Lịch Công giáo Giáo phận Qui Nhơn ngày 14 tháng 11 có ghi: “MỪNG KÍNH TRỌNG THỂ THÁNH GM. STÊPHANÔ THỂ, THÁNH TỬ ĐẠO CỦA GIÁO PHẬN”.
Sở dĩ Giáo phận Qui Nhơn được “đặc ân” mừng kính trọng thể lễ Thánh Gm. Stêphanô Thể vào ngày 14 tháng 11 hằng năm là vì cuộc đời truyền giáo của Ngài phần lớn thời gian sống ở Bình Định và sau cùng “lãnh lấy cái chết chốn ngục tù” tại tỉnh lỵ Bình Định, thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định ngày nay.
1. Thánh Gm. Stêphanô Thể: Thánh TĐVN.
Thánh GM. Stêphanô Thể sinh ngày 08/02/1802 tại Bélieu, Nước Pháp, là con cả trong một gia đình nghèo gồm 11 anh chị em. Nhờ sự giúp đỡ của họ hàng, Ngài được gởi tới trường. Lớn lên cậu vào chủng viện Besancon, và thụ phong linh mục ngày 24/ 09/1825, lúc mới 23 tuổi.
Với ước nguyện truyền giáo, ngày 23/06/1827, Cha Stêphanô Cuénot xin nhập Hội thừa sai Paris và được cử sang Đông Dương. Ngày 15/10/1828, Ngài đến Macao. Ngày 02/05/1829, Ngài có mặt ở chủng viện Lái Thiêu, thuộc Sông Bé, miền Nam Việt Nam.
Hăng say trong việc truyền giáo, ngày 03/05/1835, Ngài được tấn phong Gm. Hiệu Tòa Metellopolis, phụ tá đặc trách Nam Bộ. Cuộc tấn phong diễn ra tại Pénang (Mã Lai). Sau khi tấn phong, Đức Cha Taberd Từ cử Đức Cha mới về Việt Nam. Ngày 31/07/1840, Đức Cha Taberd Từ qua đời tại Calcutta, Ấn Độ. Đức Cha Thể chính thức làm Đại diện Tông tòa Đàng Trong. Năm sau, 1841, Ngài phong cho cha Lefèbre Nghĩa làm Giám mục phụ tá.
Trước sắc chỉ cấm đạo gắt gao của vua Minh Mạng đề ngày 03/10/1839, Đức Cha Stêphanô Thể vẫn tận tụy với chức vụ, duy trì những tổ chức tôn giáo, và cổ võ công cuộc truyền giáo, kể cả cho đồng bào thượng trên vùng Cao nguyên.
Thành quả truyền giáo của Ngài thật lớn lao. Kể từ năm 1842, số người trở lại đạo mỗi năm trung bình là 1000 người. Cũng do sự vận động của Ngài mà Tòa Thánh đã phân chia địa phận Đàng Trong thành hai địa phận: ĐÔNG (Qui Nhơn) và TÂY (Sài Gòn). Tiếp theo đến năm 1850, lại chia làm bốn địa phận: Nam Vang, Sài Gòn, Bắc (Huế) và Qui Nhơn. Từ đây Đức Cha Thể chỉ còn coi địa phận Đông Đàng Trong, tiền thân của Giáo Phận Qui Nhơn ngày nay.
2. Thánh Gm. Stêphanô Thể: Dấn thân truyền giáo nơi đất nước chúng con.
Bị bắt ngày 24/10/1861 tại nhà bà Maria Huỳnh Thị Lưu, (Vĩnh Thạnh- Gò Bồi), Thánh Gm. Stêphanô Thể bị nhốt trong cũi, và bị giải về tỉnh lỵ Bình Định, nay thuộc thị xã An Nhơn. Trong cuộc tra xét, quan tòa hỏi ngài:
• Tại sao ông sang nước tôi?
• Thưa để giảng đạo Thiên Chúa.
• Ông ở đây bao lâu rồi?
• 34 năm.
• Ông đã ở những đâu?
• Thưa trước hết là Bình Định, rồi Phú Yên, Bình Thuận và trở lại Bình Định.
