Lẽ nào… dao còn đâm lén sau lưng?

1. Vị đáng kính coi tớ thân quen như con cháu, quen từ thời đi viết báo làm mâm cơm gia đình, mời tớ đến ăn… bánh xèo, ‘cục ly’.

Trong bữa ăn gia đình thân quen ấy, vị đáng kính giới thiệu viên Đại tá- đảng viên tiến sĩ đang giảng dạy, hiện là trưởng khoa một đại học trên Sài Gòn.

Khi giới thiệu tớ là Linh mục bên Đạo, viên Đại tá tỏ ra quý mến, trọng thị cách đặc biệt. Bất ngờ nhất, viên Đại tá dùng ngôn ngữ nhà Đạo ‘cha- con’.

Trong bữa ăn thân quen này, tớ chỉ hàng tép riu xét mặt tuổi tác, xét ‘địa vị’ ngoài đời. Đáp lại tớ gọi ‘Thầy xưng em’; còn vị cao niên đáng kính như bậc cha chú, đương nhiên tớ ‘xưng con’.

Qua câu chuyện, tớ biết viên Đại tá đảng viên rất có cảm tình với Đạo, đã từng giúp đỡ nhà Đạo trong việc xây dựng công trình tôn giáo (nhờ Đại tá ra tay, Nhà thờ tránh gặp những nhũng nhiêu, quan liêu của ‘đầy tớ’ vốn chuyện thường ngày…)

Đại tá đảng viên có ý theo Đạo, sẽ theo Đạo khi nghỉ hưu và nghỉ dạy.

….

Nhớ lại thời giúp xứ Cha cố đáng kính.

Trong những bữa cơm Cha- con, ngài cũng từng kể về một quan lớn đệ nhất- đệ nhị cấp xã, rất quý mến Đạo, sẵn sàng cho con lập Gia đình bên Đạo, theo Đạo…

Bản thân rất muốn theo Đạo nhưng hứa khi nào về hưu sẽ theo. Vị quan này dặn con cháu, khi gặp nguy tử nhớ mời Linh mục đến… Rửa tội.

2. Bữa nọ về thăm ‘sư phụ’, trưởng nhánh môn phái Thiếu Lâm, đang chủ trì Ngôi chùa. (Tớ đã nhập môn, được coi như môn sinh dẫu việc học võ tớ thuộc dạng ‘ba bảy 21 ngày’). Trong câu chuyện, tớ có hỏi thăm về một ‘sư huynh’ công an, trình võ hồng đai, từng thay mặt sư phụ tập luyện cho hàng ‘đàn em’ mới nhập nhọe như chúng tớ… Tớ ấn tượng sự nhiệt tâm, chân tình của ‘sư huynh’ này, rất thích ngành công an đang theo.

Sư phụ cho biết, anh lấy vợ bên Đạo, theo Đạo và thôi làm bên công an rồi.

Tại sao theo Đạo- môi trường tốt để rèn luyện nên người tử tế, sống có trách nhiệm mà xã hội ‘có lương tri’ nào cũng cần, xã hội ta hiện đang rất khẩn cần… phải nghỉ bên công an ?

Phải chăng ngành an ninh đang ‘tai tiếng’ nhiều mặt, lạm quyền… đáng nói trong việc tôn trọng quyền con người theo Công ước quốc tế đã được Việt Nam ký nhận, phải chăng vì thiếu Đạo trong ngành ?!.

3. Câu chuyện tớ nghe…

Nhân vật trong câu truyện tớ biết, thậm chí sắc độ ‘thân thân’, đã hơn một lần tiếp xúc.

Anh là con nhà nòi Cách mạng. Lý lịch hồng như thế, việc thăng tiến lên cao, tiếp cao là lẽ thường trong xã hội ‘hồng hơn chuyên’.

Anh lại có học chuyên ngành, học tốt, là Bạn thân đồng lớp với một Cha có địa vị trong Giáo phận.

Nghĩa là anh có đủ cả hồng cả chuyên. Việc anh thăng quan, ‘bọn thù địch’ hay đám dư luận viên dù có ‘xấu miệng’ thế nào cũng… tâm phục khẩu phục.

Nhưng sao Anh vẫn không được thăng tiến, vẫn mãi lẹt tẹt chức quan xã tầm thấp ?.

