Lịch sử Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài gòn

DCV SAIGON - Lịch sử Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài gòn

Đức cha Cotolendi Đại diện Tông tòa cho Giáo hội Trung Hoa. Đức cha Pallu Đại diện Tông tòa cho Giáo hội Đàng Ngoài. Đức cha Lambert Đại diện Tông tòa cho Giáo hội Đàng Trong. Ngài đã giao cho các vị Huấn Dụ năm 1659, tóm tắt về ba điểm sau:

1- Huấn luyện ơn gọi cẩn thận theo khả năng và hoàn cảnh cho phép để thiết lập hàng giáo sĩ người bản xứ thánh đức, đông đảo.
2- Hòa mình vào các phong tục tập quán của đất nước bản địa. Tránh dính líu đến những vụ việc chính trị.
3- Không quyết định bất cứ điều gì quan trọng trước khi tham vấn ý kiến của Tòa Thánh.


Trong tinh thần vâng phục, hy sinh, kiên trì bám sát mục tiêu của người chiến sĩ Phúc Âm, các vị Thừa sai nêu cao gương tuân giữ Lời Chúa dạy trong Thánh Kinh qua Huấn dụ của Đức Giáo Hoàng. Dù phải tù đầy, hao mòn thân xác hoặc phải hiến cả mạng sống, các ngài cũng không tiếc, như lời Thánh Phaolô: “Giờ đây tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Ngài là Hội Thánh” (Cl 1, 24-29). Tín hữu, lương dân và quan quân đương thời không khỏi ngạc nhiên, ngỡ ngàng và cảm động trước lòng nhân ái, nhiệt huyết của những con người xa lạ, từ đâu không biết. Không là đồng bào, không cùng dòng máu chủng tộc, da vàng mũi tẹt. Những con người học vị cao chưa từng có ở xứ An Nam. Những nhà bác học làu thông những nền văn minh kim cổ. Các ngài lại cùng ăn, cùng ở, cùng học, cùng làm, cùng sống chung với thứ dân hạ cấp, quê mùa, mù chữ, bán khai… Động lực nào? Mục đích nào? Không ai biết! Dân Việt chỉ biết các ngài xả thân không vì danh, không vì lợi…

Gần hai thế kỷ sau, vào đầu thế kỷ XIX, một tờ báo tại Paris đã vẫn tiếp tục đăng quảng cáo tuyển người đi truyền giáo hải ngoại như sau: “Chúng tôi sẽ cống hiến cho các bạn không lương bổng, không bảo hiểm, không người chỉ dẫn, không chế độ hưu trí… mà phải làm rất nhiều công việc nặng nhọc, chỗ ở tồi tàn, rất ít an ủi, rất nhiều thất vọng, đau ốm thường xuyên, một cái chết đau đớn trong cô đơn và một nấm mồ vô danh”. (Saint of the day, January 23, 2005, http://www.americancatholic.org)

Đúng là chỉ có những kẻ điên mới từ giã nếp sống tiện nghi, an nhàn để chuốc vào thân những bất trắc khủng khiếp, cô đơn nghiệt ngả, thiếu thốn mọi bề. Hoặc đó là những vị anh hùng khác thường có trái tim nồng say tình mến Chúa và đồng loại, dám sống, dám chết cho lý tưởng cao vời. Họ nối gót theo vị Tông Đồ Dân Ngoại thành người điên, kẻ dại vì Đức Kitô. Tình yêu có những lý lẽ riêng của nó! ‘Thiên Chúa đã đặt chúng tôi làm Tông Đồ hạng chót như những kẻ bị án tử hình, bởi vì chúng tôi đã nên trò cười cho thế gian, cho thiên thần và loài người ! Chúng tôi điên dại vì Đức Kitô…’ (1 Cor 4, 9-10). Ngày nay, họa chăng chỉ có những người, vì lòng mến, đã dấn thân nơi các thí điểm truyền giáo thuộc thế giới thứ ba, hoặc đến với thổ dân da đỏ, da đen, da nâu… mới có thể đồng cảm với các vị Thừa Sai Dân Ngoại ngày ấy.

NHÀ CHUNG JUTHIA

Ngày 09-09-1659, Đức Giáo Hoàng Alexandre VII thành lập địa phận Đàng Ngoài gồm khu vực Chúa Trịnh và vương quốc Lào ủy thác cho Đức cha Francois Pallu. Địa phận Đàng Trong gồm khu vực Chúa Nguyễn và xứ Cao Miên giao cho Đức cha Lambert De Lamotte.


Đức cha Pierre Lambert de la Motte

Đức cha Pierre Lambert de la Motte
Sinh ngày 16-01-1624 tại Lisieux, Pháp quốc.
Năm 1646 làm thẩm phán tòa án Rouen.
27-12-1655: Thụ phong linh mục tại Coutances.
11-6-1660: Tấn phong Giám mục tại Paris đặc trách địa phận Đàng Trong.
22-8-1662: Tới Juthia, thủ đô Thái Lan.
Từ 1669-1676: Đi kinh lược Đàng Ngoài một lần Đàng Trong hai lần.
15-4-1679: Lâm bệnh và qua đời tại Thái Lan.
1625: Tháng 12, Sãi Vương (Nguyễn Phúc Nguyên) ra sắc chỉ cấm người Việt Nam Công giáo không được mang trên mình hoặc treo trong nhà thánh giá và các ảnh tượng.
1628: Ngày 18 tháng 6, Trịnh Tráng ra lệnh cấm người Việt Nam không được tiếp xúc với các Tây dương Đạo trưởng.

Đức cha Lambert dấn thân đến với giáo dân Việt Nam vào thời Chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) cấm đạo, trục xuất các Đạo trưởng gay gắt nhất. Không thể định cư tại Đàng Trong, Đức cha Lambert đành phải đặt trụ sở Giám mục tại Juthia, kinh đô Thái Lan. Ngài là vị Giám mục Đại diện Tông tòa đầu tiên không thường trú tại Việt Nam. Từ Juthia, ngài đi kinh lược ba chuyến tại Việt Nam, lần I tại Đàng Ngoài 1669-1670, hai lần đến Đàng Trong: lần I từ 1671-1672, lần 2 từ 1675-1676.

Nhằm gầy dựng những lớp giáo sĩ bản xứ kế thừa sứ vụ truyền giáo tại vùng Viễn Đông xa xôi này như Huấn Dụ năm 1659, Đức cha Lambert De La Motte đã cầu nguyện và ra sức vận động với quốc vương Thái Lan về việc thành lập một Chủng viện. Năm 1665, Đức cha đã lập được một Trường Chung tại Juthia, có thể thu nhận 100 chủng sinh thuộc các nước trong miền Đông Á. Các thánh linh mục tử đạo miền Nam đều xuất thân từ đây.

Tháng 3-1668, tại Thái Lan, Đức cha Lambert phong chức hai linh mục Việt Nam đầu tiên của Đàng Trong: Joseph Trang và Luca Bền. Tháng 6, cũng tại Thái Lan, ngài đã phong chức cho hai linh mục Việt Nam đầu tiên của Đàng Ngoài được phong chức là cha Benedito Hiển và cha Gioan Huệ.

Năm 1669 ĐTC giao cho Đức cha Lambert quản nhiệm thêm vương quốc Thái Lan. Tháng 5-1676: Trong chuyến công tác mục vụ tại Đàng Trong vì không quen khí hậu khắc nghiệt miền nhiệt đới, lại thêm chay tịnh quá mức Đức cha đuối sức và ngả bệnh. Về tới Thái Lan sức khỏe yếu dần, ngày 15.4.1679 ngài an nghỉ trong Chúa, vừa tròn 55 tuổi.

Một Giám mục trẻ, ngoài ba mươi tuổi, đã quyết tâm ăn chay trường đến mãn đời, trừ ngày Chúa nhật và Bát Nhật Phục sinh. Mỗi ngày nguyện ngắm ba giờ đồng hồ. Đánh tội hãm xác hằng đêm… Ngài thấu hiểu trọng trách của vị thừa sai là chiến đấu với ác thần để mang các linh hồn về cho Chúa. ‘Giống quỉ này không chịu ra, nếu người ta không ăn chay cầu nguyện’ (Mt 17, 21). Giáo hội Việt Nam đang ra sức vận động xin thành lập mở án Chân phước cho ngài, quả là điều hợp tình hợp lý.

Trước lúc qua đời, ngài đã ân cần để lại di chúc sáu điều. Điểm bốn dưới đây, ngài đã di chúc lại cho công trình Chủng viện tông tòa Đàng Trong. Qua đó, chúng ta thấy công tác đào tạo linh mục bản xứ mãi mãi nằm trong quả tim nhân ái của ngài Giám mục Thừa sai thánh đức.

Điều Bốn.- Tôi để lại cho Chủng Viện đã được thiết lập nhằm lo việc hoán cải dân ngoại tại Paris, nơi khu phố Saint-Germain của Paris, tất cả mọi tài sản thuộc về tôi lúc tôi từ trần, thuộc bất kỳ loại nào, từ tiền cho thuê nông trại, của cải thừa kế, các lợi tức thường niên và bổng lộc của chức vụ, các khoản thu nhập, các công trái, v.v., nói chung, tất cả những gì tính được là tài sản để lập nên một ngân quỹ dùng vào việc thiết lập và duy trì chủng viện của giáo phận tông tòa Đàng Trong và việc chăm sóc các kẻ ngoại đang học đạo, các tín hữu và các chủng sinh được nuôi dạy trong chủng viện ấy. Vì việc này, tất cả ngân quỹ trên sẽ được sử dụng ngay sau khi việc trao chuyển tiền bạc được thực hiện tại kinh thành Xiêm La để tạo lợi tức cho mục đích ấy.

Sau khi Đức cha Lambert qua đời, sự nghiệp Chủng viện chung cho miền Đông Á tại Juthia vẫn đứng vững tròn một thế kỷ. Đó là một điều lạ trong một vương quốc mà người Công giáo chưa đến một phần ngàn. Điều đó cho thấy sức mạnh của ơn Chúa, qua lời cầu bầu của Đức cha Lambert trên Thiên quốc. Mãi đến năm 1765, khi quân Miến Điện xâm lấn Thái Lan, Nhà chung Juthia phải đành tàn lụi trong khói lửa chiến tranh.

Nhà trường chung dời về Chantabun thuộc Cao Miên. Các vị Thừa sai rất muốn đưa Chủng viện về định cư tại Nam Kỳ, nơi chứa một kho ơn gọi Thiên triệu dồi dào. Nhưng không thể, vì từ năm 1690 Chúa Nguyễn Phúc Trăn (1678-1690) đến các đời Chúa Nguyễn sau: Nguyễn Phúc Tru (1671-1725), Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) ra sắc chỉ cấm đạo tàn khốc đến cuối thế kỷ XVIII.

Năm 1723: Hai linh mục Dòng Tên người Italia Messari và Buccharelli bị bắt: Messari chết trong tù (23.6.1723) và Buccharelli bị chém đầu (11.10.1723). Đây là hai linh mục người nước ngoài đầu tiên bị hành quyết ở Việt Nam.

CHỦNG VIỆN LƯU ĐỘNG

Chủng viện tại Hòn Đất, Hà Tiên.

