Lễ tục tảo mộ

TaoMo - Lễ tục tảo mộ
Ảnh minh họa: Báo Quảng Nam

Việc này chúng ta làm vào trước Tết, khoảng 23, 24 tháng chạp. Đắp mộ cao hơn một chút vì nghĩ rằng “cao nấm ấm mồ”. Lấp hang chuột vì hang hố nơi mộ là đụng chạm đếm vong hồn người nằm dưới. Sửa sang phần mộ cho sạch sẽ, phong quang, mới mẻ, để tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên, ông bà, những người đã khuất.

Việc tảo mộ thường được quy định rõ ràng, cụ thể trong gia phả, như một truyền thống tốt đẹp của dòng họ, để con cháu các thế hệ nối tiếp, cứ theo đó mà thực hiện, như một nét đẹp của đạo hiếu trong văn hoá Việt Nam; để thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết giữa những người còn sống với nhau và giữa người còn sống với người đã khuất. Cũng nói lên rằng người sống thực sự tôn trọng mồ mả của người đã khuất, như câu nói sau:

“Người ta sống vì mồ vì mả,
Chứ ai sống vì cả bát cơm.”


Tức là ngoài lương thực, thực phẩm nuôi sống con người về mặt thể chất, về phần xác; thì mỗi người đang sống còn phải sống về phần tâm linh nữa, tức giữ cho tròn chữ hiếu với tiền nhân; mà mộ phần cụ thể, khả giác đang nằm đây, giúp ta dễ tưởng nhớ đến các Ngài, hầu được các Ngài phù hộ, độ trì cho trong cuộc sống.

Tảo mộ, sửa sang, chăm sóc mộ phần của các Ngài cũng là thể hiện tình cảm của con người biết hướng về nguồn cội của mình, hướng về tổ tiên, ông bà mình, mà nhờ có các Ngài, mình mới được làm người, mình mới có mặt trên đời. Vì:

“Con người có tổ, có tông,
Như cây có cội, như sông có nguồn”.

Hay:

“Cây có gốc (cội) mới nở cành xanh lá”.
Nước có nguồn mới bể (biển) rộng, sông sâu”

Cây phải có gốc, dưới gốc là rễ cây chìm sâu trong lòng đất để hút các dưỡng chất nuôi cây, cây mới sống và phát triển được. Nước từ nhiều nguồn suối tụ lại chảy thành sông. Nước từ nhiều con sông đổ ra biển. Từ đó mới có biển rộng sông dài!

Cùng với việc tảo mộ, người ta cũng nhân dịp này, thành tâm mời tổ tiên, ông bà chuẩn bị về ăn Tết với con cháu trong gia đình.

Vào trưa ngày cuối cùng của năm cũ (30 hay 29 tháng chạp tuỳ năm), người ta rước các cụ về ăn Tết. Tục còn để vài, ba cây mía dài còn cả ngọn, đặt cạnh bàn thờ trong nhà, để các cụ làm gậy chống, về ăn Tết với gia đình.

Rồi đến mồng 3 hay mồng 4 Tết là bữa tiễn ông bà, cũng là ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Mọi người trong nhà lại trở về với cuộc sống thường ngày. Người xưa tin rằng làm thế vừa để tỏ lòng hiếu thảo với tổ tiên, lại được các cụ phù hộ cho trong năm mới nữa!

Ngoài việc đi tảo mộ vào dịp Tết Nguyên đán, người Việt Nam chúng ta, theo thói tục của người Tàu, cũng đi tảo mộ và ăn Tết Thanh minh vào tháng 3 âl. Đại thi hào Nguyễn Du, trong tác phẩm bất hủ của mình có tên “Đoạn trường tân thanh” tức “Truyện Kiều” đã viết:

“Thanh ninh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ, hội là Đạp thanh”


Tiết Thanh minh là vào tháng 3 âl. Tiết này là một trong 24 tiết trong năm, là một trong 6 tiết thuộc mùa Xuân, tức vào ngày mồng 5, mồng 6 tháng 3 âl. Nhân tiết trời trong sanh (thanh minh) của mùa Xuân, người ta tổ chức đi thăm viếng mồ mả tổ tiên, gọi là tảo mộ. Việc tảo mộ cũng làm tương tự như trong dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, còn có Tết Thanh minh, còn gọi là Tết Hàn thực (đồ ăn nguội).

Truyện kể rằng: Đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tàu gặp loạn phải lưu vong ở nước ngoài; nhờ nhiều hiền sĩ giúp đỡ nên khi trở về, giành lại được ngôi báu, nhà vua đã phong thưởng cho những người đã có công. Nhưng quên mất Giới Tử Thôi, người đã có công giúp vua trong 19 năm trời. Ông này đưa mẹ vào rừng ở ẩn. Vua nhớ ra cho người đi tìm, Giới Tử Thôi cũng không ra. Vua ra lệnh đốt rừng, có ý thúc ép ông ra, nhưng ông vẫn không ra. Hai mẹ con chịu chết cháy trong rừng!