Có người lý giải: Anh cứ mãi dậm chân tại chỗ trong khi lắm người thiếu hồng chẳng chuyên như Anh cứ lên chức ‘đúng quy trình’ ào ào, bởi Anh dám lấy vợ bên Đạo, lại theo Đạo.

Thiên Chúa nguồn cội Chân- Thiện- Mỹ, việc tin theo Đấng Tuyệt vời ấy nhẽ ra phải khích lệ nếu muốn xã hội ‘gắng làm người tử tế’, văn minh thăng tiến, phẩm giá làm người được tôn trọng…

Nhẽ nào…

Với tớ, Anh đáng là ‘sư phụ’ cho tớ về sống Lời Chúa: ‘Được lời lãi cả thế gian mà mất phần Linh hồn thì ích lợi gì

4. Tớ mới được Cha quản hạt giao nhiệm vụ phụ trách giới Thầy Thuốc trong hạt.

Gia đình Giáo phận tạo được truyền thống tốt đẹp: Có tổ chức Tĩnh tâm mùa Chay Thánh cho riêng giới Thầy thuốc Giáo phận, thường niên.

Năm nay Cha phụ trách giới Thầy thuốc cấp Giáo phận chọn được ngày đẹp cho giới Tĩnh tâm (Chúa Nhật 25.02), mừng nhiều sự kiện trong một ngày: Vừa Tĩnh tâm vừa Mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.02); vừa đốt Tết (mùng 10 tết).

Trước mắt, tớ gởi hơn 20 giấy mời. Trong giấy mời có ghi chú riêng: nếu đi xe chung xin báo để tiện tổ chức (biết giáo hạt tớ ở xa, để tiện nên tổ chức đi xe chung)

Kết cục chỉ một người đi có cửa tiệm đông y độc lập (đành để họ đi xe riêng)…

Bữa nọ gặp Cha xứ đáng kính giáo xứ T. hỏi sao không thấy ‘thầy thuốc’ của xứ đi.

Ngài giải thích: Có người vào trình bày thẳng cha xứ, năm nào cũng nhận được thiệp mời, nhưng không dám đi. Đi về sợ nơi đang công tác gây khó khăn…

….

*. Tạm kết:

Khi đã ‘giác ngộ’ Chân Đạo, sao không theo ngay mà phải đợi đến ‘về già’ lúc không còn địa vị, chỗ đứng trong xã hội?

Tại sao theo Đạo thì trở nên ‘đối tượng’ nhạy cảm trong việc thăng tiến xã hội với tư cách làm ‘đầy tớ’ chủ Dân ?

(Có lần, vị ‘đầy tớ’ đảng viên nọ chân tình, trong cơ cấu ‘đúng quy trình’, đấy tớ thuộc diện lãnh đạo dẫu chỉ cấp huyện đã rất hiếm người có Đạo)

Ngay từ đầu, Hiến pháp đã quy định tín ngưỡng- Tôn giáo được đảm bảo tự do. Luật tự do Tín ngưỡng, Tôn giáo- mới có hiệu lực (2018) dẫu con nhiều hạn chế, dẫu còn mang tính đối phó, dẫu quá trễ… song vẫn có những điểm tích cực…

Nhưng thực tế thì…

Tớ lại nhớ đến ‘Bánh vẽ’ của nhà thơ nào đó ‘thấm nhuần ánh sáng cách mạng’ nói về thực trạng gian dối- sợ hãi Sự thật trong xã hội chuyên chế vô sản[1].

Nhân loại đã bước gần hết thập kỷ thứ hai thế kỷ 21, nhẽ nào ‘Bánh vẽ’ vẫn là thực tại xâm hại quyền con người theo Công ước quốc tế mà VN đã ký ước, theo hiến pháp- pháp luật của chính mình ?

Tớ lại nhớ lời đầy tớ nào đó nói trên nghị trường: Ta có cả rừng luật nhưng toàn dùng luật rừng.

Tớ lại nhớ vị cựu Thủ tướng mới qua đời- Phan Văn Khải đã từng tuyên bố ‘muốn nghe nói thẳng, nói thật[2]

Lm. Đaminh Hương Quất

—————-

[1]Bài thơ ‘Bánh Vẽ’

Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp.
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối

Ðêm vui
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc…
Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi,
Họ cũng ngồi thôiNhai ngồm ngoàm…
(Chế Lan Viên, 8-1991).

x. vi.wikipedia.org


[2] x. nld.com.vn

Exit mobile version