Xét thấy số tín hữu tại Việt Nam đông nhất khu vực, người Việt hiếu khách, đạo đức, lại thêm tư chất thông minh, học một biết mười, nên năm 1765 Đức cha Piguel (1764-1774) chuyển Nhà chung từ xứ Cao Miên về Hòn Đất, cách thị xã Hà Tiên khoảng một giờ thuyền. Đức cha Piguel đặt cha Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) làm Bề trên. Quan quân Việt Nam nghi cha từ Thái Lan đến Việt Nam có thông đồng với vua Thái Lan nên họ đã bắt giam cha Pingneau. Sau ba tháng giam cầm điều tra xét hỏi, kết quả không có chứng cứ buộc tội gián điệp, họ đành thả cha về với nhà trường Hòn Đất.

Chủng viện tại Pondichery, Ấn Độ

Về sau, thời Chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777), trộm cướp thường đến phá phách cơ sở, sát hại nhân sự, cha giám đốc Bá Đa Lộc đành di chuyển trường về Mallaca, rồi lại chuyển sang Pondichery, Ấn Độ vào năm 1769. Năm 1771, Nguyễn Nhạc khởi nghiệp. Đại Chủng viện chung Pondichery lúc ấy có 39 chủng sinh gồm 12 người Trung Quốc, 16 người Đàng Trong, 5 người Đàng Ngoài, 4 người Thái Lan, 1 người Cao Miên và 1 người Mã Lai. Các chủng sinh được chia thành 4 ban: ban thứ nhất là ban thần học và 3 ban còn lại học tiếng La-tinh, văn chương và tôn giáo.

Chủng viện tại Cần Cao, Hà Tiên.

Năm 1776, khi lên nhậm chức giám mục, Đức cha Bá Đa Lộc chuyển chủng viện về Cần Cao, Hà Tiên. Nhưng cũng như ở Hòn Đất, Cần Cao cũng không tránh khỏi nạn cướp bóc vì khu vực Hà Tiên sát biên giới Cao Miên. Thời buổi đói khổ do hậu quả chiến tranh khốc liệt giữa nhà Tây Sơn và Chúa Nguyễn Phúc Thuần, vua quan không thể kiểm soát được những vùng đệm biên giới giữa hai nước. Năm 1778, cướp từ Cao Miên tràn qua biên giới đốt nhà trường Hà Tiên, giết bảy bà phước và bốn chủng sinh.

Chủng viện về Tân Triều, Đồng Nai.

Ba năm sau, Chúa Nguyễn Ánh chiếm lại được Biên Hòa, Đức cha Bá Đa Lộc liền di chuyển Chủng viện về Tân Triều (Đồng Nai), cứ điểm chiến lược của Nguyễn Ánh.

Nhưng tháng 3-1782 nhà Tây Sơn (1778-1802) quật khởi chiếm lại Đồng Nai. Trường Chung lại di tản qua Nam Vang. Vua Thái Đức Nguyễn Nhạc lúc đó rất có thế lực, đưa thư đòi vua Miên phải bắt nạp những Việt Kiều lưu trú tại Cao Miên, Đức cha và các chủng sinh phải trốn vào rừng Lào nương thân gần 04 tháng. Cho đến tháng 7-1782, Đức cha Bá Đa Lộc và Trường chung mới lục tục theo chân quân Nguyễn Ánh kéo về miền Nam, hy vọng vào lời hứa bảo trợ của Chúa Nguyễn lưu vong này.

Vua Gia Long (1762-1820)
Tên húy: Nguyễn Phúc Ánh.
Giai đoạn trị vì: 1802-1820.
Ông có 31 người con: 13 trai, 18 gái.

Nhưng chưa yên bề được bao lâu, tháng 3-1783, Nguyễn Huệ chiếm lại Sài Gòn. Đất Miên thì nguy hiểm từ người, đất Lào thì hiểm nguy từ thiên nhiên, rừng thiêng nước độc, không biết phải nương thân nơi nào, Đức cha và các chủng sinh đành lênh đênh ngoài biển khơi, khi ghé đảo này, núp đảo khác.

Nội lực yếu kém, bị nhà Tây Sơn truy sát liên tục, Nguyễn Ánh cho thuộc hạ sang cầu cứu đồng minh láng giềng Thái Lan. Sau chiến thắng vang dội đại quân Thái Lan tại Rạch Gầm – Xoài Mút, trong cửa biển Cần Giờ, Gia Định ngày 20-01-1785 của Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh quay sang cầu viện Pháp quốc qua trung gian của Đức cha Bá Đa Lộc. Cùng năm 1785, Đức cha mang hoàng tử Cảnh vừa mới 05 tuổi sang Pháp nhờ hỗ trợ vũ khí chống lại nhà Tây Sơn. Tháng 6-1789, bốn năm sau, Đức cha mới về đến Gia Định thành mang theo nhiều vũ khí tối tân thượng hạng của Âu Châu, mở một trang sử mới cho quân lực Nguyễn Ánh.

Năm 1785, khi Đức cha Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện, vua Nguyễn Nhạc ra chỉ cấm đạo. Từ năm đó cho đến cuối triều đại, vào năm 1802, nhà Tây Sơn quyết tâm tận diệt đạo Giatô vì cho tín hữu Công giáo là tay chân, thuộc hạ của Nguyễn Ánh.

Năm 1798, vua Cảnh Thịnh gắt gao ra sắc chỉ bách hại Giatô giáo trên toàn quốc. Giáo hữu vùng Quảng Trị rút vào rừng La Vang để tị nạn. “Trong lúc lánh nạn tại đây, ban đêm họ họp nhau cầu nguyện và lần chuỗi. Bỗng nhiên họ thấy một bà đẹp đẽ mặc áo choàng hiện ra gần gốc cây đa, họ nhận biết ngay là Đức Mẹ vì có bồng Chúa Hài Đồng. Đức Mẹ ngỏ lời an ủi và dạy bẻ lá quanh đó nấu uống sẽ được lành bệnh. Đức Mẹ còn hứa từ này về sau ai đến cầu nguyện tại chốn này sẽ được Đức Mẹ ban ơn phù trợ”.


Tượng đồng Bá Đa Lộc và Hoàng Tử Cảnh
tại Saigon (không còn nữa). Hình Nguyễn Tấn Lộc

Đức cha Bá Đa Lộc lâm bịnh nặng trong khi hộ tống Nguyễn Phúc Ánh đánh chiếm Quy Nhơn, tổng hành dinh của nhà Nguyễn Tây Sơn. Sau hai tháng lâm bệnh, ông mất ngày 9 tháng mười 1799 tại cửa Thị Nại – Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, thọ 58 tuổi. Nhiều người tự hỏi nếu không có cặp bài trùng Bá Đa Lộc-Nguyễn Phúc Ánh thì lịch sử Việt Nam đã xoay dần nơi nao? “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mc 12,17).

Tính từ thời điểm 1765, Đức cha Piguel chuyển nhà chung về Hòn Đất cho đến khi Đức cha Bá Đa Lộc qua đời, chủng viện không có chỗ định cư gần nửa thế kỷ! Đức cha Bá Đa Lộc qua đời, giới Công giáo không còn hy vọng vào một sự bảo trợ của triều đại nhà Nguyễn Ánh nữa.

Chủng viện tại Lái Thiêu

Qua đến thời Đức cha Labartette, giáo phận Trung và Nam Việt có 60.000 giáo dân nhưng chỉ có 15 linh mục Việt Nam, năm linh mục thừa sai. Cuối thời Gia Long, vì nhu cầu cấp thiết, Đức cha Labartette liều lập một cơ sở Chủng viện tại Lái Thiêu, sát cạnh Sài Gòn.

Vua Minh Mạng lên ngôi được 05 năm thì hạ dụ cấm đạo, nhưng may nhờ có Tả quân Lê Văn Duyệt ra tận Huế cương quyết can ngăn, nhà vua đành tạm ngưng. Tháng 8-1832 Tả quân từ trần. Ngày 06- 01-1833, nhà vua liền ra sắc chỉ cấm đạo triệt để toàn quốc, Trường chung Lái Thiêu lúc đó có 28 chủng sinh phải tan đàn xẻ nghé. Chỉ trong tháng đó, địa phận Đàng Trong có 300 nhà thờ bị triệt hạ, 18 nữ tu viện bị giải tán.

Vua Minh Mạng (1791-1840).
Tên húy: Nguyễn Phúc Đảm,
Giai đoạn trị vì (1820- 1840)
Ông là em của Hoàng tử Cảnh,
Nhiều đại thần phản đối khi vua Gia Long
lập ông kế vị, trong số đó có
Tả quân Lê Văn Duyệt tại Gia Định thành.


Đức Tả quân Lê Văn Duyệt

Theo lời trăn trối của vị tiền nhiệm, đồng thời cũng để thi hành Huấn Dụ năm 1659, Đức cha Guénot kế vị cố gắng tái lập Chủng viện chung tại Lái Thiêu nhưng cũng không bền vì lệnh cấm cách quá khắt khe.

Chủng viện tại Penang, Mã Lai.

Năm 1841, Đức cha Guénot triệu tập Hội đồng Gò Thị, gồm các giám mục vùng Đông Á, để cùng nhất trí một phương hướng chung về công cuộc đào tạo linh mục bản xứ: Từ rày mỗi linh mục nuôi năm bảy chú, để chăm sóc, xem xét, uốn nắn tính tình và dạy La ngữ. Khi có dịp thì gửi các chú sang chủng viện Penang, Mã Lai, thành lập năm 1807, thuộc quyền hội Thừa Sai Paris (MEP). Các chú học tại đó khoảng 7, 8 năm rồi sẽ trở về tập sự mục vụ ít lâu tùy hoàn cảnh. Độ 35, 40 tuổi các thầy sẽ chịu chức linh mục.

Dầu chủng viện phải lưu động, bôn ba đây đó, các đấng Thừa sai vẫn một mực kiên định trung thành với sứ mạng đào tạo “thợ gặt” cho Nước Trời. Không gian lao nguy hiểm nào, kể cả cái chết cũng không làm nhụt quyết tâm của các ngài. Phải kết luận rằng các vị đã tín thác, trông cậy, vững lòng ngay cả trong cơn hấp hối. “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt quá ít, Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2).

ĐẠI CHỦNG VIỆN SÀI GÒN HÌNH THÀNH


Đức cha LEFÈBVRE

Địa phận Đàng Trong lúc đó (trước năm 1844) gồm nửa nước Việt, từ sông Gianh trở vào miền Nam, thêm cả xứ Cao Miên và Thái Lan. Giáo hữu còn ít, Địa phận lại rộng lớn, bao la, … đường sá thời đó chưa có, phương tiện đi lại chỉ là ghe thuyền ở miền xuôi, miền sông nước hoặc xe ngựa ở miền cao, chưa kể đến bao hiểm nguy do người và thiên nhiên chực chờ bủa vây dầy đặc tứ phía. Một giám mục trong hoàn cảnh đó không thể chu toàn trách nhiệm cho một nhiệm sở quá rộng lớn như vậy.

Đức Grêgôriô XIV, nguyên là Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo, ngài rất am hiểu tình hình khó khăn và đáng thương của các xứ truyền giáo, nên sau khi đắc cử Giáo hoàng, ngài lập địa phận TÂY ĐÀNG TRONG (sau này gọi là địa phận Sài Gòn) bao gồm các tỉnh: Bình Thuận, Di Linh, Lục tỉnh Nam Kỳ: Đồng Nai (Biên Hòa), Gia Định, Định Tường (Mỹ Tho), Long Hồ (Vĩnh Long), An Giang (Châu Đốc) và Hà Tiên; kiêm cả Cao Miên. Địa phận được trao phó cho Giám mục Domonique Lefèbvre (1844-1864) lãnh đạo. Đức cha lưu trú ở Cái Nhum thay thế Đức cha Alexandre.