Lời khai này nói lên Bình Định là vùng “đất lành” nên thánh Gm. Stêphanô Thể thường “đậu” lại, để từ đây Ngài chuyên tâm lo công việc truyền giáo và đào tạo hàng giáo sĩ địa phương.
Năm 1835, Đc Taberd Từ truyền chức Giám mục cho Đc Thể tại Pénang (Mã Lai) làm phụ tá và cử tân Giám mục cấp tốc trở về địa phận trong những ngày bách hại khốc liệt. Sự hiện diện của Đức Cha Thể quả là niềm an ủi lớn lao cho các tín hữu.
Đặt TGM tại Gò Thị, Đức Cha thấy mình không thể đi thăm mục vụ hết các họ đạo được, Ngài liền viết thư luân lưu gửi đến khắp nơi để cổ võ tinh thần đạo đức của giáo hữu. Từ nay, tất cả mọi biến cố trong địa phận: những chứng nhân bị bắt giam, những cuộc tử đạo, cho đến những thành quả tông đồ, đều được người cha chung gửi thư khích lệ, ủy lạo và khen ngợi. Nhờ đó các giáo hữu và linh mục thấy thêm can đảm.
Đối với giáo hữu, Đức Cha chủ trương rằng: “Phương pháp tốt nhất để đức tin giáo hữu được vững vàng là đào tạo họ thành những tông đồ truyền giáo”. Thực vậy, nhờ giải thích cho người khác về giáo lý, các giáo hữu ngày càng xác tín hơn về đức tin của mình. Hơn nữa, họ tự thấy nghĩa vụ làm gương cho anh em tân tòng về đời sống đạo và tinh thần can đảm giữ vững đức tin. Với những giáo hữu vì sợ hãi đã xuất giáo, Đức Cha sẵn lòng thay mặt Chúa tha thứ. Nhưng Ngài xin họ nhận môt điều kiện là hứa giúp cho một lương dân theo đạo Công Giáo. Bên cạnh đó, hằng năm Đức Cha làm thống kê báo tin xứ đạo nào có nhiều tân tòng hơn, khiến các xứ thi đua làm việc tông đồ. Cũng phải nói đến lòng can đảm của các nữ tu Mến Thánh Giá. Các chị chia nhau, cứ hai người một, đi hết các làng mạc phát thuốc men cho bệnh nhân, và khi có thể, rửa tội cho trẻ em sắp chết. Nếu năm 1835, khi Đức Cha mới về địa phận, số trẻ em ngoại giáo rửa tội là 133 em, thì năm 1841 là 1.800 em và năm 1843 là 8.273 em. Năm 1844, số trẻ em gia đình Công giáo được rửa tội là 5.056 thì số người lớn trở lại được rửa tội là 1.007
Nhiều giáo hữu sẵn sàng bỏ tiền bạc, công sức nuôi giúp trẻ em những gia đình quá nghèo, chỉ với điều kiện là cho các em gia nhập đạo. Lòng bác ái sâu xa ấy quả là bài giảng hùng hồn về sức sống của Giáo Hội. Nhiều người thiện chí, và đôi khi cha mẹ các em cũng xin trở lại đạo vì những bài giảng sống này.
Một công trình lớn lao khác của Đức Cha Thể là cuộc truyền giáo cho các dân tộc thiểu số Thượng du, đặc biệt là dân tộc Bahnar. Chính Đức Cha cử nhiều đợt người theo dõi, khích lệ và đưa ra những chỉ đạo thích hợp để anh em Thượng nhận được Ánh sáng Tin mừng.
3. Thánh Gm. Stêphanô Thể: Dày công đào tạo các linh mục.
Vị thừa sai trẻ Stêphanô Cuénot được gởi đến Miền Nam Việt Nam ngày 24/07/1829. Trước tiên, Ngài tới Lái Thiêu học thêm tiếng Việt, đồng thời dạy các chủng sinh ở đó. Năm 1833, vua Minh Mạng ra chỉ dụ cấm đạo gắt gao trên toàn quốc. Đc Taberd Từ quyết định đưa các thừa sai di tản qua Thái Lan. Cha Stêphanô Cuénot dẫn theo 15 chủng sinh. Sau đó 1834, Cha đưa các chủng sinh đến ẩn náu tại chủng viện Pénang (Mã Lai). Cha nói: “Bằng mọi giá phải lo cho họ. Như tôi (một thừa sai) chết, người ta có thể gởi người khác thay thế chậm lắm là một năm. Một linh mục, chủng sinh Việt Nam nằm xuống, phải mất hai ba chục năm mới có người thay thế được”.
