“Vatican: Lúc 10 giờ tối 24-12-2011, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự thánh lễ đồng tế Vọng Giáng Sinh tại Đền thờ Thánh Phêrô, cùng với 30 Hồng Y trước sự hiện diện của đông đảo các Giám mục và khoảng 9 ngàn tín hữu ngồi chật thánh đường.
Đây là lần thứ ba, thánh lễ Nửa đêm Giáng Sinh được cử hành sớm hơn 2 tiếng đồng hồ tại Đền thờ Thánh Phêrô”[1].
Cùng một bản văn dùng hai cách nói khác nhau nói về thánh lễ do Đức Giáo Tông chủ tế. Theo phụng vụ, thánh lễ Vọng (Canh thức) Giáng Sinh thì khác với thánh lễ Đêm (Nửa đêm) Giáng Sinh, các bài đọc Sách Thánh cũng khác nhau. Nhưng thực tế dường như có việc sử dụng lẫn lộn, thiếu phân biệt, giữa hai thuật từ: Lễ vọng Giáng Sinh và Lễ Đêm Giáng Sinh.
Cụ thể chúng ta thấy nơi các bản tin như: “Nhà thờ Chính toà Sài Gòn: lễ Vọng Giáng Sinh 2012”[2] , “Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn: lễ Vọng Giáng Sinh 2012”[3] “Trung tâm Mục vụ: Lễ Vọng Giáng Sinh 2012”[4] , “Bài giảng Lễ Đêm Giáng Sinh 2012 – Năm C”[5] hay: “Bài giảng của ĐGH Bênêđíctô 16 trong lễ Vọng Giáng Sinh 24/12/2012”[6] … tiêu đề thì ghi “Lễ Vọng”, nhưng nội dung bên trong các bản tin thì là “Lễ Đêm”. Trong các bản tin tiếng Anh cũng có tình trạng như thế: Pope Benedict XVI celebrates the Christmas Eve (Vigil) Mass… nhưng thực tế là Christmas Midnight Mass[7]. Những bản tin như thế có rất nhiều, hiển nhiên người ta không phân biệt được giữa hai thuật từ: Lễ Vọng Giáng Sinh và Lễ Đêm Giáng Sinh. Tiếng Anh là: Christmas Eve (Vigil) Mass, và Christmas Midnight Mass. Vigil nghĩa là gì?
1. Vigil.
Lễ vọng dịch từ vigil, gốc Latin vigilia, có nghĩa là buổi canh thức, giờ canh thức. Canh thức Giáng Sinh vào đêm rạng ngày Chúa giáng sinh, là để cầu nguyện trong tâm tình chờ mong Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh. Ðỉnh cao của buổi canh thức này là việc cử hành lễ tạ ơn, gọi là lễ Canh Thức Giáng Sinh, thường cử hành vào buổi chiều hôm trước ngày Giáng Sinh cùng với Kinh Chiều I.
Trong phụng vụ của Hội Thánh, một vài lễ trọng cũng có lễ canh thức (vigil), nổi bật nhất là Canh Thức Phục Sinh, cử hành vào chiều tối Thứ Bảy Tuần Thánh. Trước lễ Giáng Sinh cũng có canh thức và cũng theo tinh thần đó.
2. Vọng.
Vọng có ba chữ Hán: 望, 妄, 罔, trong trường hợp này chữ望. Chữ này nguyên thuỷ Giáp Cốt Văn thuộc loại chữ hội ý, là một người đứng dòm, chữ này sau này đổi thành chữ loại hình thanh, có bộ亡 (vong), bên phải có chữ月(nguyệt). 亡 (vong ) cho âm của chữ, 月(nguyệt) chỉ mục tiêu của dòm ngó. Chữ thay đổi theo thời gian:
Vọng nghĩa là (đt.) (1) Trông xa xa: Chiêm vọng (
3. Vọng Giáng Sinh.
“Vọng Giáng Sinh” là từ ghép, chữ vọng lấy nghĩa động từ vọng. Vọng Giáng Sinh có thể hiểu là canh thức, chờ mong giờ phút Chúa giáng sinh, đêm trước ngày lễ Giáng Sinh hay việc canh thức giáng sinh.
4. Lễ Vọng Giáng Sinh.
Lễ Giáng Sinh có nhiều lễ khác nhau, không như lễ Phục Sinh. Trước lễ chính Phục Sinh, Sách Lễ ghi rõ có canh thức Phục Sinh gồm 4 phần. Phần 1: Khai mạc trọng thể đêm canh thức, nghi thức thắp nến Phục Sinh. Phần 2: Phụng vụ Lời Chúa. Phần 3: Phụng vụ Thánh Tẩy, Phần 4: Phụng vụ Thánh Thể. Ngày hôm sau sẽ là thánh lễ chính ngày Phục Sinh.