Vào năm đó, Địa phận Sài Gòn được 23.000 giáo dân, ba cha Thừa sai Pháp và 16 linh mục bản xứ, giữa một tình trạng thật bi đát: đói khổ, giặc giã. Tín hữu bị cấm cách triệt để phải lẩn trốn khắp nơi, các cơ sở tôn giáo gần như bị triệt hạ hoàn toàn.

Đức cha Dominique Lefèbvre, Giám mục tiên khởi Địa phận Sài Gòn, quê ở Bayeux, Pháp quốc, sau khi chịu chức phó tế, ngài gia nhập hội Thừa Sai Paris. Tháng 09-1833, ngài thụ phong linh mục và ngày 15-03-1835 xuống tàu sang Nam Việt, dù biết rõ đó là thời vua Minh Mạng bắt đạo rất gắt gao, triệt để, hàng trăm đồng liêu của ngài đã ra đi mà không bao giờ trở về cố quốc. Đúng như lời Chúa Giêsu đã báo trước: “Này Thầy sai anh em đi như con chiên đi giữa sói rừng” (Lc 10, 3).

Năm 1844, khi nhận gánh vác Địa phận Sàigòn, ngài còn đang ẩn trốn tại Cái Nhum. Các bạn đồng liêu vẫn gọi ngài là “ông thánh”, và thực sự ngài có lòng đạo đức, hoàn toàn tín thác vào Chúa. Ngày 31-10-1844, ngài bị bắt theo sắc chỉ cấm đạo của vua Thiệu Trị. Ngài bị giải ra tới kinh đô Huế, đi bộ mất 51 ngày đường, để lãnh án tử.

Vua Thiệu Trị: 1807-1847.
Tên húy: Nguyễn Phúc Tuyền,
Giai đoạn trị vì: 1841-1847.
Ông có 64 người con:
29 hoàng tử, 35 công chúa.

Trong vòng lao lý, ngài vẫn canh cánh bên lòng: “Một chủng viện, một chủng viện trường cửu cho Sài Gòn”. Ngài luôn nhớ tấm gương giáo hội Nhật Bản phải lâm vào cảnh tang thương vì không có linh mục bản xứ. Trong cơn cấm đạo, các Thừa sai bị trục xuất hoặc bị giết, không có linh mục bản xứ thì không có ai nâng đỡ tinh thần giáo hữu và không ai tiếp tục rao giảng, nuôi dưỡng Đạo Chúa, nên Giáo Hội các nơi đó phải sụp đổ. Quả thật, “Người làm thuê không phải là mục tử và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ đàn chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn” (Ga 10,12).

Ngài cũng đã nói: “Âu châu có thể cung cấp thừa sai. Các vị ấy có thể tử đạo để vun tưới cánh đồng truyền giáo. Tây phương có thể gieo vãi đức tin khắp nơi, nhưng nếu không lo đào tạo giáo sĩ bản quốc thì chỉ làm việc nửa chừng”.

Ngài bị giam cầm nửa năm. May nhờ có đô đốc Cecile thúc bách, triều đình trả tự do cho các vị Thừa sai. Tháng 4 năm 1845, nhà vua đồng ý trả tự do cho Đức cha kèm lệnh trục xuất khỏi nước Việt. Ngài đành phải lên tàu Pháp qua Singapore, lúc đó gọi là Phố Mới.

Một tháng sau, thuyền buôn của ông Lái Gẫm (thánh Lê Văn Gẫm) lén đưa ngài trở lại Việt Nam. Ngài vừa lên bờ đã bị quan quân vây bắt và lại giải ra Huế. Trong chuyến này chỉ có thánh Gẫm được phúc tử đạo, còn ngài lại bị ép lên tàu trở lại Phố Mới. “Tôi bị giằng co giữa hai đàng, ao ước của tôi là ra đi để được ở với đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần; nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em” (Pl 1, 23). Đức cha than phiền: “Uổng thay, gươm kề tận cổ mà lại trở về yên lành, thất vọng biết bao. Tôi thấy triều thiên tử đạo rất gần, nhưng tôi lại phải tự nhủ: triều thiên đó không dành cho tôi. Tuy nhiên, khi còn một giọt máu trong huyết quản trên giải đất tử đạo này thì vẫn còn hy vọng đôi chút.”

Mấy ai coi cái chết nhẹ tợ lông hồng? Thưa có, hàng trăm linh mục Thừa sai, linh mục Việt Nam và hàng trăm nghìn giáo dân, con cháu Lạc Hồng, đã hiên ngang như thế đó. “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8, 35).

Không đành lòng rời xa đàn chiên của mình để tìm kiếm sự an nhàn cho bản thân, ít lâu sau, Đức cha lén trở về Việt Nam. Lần này may mắn hơn, ngài không bị bắt, nhưng với án trục xuất trên vai, quan quân gặp ngài thì có quyền tiền trảm hậu tấu nên ngài không thể đi lại, xuất hiện như trước kia được. Tòa Giám mục của ngài là chiếc thuyền con chui rúc trong những con rạch vắng bóng người, đầy thú dữ. Đến tối, ngài mới lần mò trở về tìm đến nhà giáo dân để giải tội, dâng lễ, giảng dạy cho con dân Nước Trời, cho công dân nước Việt biết làm lành lánh dữ. Ngài vui mừng, gặp gỡ, chung sống với những kẻ thân thương ấy cho đến hừng sáng, rồi lại lên đường tiếp tục cách sống lẻ loi, phiêu bạt, chập chờn trôi nổi đó đây như kẻ tội đồ hại dân hại nước. “Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả dân ngoại được nghe biết Tin Mừng” (2 Tim 4, 17).

Chủng viện tạm tại Thị Nghè, Sài Gòn.

Trước tình hình khó khăn máu lửa như thế, năm 1850, ngài vẫn cố gắng lập một Chủng viện tạm tại Thị Nghè, nay là nhà dưỡng lão Thị Nghè (Phú Mỹ), do chính ngài coi sóc dạy dỗ. Lúc phải lẩn trốn để bảo tồn lực lượng thì tạm uỷ thác lại cho cha Triêm hoặc cho cha Lộc (thánh tử đạo Phaolô Lộc), người gốc giáo xứ An Nhơn, giáo hạt Xóm Mới ngày nay.

Chủng viện tạm tại Cù Lao Giêng, tại Cái Nhum.

Cùng năm ấy, ngài cũng lập một Nhà trường tạm tại Cù Lao Giêng, tục gọi là trường Đầu Nước. Ngài giao cho cha Borelle, Bề trên Địa phận, phụ trách. Thêm một Nhà trường tạm nữa, đặt tại Cái Nhum, Vĩnh Long, giao cho cha Pernot quản lý. Thực chất các Nhà trường này chỉ là nơi quy tụ khoảng 10 chú (tiểu chủng sinh). Các chú học La ngữ và những môn tối cần thiết khác nhằm chuẩn bị sang Đại Chủng viện tại Penang.

Năm 1855, vua Tự Đức hạ lệnh cấm đạo toàn quốc. Trước tình thế quá khó khăn này, ngài phải chạy sang Miên. Tuy nhiên khi nào có thể, dù án tử treo lơ lửng trên đầu, ngài cũng cố len lỏi về thăm con chiên tại miền Hậu Giang, Hà Tiên, cũng có lúc căng buồm lang thang ra tận hải đảo Phú Quốc mù khơi. Người bản xứ thấy hình như việc đào tạo linh mục bản xứ và công tác mục vụ chăm sóc giáo dân là lẽ sống của ngài. Nếu phải sống mà không chu toàn hai sứ mạng đó thì sống không bằng chết. “Bởi vậy tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cùng đạt ơn cứu độ trong Đức Kitô và được hưởng vinh quang muôn đời (2 Tim 2, 10).

Mãi đến năm 1859, Pháp chiếm đóng Lục tỉnh ngài mới có thể về lại Sài Gòn tiếp tục công tác mục vụ và đào tạo linh mục tương lai, một sứ vụ hằng canh cánh trong lòng của ngài.

Vua Tự Đức (1829-1883).
Tên húy: Nguyễn Phúc Thì,
Giai đoạn trị vì: 1847-1883, 36 năm.
Thời gian trị vì dài nhất triều Nguyễn. Ông không có con.
Từ cuối năm 1849 đến hết năm 1850,
cả nước bị dịch bệnh làm chết 589.460 người
(theo tài liệu của các vị thừa sai, ôn dịch đã giết một phần năm tổng số quốc dân).

Trước ngày mất Nam kỳ Lục tỉnh, trong khói lửa chiến tranh khốc liệt, quan quân nhà Nguyễn vẫn cố tìm thời giờ thẳng tay càn quét các cơ sở Công giáo. Do các thế lực thù địch gán cho đạo Chúa là nguyên nhân chiến tranh thuộc địa, Tây Dương Đạo trưởng là gián điệp của Pháp, giáo dân và linh mục bản xứ là tay sai của Tây … những người đương thời thường dễ hiểu lầm thiện ý tuyệt hảo của các vị Thừa sai và những giáo dân lương thiện. Trong thời kỳ cuối, trước lúc chính quyền thuộc về tay người Pháp, những cơn bắt đạo lại nổi dậy bất ngờ và mãnh liệt chưa từng có như để trả thù, như để trút cơn hận lên những con chiên vô can, vô tội.

“Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết” (Mt 10, 17).

Năm 1860, trong một bản báo cáo gửi về Rôma, Đức cha Lefèbvre đã viết: “Nội trong năm 1860 ở tại địa phận Sài Gòn có đến 300 người Công giáo mang gông xiềng… Có nhiều người Công giáo đã chạy vào khu vực do quân đội Pháp chiếm đóng. Nơi đây, họ được hưởng tự do vui sống, vì họ thoát được nanh vuốt của vua chúa tàn nhẫn. Bởi không làm gì được họ nên quan quân mới phao vu Công giáo theo địch, rồi tàn sát những người Công giáo còn sống dưới quyền của họ”.

Thực ra họ là những con dân trung với vua, hiếu với nước. Công đồng Juthia năm 1669, nơi chương 9 (b) có dạy các tín hữu: “Phải dâng những lời nguyện chung, những lời nguyện riêng, những kinh đọc, những lễ tạ ơn cho mọi thứ người, cho vua chúa và những kẻ cầm quyền…” Khi bị xiềng xích, biệt giam hay đối diện với đại đao của đao phủ nơi pháp trường, họ vẫn không oán hận bất kỳ ai: quân, quan hay vương đế, mà còn một mực vui lòng tha thứ cầu nguyện cho những người vô tình làm khổ mình do hiểu lầm đáng tiếc, như Đức Giêsu đã dạy: “Thầy bảo anh em: Hãy yêu mến kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (x. Mt 5, 43-48).

Đáng tiếc hơn nữa là cho đến ngày hôm nay, thuộc thế kỷ XXI, kỷ niệm 350 năm ngày thành lập hai Địa phận Tông tòa đầu tiên tại Việt Nam, kỷ niệm hơn 475 năm đất nước Âu Cơ đón nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu độ chúng sinh, vẫn còn không ít con dân nước Việt chưa đồng cảm với thiện ý của giới Công giáo, dù giáo dân Công giáo Việt Nam luôn đồng hành với dân tộc trong mọi biến cố thăng trầm của lịch sử.

