Lễ phục hồng cho Chúa nhật Gaudete. Nói thêm về âm nhạc ghi âm sẵn.

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.


Hỏi: Con đã luôn thấy rằng linh mục mặc lễ phục hồng cho lễ Chúa Nhật Gaudete, tức Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng. Năm ngoái, vào khoảng thời gian này, cha xứ chúng con thông báo với chúng con rằng sự thực hành này đã bị bỏ và, như vậy, không còn lễ phục hồng và nến hồng trong mùa Vọng nữa (và rằng có một động thái là không còn xem mùa Vọng là mùa sám hối). Nhưng, trông lạ chưa kìa, một linh mục khách đến giáo xứ đã mặc lễ phục hồng vào Chúa Nhật tiếp theo, và, khi được hỏi, ngài nhấn mạnh rằng sự thực hành đó không bao giờ được thay đổi cả. – R. L., Frederick, Maryland, Hoa Kỳ.

Đáp: Bạn đọc của chúng ta từ Maryland (và nhiều người khác) đã đặt câu hỏi về việc sử dụng lễ phục cho các thánh lễ Chúa Nhật Gaudete (trong mùa Vọng) và Chúa Nhật Laetare (Chúa Nhật IV mùa Chay). Các quy chế về việc sử dụng màu lễ phục phụng vụ được tìm thấy trong Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM), số 346.

“Về màu sắc của phẩm phục thánh, nên giữ thói quen truyền thống sau đây:

“a. Màu trắng được dùng trong Thần vụ và Thánh Lễ mùa Phục Sinh và mùa Giáng Sinh, trong các lễ kính Chúa, ngoại trừ cuộc Thương Khó của Người, các lễ kính Ðức Trinh Nữ Maria, các Thiên Thần, các Thánh không tử đạo, lễ trọng kính Các Thánh (1-11), kính Gioan Tẩy Giả (24-6), các lễ kính thánh Gioan Thánh sử (27-12), Ngai Toà Phêrô (22-2), thánh Phaolô trở lại (25-1).

“b. Màu đỏ được dùng trong Chúa Nhật Thương Khó và thứ Sáu Tuần Thánh, Chúa Nhật Hiện Xuống, các cử hành cuộc Thương Khó của Chúa, lễ các Tông Ðồ và Thánh Sử, và lễ các Thánh Tử Ðạo.

“c. Màu xanh dùng trong Thần vụ và Thánh Lễ mùa “Quanh Năm”.

“d. Màu tím dùng trong mùa Vọng và mùa Chay. Có thể dùng trong các nghi thức phụng vụ và Thánh Lễ cầu cho người qua đời.

“e. Màu đen có thể dùng trong lễ cầu cho người qua đời, ở đâu có thói quen này.

“f. Màu hồng có thể dùng trong Chúa Nhật Gaudéte (III Mùa Vọng) và Laetare (IV Mùa Chay), ở đâu có thói quen này” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

“g. Trong các ngày lễ trọng hơn, lễ phục có thể là theo ngày hội, nghĩa là quý giá hơn và có thể là không theo màu của ngày lễ.

“h. Lễ phục vàng hoặc bạc có thể được mặc trong các dịp trang trọng hơn trong các giáo phận của Hoa Kỳ”.

Với quy chế trên, chúng ta có thể bổ sung nhận xét của Huấn thị “Redemptionis Sacramentum”, số 121 và 127.

[121] “Việc dùng các màu khác nhau cho lễ phục phụng vụ nhằm diễn tả cách hiệu quả và rõ ràng đặc tính của các mầu nhiệm đức tin được cử hành, và, do đó, ý nghĩa của đời sống Kitô giáo đang tiến triển qua tiến trình của năm phụng vụ”. Thực ra, sự khác nhau “của các chức năng trong việc cử hành Thánh Thể được biểu hiện bên ngoài bởi sự khác biệt của các lễ phục phục phụng vụ”. Quả nhiên, “các lễ phục đó cũng phải góp phần làm tăng vẻ đẹp của hành động phụng vụ”.

