Ban đầu sợi dây dùng để đếm kinh được gọi là ”paternoster”, cả khi nó được dùng để đếm kinh Ave Maria. Việc dùng dây ”paternoster” đã thông dụng giữa các tu sĩ dòng Đa Minh ngay từ thế kỷ XIII. Tu nghị tỉnh dòng Roma năm 1261 cấm các tu sĩ cộng tác viên đeo dây ”paternoster” bằng hổ phách hay bằng đá qúy. Như vậy ngay từ hồi đó các tu sĩ Đa Minh đã đeo tràng hạt hay dây đếm kinh ”paternoster”. Cả thánh nữ Agnese thành Montepulciano cũng đã có tràng hạt làm bằng một sợi dây có xâu các hạt.
Thánh nữ Catarina thành Siena cũng dùng một tràng hạt là một sợi dây có các nút thắt. Ngoài ra thói quen đọc thánh vịnh Đức Mẹ, tức 150 kinh Kính Mừng chia thành ba chuỗi hoa hồng đã rất thịnh hành giữa các tu sĩ Đa Minh ngay hồi tiền bán thế kỷ XIII. Các tu sĩ như Bartolomeo thành Trento qua đời năm 1251 và Tommaso thành Cantimpré qua đời năm 1260, đã nói tới thói quen này.
Kết luận, vào thời thánh Đa Minh và cả trước đó nữa, Kitô hữu đã có thói quen đeo dây đếm kinh. Ngoài ra việc dùng tràng hạt 50 kinh Ave Maria hay thánh vịnh 150 kinh Ave Maria đã được biết đến hồi thế kỷ XIII. Tu sĩ Alain de la Roche dòng Đa Minh đã tái đề nghị việc suy niệm các mầu nhiệm chia làm ba phần liên quan tới việc nhập thể, cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô, sự sống lại và vinh quang của Người và của Đức Maria. Thêm vào đó năm 1470 tu sĩ đã thành lập Huynh đoàn thánh vịnh Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc, và xác định các thành viên có bổn phận phải lần hạt mỗi ngày. Từ Đức các huynh đoàn được thành lập sau đó trong toàn Âu châu. Từ từ chuỗi Mân Côi Đa Minh cũng phát triển và biến đổi cơ cấu chuỗi của các đan sĩ Certosino dựa trên phương pháp của tu sĩ Enrico Kalkar.
Vào năm 1521 tràng hạt Mân Côi được đơn giản hóa hơn nữa, khi tu sĩ Alberto da Castello dòng Đa Minh giảm lược các mầu nhiệm, bằng cách chọn 15 mầu nhiệm chính, mỗi mầu nhiệm gồm 1 kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng và 1 kinh Sáng Danh, và bỏ mọi quy chiếu về cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Xác tín về thị kiến của thánh Đa Minh, các Giáo Hoàng ban các ân xá khác nhau cho việc lần hạt Mân Côi, khiến cho kiểu lần hạt của các tu sĩ Đa Minh chiếm ưu thế. Kiểu lần hạt của các đan sĩ Certosino từ đó ít được phổ biến hơn, nhưng đã không bao giờ biến mất. Ngoài ra, trong vài vùng bên Đức và Thụy Sĩ việc suy niệm sau tên Giêsu như kiểu của đan sĩ Domenico người Phổ cũng được du nhập vào kiểu lần hạt của các tu sĩ Đa Minh.
Các hình thức do hai tu sĩ Alain de la Roche và Alberto da Castello đề nghị sau cùng đã thắng thế và áp đặt trên các hình thức khác. Nhiều huynh đoàn thánh mẫu sống rải rác đó đây trong toàn lục địa Âu châu đã lấy lại hình thái lòng sùng kính được cải cách này và phổ biến nó rộng rãi tại những nơi họ sinh sống. Các tài liệu giáo hoàng đầu tiên về Tràng hạt Mân Côi liên quan trước hết tới việc ca ngợi thói quen đạo đức này, cũng như việc ban các đặc ân và các ân xá cho các huynh đoàn thánh mẫu này.
Các tài liệu giáo hoàng đầu tiên về Kinh Mân Côi liên quan tới các đặc ân và các ân xá khác nhau do Đức Giáo Hoàng Sisto IV ban cho các huynh đoàn thánh mẫu, được từ từ sát nhập vào dòng Đaminh. Do lời xin của cha bề trên tổng quyền Bartolomeo Comazi, Đức Giáo Hoàng Innnocenzo VIII đã ban ơn toàn xá một lần khi còn sống và khi đã chết cho tất cả mọi thành viên ghi danh vào các huynh đoàn Mân Côi. Tự sắc được ban hành ngày 15 tháng Mười năm 1484 được ghi lại trong các tài liệu của tổng tu nghị năm 1484.
Đây là lần đầu tiên một tổng tu nghị nhắc tới ”thánh vịnh của Đức Trinh Nữ diễm phúc” và ”hội hay huynh đoàn mân côi”. Rồi qua lời xin của cha Tổng quyền Gioacchino Turriani, Đức Giáo Hoàng Alessandro VI tái xác nhận các đặc ân và các ân xá đã được ban cho các huynh đoàn mân côi, và ban thêm các đặc ân vá ân xá khác.
Sau tự sắc của Đức Giáo Hoàng Sisto IV các Giáo Hoàng công khai thừa nhận mối dây nối kết chặt chẽ giữa phong trào mân côi và dòng Đa Minh. Các vị giao cho Bề trên tổng quyền dòng các anh em thuyết giảng nhiệm vụ hướng dẫn phong trào. Vì thế các Giáo Hoàng ban phép cho Bề trên tổng quyền dòng Đa Minh và các vị đặc sứ của người quyền thành lập các huynh đoàn mân côi mới.