12.6.1909: Mật thám Pháp bắt ba linh mục của giáo phận Vinh và sau đó đày đi Côn Đảo vì tội tham gia chống Pháp. Đó là linh mục Đậu Quang Lĩnh, Thư ký Tòa Giám mục. Linh mục Nguyễn Thần Đồng, Quản xứ nhà thờ Chính tòa Vinh. Linh mục Nguyễn Văn Tường, Quản lý Nhà Chung Xã Đoài. Hàng ngàn chiến sĩ Công giáo đã anh dũng hy sinh nằm xuống cho cuộc chiến chống thực dân. Nhiều linh mục và giáo dân Công giáo dưới vĩ tuyến 17 cũng đã tập kết ra Bắc sau hiệp định Genève năm 1954 để xả thân đóng góp xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Chưa kể tín hữu Công giáo cả nước cũng đã đóng góp tích cực về mọi mặt kinh tế, nghệ thuật, văn hóa, y tế, xã hội… tạo nên sự hưng thịnh của tổ quốc. Hơn thế nữa, những người lãnh đạm nhất đối với anh em Công giáo Việt Nam cũng phải công nhận sự đóng góp to lớn của thiên tài, của nhà tư tưởng lớn Alexandre De Rhodes đối với nền văn học nước nhà. Ngài đã Việt hóa mẫu tự La Tinh, khai sinh chữ quốc ngữ Việt Nam.


Linh mục Alexandre De Rhodes

Cha Đắc Lộ (Alexandre De Rhodes)
sinh ngày 15-3-1591 tai Avignon, Pháp quốc.
1618: Thụ phong linh mục, nhận bài sai đến Nhật Bản.
27-12-1624: Đến Hội An, Đàng Trong giảng đạo 18 tháng.
Từ 1640 đến 1645: Cha thường đến giúp chỉnh đốn, giảng dạy tại địa phận Đàng Trong.
03-7-1645: Bị trục xuất lần ba, cha rời bỏ Đàng Trong, vĩnh viễn rời bỏ Việt Nam.
05-11-1660: Cha từ trần tại Ispahan, Ba Tư.

Đầu năm 1625, ngài Rhodes có mặt tại Thành Chiêm (Thanh Chiêm, Kẻ Chăm) cách Hội An về phía Tây chừng 4km. Cha Alexandre, do lệnh trục xuất của chúa Nguyễn, phải rời bỏ Đàng Trong ngày 9-7-1645. Ngài tôn kính mang theo di tích thánh là sọ của thầy giảng Anrê Phú Yên tử đạo ngày 26-7-1644, mà chính cha chứng kiến tận mắt. Từ đó trở đi, không bao giờ cha Alexandre trở lại nước Đại Việt này nữa. Theo cha Chézaud, vị đại ân nhân của nền văn học Việt Nam qua đời khoảng 10 giờ đêm, ngày 5-11-1660 khi đang truyền giáo tại xứ Ba Tư.

Phiên âm chữ Latinh cho tiếng Việt là một kiệt tác độc nhất vô nhị trên thế giới. Từ nửa thế kỷ trở lại đây, nhiều học giả thuộc các nước trong khu vực như Nhật Bản, Trung Hoa, Hàn Quốc… ao ước chia sẻ phát kiến độc đáo của các vị Thừa sai dành cho Việt Nam, để áp dụng rộng rãi vào chữ viết bản xứ, nhằm hỗ trợ cho cạnh tranh kinh tế đối ngoại và cuộc chiến trên mạng toàn cầu… nhưng kết quả rất hạn chế. Chỉ có dân tộc Việt Nam hưởng trọn kiệt tác ấy. Tiếc cho công đức của ngài chưa được dân tộc Lạc Hồng ghi ơn và tôn vinh xứng tầm. Lại có không ít người lại muốn sửa đổi kiệt tác nghìn năm ấy, để quên đi công đức của ngài, bất kể những hổn loạn chữ nghĩa khôn lường cho dân tộc. Vị Thừa sai này là đỉnh cao trí tuệ nhân loại, hàng ngàn năm trước không có một ai bằng ngài và ngàn năm sau có lẽ không có ai như ngài.

Thiết tưởng cũng nên nghĩ đến những đóng góp to lớn của hai tín hữu Trương Vĩnh Ký và Nguyễn Trường Tộ… mà những ai hiểu biết chút ít về lịch sử cận đại Việt Nam đều biết đến hai vị này.


Petrus Trương Vĩnh Ký

Tháng 6-1863, Phái bộ Phan Thanh Giản lên đường sang Pháp điều đình việc chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam bộ đã nhượng cho Pháp theo Hòa ước Nhâm Tuất. Trong phái bộ có chủng sinh (sau này là linh mục) Phaolô Nguyễn Hoàng của Địa phận Nam Đàng Ngoài (Vinh) với tư cách là thông dịch viên của triều đình và Petrus Trương Vĩnh Ký cũng là thông dịch viên do Soái Pháp ở Sài Gòn cử đi theo giúp phái bộ. Ông là người có công trạng phổ biến chữ quốc ngữ cho toàn nước An Nam.

Tháng giêng năm 1859, quan quân bao vây làng Đầu Nước. Lúc đó có hai cha tại Nhà trường Cù Lao Giêng: cha Borelle và cha Quý (thánh Phêrô Đoàn Công Quý). Hai cha tranh nhau ở lại, cuối cùng Thánh Quý là người bản xứ được ở lại, vì cho rằng quan quân không thể biết ngài là linh mục. Khi quan đến tra hỏi, không dám nói dối, ngài hiên ngang xưng mình là Đạo trưởng, họ bắt giam ngài và vua Tự Đức xuống lệnh xử trảm ngày 31-07-1859 tại Châu Đốc.

Trường Cái Nhum, trường Thị Nghè dần dần cũng chung số phận ly tán. Ngày 3.7.1853: Thánh Philipphê Phan Văn Minh, cha giáo Chủng viện Cái Nhum, bị hành quyết tại Đình Khao, Vĩnh Long.

Ngày 21-12-1858: cha Phaolô Lộc, Giám đốc Nhà trường Thị Nghè bị bắt. Chưa đầy hai tháng sau, ngày 13-02-1859, ngài bị trảm quyết tại Trường Thi (hiện nay là góc đường Hai Bà Trưng và Xô Viết Nghệ Tỉnh).

“Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa. Ngày đó anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế” (Lc 6, 22-23).

Nếu nói được: “Máu tử đạo trổ sinh tín hữu”, thì cũng có thể nói: “Lao tù và máu tử đạo làm nền móng và trổ sinh Chủng viện Thánh Giuse Sàigòn”.

A – CHA WIBAUX, NHÀ XÂY DỰNG


Linh mục WIBAUX

Cha Théodore Louis Wibaux sinh tại Roubaix
ngày 20-03-1820. Theo truyền thống gia đình, ngài theo học trường luật. Nhưng khi vừa mãn trường luật, theo ơn Chúa gọi, ngài đã vào chủng viện để rồi năm 1846 cha thụ phong linh mục.

Ngày 24-11-1857, cha Wibaux gia nhập Hội Thừa sai Paris. Ngày 08-02-1858, xuống tàu sang Việt Nam, cho tới đầu tháng giêng 1860 cha mới đến được Sàigòn. Trước khi sang Việt Nam, cha có đến xứ Ars, mong được thỉnh ý cha Thánh Vianney. Thánh nhân liền bảo: “Cha hãy mau qua nơi đó, nhiều linh hồn đang chờ đợi cha”. Lời ấy quả thật linh ứng.

Cha đến đúng lúc Sàigòn đã ổn định trong tay người Pháp. Tuy nhiên, địa phận Sàigòn vẫn còn trong tình trạng hoang tàn, di chứng của chiến tranh thuộc địa vẫn còn hằn sâu dấu ấn trên vùng đất cuối hoang vu, kham khổ, an phận của quê hương này. Thánh ý Chúa đã sắp xếp gửi ngài đến lúc thời cơ thuận tiện để xây dựng ngôi nhà vật chất: Chủng viện Sàigòn. Qua cơ sở vật chất ấy, Hội Thánh quyết tâm xây dựng những tâm hồn linh mục nhiệt thành, thánh thiện, kiên định ra đi xây dựng Nước Trời trường cửu, bất kể muôn nghìn khổ nhọc, xương máu đang chào đón họ.

Linh mục sử gia Louver đã viết: “Đông phương đóng cửa không cho Tây phương xâm nhập, lại còn sát hại các sứ đồ rao giảng Phúc Âm. Lời người tông đồ không chọc thủng được thành lũy Đông phương, thì đại bác lại phá vỡ… Người Âu tưởng rằng nhờ vũ khí mà họ mở được thị trường mới. Nhưng Chúa Quan phòng có mục đích sâu xa hơn và hướng dẫn tham vọng người ta đến một cứu cánh mà họ không thể ngờ. Các dân tộc phải phối hợp nhau chuẩn bị một ngày mà Đức Kitô đã phán: Erit unum ovile et unus Pastor – Sẽ nên một ràn và một chủ chăn”

Khi cha Wibaux vừa đặt chân đến đất Sàigòn, ngay ngày hôm sau Đức cha Lefèbvre liền đưa cha đi ngắm nhìn địa thế để tìm nơi định cư lâu dài cho Đại Chủng viện Sàigòn. Như thế đủ hiểu ước mơ xây cất Đại Chủng viện cho Địa phận Sàigòn đã chiếm lĩnh hết tâm trí Đức cha. Tìm được rồi, các ngài phải cầu nguyện và vận động với chánh quyền. Mãi cho đến giữa năm 1862, đề đốc Bonnard mới chấp thuận và ngày 28-08-1862 chính thức ký giấy nhường lại cho Hội Thừa Sai Paris 07 mẫu đất. Đức cha dành bốn mẫu giao cho Chủng viện còn ba mẫu chia cho Nhà Trắng (Saint Paul De Chartre) vì chính ngài, vào năm 1860, đã mời các xơ dòng Trắng sang Nam Việt để tiếp tay với ngài nơi cánh đồng bội thu trĩu hạt. Ngày 20-05-1860, theo lời mời của Đức cha Lefèbvre, Hội Dòng đã gởi 2 nữ tu đầu tiên đến phục vụ tại Sàigòn. Trong khi đợi chờ ngày Chủng viện hình thành, Đức cha giao cho cha Wibaux coi sóc Chủng viện tạm tại Thị Nghè.

Một vị giáo sư đại học tại Paris, kinh đô ánh sáng, giờ đây phải sống chung với 10 chú học sinh trong hai gian nhà tranh ẩm thấp, hễ thủy triều lên thì lội nước, còn thủy triều xuống thì lội bùn. Thật đức tính hy sinh thừa sai cao cả dường bao!

Nhưng nào có yên! Chủng viện tạm ấy không yên ổn lâu, chưa đầy hai năm, cơ sở nghèo nàn ấy cũng bị quân kháng chiến thiêu rụi trong ngọn lửa vô tình. Cha con dắt díu nhau về kho Năm, gần nhà thờ Xóm Chiếu. Giữa thể kỷ 19, nơi đây thật hoang vu, tránh được kháng chiến quân, nhưng lại gặp phải thú dữ. Sau vụ việc ông Ba mươi vồ mất con heo cưng của các chú chủng sinh, cha Wibaux lại đưa chủng sinh về trung tâm Sàigòn.

