Lễ ngày thường nên dài bao nhiêu phút?

mass - Lễ ngày thường nên dài bao nhiêu phút?

Hỏi: Một linh mục mới được bổ nhiệm về giáo xứ chúng con cách đây một năm. Cha Kevin (không phải tên thật) là một con người chỉnh tề, lịch sự, chu đáo, được đón nhận tốt bởi phần lớn giáo dân giáo xứ. Ngài nói rõ ràng khi ở gian giữa nhà thờ hoặc trong phòng thánh. Tuy nhiên, trong các ngày trong tuần, ngài nói nhanh dần khi cử hành Thánh lễ. Nhiều người cao tuổi của chúng con không hiểu bài giảng của ngài, vì ngài nói nhanh quá. Thánh lễ bình thường dài 30 phút rút ngắn còn 20 phút là tối đa. Ngài tạo ra ấn tượng “Hãy làm cho xong đi!”. Nhiều người đã nói chuyện với ngài về điều này, nhưng không có kết quả. Thưa cha, liệu có quy định nào hướng dẫn các linh mục trong việc cử hành thánh lễ không? – L. B., Ontario, Canada.

Đáp: Hình như không có luật nào xác định Thánh lễ cần dài bao lâu, mặc dầu có tập tục lâu đời rằng Thánh lễ ngày trong tuần phải mất khoảng 30 phút. Các thần học gia luân lý cổ điển, như Thánh Anphong Maria de Liguori (1696-1787), có ý kiến rằng Thánh lễ nên kéo dài như thế (30 phút), và rằng việc cử hành Thánh lễ chưa tới 15 phút có thể cấu thành một tội trọng.

Đúng là các ý kiến này đặc biệt đề cập tới hình thức ngoại thường, vốn luôn sử dụng Lễ Quy Rôma, và có các lời nguyện dài khác không hiện diện trong nghi thức hiện nay. Tuy nhiên, tôi tin rằng hình thức thông thường cũng có một số yếu tố mới, không có trong hình thức cũ, vốn làm cho Thánh Lễ ngày thường có một thời lượng bằng nhau, hay từ 25 đến 35 phút, nếu được cử hành với tất cả lòng nhiệt thành và tôn trọng chữ đỏ.

Một số yếu tố này là tùy chọn cho các ngày trong tuần; thí dụ, trong thời thánh Anphong, bài giảng thường được bỏ qua trong Thánh Lễ. Hiện nay, ở nhiều nơi có một bài giảng ngắn gọn, cả vào các ngày thường trong tuần. Các yếu tố tùy chọn khác,vốn là mới hoặc được khôi phục từ thời cổ xưa, là lời nguyện tín hữu và việc chúc bình an.

Trong khi phần lớn của hình thức ngoại thường được cử hành một cách thầm lặng, hình thức thông thường đề nghị nhiều lần nghỉ ngắn để mọi người cầu nguyện thinh lặng, chẳng hạn sau phần mời gọi nghi thức sám hối, sau câu “Chúng ta hãy cầu nguyện” của lời nguyện đầu lễ, sau bài Tin Mừng hay bài giảng, và sau khi Rước lễ trước lời nguyện cuối lễ. Hình thức thông thường cũng đề nghị ca hát nhiều hơn, cả cho Thánh Lễ ngày trong tuần, đặc biệt là câu Alleluia và một số phần riêng khác, như bài ‘Thánh Thánh Thánh’ (Sanctus).

Các thay đổi trong các bài đọc hàng ngày – có ngày, bài khá ngắn, có ngày, bài khá dài – có thể thay đổi thời lượng của Thánh Lễ. Trường hợp đáng chú ý nhất là bài đọc dài từ sách Daniel 13 về vụ xử bà Susanna vào ngày thứ hai của tuần thứ năm Mùa Chay.