Vua thương tiếc cho lập miếu thờ và ra lệnh: trong dân gian phải kiêng đốt lửa 3 ngày, chỉ ăn đồ nguội đã nấu sẵn, từ mồng 3 đến mồng 5 tháng 3 âl. Tết này gọi là Tết Hàn thực, vì trong các ngày Tết chỉ ăn đồ nguội đã nấu sẵn, để tưởng nhớ đến Giới Tử Thôi!

Tết Hàn thực sang Việt Nam đã được đổi khác. Chúng ta không cấm lửa. Việc nấu nướng vẫn được thực hiện và ăn bánh trôi, bánh chay tượng trưng cho đồ ăn nguội, dùng trong dịp này, để tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ trong gia đình mình, trong dòng họ của mình.

Người Công giáo Việt Nam chúng ta cũng làm theo các lễ tục của dân tộc, cũng làm những gì không trái với đức tin Công gíáo, cũng tảo mộ vào dịp Tết Nguyên đán, cũng ăn Tết Thanh minh, tức là Tết bánh trôi, bánh chay như nhiều người khác. Dịp này chúng ta nhớ đến tổ tiên nguồn cội của gia đình và nghĩ rằng những món ăn dân dã này cũng có một ngày đặc biệt để ăn nó, để dùng nó.

Ngoài ra, chúng ta còn có dịp nhớ đến những người đã khuất cách đặc biệt hằng năm trong suốt tháng 11 và dành cả tháng 11 này để tuởng nhớ đến các Ngài. Chiều tối ngày 1-11 là lễ các Thánh, cũng như một buổi chiều tối nào đó của ngày trước Tết Nguyên đán, cả giáo xứ ra viếng nghĩa trang. Trước đó cũng tảo mộ, tức quét tước, sửa sang phần mộ cho sạch sẽ, tươm tất; rồi đến giờ đã định trước, mọi người quy tụ đông đủ tại đây để cử hành Thánh lễ đặc biệt cầu cho các người đang an nghỉ tại đây. Tại mỗi phần mộ đều thắp nền sáng, thắp nhang và đặt hoa tươi nhiều ít, tuỳ theo gia đình. Thường thì nhang được cắm trên tất cả các ngôi mộ tại đây, dù là mộ người thân hay chỉ là người đồng đạo, mà vì một lý do nào đó, người thân của họ không thể hiện diện.

Thánh lễ được cử hành, cầu cho mọi người đang an nghỉ tại đây chờ ngày phục sinh. Dưới ánh sáng lung linh của những ngọn nến, với khói hương nghi ngút lên cao, lan toả trong không gian. Với lòng thành kính, sốt sắng của những người hiện diện, tạo nên một khung cảnh thật trang trọng, đầm ấm, linh thiêng, tưởng nhớ cầu nguyện cho những người đã khuất bóng. Buổi lễ vừa có tính cách gia đình riêng lẻ; vừa có tính cách chung của cả cộng đoàn những người con Chúa tại địa phương. Việc làm thật tốt đẹp, thật ý nghĩa.

Cả nghĩa trang u buồn, lạnh lẽo của những ngày thường, giờ đây như sống động hẳn lên. Với lời kinh, tiếng hát vang lên. Hàng ngàn ánh nến lung linh chiếu sáng cả vùng nghĩa trang. Từ xa mà nhìn thấy như có hàng ngàn vì sao từ trời sa xuống, hiệp thông với người sống trong lời cầu nguyện, để tưởng nhớ nguời đã ra đi. Đó là Thánh lễ mở đầu, sẽ tiếp tục trong suốt tháng 11. Việc làm này diễn ra trên toàn thế giới, nơi nào có nguời tin Chúa, nơi đó có lễ này.

Ngoài ra, vào ngày giỗ hằng năm của mỗi người thân trong gia đình, người Công giáo cũng có thói quen viếng mộ, dâng Thánh lễ, đọc kinh, cầu nguyện cho các Ngài tại mộ tại nhà, tại nhà thờ nữa.

Vậy mà có người bảo: theo Chúa, theo đạo Chúa là bỏ ông bà! Họ đã nói sai, nói không chính xác. Trái lại, những người theo Chúa thì giữ chữ hiếu, thi hành đạo hiếu đối với ông bà, cha mẹ gấp đôi người thường. Vì trong đạo Chúa dạy phải hiếu thảo với cha mẹ. Đây là lệnh truyền chứ không phải lời khuyên. Mà đã là lệnh truyền thì phải giữ, phải thi hành.

Thạch Vinh

Exit mobile version