Lễ Giáng Sinh lại chia làm nhiều lễ, có lễ Vọng Giáng Sinh, và chú thích rõ thánh lễ này cử hành vào chiều ngày 24 tháng mười hai, trước hoặc sau giờ Kinh Chiều I. Tiếp đó, là lễ Ban Đêm. Tiếng Hoa dịch là Thánh lễ giờ Tý, nghĩa là lễ 12 giờ đêm, ít nhất khi kết thúc thánh lễ phải là 12 giờ đêm. Kế đó có thêm lễ Rạng Đông và lễ Ban Ngày. Tức là Lễ Giáng Sinh có bốn lễ khác nhau.
Tại Việt Nam, rất ít nhà thờ cử hành thánh lễ Vọng Giáng Sinh đúng nghĩa, nhất là sau giải phóng, thánh lễ Đêm Giáng Sinh đều được cử hành sớm đi.
Gần đây, tại Vatican, Đức Giáo Tông cũng cử hành Lễ Đêm sớm hơn, giới truyền thông không phân biệt được lễ Vọng và lễ Đêm Giáng Sinh nữa. Khi họ đưa tin nơi này nơi kia cử hành lễ Vọng Giáng Sinh, nhưng kiểm tra lại phần Phụng vụ lời Chúa, thì toàn là của lễ Đêm Giáng Sinh. Rõ ràng có sự nhầm lẫn.
Kết luận. Lễ Giáng Sinh là một trong những lễ quan trọng hàng đầu của Hội Thánh, nên đưa tin hay trình bày cho người khác, càng chính xác càng tốt, đó cũng là điều mong chờ của các tín hữu.
Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
* Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong riêng của tác giả là linh mục Stêphanô Huỳnh Trụ, chính xứ họ đạo Phanxicô Xaviê (nhà thờ cha Tam) thuộc Tổng Giáo Phận Sài Gòn.
……..
[1]http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20111226/14075
[2]http://tgpsaigon.net/audio/20121225/19713: Tiêu đề: “Nhà thờ Chính toà Sài Gòn: lễ Vọng Giáng sinh 2012”. Nhưng Phụng vụ lời Chúa theo Lễ đêm Giáng sinh, ví dụ nghe “Công bố Tin Mừng – ĐHY GB Phạm Minh Mẫn giảng lễ” (Bài Phúc Âm Lc 2, 1-14).
[3]http://tgpsaigon.net/audio/20121225/19715, tiêu đề: “Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn: lễ Vọng Giáng sinh 2012”. Nhưng Phụng vụ lời Chúa theo Lễ đêm Giáng sinh (ví dụ nghe “Công bố Tin Mừng – Lm. Gioakim Trần Văn Hương – Giám đốc ĐCVgiảng lễ” (Bài Phúc Âm Lc 2, 1-14).
[4]http://tgpsaigon.net/audio/20121225/19714, tiêu đề: “Trung tâm Mục vụ: Lễ Vọng Giáng sinh 2012”. Nhưng Phụng vụ lời Chúa theo Lễ đêm Giáng sinh (ví dụ nghe “Thánh lễ Vọng Giáng sinh tại Trung tâm Mục vụ TGP SG do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ tế” (Bài Phúc Âm Lc 2, 1-14).
[5]http://hdchanhtoact.org/Suy-Niem/Bai-Giang/Bai-giang-Le-Dem-giang-Sinh- 2012-Nam-C.html: tiêu đề: Bài giảng Lễ Đêm giáng Sinh 2012 – Năm C. Nhưng bài giảng thì link tới: http://hdchanhtoact.org/Media/Audio/Bai-giang- Le-Vong-Giang-Sinh-2012-Chanh-Toa-Can-Tho.html “Audio: Bài giảng Lễ Vọng Giáng sinh 2012 – Chánh Tòa Cần Thơ” Nhưng Phụng vụ lời Chúa theo Lễ đêm Giáng sinh (ví dụ nghe “Công bố Tin Mừng – Lm. Pet. Vũ Văn Hài giảng lễ)”.
[6] http://www.vietcatholic.org/News/Html/101801.htm tiêu đề: “Bài giảng của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 trong lễ Vọng Giáng sinh 24/12/2012” nhưng nội dung cho thấy ngài giảng bài Phúc Âm lễ đêm giáng sinh (Bài Phúc Âm Lc 2, 1-14).
[7] http://www.foxnews.com/world/2012/12/24/text-pope-homily-at-christmas-eve- mass /#ixzz2G8vhPzsZ và http://www.news.va/en/news/pope-homily-at-christmas -vigil-mass-full-text.