B – XÂY DỰNG TRONG MỌI TRỞ NGẠI

Lúc đó, có một cơ sở dạy Pháp văn của chánh quyền thuộc địa đang bỏ trống vì cha giáo sư Puginier bận công tác phải trở về Bắc Việt. Đây là một dãy nhà kiên cố, rộng rãi tại khu vực bệnh viện Nhi đồng 2 bây giờ. Thật là một cơ ngơi lý tưởng cho các chủng sinh vô gia cư, lận đận rày đây mai đó. Chánh quyền đồng ý cho đàn con của cha cư ngụ tại đấy với điều kiện: một nửa dành lại để dạy Pháp văn. Vì tình thế bắt buộc, cha đành chấp nhận điều kiện đó. Dầu vậy, cũng không bền, vì ít lâu sau, chánh quyền đã lấy lại phần đất này để xây dựng một quân y viện là nhà thương Đồn Đất (Grall) lúc bấy giờ – nay là bệnh viện Nhi Đồng 2.

Giữa tình hình dầu sôi lửa bỏng như thế, việc hình thành chủng viện chính thức thật cấp thiết vô cùng. Tuy nhiên, việc xây cất chủng viện vẫn phải đương đầu với quá nhiều khó khăn, những lời ong tiếng ve về trình độ giáo sĩ Việt Nam… Nhưng chính Đức cha Lefèbvre và cha Wibaux đều đồng cảm tin tưởng về nhân đức hào hùng của 20 linh mục bản xứ hiện có nơi Địa phận Sàigòn.

“Tôi buộc lòng phải khen ngợi chủng sinh của tôi ờ Sàigòn. Chủng sinh là những con cái tôi yêu mến. Một người cha mà khen con, theo thường tình rất đáng ngờ vực, tuy nhiên trường hợp này tôi chắc tình thương của người cha không khoan nhu thiên vị đâu. Nếu Đức Giám mục của tôi mà cầm bút, thiết tưởng ngài cũng đồng ý với tôi mà còn khen hơn nữa là khác”. Năm 1870, trong tạp chí Truyền giáo, cha Wibaux đã có viết như vậy.

Miền Bắc còn trong vòng quản lý của vua Tự Đức, trong vòng 12 năm cũng đã có nhiều linh mục bản quốc tử đạo. Ngoài Bắc, Đức cha Néez đã bênh vực phẩm chất của các linh mục Việt Nam trước làn sóng phản đối của những người đồng hương về công cuộc đào tạo linh mục bản quốc theo Huấn dụ của Đức Thánh Cha năm 1659. Ngài đã xuất bản quyển “Hàng giáo sĩ Bắc kỳ thế kỷ 17 và 18” để giới thiệu cho mọi người biết linh mục bản xứ thông minh, tốt lành, kiên định trước nghịch cảnh như thế nào.

Chương 10, công đồng Juthia có ghi rõ: “Linh mục bản xứ thường là chọn trong số các Thầy Giảng tuổi tác, đã ở lâu năm, nhiều kinh nghiệm truyền giáo và đời sống đạo hạnh bảo đảm. Các Thầy sẽ được học La ngữ, biết cách dâng lễ và làm các phép Bí tích, biết cách giải đáp các vấn đề lương tâm và các ngăn trở hôn phối”

Trở ngại thứ hai là vấn đề tài chánh. Địa phận non trẻ, sau 40 năm bách hại triệt để của ba đời vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, giờ đây gia tài còn lại chỉ tấm lòng trung kiên giữa đống tro tàn nghi ngút khói. Vị chủ chăn hai lần mang án tử vẫn xông xáo không mệt mỏi kiến thiết lại những nơi thờ phượng, nơi cư trú. Giáo dân thì đa số nghèo túng, moi đâu ra số tiền to tát để xây cất chủng viện trong tình cảnh túng thiếu đó. Phó thác vào Chúa, cha Wibaux nghĩ ngay đến gia tài riêng của mình và lòng rộng rãi của người em nơi quê nhà, cha mạnh dạn tiến hành công tác xây dựng. Thầy Đậu từ Penang trở về bắt đầu gọi thợ phát cỏ, ban nền, đào móng…

C – ĐẶT VIÊN ĐÁ ĐẦU TIÊN – KHỞI CÔNG XÂY DỰNG

Qua năm 1863, Đức cha Lefèbvre vui mừng, cảm động rơi nước mắt đặt viên đá đầu tiên cho Đại chủng viện Sàigòn, cơ sở tư tưởng đầu não triết lý, thần học trung tâm của địa phận Sàigòn hôm nay và mãi về sau. Cánh đồng bất tận, óng ánh lúa vàng, chạy dài đến tít mù khơi như Lời Chúa tiên báo: “Lúa chín đầy đồng, thợ gặt hiếm hoi…” (Lc 10, 2), mãi lắng đọng nơi tâm tư các vị sáng lập chủng viện Sàigòn, những ân nhân vĩ đại của Giáo hội Việt Nam, những ngôi sao không hề tắt trong tâm tưởng của mọi con dân nước Việt từ ngày ấy cho đến ngàn sau.

Tháng 7-1864: Đức cha Lefèbvre khánh thành nhà nguyện và các cơ sở của Dòng Thánh Phaolô (ở 6 đường Tôn Đức Thắng, quận I ngày nay) do ông Nguyễn Trường Tộ thiết kế và thi công. Các kiến trúc cơ bản của thiên tài họ Nguyễn cách đây gần 150 năm vẫn còn sừng sững cho tới ngày nay. Cụ Nguyễn Trường Tộ, một nhân sĩ Công giáo quê ở làng Bùi Chu (thuộc xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An ngày nay) đã dâng lên triều đình Huế các bản điều trần đầu tiên: Trần Tình khải, Thiên Hạ Đại Thế luận, Giáo Môn luận và Tế Cấp bát điều.

Nguyễn Trường Tộ (1828 – 1871)
Sinh tại Bùi Chu, Hưng Nguyên, Nghệ An. Ông học rất giỏi, ngoài việc học với cha ở nhà, ông còn theo học nhiều thầy đồ nổi tiếng trong vùng. Tuy mất sớm ở tuổi 43 nhưng ông đã đề xuất rất nhiều kế hoạch cải cách táo bạo, nhằm đưa đất nước thoát khỏi cảnh trì trệ, tiến lên trở thành một quốc gia dân giàu nước mạnh. Đáng tiếc, những bản điều trần của ông thời đó đã không được trọng dụng.

Tiếc thay chính quyền xã hội ngày ấy, vào thời khó khăn đó, đã không nhận ra những việc cần cải cách để đưa đất nước đi lên đến chỗ phát triển, hùng cường giữa trời bể năm châu. Tiếc thay, họ không biết tận dụng nội lực thâm hậu, không kể lương dân hay giáo dân, của mọi từng lớp nhân dân nơi hội nghị Diên Hồng ngày nào để tạo sức bật diệu kỳ đánh đuổi ngoại xâm. Có lẽ do lòng ích kỷ, họ muốn bám chặt ghế ngồi của mình bằng chính sách “bế quan tỏa cảng”, bất kể hậu quả nghiệt ngã mà ngàn đời sau phải gánh chịu và phê phán.

D – VỊ SÁNG LẬP, ĐỨC CHA LEFÈBVRE, QUA ĐỜI

Tưởng cũng nên chia sẻ tâm tình của Đức cha, để đồng cảm với ngài mà chính các đồng liêu đã có lời chứng: Có lẽ tính tình cầu toàn của ngài đã khiến ngài phải đau khổ vào cuối đời vì người đồng hương của mình. “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây phải thiệt thân” (Ga 3, 17).

Dĩ nhiên, ngài vẫn muốn đạo quân Tây phương đến giải thoát cho địa phận và tín hữu khỏi cảnh tan tác, đầu rơi, máu chảy… Nhưng tiếc thay, họ đến vì mục đích hoàn toàn thế tục, không quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi tôn giáo thiêng liêng. Vì thế, ngài không hiểu vì sao họ quá chần chờ hay cố tình không muốn ra tay bênh đỡ để một số đông giáo hữu bị tàn sát và tài sản của Giáo hội Việt Nam nhiều lần bị tiêu hủy trước mắt họ!

Lính viễn chinh đồn trú tại Sàigòn lại thường dở trò bỉ ổi, làm nhục nhiều thiếu nữ bản xứ, nên ngài cảm thấy quá đỗi đau lòng như đạo thánh Chúa bị xúc phạm. Quá đau phiền, thất vọng cho ngài, người ta cảm thán cho ngài: Bốn năm tạm gọi là hòa bình dưới bóng cờ Tam Tài (1859-1863) đã làm cho ngài mau già hơn quãng thời 20 năm bị truy nã phải sống trôi dạt, ngủ bờ ngủ bụi.

Do đó, sau khi đặt viên đá đầu tiên cho cơ ngơi chủng viện, chưa kịp nhìn thấy cơ sở ấy được hoàn thành, ngài đành gạt nước mắt, đệ đơn thỉnh nguyện Đức Piô IX cho phép ngài từ chức. Ngày 11-12-1864, ngài xuống tàu rời Việt Nam thân thương của ngài. Giáo dân tiễn ngài quá đông. Khi tàu rời cảng Nhà Rồng, nhiều tiếng nức nở vang lên… quyện theo làn gió Đông Noel năm ấy như muốn bao bọc lấy con người khả kính, khả ái một đời hy sinh cho Giáo Hội Việt Nam.

Trước khi về quê nhà, ngài không quên trực chỉ Rôma để tấu trình lên Đức Giáo hoàng về tình hình địa phận thân yêu mà ngài đã gắn bó, vun đắp suốt cả một đời. Xong việc, ngài về quê mong có giờ tịnh tâm, cầu nguyện cho những con người hiền hòa của xứ An Nam, những người mà không bao giờ rời khỏi tâm trí ngài. Nhưng vừa đến Marseille, một cơn bạo bệnh đã đến và Thiên Chúa đã gọi ngài về an nghỉ trong tay Chúa vào ngày 30-04-1865, sau trọn cuộc đời phục vụ Nước Chúa đầy gian nan, thử thách cả trong hai mặt trận: mặt trận thuộc thể và mặt trận thuộc linh.

E – KHÁNH THÀNH ĐẠI CHỦNG VIỆN SÀIGÒN


Đức cha MICHE

Đức cha Lefèbvre ra đi, Tòa Thánh gọi Đức cha Miche đang cai quản Cao Miên về thay thế coi sóc địa phận Sàigòn.

Trong thời gian đó, cha Wibaux vẫn tiếp tục xây cất để chủng viện sớm hoàn thành, mong bù đắp lại thời gian hơn hai mươi năm trước, khi mà Đức cha Lefèbvre thân thương và đoàn con chủng sinh của ngài phải học tập trên sóng nước bập bềnh, trong ánh đèn dầu chập chờn khi tỏ khi mờ.

Vì thiếu hụt tài chánh nên công trình xây dựng phải đình hoãn đến ba lần để đợi chờ người em của ngài tiếp sức. Nhà chưa cất xong, vào năm 1865 đã có những cha: cha Võ, cha Dư, cha Nhu, cha Nhi, cha Đậu, cha Bình, cha Đường, cha Thạch, cha Sâm mãn trường lớn Penang được Đức cha Miche gọi về thụ phong linh mục trong nhà nguyện tạm của chủng viện.


