời linh mục cũng như các gương thánh thiện phát triển từ các trường phái dòng tu cũ hay mới: Benedicto, Đaminh, Phanxicô, Augustin, Carmelo, Inhaxio. Đặc biệt hơn cả là trường phái linh đạo của Pháp vào thế kỷ XVII, với những tác giả như: Pierre de Bérulle, Jean Eudes, Jean Jacques Olier, Vincent de Paul, Francois de Sales, Louis Marie Grignion de Montfort. Đặc trưng của trường phái này là trình bày linh mục như là người tham dự vào Đức Kitô tư tế và hy lễ. Linh mục tham dự vào bản thể, hoạt động và nội tâm của Đức Kitô nhập thể, tử nạn và Phục sinh. linh mục bắt chước Đức Kitô nhìn tới ba đối tượng: hướng lên Chúa Cha để tìm hiểu chương trình cứu chuộc; hướng đến nhân loại để cứu chuộc họ và hướng đến bản thân để dâng hiến mình làm hy lễ. linh mục cũng cần có lòng thảo hiếu với Đức Maria, thân mẫu của Đức Kitô linh mục. Ảnh hưởng của trường phái Pháp rất lớn không những qua các tác phẩm của các tác giả nói trên, mà còn qua các chủng viện mà các vị thành lập và điều khiển.

Những khuôn mẫu linh mục thánh thiện không thiếu trong thời đại cận kim, từ các Giám mục cha sở cho tới các nhà truyền giáo tử đạo.

IV. HIỆN ĐẠI

Trong thế kỷ XX, bên trên các trường phái linh đạo, ta phải kể tới các Thông điệp, Tông huấn của các vị Giáo Hoàng gửi cho các linh mục. Trong những văn kiện quan trọng hơn cả ta có thể kể: Thông điệp “Haerent animo” của Đức Giáo Hoàng Piô X (8/8/1908), Thông điệp “Ad Catholici Sacerdotii” của Đức Giáo Hoàng Piô XI (20/12/1935), Tông huấn “Menti nostrae” của Đức Giáo Hoàng Piô XII (23/9/1950), Thông điệp “Sacerdotii nostri primordia” của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII (1/8/1959) nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thánh Gioan Vianney qua đời.

Những văn kiện của Công Đồng Vatican II đã thu lượm những thành quả trước đó của thần học về chức linh mục, dựa trên nền tảng Kinh thánh, phụng vụ, giáo phụ. Sau Công Đồng, những cuộc khủng hoảng về chức vụ và đời sống linh mục đã thúc đẩy các vị Giáo Hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II nhiều lần lên tiếng. Đức Phaolô VI với Thông điệp “Sacerdotalis coaelibatus” (1967) về sự độc thân linh mục và sự triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1971 để bàn về chức linh mục; Đức Gioan Phaolo II thì có thói quen gửi một lá thư cho các linh mục hằng năm nhân ngày thứ năm Tuần Thánh, và dành khóa họp Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1990 để bàn về sự đào tạo linh mục với thành quả là sự ra đời Tông huấn “Pastores Dabo Vobis” (25/03/1992). Điều đáng để ý là khi bàn về linh đạo linh mục, đa số các văn kiện vừa nói đặt trước mắt hình ảnh của các linh mục triều, vì vậy một nét được nhấn mạnh trong đời sống thiêng liêng và hoạt động tông đồ của họ là sự thông hiệp với Giám mục và linh mục đoàn (presbyterium) của giáo phận. Người ta giả thiết các linh mục Dòng đã có linh đạo riêng của Dòng mình rồi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, để trả lời cho vấn đề này, Tông huấn “Vita Consecrata” (25/03/1996) của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chỉ ra sự thánh thiêng chức vụ tư tế thừa tác nơi người linh mục. Cũng trong chiều hướng đó, người ta nhận thấy có sự chuyển hướng trong các sách sách tu đức dành cho các linh mục, ít là có hai điểm sau:

1/. Việc nhấn mạnh tới ba lời khuyên Phúc âm trong đời sống linh mục: vâng lời, khiết tịnh, khó nghèo (x. Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, số 15-17; Tông huấn Pastores dabo vobis, số 27-30); đời sống cộng đồng ít là qua những cuộc gặp gỡ trong khuôn khổ các hiệp hội cũng được khuyến khích; như vậy ta thấy có những điểm chung giữa đời sống linh mục và tu sĩ.

2/. Một số Dòng tu cũng xét lại ơn gọi của họ. Đành rằng các đan sĩ lúc đầu là giáo dân, sau đó mới trở thành giáo sĩ; nhưng một số Dòng được thành lập do kỷ luật dòng tu và đời huynh đệ cộng đồng.

KẾT LUẬN

Trải qua các thời đại khác nhau trong lịch sử, ta có thể nói rằng, bức chân dung lý tưởng của linh mục là người mục tử nhân hậu, đồng hành với Hội Thánh trên đường lữ thứ. Bộ mặt của người mục tử có thể được phát biểu dưới những khía cạnh khác nhau, do ảnh hưởng của thời đại và nơi chốn. Dù vậy ta có thể tạm phác họa bức chân dung của linh mục thánh thiện theo những nét mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mô tả trong Tông huấn “Pastores dabo vobis” (số 33): “Thánh thiện có nghĩa là thân mật với Chúa, là bắt chước Đức Kitô khó nghèo, khiết tịnh, khiêm nhường, là yêu mến các linh hồn không bờ bến, hiến thân mình cho họ; là yêu mến Giáo Hội Thánh và muốn ta nên thánh”.

(Nguồn: “Historia de la espiritualidad sacerdotal”, Aldecoa Burgos (Teologia del Sacerdocio 19).

Tác giả: Juan Esquerda Bifet

Chuyển ý: Phan Cường, OP.
(catechesis.net)

Exit mobile version