[127.] “Trong các sách phụng vụ, có một năng quyền đặc biệt được ban để, trong những ngày thật trọng thể, sử dụng các lễ phục phụng vụ dành cho các ngày lễ và đặc biệt đẹp, dù chúng không đúng màu sắc của ngày lễ hôm đó. Tuy nhiên, quyền này, liên quan một cách đặc thù đến các lễ phục phụng vụ rất cổ xưa, nhằm bảo toàn di sản của Giáo Hội, lại bị nới rộng một cách quá đáng đến những đổi mới ; do đó, bỏ qua cách làm truyền thống, người ta chấp nhận những hình dáng và màu sắc, căn cứ trên những tiêu chuẩn chủ quan, và như thế là làm yếu đi ý nghĩa của một quy tắc, hại cho truyền thống. Những ngày lễ, các phẩm phục thánh màu vàng hay bạc có thể thay thế, tuỳ lúc, các màu sắc phụng vụ khác nhau, trừ ra màu tím và màu đen” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Từ tất cả các điều trên đây, rõ ràng là thói tục sử dụng lễ phục hồng vào các Chúa Nhật Gaudete và Chúa Nhật Laetare vẫn được duy trì bất cứ khi nào có thể.

Nếu một giáo xứ thiếu lễ phục hồng thì sử dụng lễ phục tím.

Các danh từ Gaudete và Laetare xuất phát từ điệp ca bài nhập lễ truyền thống, hoặc ca nhập lễ, được hát trong các Thánh lễ này.

Cả hai từ ngữ đều có thể được dịch là “hãy vui lên” hay “vui mừng lên” và đề cập đến tầm quan trọng của chủ đề niềm vui Kitô giáo, ngay cả vào giữa mùa sám hối, vốn được phản ánh trong các công thức và các bài đọc của cả hai Thánh lễ này.

Về màu sắc phụng vụ, Hội đồng Giám mục, đặc biệt ở các vùng truyền giáo, có thể xin phép Tòa Thánh cho chọn màu sắc khác, nếu biểu tượng của màu sắc truyền thống bị hiểu nhầm.

Thí dụ ở một số nước châu Á, màu trắng là màu sắc truyền thống của tang lễ, và không có ý nghĩa lễ hội phổ biến trong xã hội phương Tây. Trong các trường hợp như thế, các Giám mục có thể đề xuất màu sắc lễ hội truyền thống của nền văn hoá ở đất nước mình.

Trong khi màu xanh dương không phải là màu sắc phụng vụ chính thức, một số quốc gia, như Tây Ban Nha, và một số đền thờ Đức Mẹ có đặc quyền sử dụng lễ phục màu xanh dương trong các lễ Đức Mẹ, chẳng hạn như lễ Đức Bà Vô Nhiễm Nguyên Tội. Các lễ phục này được may bằng vải màu xanh dượng, chứ không là lễ phục trắng hoặc bạc với đường viền màu xanh hoặc ren rời màu xanh Đức Bà, vốn có thể được sử dụng ở mọi nơi.

Về mặt lịch sử, dường như tất cả các lễ phục là màu trắng cho đến khoảng thế kỷ VII. Khoảng triều đại của Đức Giáo Hoàng Innocent III (qua đời năm 1216), chúng ta có bốn màu chủ đạo (đỏ, trắng, đen và xanh lá cây) và ba màu phụ (màu vàng, hồng và tím). Nhưng một tiêu chuẩn chung cho việc sử dụng các màu khác nhau chỉ được tìm thấy vào khoảng năm 1550, khi sự sử dụng hiện nay trở thành tiêu chuẩn.

Như huấn thị “Redemptionis Sacramentum”, số 121, nói ở trên, mục đích của việc sử dụng màu sắc khác nhau là để diễn tả đặc tính cụ thể của các mầu nhiệm khác nhau. Việc sử dụng các màu sắc đa dạng vừa có tính sư phạm và tính biểu tượng của các lễ phụng vụ khác nhau và các mùa khác nhau.

Vì vậy, màu trắng, biểu tượng của ánh sáng và sự thanh khiết, và màu vàng và màu bạc là màu sắc lễ hội. Màu đỏ thể hiện lửa của Chúa Thánh Thần và máu của cuộc Thương Khó và sự tử đạo. Màu xanh lá cây là màu biểu tượng của hy vọng và sự thanh thản.

Màu tím, nhắc nhớ lại sự u sầu và sám hối, cũng đã thay thế phần lớn màu đen cho lễ tang, mặc dù màu đen vẫn có thể được sử dụng. Màu hồng, không bao giờ được sử dụng thường xuyên, phục vụ như một sự nhắc nhở, bằng cách sử dụng một màu khác thường, rằng chúng ta đang ở giữa mùa sám hối.

Sau đây, liên quan đến bài trả lời của chúng tôi về việc sử dụng âm nhạc ghi âm trước (ngày 23-11), một độc giả từ Đài Loan đã hỏi về tính hợp pháp của việc nhạc thu âm sẵn đệm cho ca đoàn hát, vốn là một khả năng được cung cấp bởi nhiều đàn phong cầm hiện đại.