Các huynh đoàn mân côi được thành lập mà không có phép của bề trên tổng quyền dòng Đa Minh, thì không được Tòa Thánh thừa nhận. Các Giáo Hoàng cũng cho phép các tu sĩ Đa Minh ”quyền rao giảng thánh vịnh của Đức Trinh Nữ diễm phúc hay kinh mân côi tại bất cứ nơi đâu”, nghĩa là không bị giới hạn bới các khoản của giáo luật thời đó. Ngoài ra các huynh đoàn mân côi phải được thành lập trong các nhà thờ của các tu sĩ dòng Đa Minh. Chỉ trong các thành phố không có một tu viện Đa Minh, thì mới có thể thành lập huynh đoàn trong một nhà thờ không đo các tu sĩ Đa Minh trông coi. Tuy nhiên, trong trường hơp này, phải nói rõ ràng trong sắc lệnh thành lập là sau đó khi các tu sĩ Đa Minh xây một tu viện trong thành phố, thì huynh đoàn sẽ được chuyển qua nhà thờ do các tu sĩ trông coi.
Ngày 29 tháng Sáu năm 1569 Đức Giáo Hoàng Pio V, thuộc dòng Đa Minh, xác nhận quyền của Bề trên tổng quyển hay các vị do bề trên đặc cử được phép thành lập các huynh đoàn mân côi. Tiếp đến ngày 17 tháng Chín cùng năm 1569 Đức Giáo Hoàng Pio V công bố tự sắc “Consueverunt romani Pontifices” thánh hiến một hình thức lần hạt Mân Côi đã đạt thời điểm vàng son trong sự tiến triển của nó: trong nòng cốt đó là hình thức lần hạt mà các Kitô hữu thực hành cho tới ngày nay.
Tự sắc của Đức Pio V là ”hiến chương” của Kinh Mân Côi. Đức Giáo Hoàng Pio V miêu tả nguồn gốc, tên gọi, các yếu tố nòng cốt, các hiệu qủa, mục đích và phương thế phổ biến Kinh Mân Côi. Tài liệu chứa đựng định nghĩa cổ điển của Kinh Mân Côi như sau: ”Chuỗi Mân Côi hay thánh vinh của Đức Trinh Nữ Maria rất diễm phúc là một kiểu cầu nguyện rất đạo đức và là lời cầu dâng lên Thiên Chúa, một kiểu dễ dàng trong tầm tay của tất cả mọi người, bao gồm việc ca ngợi chính Đức Trinh Nữ rất diễm phúc bằng cách lập lại lời chào của sứ thần 50 lần, giống như 50 thánh vịnh của vua Đavít, trước mỗi chục có lời kinh Lậy Cha của Chúa, với các suy niệm xác định minh giải toàn cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.
Trong tài liệu này lần đầu tiên Đức Giáo Hoàng tuyên bố rắng để hưởng các ân xá của Kinh Mân Côi cần phải suy niệm các mầu nhiệm. Lời tuyên bố chính thức này góp phần phổ biến thói quen đã có là xen kẽ việc suy niệm các mầu nhiệm vào các lời kinh khi lần hạt.
Năm 1572 Đức Pio V công bố Tự sắc ”Salvatoris Domini” thành lập lễ Đức Bà Chiến Thắng, vì xác tín rằng chính nhờ Đức Mẹ Mân Côi phù giúp mà liên minh Kitô đã chiến thắng quân hồi của đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ trong trận chiến tại vịnh Lepanto ngày mùng 7 tháng 10 năm 1571.
Vào thế kỷ XVI đế quốc Hồi Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ rất hùng mạnh. Người Hồi tìm cách xâm lăng Âu châu. Các đạo binh Hồi đánh đâu thắng đó và họ muốn trực chỉ Roma. Tình hình nghiêm trọng này khiến cho Đức Giáo Hoàng Pio V rất âu lo. Người thành công trong việc quy tụ một lực lượng gồm các chiến thuyền các nước Âu châu dưới cờ Thánh Giá. Song song Đức Pio V kêu gọi mọi tín hữu sốt sắng lần hạt Mân Côi, tham dự các cuộc rước kiệu công khai và hãm mình đền tội, khẩn nài sự trợ giúp của Mẹ Maria.
Trận đánh đã diễn ra khốc liệt tại vịnh Lepanto ngày mùng 7 tháng 10 năm 1571 và liên minh Kitô đã chiến thắng quân hồi của đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ, tránh cho Âu châu khỏi bị quân Hồi xâm lăng.
Khi chưa nhận được tin chiến thắng Lepanto, thì tại Roma Đức Giáo Hoàng Pio V đã cho đánh chuông mọi nhà thờ và tuyên bố là liên minh Kitô đã chiến thắng nhờ sự bầu cử của Đức Bà Mân Côi. Đức Pio V thêm vào kinh cầu Đức Bà tước hiệu ”Auxilium Christianorum Đức Bà phù hộ các Kitô hữu” và công bố sắc lệnh thành lập lễ nhớ Đức Bà Chiến Thắng ngày mùng 7 tháng 10.
Năm sau đó 1572 Đức Giáo Hoàng Gregorio XIII ký tự đắc ”Monet Apostolus” thành lập lễ trọng kính Đức Bà Mân Côi, đưa vào lịch phụng vụ và chỉ định mừng ngày mùng 7 tháng 10.
(Thánh Mẫu Học bài 347)
Linh Tiến Khải
>> Lịch sử Kinh Mân Côi (1)
>> Lịch sử Kinh Mân Côi (2)