Đại Chủng viện Thánh Giuse do cha Wibaux xây dựng

Mỗi ngày có đến gần bốn mươi công nhân, chưa kể mấy chục chủng sinh trai tráng trợ giúp, mãi đến ba năm sau mới hoàn thành. Năm 1866, Đức cha Miche long trọng làm lễ khánh thành và cho khai giảng chính thức. Theo di chúc của vị tiền nhiệm đã đặt viên đá đầu tiên, ngài đặt cho tên cho cơ sở này: Chủng viện THÁNH GIUSE.

Ngày làm phép chủng viện, chủng sinh được 60 (gồm cả các chú và các thầy), Địa phận lúc ấy có 30.000 giáo dân, quy tụ trong 126 họ đạo lớn nhỏ do 17 linh mục bản xứ và 25 linh mục thừa sai hướng dẫn.

F – XÂY CẤT NHÀ NGUYỆN CHỦNG VIỆN


Nhà nguyện Chủng viện

“Ba dãy nhà dành cho chủng sinh lưu trú đồ sộ, mà nhà nguyện sơ sài thì không thể được. Chỗ phượng tự, chính nó phải tôn nghiêm trang trọng, huống chi là nhà nguyện của Chủng viện, cần phải bộc lộ, phải biểu tượng hóa lòng tôn thờ đặc biệt của Chủng sinh, tất nhiên nhà nguyện phải được đẹp đẽ uy nghiêm”, cha Wibaux suy nghĩ.

Nghĩ là làm, mặc dầu tài chánh eo hẹp, thiếu thợ lành nghề, nhưng với kinh nghiệm đã qua, năm 1867, chưa đầy một năm sau ngày khánh thành Chủng viện, cha Wibaux lại khởi công kiến trúc nhà nguyện cho chủng viện.

Xây dựng được hai năm trong lao tâm lao lực ngày đêm, qua năm 1867, cha lâm bệnh nặng vì kiệt sức. Bác sĩ người Pháp khuyến cáo cha phải tịnh dưỡng nếu muốn tiếp tục công trình của ngài. Cha đành sang trụ sở MEP tại Hồng Kông, rồi trở về quê nhà Pháp quốc để dưỡng bệnh. Công tác xây dựng nhà nguyện tạm ủy thác lại cho cha Đậu, vị phụ tá chuyên nghiệp, tiếp nối công trình.

Quả thật, Thiên Chúa Tình yêu thường rút từ sự dữ ra sự lành:
Một là nhờ cơn bệnh khó trị, cha có dịp bệ kiến Đức Thánh Cha PIO IX và tường thuật những công trình cha đã thực hiện tại Việt Nam với những khó khăn gặp phải khi xây cất Chủng viện Sàigòn. Đức Thánh Cha đã an ủi: “Con đừng buồn, nhà chung đó là hạt giống châu báu sẽ trổ sinh nhiều hoa quả tốt đẹp”. Ngài cũng chúc phúc, qua những thanh niên chủng sinh, cho miền Nam Nước Việt một tương lai tươi sáng.

Hai là trong dịp này, phóng viên tạp chí Truyền giáo đã phỏng vấn cha Wibaux về tình trạng Địa phận Sàigòn, nhứt là về công tác kiến tạo Chủng viện. Nhờ đó, nhiều nhà hảo tâm đã ủng hộ tài chánh cho việc xây dựng và công cuộc đào tạo giáo sĩ tại Việt Nam.

Năm 1871, sức khỏe vừa bình phục, nghe cha Đậu báo tin công trình xây cất tạm hoàn tất, cha vội vã trở lại quê hương thứ hai để tổ chức khánh thành nhà nguyện. Chính ngài dâng cho nhà nguyện: Tượng Đức Mẹ Maria đặt sau bàn thờ. Còn tượng hai thánh Phêrô và Phaolô và các tượng nhỏ nơi bàn thờ cạnh, cả những đồ lễ chén thánh đều do những ân nhân từ Pháp gửi sang dâng cúng.

Đức cha Miche làm phép nhà nguyện. Có đến 28 linh mục thừa sai và bản xứ đến tham dự. Thời đó mà quy tụ được số linh mục như thế là một trường hợp hết sức đặc biệt.

G – CHA WIBAUX QUA ĐỜI

Từ ngày sang Việt Nam cho đến khi từ trần, trong vòng 17 năm, ngài đã cống hiến tất cả cho Chủng viện. Sống cho chủng viện mà cũng chết vì Chủng viện. Khi nhắm mắt, hai tay phủi sạch nợ trần, ngài không còn tiền bạc chi cả.

Có một lần, một tân linh mục đến từ giã ngài, xin ngài cầu nguyện để đi nhận nhiệm sở, ngài đặt tay trên đầu cha ấy, chúc phúc lành rồi hôn mặt và đọc lời Thánh vịnh mà cụ già Simeon đã đọc: Nunc dimittis servum tuum, Domine, secundum verbum tuum in pace, quia viderunt oculi mei salutare tuum: Lạy Chúa, xin cho đầy tớ Chúa được nghỉ an như lời Chúa hứa, vì mắt tôi đã nhìn thấy Đấng Chúa sai (Lc 2, 29).

Sau một cơn bệnh kéo dài hơn ba tuần lễ, ngày 07-10-1877 cha trở về cùng Chúa, hưởng dương được 57 tuổi. Có lẽ vì quá lao nhọc với kiếp sống chật vật và liên tục xây dựng những công trình để đời cho những thế hệ giáo sĩ về sau mà cha không thọ được lâu dài.


Ngôi mộ của cha Wibaux

Hiện nay, ngôi mộ của ngài nằm sau nhà nguyện chủng viện… có vẻ cô quạnh. Tuy nhiên cũng lưu lại cho các bạn đồng liêu tấm gương hy sinh cao quý, và để lại cho con cái một cơ nghiệp uy nghi, đồ sộ về vật chất lẫn tinh thần.

Uống nước nhớ nguồn là văn hóa nghìn đời của dân tộc Hồng Lạc.
Ước chi trong đại lễ kỷ niệm 150 năm khánh thành Chủng viện Thánh Giuse sắp tới, những người thừa hưởng thuộc thế hệ hiện thời sẽ có những động thái cụ thể để tuyên dương và ghi nhớ mãi công ơn xương máu của đấng Tổ phụ Giám đốc Chủng viện một cách chân thành và thiết thực xứng tầm.

H – CHI NHÁNH TIỂU CHỦNG VIỆN

Từ lâu nay, các chú tiểu chủng sinh vẫn học chung một nơi với các thầy đại chủng sinh, tạo nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy, đào luyện. Cha Thiriet, giám đốc đại chủng viện, khẩn khoản xin Đức cha cho thành lập một Tiểu chủng viện riêng biệt. Đức cha đặt cơ sở tại An Đức, nơi đây có sẵn cơ sở Tu hội Thầy Giảng, Địa phận chỉ cần cất thêm vài căn nhà là có thể khai giảng.

Ba mươi năm sau ngày khai khóa Đại chủng viện Giuse, năm thứ 7 thời vua Thành Thái, trường Tiểu chủng viện An Đức chính thức khai giảng đầu năm 1896, thâu nhận được 76 tiểu chủng sinh do Cha Ernest điều khiển. Nhưng nơi đây khí hậu không tốt. Trong vòng một năm các chú bị cúm hai lần, buộc lòng Tiểu chủng viện phải chuyển về Tân Định.

Vua Thành Thái: 1879-1955.
Tên húy: Nguyễn Phúc Chiêu,
Giai đoạn trị vì: 1889-1907. Vua có tư tưởng chống Pháp nên ông
bị buộc thoái vị lấy cớ mắc bệnh tâm thần. Năm 1907 ông đi an trí tại Vũng Tàu.
Qua năm 1916 thực dân đầy ông đến đảo La Réunion, thuộc Phi Châu.
Năm 1947, Pháp đưa ông về sống tại Sàigòn cho đến cuối đời.

Cha Thiriet, giám đốc Đại chủng viện, qua đời năm 1897 sau 33 năm điều khiển chủng viện. Cha Dumas, một giáo sư dầy kinh nghiệm giảng dạy từ 1873 được chỉ định thay thế. Qua năm sau, 1898, Đức cha Depierre từ giã trần thế. Đức cha Depierre chỉ cai trị địa phận có hai năm, nhưng trước khi qua đời, ngài đã hân hạnh truyền chức linh mục cho 08 cha, con số cao nhất so với những khóa trước.

Đầu tháng 8-1898, chính ngài cũng đã hân hạnh khánh thành cơ sở Tân Định và đặt tên là Tiểu chủng viện Thánh Louis De Gonzague. Tiểu chủng viện này nằm trên một khoảnh đất cao ráo, rộng rãi thuộc viện Pasteur ngày nay.

Tiểu chủng viện Louis De Gonzague Tân Định được 40 chú, nhưng rồi vì không đủ tài chánh, năm 1901, Đức cha Mossard đành ra lệnh đóng cửa cơ sở này.

Sau khi Đức cha Mossard từ trần, ngày 23-3-1926, Đức cha Dumortier được tấn phong kế vị, ngài ưu tư về một Tiểu chủng viện nề nếp
và muốn nâng cấp Đại chủng viện Thánh Giuse.

Qua năm sau, cha Bề trên chủng viện Ernest cũng qua đời. Cha chính địa phận Delignon lên thế quyền. Năm 1929, cha Delagnes lên thay thế.

Ngôi nhà chủng viện bề thế ngày xưa do cha Wibaux kiến trúc trước đó hơn 60 năm chỉ đủ dung nạp 150 chủng sinh lớn nhỏ. Nhưng hiện nay số tiểu chủng sinh đã lên đến 200, nên ngài đã cho xây cất thêm một tòa nhà cho Tiểu chủng sinh. Đức cha Dumortier đã viết: “Vì nhu cầu của địa phận, chúng tôi cần phải xây thêm một tòa nhà nữa để đáp ứng cho nhu cầu truyền giáo hiện nay. Chúng tôi đã khởi công và đã hoàn thành trong tháng 3-1928 một ngôi nhà ba tầng (hai lầu) ngang 13 mét, dài 46 mét”.


Tiểu Chủng viện Thánh Giuse,
hiện nay là Trung Tâm Mục vụ TGP Tp. HCM

Sau khi khánh thành cơ ngơi chính thức Tiểu chủng viện Sàigòn, ngài cũng nâng cấp Đại chủng viện. Ngày 29-11-1932, Đức cha Dumortier đã long trọng khánh thành một tòa nhà cũng hai lầu dài 58 mét, ngang 14 mét có thể tiếp nhận 100 đại chủng sinh. Hai sự kiện này diễn ra trong triều đại vua Bảo Đại, triều đại thứ 13, triều đại cuối cùng của nhà Nguyễn.

Vua Bảo Đại: 1913-1997.
Tên húy: Nguyễn Phúc Thiển,
Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy.
Giai đoạn trị vì: 1925-1945.

Tiếp liền năm sau, Đức cha tách biệt đại và tiểu chủng viện. Cha Seminel làm Giám đốc Tiểu chủng viện đầu tiên. Trước kia, một cha Bề trên kiêm cả hai trường lớn nhỏ.