Việc chọn Kinh Nguyện Thánh Thể có thể tạo sự khác biệt nào đó cho thời lượng của Thánh lễ, nhưng có lẽ ít được nghĩ tới. Một Đức Hồng Y đáng kính, mà tôi quen biết, thích dùng Lễ Quy Rôma hàng ngày, và ngài cho biết việc này không dài quá bốn phút cho Thánh Lễ so với Kinh nguyện Thánh Thể II. Hình thức thông thường có một chữ đỏ, nói rằng lời truyền phép phải được phát âm “rõ ràng và minh bạch, như bản chất của các lời này đòi hỏi”. Nỗ lực này một cách tự nhiên bao hàm sự làm chậm lại nhịp điệu.

Cho đến thời gian tương đối gần đây, việc giáo dân Rước lễ thường không được thực hiện trong chính Thánh lễ. Hiện nay, giáo dân có thói quen rước lễ ngày thường, nên số lượng người Rước lễ ảnh hưởng đến thời lượng của Thánh lễ.

Việc nhận thức đầy đủ của linh mục về tầm quan trọng trung tâm của Thánh lễ cũng là thiết yếu cho việc cẩn thận trong việc cử hành các nghi thức. Do đó, Huấn thị Redemptionis Sacramentum (Bí tích Cứu độ) khuyên các linh mục bằng nhiều cách để cử hành Thánh lễ với sự cẩn thận và chăm chú. Xin mời đọc:

“30. “Trong việc cử hành thánh lễ”, trách nhiệm nặng nề thuộc về “các linh mục cách riêng, vì các ngài phải chủ toạ in persona Christi (trong tư cách của Đức Kitô), trách nhiệm làm chứng và phục vụ cho sự hiệp thông không chỉ của cộng đoàn đang tham dự trực tiếp vào buổi cử hành, nhưng còn của Giáo Hội hoàn vũ, vốn là thành phần của mọi cử hành Phép Thánh Thể. Phải lấy làm tiếc, nhất là từ những năm sau cuộc cải tổ phụng vụ hậu-công-đồng, vì nhận thức lệch lạc về tính sáng tạo và thích nghi, mà đã có một số lạm dụng gây nên đau khổ cho nhiều người”.

“31. Theo lời cam kết trong nghi lễ Truyền Chức Thánh và hằng năm được lặp lại trong Lễ Dầu, các linh mục phải cử hành “cách sốt sắng và trung thành các mầu nhiệm của Đức Kitô, đặc biệt nhất là trong Hy Tế Thánh Thể và bí tích hoà giải, theo truyền thống của Giáo Hội, để ca tụng Thiên Chúa và thánh hoá dân kitô-hữu”. Như thế, các ngài không được làm cạn đi ý nghĩa sâu sắc của sứ vụ đặc thù của mình, mà làm biến dạng một cách tuỳ tiện việc cử hành phụng vụ bằng những thay đổi, những bỏ sót hay những phần thêm thắt. Quả nhiên, như lời thánh Ambrôsiô : “Giáo Hội không bị thương tổn nơi mình, [….] nhưng nơi chúng ta. Vậy, chúng ta hãy coi chừng đừng làm Giáo Hội bị thương tổn do lỗi của chúng ta”. Vậy, phải ân cần đừng để Giáo Hội của Thiên Chúa bị các linh mục làm tổn thương, các ngài là những người đã tự hiến chính mình cho sứ vụ một cách trọng thể như thế. Trái lại, các ngài phải ân cần theo dõi một cách trung thành, dưới quyền của Giám mục, đừng để những người khác mắc phạm những hành động như thế làm biến dạng phụng vụ.

“32. “Cha quản xứ cố gắng để Phép Thánh Thể Chí Thánh trở nên trung tâm của cộng đoàn giáo xứ ; ngài cố gắng làm cho tín hữu được hướng dẫn và nuôi dưỡng nhờ việc cử hành sốt sắng các bí tích và đặc biệt họ thường xuyên lãnh nhận Thánh Thể và bí tích thống hối ; ngài cũng hãy cố gắng hướng dẫn các tín hữu biết cầu nguyện, kể cả việc cầu nguyện trong gia đình, và biết tham dự cách ý thức và tích cực vào Phụng Vụ thánh mà, chính ngài với tư cách là quản xứ, dưới quyền của Giám mục giáo phận, phải lo điều hành trong giáo xứ mình và phải theo dõi đừng để xảy ra những lạm dụng”. Để chuẩn bị một cách thoả đáng các cử hành phụng vụ, đặc biệt là Thánh Lễ, cha quản xứ nên nhờ nhiều tín hữu khác giúp mình ; tuy nhiên, không một trường hợp nào ngài được nhường cho họ những gì thuộc riêng phần sứ vụ của ngài về mặt phụng vụ.