Khi lên làm Giám Mục, việc Đức Cha bận tâm nhất là sĩ số các linh mục phục vụ. Ngoài hai linh mục đã theo Ngài về từ Thái Lan, năm 1835, Đức Cha truyền chức linh mục cho 10 thầy giảng. Năm sau Ngài xin Hội Thừa Sai Paris được thêm 6 linh mục. Là người sáng suốt nhìn xa trông rộng, Đức Cha cho tái lập hai chủng viện, một ở Huế trao cho Cha Candalh Kim và một ở miền Nam trao cho cha Lefèbre Nghĩa. Đồng thời Đức Cha cũng gọi các nữ tu Mến Thánh Giá trước đây đã phải phân tán về gia đình (250 dì) trở lại sống chung hoạt động trong 18 Nhà phước.
Lợi dụng tình hình lắng dịu, Ngài tổ chức Công đồng Gò Thị (1841) gồm 3 thừa sai và 13 linh mục Việt Nam. Dưới sự điều khiển của Đc Thể, Công đồng đã đưa ra những nguyên tắc sáng suốt để đào tạo một lớp linh mục bản xứ đông đảo và nhiệt thành. Nếu việc mở chủng viện khó khăn, mỗi thừa sai dạy sáu- bảy em dự tu, rồi gởi sang Pénang học 7 năm. Họ sẽ trở về Việt Nam thụ phong linh mục và làm việc mục vụ. Cách tổ chức ấy trong thực tế đã cung cấp cho địa phận Đàng Trong một số khá đông linh mục thông thái và đạo đức. Như trường hợp Thánh Philipphê Phan Văn Minh, thuộc GP. Vĩnh Long, khi hết thời hạn học tại Pénang trở về nước, đã được Đc Stêphanô Thể truyền chức linh mục năm 1840 tại Gia Hựu, Bình Định.
Dù hoàn cảnh khó khăn, Đức Cha vẫn quan tâm đến việc nâng cao kiến thức và nhân đức cho hàng giáo sĩ. Mỗi năm Ngài gởi cho các linh mục những bài học về tín lý và luân lý. Các cha viết bài rồi nạp trong kỳ tĩnh tâm hằng năm. Sau đó, chính Đức Cha đọc, sửa bài và gởi thư nhắc nhở cho từng linh mục.
4. Thánh Gm. Stêphanô Thể: Vui lòng lãnh lấy cái chết chốn ngục tù.
Năm 1861, chiếu chỉ “phân sáp” của vua Tự Đức làm GHVN một phen điêu đứng. Đc Thể đã khuyên các thừa sai trong địa phận di tản vào Sài Gòn, nhưng chính Ngài tình nguyện ở lại. Ngài đưa ra một phương châm bất hủ: “Dù chỉ còn một thừa sai chẳng làm được việc gì ngoài việc đọc kinh thần vụ, thì nguyên việc hiện diện của vị đó đủ để nâng đỡ niềm tin của các tín hữu”.
Từ tháng 10 năm 1861, Đức Cha phải bỏ Gò Thị trốn từ nhà này sang nhà khác. Ngày 24 tháng 10 năm đó, Ngài đang ẩn ở nhà bà Maria Huỳnh Thị Lưu, (Vĩnh Thạnh- Gò Bồi), thì quân lính bao vây nhà bà. Đức Cha và hai chú giúp lễ kịp trốn xuống hầm, nhưng vừa dâng lễ xong chưa kịp cất giấu đồ lễ. Vì chứng cớ ấy mà quân lính thề phá nhà, nếu không tìm thấy Đạo trưởng Tây dương. Mọi người trong nhà đều bị tra tấn, bà Lưu bị đánh đòn 17 roi. Sau hai ngày và một đêm ở dưới hầm, Đức Cha và hai chú giúp lễ đói và khát khô cả cổ. Vả lại vì quân lính chẳng bỏ đi, nếu chưa bắt được Đức Cha, nên Ngài tự ra nộp mình. Vừa thấy Ngài, quân lính xông tới trói tay chân Ngài lại như một con thú. Nhưng viên chỉ huy nhân đạo hơn cho cởi trói và mời Ngài ngồi chiếu nói chuyện với ông ta.