Vào năm 1933, Đại chủng viện Sàigòn tách biệt rạch ròi riêng một Tiểu Chủng viện, đánh dấu một bước tiến nhảy vọt của cơ sở đầu não này, cũng là năm Tòa Thánh phong cha Nguyễn Bá Tòng làm Giám mục tiên khởi bản quốc, cai quản Địa phận Phát Diệm, đánh dấu thêm sự trưởng thành của hàng Giáo sĩ Việt Nam.

Đức cha GB Nguyễn Bá Tòng
Giám mục tiên khởi Việt Nam.
Ngài sinh tại Gò Công ngày 07-08-1868.
Từ trần năm 1949.

Năm 1883, Linh mục Dépierre đỡ đầu cho Nguyễn Bá Tòng vào học Tiểu chủng viện dưới quyền giám đốc lúc bấy giờ là Linh mục Thiriet nổi tiếng là một người thông thái. Những năm học ở Tiểu chủng viện, ngài luôn là một chủng sinh xuất sắc. Ngày 24 tháng 9 năm 1887 thày Nguyễn Bá Tòng vào học Đại chủng viện Sàigòn và cho tới năm 1896 thì tốt nghiệp. Ngày 11-6-1933, Đức Thánh Cha Piô XI tấn phong giám mục cho ngài tại đền thánh Phêrô, Vatican.
Khẩu hiệu: “Hãy châm rễ sâu trong dân ta chọn”.

III – BỊ CHIẾM ĐÓNG THỜI ĐỆ NHỊ THẾ CHIẾN

Khi Nhật hoàng xua quân đến đất Việt, chủng viện cũng phải nếm mùi bom đạn vì xung quanh là các khu quân sự đầu não: Hải quân, Ba son, doanh trại bộ binh… Nhiều quả bom vô tình đã đi lạc vào bệnh thất và khu lưu trú của các xơ trong Chủng viện.

Để tránh thương vong về người, cha Bề trên quyết định cho Đại chủng sinh và hai lớp nhỏ nhất Tiểu Chủng viện đến tạm trú tại Lái Thiêu. Các Tiểu chủng sinh còn lại đành tản cư về Cái Nhum, thuộc Giáo phận Vĩnh Long ngày nay.

Sẵn nhà cao cửa rộng bỏ trống, quân đội Phù Tang vào chiếm đóng một thời gian. Sau đó quân đôi Pháp trở lại xung công làm nơi tiếp đón các nạn nhân chiến cuộc.

Đến giữa năm 1946, các thầy Đại chủng sinh và cả các chú trường nhỏ tề tựu về Sàigòn. Khi kiểm điểm lại sĩ số thì thấy kém đi khá nhiều, vì có nhiều chủng sinh chán nản bỏ cuộc. Đó là thời kỳ Đức cha Cassaigne (1941-1955). Nhưng sau thời kỳ khốn khó ấy, giáo phận Sàigòn và Chủng viện lại phát triển tốt lành hơn. Sau cơn mưa, trời lại sáng.

IV- THỜI KỲ PHÁT TRIỂN

Năm 1952, Đức cha Cassaigne chỉ định cha Lesouef, một vị Thừa sai uyên bác, làm Giám đốc Đại Chủng viện thay cho cha Delagnes đã lớn tuổi. Từ đây như có một luồng gió mới thổi mạnh vào Chủng viện:
*Thứ nhất, cha Lesouef vận động với cha Bề trên Hội Thừa Sai Paris và các Giám mục liên hệ gửi đến cho Chủng viện những vị giáo sư tài đức.
*Thứ đến, cha cũng vận động thành công xin Tòa Thánh trợ cấp cho Đại Chủng viện Sàigòn một số tiền khá lớn hằng năm.

Có thể nói được: Đại Chủng viện Sàigòn, từ ngày thành lập, chưa lúc nào phát triển như lúc này.

Năm 1954, Đức cha Cassaigne, vị tông đồ người hủi, đã mở rộng Địa phận tiếp đón những anh em theo làn sóng di cư từ Bắc tràn vào Nam. Qua năm 1955, khi anh em di cư đã an cư ở các giáo xứ tân lập trong Địa phận, ngài đã làm đơn xin về hưu mong thực hiện ý muốn của Tòa Thánh là giao trách nhiệm cai quản lại cho Hàng Giáo phẩm bản xứ. Ngài đã trao Địa phận Sàigòn lại cho Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, vị Giám mục tiên khởi bản xứ của Địa phận Sàigòn. Ngài đã trở về với trại phong Di Linh. Sau khi qua đời, ngài đã an nghỉ giữa nghĩa địa người phong.

V – THỐNG NHẤT CHỦNG VIỆN ĐỂ THĂNG TIẾN

Khi Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền gánh lấy trọng trách, Địa phận Sàigòn trăm mối bộn bề. Trong Địa phận, bên cạnh Chủng viện Sàigòn còn có

những Chủng viện Hà Nội, Hải Phòng, Bùi Chu, Phát Diệm, Bắc Ninh… Mỗi Chủng viện có những truyền thống riêng, tâm tính riêng, lối sống riêng, giáo dục riêng… Việc thống nhất làm một chủng viện cho một Giáo quyền địa phương không đơn giản chút nào. Truyền thống cha ông vẫn là: lũy tre xanh bao quanh thôn làng, mỗi làng một giếng nước, một ao nước… Ta về ta tắm ao ta… Làm sao cho con cháu mở rộng tâm lòng, mở rộng tầm nhìn qua làng lân cận! Nhưng rồi ân điển Chúa Thánh Thần đã làm nên mọi sự. Ut unum sint.

Cuộc họp Hội đồng, gồm các Giám mục miền Nam và Đức Khâm sứ Tòa Thánh, đã quyết định thống nhất các Chủng viện hiện có trong Địa phận Sàigòn. Văn thư số 274, ngày 12-04-1960, Đức Khâm sứ Brini đã quyết định:

1/ Sau niên khóa 1959-1960, các Tiểu Chủng viện di cư ngưng thu nhận chủng sinh mới.
2/ Các Tiểu Chủng viện trực thuộc Bản quyền địa phương (Giáo phận Sàigòn).
3/ Thiết lập hai Đại Chủng viện Miền.

– Đại Chủng viện Quy Nhơn: tiếp nhận các ơn gọi thuộc các Địa phận Quy Nhơn, Huế, Kontum, Nha Trang… do các cha dòng Xuân Bích hướng dẫn.
– Đại Chủng viện Sàigòn: tiếp nhận các ơn gọi thuộc các Giáo phận Sàigòn, Vĩnh Long, Cần Thơ (thời ấy chưa lập Giáo phận Đà Lạt, Phú Cường, Xuân Lộc, Mỹ Tho, Long Xuyên, Bà Rịa), các cha Thừa Sai Paris vẫn phụ trách hướng dẫn.

Ngày 17-06-1960, trong cuộc họp tại Trung tâm Công giáo, Đức cha Lê Hữu Từ và Đức cha Nguyễn Văn Bình đặt tên cho Đại Chủng viện mới là Lê Bảo Tịnh, cơ sở đặt tại đường Hoàng Hoa Thám, Gia Định, thuộc giáo xứ Vô Nhiễm hiện nay và giao cho cha Giuse Phạm Văn Thiên làm Giám đốc. Từ đó Chủng viện Sàigòn có thêm thánh bổn mạng thứ hai là Lê Bảo Tịnh.

VI – CHỦNG VIỆN SÀIGÒN TRƯỞNG THÀNH & HÀNG GIÁO PHẨM VIỆT NAM


Đức cha Phao lô Nguyễn Văn Bình.

Tông huấn Venerabilium Nostrorum, ngày 24-11-1960, thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Giáo Hội Việt Nam chia làm ba Giáo tỉnh: Hà Nội, Huế, Sàigòn.

Ngày 02-04-1961, chánh thức nhận Tổng Giám mục Sàigòn, kiêm Giáo tỉnh miền Nam, Đức Tổng Giám mục tiên khởi Phaolô liền dành mọi tâm sức cho Chủng viện.

Tháng 07-1961, trước ngày khai giảng năm học mới, các giáo sư Thừa sai đã vui lòng trao Chủng viện Sàigòn cho hàng giáo sĩ Việt Nam quản lý. Đức cha Phaolô chỉ định cha Giuse Trần Văn Thiên, linh mục Việt Nam đầu tiên, làm bề trên Đại Chủng viện Sàigòn.

Cổng chính ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE

Khai giảng niên khóa 1961-1962:
– Khoa Triết, học tập tại cơ sở Thánh Lê Bảo Tịnh, Gia Định,
cha Đaminh Trần Thái Hiệp làm Giám đốc.
– Khoa Thần, học tập tại cơ sở Thánh Giuse,
cha Giuse Trần Văn Thiên làm Giám đốc.

Qua một năm học, hai cơ sở triết học và thần học tách biệt nhau phát sinh nhiều bất tiện.

Tháng 05-1962, Đức TGM Phaolô quyết tâm cho trùng tu Chủng viện và xây dựng thêm những tòa nhà mới để giải quyết nhu cầu sáp nhập các Chủng viện miền Bắc.


Khu nhà Triết học

Ngày 19-03-1963, Đức Khâm sứ Salvatore Asta đã khánh thành dãy nhà Triết học, dọc theo đường Cường Để (hiện nay là đường Tôn Đức Thắng). Trong tương lai, khu nhà Triết học này sẽ không tồn tại, vì nhu cầu mở rộng đại lộ Tôn Đức Thắng. Chuẩn bị mừng kỷ niệm 150 năm thành lập Đại Chủng viện, Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn đã lên kế hoạch trùng tu cơ sở này, gồm chương trình xây cất khu nhà Triết học mới, thay thế dãy nhà Triết học hiện hữu.

Ngày 07-08-1963, hoàn tất xây dựng mới khu nhà Thần học năm 3 & 4 bên cạnh nhà nguyện Đại Chủng viện.


Khu nhà Thần Học

Thượng tuần tháng 08-1963, Đức TGM Phaolô cảm động nhìn thấy 235 thầy Đại Chủng sinh tề tựu về ngôi trường chung Thánh Giuse Sàigòn. Cũng trong năm đáng ghi nhớ ấy, trong hai ngày 29 và 30-12-1963, Đức TGM Phaolô cũng đã long trọng tổ chức Đại lể kỷ niệm Bách Chu Niên thành lập Chủng viện Thánh Giuse, Tổng Giáo phận Sàigòn.

Năm 1965, cha Giacôbê Phạm Văn Mầu làm Giám đốc Chủng viện thay cho cha Giuse Trần Văn Thiên nhận chức Giám mục giáo phận Phú Cường.

Năm 1968, cha Giacôbê Phạm Văn Mầu nhận chức Giám mục Giáo phận Vĩnh Long, cha Phaolo Huỳnh Ngọc Tiên làm Bề Trên Chủng viện.

Từ năm 1975, số đại chủng sinh giảm hẳn, nhưng Đại Chủng viện vẫn cố gắng sinh hoạt bình thường giữa bao khó khăn tư bề. Năm 1977, Tiểu Chủng viện đóng cửa, trao cho Bộ Tài Chánh quản lý. Đại chủng viện vẫn tự lực âm thầm hoạt động. Đến năm 1982, vì hoàn cảnh bắt buộc, đành phải ngưng hoạt động.