“33. Sau hết, tất cả “các linh mục phải chăm lo trau dồi kiến thức và nghệ thuật phụng vụ, để nhờ việc các ngài thi hành phụng vụ mà những cộng đoàn kitô-hữu được trao phó cho các ngài biết ca ngợi Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần mỗi ngày một hoàn hảo hơn”. Nhất là, các ngài phải thấm nhuần những tâm tình khâm phục và kinh ngạc, mà mầu nhiệm vượt qua, cử hành trong Thánh Thể, làm nảy sinh trong lòng các tín hữu” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Tương tự như vậy, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, trong số 23 của Tông huấn Sacramentum Caritatis (Bí tích Tình yêu), cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò của linh mục trong cử hành Thánh lễ:

“Vì thế buộc các linh mục phải ý thức rằng, trong tất cả thừa tác vụ của mình, không bao giờ được tự xem mình hay ý kiến của mình đứng hàng đầu, nhưng phải là chính Đức Giêsu Kitô. Mỗi cố gắng làm cho mình trở thành chủ chốt của hành vi phượng tự đều đi ngược với căn tính của linh mục. Vị chủ tế trước tiên phải là người phục vụ và phải luôn cố gắng trở thành dấu chỉ và khí cụ được Đức Kitô sử dụng, để luôn hướng về Người. Điều này chỉ được biểu lộ rõ ràng trong sự khiêm tốn khi cử hành phụng vụ, vâng theo các nghi thức, tập trung tâm tình và trí tuệ vào nghi thức, cố gắng loại bỏ tất cả những gì tạo ra cảm tưởng đó là sáng kiến cá nhân. Vì thế tôi khuyên hàng giáo sĩ phải ý thức sâu xa rằng thừa tác vụ Bí tích Thánh Thể là một phục vụ thật khiêm tốn dành cho Đức Giêsu Kitô và cho Hội Thánh của Người. Như thánh Augustinô nói, chức tư tế là thừa tác vụ của tình yêu (amoris officium) ; đó là thừa tác vụ của vị mục tử nhân lành, dám hiến mạng sống mình vì đàn chiên (Ga 10,14-15)” (Bản dịch Việt ngữ của Ủy Ban Giáo lý Đức tin thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Do đó, khi tất cả các yếu tố này được quan tâm tới, tôi có thể nói rằng thời lượng truyền thống vào khoảng nửa giờ cho Thánh Lễ hàng ngày vẫn là một hướng dẫn hợp lệ.

Ngoài sự nhiệt tình cá nhân của mình, một linh mục cần quan tâm đến các cứu xét mục vụ, khi xác định liệu mình nên cử hành Thánh lễ lâu hơn hoặc ngắn hơn. Một thí dụ là khi cử hành một Thánh lễ ban trưa ngắn hơn trong thành phố, nơi mà người ta phải hy sinh phần lớn giờ ăn trưa để tham dự Thánh lễ ngày thường; một thí dụ khác là cử hành Thánh lễ lâu hơn lúc 9g sáng ở một vùng ngoại ô, nơi mà các tín hữu có thể ít bị áp lực bởi các hạn chế thời gian, và sẽ hưởng lợi từ một bài giảng lễ chu đáo.

Cuối cùng, điều quan trọng là phải phát âm rõ ràng, không chỉ là bài giảng, mà còn mọi bản văn phụng vụ. Một bài giảng, mà người nghe không hiểu, là thất bại ở mức độ cơ bản nhất, vì không chuyển giao được sứ điệp, mà bài giảng đang tìm cách để chuyển giao. (Zenit.org 20-10-2015)

(Nguyễn Trọng Đa, VCN 20.10.2015)

Exit mobile version