Hôm sau, Đức Cha bị nhốt trong cũi đưa về tỉnh lị Bình Định, nay thuộc thị xã An Nhơn. Hai chú giúp lễ, bà Lưu và hai người lân cận cũng bị mang gông giải đi. Sau này tất cả cùng được tử đạo vào tháng 12-1861 tại Gò Chàm, Bình Định. Bà Lưu vừa cho con bú, vừa ra pháp trường, rồi hôn con lần cuối trao con cho bà ngoại. Tháng 10 năm đó, miền Trung bị lụt lớn, nước ngập đến lưng, nên ngồi trong cũi chật chội, Đức Cha cũng bị ngập nước. Do đó, khi đến nhà giam Bình Định thì Đức Cha lâm trọng bệnh: chứng kiết lị làm sức khỏe Ngài yếu dần. Cơn bệnh khắc nghiệt này chỉ trong vòng ba tuần lễ đã làm Đức Cha kiệt sức và Ngài thở hơi cuối cùng vào đêm 14-11-1861 lúc 59 tuổi, kết thúc 32 năm truyền giáo “bất chấp mọi khó khăn và mọi gian lao thử thách”. Hôm sau ngày Đức Cha qua đời, bản án trảm quyết từ Huế mới đến Bình Định. Thấy Ngài đã từ trần, quan Trấn thủ Bình Định không cho chém nữa, truyền đem đi chôn. Những tín hữu đang bị tù xin phép mua cho Đức Cha một cỗ áo quan xứng đáng, nhưng quan Trấn thủ không chấp thuận. Sau đó, Triều đình Huế lại gởi vào một bản án mới ghi thế này: “Tây dương đạo trưởng Thể đã lẫn lút trong nước ta 40 năm nay, y đã giảng đạo lừa dối dân chúng. Bị bắt và tra hỏi, y đã thú nhận mọi tội lỗi. Lẽ ra phải chém đầu y bêu lên giữa chợ, nhưng vì y đã chết trong tù, Ta truyền phải quăng xác y xuống sông”.
Chiếu theo bản án ấy, quan Trấn Thủ cho đào mộ Đức Cha lên, liệng thi hài Ngài xuống sông.
Mặc dù Đc Stêphanô Thể không thực sự đổ máu vì đức tin, nhưng căn cứ vào bản án và ngàn nỗi truân chuyên chịu vì đạo, GH tôn kính Ngài với tước hiệu “Tử Đạo”
• Ngày 02/05/1909, Đức Thánh Cha Piô X nêu danh Đức Cha Stêphanô Thể đứng đầu danh sách 20 vị TĐVN được suy tôn lên hàng chân phước cùng ngày.
• Và ngày 19/06/1988, tại Đền thánh Phêrô- Rôma, chân phước Stêphanô Thể được phong lên hàng hiển thánh trong số 117 vị Thánh TĐVN.
…………………………
Thân lạy thánh Stêphanô,
Chúng con xin hết lòng tạ ơn Người,
Vì mọi ơn lành Người đã làm cho chúng con.
Xin người tiếp tục cầu cho chúng con,
Biết sống đức tin vững mạnh,
Biết sốt sắng tôn thờ phụng sự Chúa
Và yêu mến tha nhân,
Hầu sau khi trung thành noi gương quảng đại,
Và hi sinh của Người,
Chúng con được cùng Người,
Vui hưởng hạnh phúc muôn đời trên Thiên Đàng. Amen
Lm. Stêphanô Dương Thành Thăm