Năm 1987, năm năm sau, Đại Chủng viện Sàigòn được cấp phép hoạt động trở lại để tiếp nhận đào tạo chủng sinh thuộc sáu giáo phận: Sàigòn, Mỹ Tho, Đà Lạt, Phan Thiết, Phú Cường và Xuân Lộc.

Khóa I: khai giảng ngày 06-02-1987, năm 1992 mãn khóa.
Khóa II: khai giảng ngày 01-10-1991, năm 1997 mãn khóa.
Từ khóa III: tuyển sinh hai năm một lần.
Đến nay đã tuyển sinh được mười khóa.

Ngày 08-12-1990, Đức TGM Phaolô ra thông báo 68/90 trưng dụng ngôi nhà cổ của Tiểu Chủng viện, tọa lạc trước nguyện đường, làm nhà Truyền Thống Tổng Giáo phận.

Ngày 01-07-1995, sau nhiều cơn bệnh kéo dài, ngài đã trở về cùng Chúa để lại bao tiếc nuối khôn nguôi cho mọi người đến cả hôm nay. Ngài là tấm gương an bình trong ly loạn, bền gan trong nghiệt ngã, vui tươi trong thử thách, tín thác trong đau khổ. ‘Đức cố Tổng Giám mục Phaolô không còn hiện diện hữu hình trên cõi đời này, nhưng tinh thần và công trình của ngài cần được tiếp nối trong hoàn cảnh cụ thể hôm nay của Giáo phận” (trích bài giảng lễ Giỗ mãn tang Đức Cố TGM Phaolô của Đức Tổng Giám mục Gioan Baotixita, tại nhà thờ Chánh tòa, ngày 04-07-1998).

Ngày 02-04-1998, Đức Tân Tổng Giám mục Gioan Baotixita, từ Giáo phận Mỹ Tho, đã chính thức gánh vác Tổng Giáo phận. Ít lâu sau, ngài đã giao nhà Truyền thống cho Đức cha Phụ tá Giuse Nguyễn Duy Thống (2001-2009).

THỜI KỲ LỘT XÁC và ĐỔI MỚI


Nhà Trung Tâm Văn Hóa Đức Tin

Với bàn tay khéo léo của một nghệ nhân, Đức cha Giuse đã phục chế lại từ bên trong Ngôi nhà Truyền thống trở nên xứng tầm như chúng ta đang thấy.

Ngày 04-12-2005, Đức Hồng y Crescenzio Sepe, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giảng Phúc Âm Cho Các Dân Tộc đã cắt băng khánh thành nhà Truyền Thống này và từ đó gọi là Nhà Trung Tâm Văn Hóa Đức Tin.

Đầu năm 2005, cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng giữ quyền Giám đốc, cha Gioakim Trần Văn Hương Phó Giám đốc cho đến ngày nay. Tháng 09-2005 bệnh xá Đại chủng viện được tháo dỡ. Ngày 29-11-2005, nhà nguyện lâu nay của Đại chủng viện trở thành nhà ăn cho quý Thầy Đại chủng sinh.

Nhà nguyện của Tiểu Chủng viện Sàigòn do cha Bề Trên Wibaux xây dựng từ năm 1867-1871, tạm đóng cửa từ năm 1977. Ngày 24-12-2005, Đức cha Phụ tá Giuse đã làm phép bàn thờ và nhà nguyện để trở thành nhà nguyện chính thức của Đại Chủng viện Sàigòn.

Từ ngày 23-03-2006, cha Bề trên Ernest cho khởi công san bằng dãy nhà ngói dài cạnh nhà nguyện để làm quảng trường Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Tượng đài Thánh Giuse trước khu Triết Học

Ngày 03-04-2006, ngài cho xây dựng tượng đài Thánh Giuse, bổn mạng Đại chủng viện, trên phần đất bệnh xá trước kia. Ngày 01-05-2006, lễ kính Thánh Giuse, cha Giuse Trịnh Hưng Kỷ đã khánh thành và làm phép tượng Thánh Giuse do điêu khắc gia Phạm Văn Hạng thực hiện.

Từ ngày 22-11-2005, Giáo phận Xuân Lộc tách thêm Giáo phận Bà Rịa. Đại chủng viện Sàigòn đào tạo linh mục cho bảy Giáo phận của Giáo tỉnh Sàigòn. Đại chủng viện Thánh Quý, Cần Thơ chịu trách nhiệm đào tạo linh mục cho ba Giáo phận còn lại: Cần Thơ, Vĩnh Long và Long Xuyên.

Bảy tài nguyên ơn gọi thuộc bảy Giáo phận như trên đã nói, lại nằm gọn trong một chiếc “nôi” duy nhất là ĐCV Sàigòn, quả là chật hẹp và khó khăn cho công tác đào tạo. Sau một thời gian dài chờ đợi, Nhà nước đã cho phép Đại Chủng viện Sàigòn mở thêm một chi nhánh thứ nhì tại Giáo phận Xuân Lộc.

Ngày 28-06-2006, Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh đã đặt viên đá đầu tiên, khởi công xây dựng ĐCV Thánh Giuse chi nhánh Xuân Lộc.

Đầu năm học mới, ngày 15-10-2006, chi nhánh II này đã bắt đầu hoạt động để tiếp đón tân chủng sinh.

Từ niên học 2007-2008, cơ sở I tiếp nhận tân chủng sinh thuộc ba Giáo phận: Sàigòn, Mỹ Tho, Phú Cường. Cơ sở II tiếp nhận tân chủng sinh thuộc bốn Giáo phận: Xuân Lộc, Đà Lạt, Phan Thiết và Bà Rịa.
Cũng từ năm học này, các chủng sinh của các Giáo phận thuộc cơ sở II, đang theo học từ đầu khóa tại cơ sở I, tất cả đều về cơ sở II học tập tiếp tục cho đến khi mãn khóa.

Cơ sở 1: tọa lạc tại số 06, Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Quận I, TpHCM.
Cơ sở 2: tọa lạc Y 70, Hùng Vương, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Danh sách các Giám đốc Đại Chủng viện Sàigòn từ năm 1859:

– 1859-1877: cha Wibaux
– 1877-1897: cha Thiriet
– 1897-1913: cha Dumas
– 1913-1916: cha Delignon
– 1916-1927: cha Ernest
– 1927-1930: cha Delignon
– 1930-1952: cha Delagnes
– 1952-1961: cha Lesouef
– 1961-1966: cha Giuse Trần Văn Thiên
– 1966-1968: cha Phêrô Nguyễn Văn Mầu
– 1968-1975: cha Phaolô Huỳnh Văn Tiên
– 1975-1992: cha PhêrôTrần Thái Hiệp
– 1992-2005: cha Phêrô Lê Tấn Thành
– 2005 đến nay: cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Giám Đốc Đại Chủng Viện Thánh Giuse Cơ Sở II

– 2006-2009: – Đức cha Giuse Nguyễn Năng.
– 2009 đến nay: Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu.

Kết thúc cho dòng lịch sử Đại Chủng viện Thánh Giuse Sàigòn, tưởng cũng nên liên kết với một sự kiện vô tiền khoáng hậu của Giáo Hội Công giáo Việt Nam:
ĐẠI HỘI DÂN CHÚA 2010 TẠI VIỆT NAM
Diễn ra tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Tp. HCM
Từ ngày 21- 25 / 11 / 2010.
Trung tâm Mục vụ là một trong những tòa nhà thuộc Tiểu Chủng viện Sàigòn năm xưa. Tiểu Chủng viện này phải đóng cửa từ năm 1977, kể cả nhà nguyện Chủng viện. Năm 2004, Tiểu Chủng viện được trao trả lại cho Giáo quyền Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Từ năm 2005, Đức Hồng y Gioan Baotixita thành lập nơi đây: Trung Tâm Mục vụ TGP Tp. HCM, giao trọng trách cai quản cho linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm. Ngày 15-11-2008 ngài được tấn phong là Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Tp. HCM. Ngài vẫn tiếp tục giữ chức vụ Giám đốc Trung Tâm này cho đến ngày nay.

LỜI KẾT

Mỗi Giáo phận Công giáo, trong mọi thời đại, luôn hiện hữu một Đại Chủng viện: trụ sở tư tưởng chính thống của Giáo Hội Địa phương. Trong hoàn cảnh thuận lợi thì cơ sở này hiện diện công khai, phong chức linh mục công khai. Giữa hoàn cảnh cấm cách thì cơ sở này vẫn hiện diện sống và sống dồi dào bằng nhiều cách khác như chúng ta đã thấy trong quá khứ, cho dù phải đổ máu, hy sinh cả mạng sống của hàng hàng lớp lớp con người. Lớp người trước nằm xuống, lớp kế thừa vẫn anh dũng tiến lên bảo vệ trong máu lửa, sẵn sàng nằm xuống cho thế hệ mai sau “sống và sống dồi dào” (x. Ga 10, 10).

Có thể kết luận Đại Chủng viện Thánh Giuse, Sài Gòn đã
Khởi sự trong máu đào
Hình thành trong nước mắt
Gặt hái trong hân hoan.

Suốt hơn 350 năm qua, cơ sở đào tạo linh mục của Giáo phận Sàigòn, dù có hiện hữu hay không hiện hữu trước mắt xã hội, cũng vẫn sản sinh ra biết bao vị linh mục thánh đức sống theo khuôn mẫu Linh mục đời đời là chính Đức Kitô. “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay Tôi” (x. Ga 10, 26-30). Giữa môi trường càng khắc nghiệt thì xã hội loài người càng chứng kiến nhiều linh mục thánh đức đến không ngờ. Lửa thử vàng, gian nan thử đức.

Chúa Giêsu, Đấng Phục sinh, đã công bố vang dội:
“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phêrô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16, 18).

Mừng kính Thánh GIUSE, 19.03.2012

Tham khảo:
– Bách chu niên Kỷ Yếu Đại Chủng viện Sàigòn năm 1963.
– Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo Sử, 1965.
– Kỷ Yếu Đại Chủng viện Sàigòn năm 1967.
– Kỷ Yếu ĐCV thánh Giuse, TGP TpHCM khóa I (1986-1992).
– Kỷ Yếu ĐCV thánh Giuse, TGP TpHCM khóa IV (1993-1999).
– Kỷ Yếu ĐCV thánh Giuse, TGP TpHCM khóa VII (2001-2007).
– Lm Augustin Nguyễn Văn Trinh, Lược Sử Giáo Hội Việt Nam, 1994.
– Đỗ Quang Chính, Hai Giám mục đầu tiên tại VN, 2005.
– Benigne Vachet, Chuyện Đức cha LAMBERT, Cao Kỳ Hương dịch thuật, 2005.
– Bản tin Hiệp Thông số 37, tháng 9 & 10 năm 2006
– Văn phòng Thư Ký HĐGMVN, Giáo Hội Công giáo Việt Nam,
Niên giám 2004, Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2004.
– Ủy ban Văn hóa HĐGMVN, Dấu Ấn Đức Tin, 2008.
– Quỳnh Cư- Đỗ Đức Hùng, Các Triều đại Việt Nam, 2009.
– Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, tái bản 2010
– Lm Đào Quang Toản, Đức cha PALLU và Dòng Mến Thánh Giá, 2010.
http://www.americancatholic.org
http://www.dunglac.org
http://vi.wikipedia.org
http://www.catholic.org
http:// daoquangtoan.pagesperso-orange
http://www.amthuc365.vn
http://thanhcavietnam.net


Minh Tâm
Exit mobile version