Đồng thời, một bạn đọc ở Wisconsin nhắc nhở tôi về huấn thị năm 1958 “De Musica Sacra” (Thánh nhạc) do Bộ Phượng tự ban hành, vốn nêu rõ: “Cuối cùng, chỉ các nhạc cụ được chơi bởi hành động cá nhân của nghệ sĩ mới có thể được nhận vào phụng vụ thánh, chứ không phải các nhạc cụ hoạt động cách tự động hay máy móc”.

Đáp: Tài liệu này đi sau thông điệp năm 1955 của Đức Giáo Hoàng Piô XII, “Musicae Sacrae” (thánh nhạc), trong đó Ngài nhấn mạnh rằng nhạc phụng vụ là “nghệ thuật thật sự”, nếu nó là một hành động thờ phượng và ngợi khen Thiên Chúa.

Mặc dù các tài liệu này ra đời trước Công đồng chung Vatican II, nhưng hầu như không có gì trong các văn kiện công đồng hoặc hậu công đồng, có thể mâu thuẫn với các nguyên tắc đã được nêu ra, hoặc làm mất hiệu lực giá trị qui phạm tổng quát của chúng.

Thật vậy, việc Công đồng nhấn mạnh, rằng dàn hợp xướng và các nhạc công tạo thành một phần của cộng đoàn phụng vụ, còn củng cố giả định chống lại việc sử dụng âm nhạc cơ học.

Có thể có trường hợp ngoại lệ, như chúng ta đã thấy trong các Thánh Lễ dành cho trẻ em, nhưng bất kỳ sự cho phép chung nào để sử dụng nhạc được ghi sẵn, hoặc âm nhạc tự động hoạt động, sẽ đòi hỏi sự chấp thuận rõ ràng của Giám mục liên quan hoặc Hội đồng Giám mục.

Theo các tài liệu trên, tốt hơn là nên hát mà không có âm nhạc đệm kèm, chứ không nên hát với tiếng đàn nhân tạo.

Một bạn đọc Nigeria hỏi, do thiếu giáo dân học âm nhạc có bài bản, liệu có thể thuê mướn các nhạc công chuyên nghiệp chơi phong cầm hoặc các nhạc cụ khác, dù họ không phải là người Công Giáo.

Đáp: Việc các nhạc công được thuê mướn là thực sự khá phổ biến, đặc biệt là trong nhà thờ chính tòa và nhà thờ lớn.

Tuy nhiên, nguyên tắc là, mặc dù đã được trả tiền, các nhạc công nên là thành phần của cộng đoàn, và do đó phải là người Công Giáo sống đạo tốt.

Có thể có các hoàn cảnh khi điều này là không thể thực hiện được, và một giáo xứ phải nhờ đến sự phục vụ của các nhạc công không phải là Công Giáo, để hỗ trợ sự tham gia phụng vụ của các tín hữu.

Trong các trường hợp như vậy, phải cẩn thận để đảm bảo rằng nhạc công hiểu được bản chất thánh thiêng của âm nhạc, và để tránh các sáng tạo âm nhạc và các yếu tố khác, vốn gây ra các buổi trình tấu âm nhạc công cộng.

Tiêu chí cuối này, không cần phải nói, cũng có giá trị cho các nhạc công Công Giáo.

Họ cũng nên luôn có vai trò hỗ trợ đối với ca đoàn và phần còn lại của cộng đoàn. Vì mục đích của âm nhạc phụng vụ tốt là thúc đẩy sự tham gia tích cực của cộng đoàn, đôi khi thông qua việc tham gia vào bài hát, và đôi khi qua việc lắng nghe âm nhạc trong chiêm niệm, trong khi kết hiệp tâm trí và linh hồn với Thiên Chúa.

Theo như tôi biết, không có tài liệu chính thức nào gần đây cấm mời các nhạc công không phải Công Giáo trong các trường hợp nêu trên, hoặc trong các dịp rất đặc biệt, với điều kiện việc sử dụng được giới hạn. và âm nhạc được chơi thực sự là Công Giáo.

Năm 1988, tôi nhớ đã tham dự một Thánh Lễ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, do Đức Hồng Y Joseph Ratzinger chủ sự, nhưng có sự tham dự của Đức Thánh Cha, trong đó cộng đoàn người Đức ở Rôma tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm triều đại giáo hoàng với một Thánh Lễ tạ ơn, cùng với một dàn nhạc lớn của Đức và ca đoàn hát bộ lễ “Missa Solemnis” của Beethoven.

Chắc chắn không phải tất cả các nhạc công đều là Công Giáo, nhưng Thánh Lễ và Âm nhạc hôm đó chắc chắn là Công Giáo.

Nguyễn Trọng Đa

Exit mobile version